Tạp chí Sông Hương - Số 215 (tháng 1)
Hành trình phê bình của Phan Cự Đệ
15:51 | 11/11/2008
NGUYỄN THÀNHLịch sử phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu bởi nhiều khuynh hướng phê bình hiện đại: phê bình ấn tượng, phê bình phân tâm học, phê bình xã hội học, phê bình mác xít, phê bình thi pháp học...
Hành trình phê bình của Phan Cự Đệ

Tuy không hình thành các trường phái, nhưng ít nhiều trong mỗi một cây bút phê bình chuyên nghiệp đều có ý thức về khuynh hướng phê bình (chủ đạo) của mình. Mỗi khuynh hướng chọn một phương pháp phê bình trung tâm, và do vậy nó có những lợi thế riêng. Tuy vậy, hiệu quả của công việc còn tùy thuộc vào sự phù hợp giữa phương pháp và đối tượng. Riêng về khuynh hướng phê bình mác xít, Phan Cự Đệ là một trong những cây bút tiêu biểu. Tuyển tập Phan Cự Đệ là một minh chứng về điều đó. Tuyển tập Phan Cự Đệ (3 tập, với hơn 2000 trang in, khổ 16 x 24) (*) là sự tập hợp gần trọn một đời cầm bút của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học tâm huyết, một nhà giáo mẫu mực.
Phê bình mác-xít ở nước ta được xác lập từ những bài viết của Hải Triều trước tháng 8/1945, đặc biệt là qua cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh” (1935 - 1939). Sau đó, nó trở thành một phương pháp phê bình chủ đạo trong văn học giai đọan 1945 - 1975. Phê bình mác-xít thể hiện một góc nhìn khoa học trong hành trình khám phá và giải mã các tác phẩm văn học, sự kiện văn học, trào lưu văn học... Cùng với các phương pháp phê bình ấn tượng, phê bình phân tâm học, phê bình phong cách học, phê bình thi pháp học..., phê bình mác-xít đã và đang có một vị trí quan trọng trong lịch sử phê bình văn học hiện đại ở Việt Nam. Chính vì vậy, sự đóng góp của GS. Phan Cự Đệ vào phê bình văn học hiện đại ở nước ta là một sự thật hiển nhiên, rất đáng trân trọng.

GS. Phan Cự Đệ là giảng viên văn học Việt hiện đại tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) từ năm 1957. Do vậy, văn học Việt hiện đại là đối tượng nghiên cứu chính của ông. Một trong những công trình phê bình đáng chú ý đầu tiên của ông là cuốn Phong trào thơ mới lãng mạn 1932 - 1945, được xuất bản năm 1966. Khác với Hoài Thanh, người tiếp cận Thơ mới bằng phương pháp phê bình ấn tượng, Phan Cự Đệ đã vận dụng phê bình mác - xít để nghiên cứu “trào lưu thơ lãng mạn” này. Ông khảo sát những phương diện lý luận như Marx - Engels bàn về chủ nghĩa lãng mạn, đặc trưng thẩm mỹ của phương pháp sáng tác lãng mạn chủ nghĩa, quan điểm nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ của các nhà thơ mới, những yếu tố chi phối đến sáng tác của mỗi nhà thơ và của cả trào lưu. Ông cũng đặt thơ mới trong mối quan hệ với đời sống xã hội những năm trước Cách mạng tháng Tám để lý giải sự “thoát ly” của các nhà thơ mới với thời cuộc như là một sự “bế tắc” của chủ nghĩa cá nhân, từ đó sàng lọc, ghi nhận những đóng góp của thơ mới cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Phan Cự Đệ đánh giá cao tinh thần dân tộc cũng như những đổi mới về hình thức của thơ mới đối với lịch sử thi ca hiện đại Việt . Tuy nhiên, đối với một “thời đại thi ca” (chữ dùng của Hoài Thanh) rực rỡ như thơ mới, không dễ gì một công trình và bằng một phương pháp tiếp cận nào có thể bao quát đầy đủ hoặc lý giải một cách thấu đáo, thuyết phục người đọc một cách tuyệt đối được. Chính vì thế, thơ mới nói chung (và các nhà thơ mới nói riêng) đã và đang thu hút nhiều công trình nghiên cứu lâu nay, và những công trình về sau vẫn tiếp tục có những đóng góp đáng ghi nhận.

