Tạp chí Sông Hương - Số 215 (tháng 1)
Hoang thai(1) - tiểu thuyết đương đại
10:20 | 11/11/2008
HOÀNG VĂN Đọc Hoang thai ta có thể hình dung ra xã hội Ba Lan đương đại và những vấn đề nẩy sinh trong xã hội này.
Hoang thai(1) - tiểu thuyết đương đại


Câu chuyện bắt đầu vào đêm đầu tiên của thiên niên kỉ mới. Trung tâm của tiểu thuyết là gia đình của đôi vợ chồng ở tuổi trung niên: Teresa và Jan, tại một thị trấn nghèo ở phía nam Ba Lan. Ewa, cô con gái đầu lòng 19 tuổi của họ ao ước được lên thành phố lớn, thoát khỏi phố nghèo tỉnh lẻ, mơ về một mối tình có thể đổi đời mình, như trong phim Mỹ. Đó cũng là động lực dẫn đến hành động ngây thơ, nhẹ dạ, gây hậu quả, lái cuộc đời của cô gái đi theo chiều hướng không lường trước. Sau phút ngộ nhận trong đêm giao thừa, Ewa đã leo lên chiếc Renault xanh của ba chàng trai không quen biết và đi theo họ. Hậu quả là cô gái bị cưỡng dâm trên xe, rồi cô mang thai mà không biết đích thực bố thai nhi là ai? Bất chấp ý mẹ, sẵn sàng đối mặt với thách thức mới, dám chịu trách nhiệm, Ewa quyết định không loại bỏ thai nhi, trái lại, coi đó là cái của riêng mình, để hàng ngày trò chuyện. Và thế là một cuộc đối thoại với thai, thực chất là cuộc độc thoại của Ewa bắt đầu. Ewa phát hiện ra một thế giới mới quanh mình và cùng Thai đi tìm hiểu thế giới này, tìm câu trả lời cho mình, cho Thai, thực chất là cho tuổi trẻ đương đại. Thai nhi như trang nhật kí sống động, thai nhi lại như lương tâm, mục đích sống của Ewa. Ba lần lặn lội đi tìm người cha của đứa bé cho thấy tính cách, cái tâm và cái tình của Ewa đối với Về phần mình, Thai đã làm thay đổi cuộc đời và quan niệm sống của Ewa. Chả thế mà cô thổ lộ: “Bây giờ ta hiểu, ta không thể sống thiếu mi được nữa. Nhờ có mi mà ta vỡ ra rằng, không thể sống cho qua ngày đoạn tháng, mà tất cả phải hướng tới một cái đích nào đó. Ta và mi, chúng ta hướng tới nhau... Ta cần mi, mi đã làm thay đổi đời ta, vậy có lẽ đó là tình yêu chứ còn gì?

Tiểu thuyết viết về sự hình thành ý thức của một cô gái, phản ánh tâm lý của giới trẻ muốn rời bỏ tỉnh lẻ lên các thành phố lớn. Nhiều yếu tố bất ngờ, gây cấn, đa chiều, đề cập những vấn đề gần gũi với đời sống của chúng ta, những vấn đề hầu như đều có thể có, trong mỗi gia đình, mỗi con người, mỗi làng quê, thị thành. Tiểu thuyết cũng chỉ ra những bất cập, những bức xúc của cuộc sống hiện đại và kinh tế thị trường vốn vẫn còn mới mẻ với người Ba Lan. Những người đọc là ông, là bà, là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con trai, là con gái đều có thể suy ngẫm sau khi đọc cuốn tiểu thuyết này. Hoang thai đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tự trả lời câu hỏi: Chỗ đứng của chúng ta trong thế giới này là ở đâu? Hoang thai cho chúng ta thấy: Hạnh phúc không xa lạ, hạnh phúc nằm ngay trong tầm tay chúng ta, vấn đề là phải nhận biết và nắm bắt nó. Thế giới không hề xấu và không thể xấu, bởi rốt cuộc, thế giới chính là chúng ta. Mỗi gia đình chúng ta chính là một thế giới thu nhỏ. Đặc biệt, Hoang thai còn là bức thông điệp dành riêng cho các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ ở tuổi mười tám, đôi mươi, cần nhìn nhận thế giới một cách tích cực, phải thực tế, hai chân luôn luôn phải đạp đất mỗi khi kì vọng điều gì, không nên viển vông, ảo tưởng để tránh phải trả giá khôn lường. Mặt khác cũng phải biết đương đầu, đối mặt với những thử thách, cam go trong đời để vươn lên.

Tiểu thuyết Hoang thai được viết theo lối đồng hiện, quá khứ và hiện tại liên tục đan xen. Những lời thổ lộ có tính tổng quan sau mỗi chương với những áng văn đẹp, giàu nội tâm, đem lại cho người đọc những cảm xúc sâu lắng, để lại những dấu ấn khó quên. Cũng cần nhấn mạnh tính cập nhật của tác phẩm. Rất nhiều tình tiết của tiểu thuyết mang tính thời sự, là những vấn đề của cuộc sống đương đại, “nóng hổi như khoai tây vừa nướng”. Ewa và thai chính là đời. Thực tế văn học này chính là thế giới, nơi chúng ta đang sống. Những thủ pháp của tác giả như đặc tả, hồi tưởng, tái hiện, cổ tích hoá, thần thoại hoá, kinh dị hoá, sự mờ chồng của điện ảnh, những trang văn đẹp miêu tả cánh rừng, làng quê, hồ nước, đồng cỏ với những vị thần rừng huyền thoại, sự tinh tế, rất nhiều triết lý bác học của nhà văn... được dịch giả chuyển ngữ một cách uyển chuyển, sinh động. Kết thúc có phần bí ẩn, Hoang thai khiến người đọc vẫn còn bị ám ảnh sau khi gập cuốn sách lại.

Tiểu thuyết best-seller Hoang thai được tặng Giải thưởng Witryna 2003, giành danh hiệu Cuốn sách số một trong năm thuộc loại sự kiện xuất bản và được chọn đưa vào Tủ sách dành cho tuổi trẻ học đường. Đọc Hoang thai người đọc Việt lại được thưởng thức thêm một tài năng nữa của văn học Ba Lan, một nền văn học có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel(2).
            H.V

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 




-------------------------
(1) Tác giả Dorota Terakowska, dịch giả Lê Bá Thự, Nhà xuất bản Phụ nữ, quý 4 năm 2006.
(2) Các nhà văn: Henryk Sienkiewicz (Nobel 1905), Wladyslaw Reymont (Nobel 1924); các nhà thơ: Czeslaw Milosz (Nobel 1980), Wislawa Szymborska (Nobel 1996) (ND).

Các bài mới
Miền vĩnh phúc (12/11/2008)