GS Phan Cự Đệ còn là một chuyên gia về văn xuôi Tự lực văn đoàn, một bộ phận quan trọng trong văn học lãng mạn Việt 1932-1945. Cuốn sách Tự lực văn đoàn - con người và văn chương, cụ thể hơn, bài tiểu luận dài 60 trang của ông về Tự lực văn đoàn là một bài viết có giá trị về phương pháp luận cũng như những nhận định có tính khoa học. Ông đã phân tích chỉ ra sự đổi mới quan trọng của Tự lực văn đoàn trong nghệ thuật phân tích tâm lý dưới ánh sáng của khoa tâm lý học hiện đại, trong việc đổi mới kết cấu và cốt truyện, sự vận động của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn từ luận đề đến tâm lý...

Ngoài văn học lãng mạn, GS Phan Cự Đệ còn đặc biệt đóng góp vào lý luận, phê bình văn học hiện đại qua những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Việt hiện đại. Năm 1974, hai tập Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, được xuất bản, và đến nay đã được tái bản lần thứ sáu, đây vẫn là bộ sách công phu nhất về tiểu thuyết hiện đại ở nước ta. Vận dụng phương pháp phê bình mác-xít, GS Phan Cự Đệ đã phân tích và nhận định những thành công và hạn chế của tiểu thuyết Việt Nam qua các thời kỳ trước 1930, 1930 - 1945, 1945 -1975, và sơ bộ đánh giá tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Trong mỗi thời kỳ, ông vừa phân tích các đề tài chính, vừa giới thiệu một số phong cách tiêu biểu. Ông thể hiện khả năng bao quát nền tiểu thuyết Việt hiện đại. Về tiểu thuyết Việt giai đoạn ba mươi năm chiến tranh 1945 - 1975, ông là người cày xới kỹ nhất, xét cả hai bình diện: đọc và thẩm định. Trên cơ sở những dẫn liệu từ tiểu thuyết Việt Nam và thế giới, tác giả cuốn sách đã phân tích khả năng điển hình hoá trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, những vấn đề đặc trưng thể loại của tiểu thuyết, những cuộc tranh luận về tiểu thuyết ở Việt Nam và trên thế giới và cả những công việc “bếp núc” của người viết tiểu thuyết. Do vậy, tiểu thuyết Việt hiện đại không chỉ là một công trình có tính chất tổng kết, mà còn có tính gợi mở to lớn cho sự sáng tạo đối với những người viết trẻ.

Cũng liên quan đến lý luận tiểu thuyết, gần đây GS Phan Cự Đệ đã có công trong việc giới thiệu khá hệ thống về một số kiểu tiểu thuyết chính trong văn học Việt Nam hiện đại, như: tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết tâm lí, tiểu thuyết sử thi. Đây là những phần viết mới mẻ, có giá trị về lý luận thi pháp được in trong công trình văn học Việt thế kỷ XX do ông chủ biên. Trước đây, ở Việt chưa có ai đề cập đến các kiểu tiểu thuyết từ cả hai góc độ lý luận và thực tiễn. Phần viết của GS Phan Cự Đệ về một số kiểu tiểu thuyết đã gợi mở một hướng tiếp cận mới đối với tiểu thuyết Việt thế kỷ XX.

Văn học lãng mạn 1932-1945 là lĩnh vực chính mà ông chuyên sâu trong nhiều thập kỷ, và ở đó, ông tỏ rõ khả năng chiếm lĩnh đối tượng ở cả hai bình diện khái quát hoá và cụ thể hoá. Điều đó thể hiện ở chỗ, ông không chỉ bao quát về Thơ mới và Tự lực văn đoàn mà có khi còn dừng lại phân tích, bình giảng một tác phẩm cụ thể. Ông đã viết giới thiệu những tiểu thuyết tiêu biểu của Nhất Linh và Khái Hưng (Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Lạnh lùng, Thoát ly, Tiêu Sơn tráng sĩ, Trống mái, Đẹp, Băn khoăn). Phương pháp đánh giá của ông là không một chiều, ông cẩn trọng trong từng nhận định, cốt làm sao ghi nhận được cái mới trong nghệ thuật, cái hấp dẫn trong bút pháp, cái tích cực tiến bộ trong tư tưởng, nhưng cũng chỉ ra những chỗ còn hạn chế của những tác phẩm này. Phan Cự Đệ cũng là người bình khá hay về những truyện ngắn, những bài thơ lãng mạn được trích giảng trong chương trình phổ thông (Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Tiếng địch sông Ô, Tràng giang, Vội vàng, Giục giã, Tỏa nhị Kiều).

Trong số các nhà thơ lãng mạn thời thơ mới, ông tỏ ra yêu thích nhất là Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài hoa, “đi xuyên qua thế kỷ”, sớm mắc căn bệnh hiểm nghèo, từ giã nàng Thơ khi còn quá trẻ, để lại một vệt sáng lung linh trên thi đàn hiện đại. Phan Cự Đệ là người viết, biên soạn hai cuốn sách về Hàn Mặc Tử: Thơ văn Hàn Mặc Tử - Phê bình và tưởng niệm (1993), Hàn Mặc Tử - Về tác gia và tác phẩm (2001, soạn chung với Nguyễn Toàn Thắng). Trong đó, ông đã viết hai bài tiểu luận rất công phu về nhà thơ tài hoa, yểu mệnh: Hàn Mặc Tử sống mãi với thời gian, Hàn Mặc Tử - những vấn đề đang tranh luận. Hai bài viết đều góp phần giúp người đọc sáng tỏ hơn nhiều vấn đề liên quan đến cái thế giới thơ lung linh, huyền ảo và bí ẩn của Hàn Mặc Tử, từ phong cách, bút pháp đến những dấu tích tình yêu, tôn giáo trên những ngôn từ thơ đầy đau thương và vô cùng sáng láng của nhà thơ. Phan Cự Đệ không chỉ góp phần chứng minh Hàn Mặc Tử là một hồn thơ hài hòa Đạo với Đời, mà còn làm sáng tỏ tác giả Gái quê, Đau thương... là nhà thơ giàu lòng yêu nước. Ông cũng khẳng định Hàn Mặc Tử là “một phong cách thơ đa dạng và hết sức độc đáo”, “đã đi một con đường dài từ thơ đường cổ điển chuyển nhanh sang lãng mạn, tượng trưng và chớm đến bờ siêu thực” (Tuyển tập Phan Cự Đệ, tập 3, tr. 342).

Phan Cự Đệ cũng là một chuyên gia về Ngô Tất Tố, một nhà văn lớn (và cũng là một nhà báo xuất sắc) trong văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám. Viết về Ngô Tất Tố, ông có những chuyên luận, tiểu luận đáng chú ý in trong các cuốn sách: Ngô Tất Tố (viết chung với Bạch Năng Thi, 1962), Ngô Tất Tố tác phẩm (1975), Ngô Tất Tố (Giáo trình Văn học Việt Nam 1930 - 1945, tập1, viết chung với Hà Văn Đức, Nguyễn Hoành Khung, 1988), Di sản báo chí Ngô Tất Tố - Ý nghĩa lý luận và thực tiễn (chủ biên, 2005)... Ông đánh giá cao khả năng quan sát và khái quát nông thôn Việt Nam thời thực dân phong kiến của nhà văn qua tiểu thuyết Tắt đèn và tập phóng sự Việc làng. Trong những tác phẩm này, người đọc cảm nhận được đằng sau sự phân tích xã hội, là sự đồng cảm tha thiết của nhà văn với cuộc đời cay cực, tủi nhục, bế tắc của nông dân. Phan Cự Đệ cũng là người khảo sát, phân tích có hệ thống về tiểu phẩm của Ngô Tất Tố và đánh giá cao những đóng góp của nhà văn - nhà báo này. Tiểu phẩm của Ngô Tất Tố có giá trị như “một bộ sử biên niên của xã hội Việt Nam những năm ba mươi và bốn mươi”, là “tài liệu quý giá về triết học, sử học, xã hội học, dân tộc học”, là “phòng triển lãm những chân dung khác nhau của giai cấp thống trị và những kiểu người điển hình trong xã hội cũ”. Tất cả đều sinh động, hấp dẫn, thuyết phục bởi sự tài hoa của ngòi bút Ngô Tất Tố, bao gồm lối kết cấu linh hoạt, sáng tạo; tính lô gich, chặt chẽ trong lập luận, dẫn chứng; tính điển hình trong khắc họa tính cách; tính hình tượng trong sử dụng ngôn từ, và bút pháp trào lộng đặc sắc.

Gần đây, vào tuổi bảy mươi, GS. Phan Cự Đệ vẫn tiếp tục đóng góp cho ngành nghiên cứu văn học hơn một trăm trang lý thuyết về truyện ngắn, qua hai phần viết: Đặc trưng của thể loại truyện ngắn hiện đại, Thi pháp truyện ngắn hiện đại. Đây là những phần viết khá hệ thống, có độ tin cậy cao, do tác giả đã thâu tóm được nhiều ý kiến tiêu biểu của nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học trên thế giới và trong nước. Cũng như lý luận về tiểu thuyết, lý luận về truyện ngắn ở Việt chúng ta cho đến nay vẫn còn ít ỏi và sơ lược (bao gồm sách do trong nước biên soạn lẫn sách của tác giả nước ngoài được dịch sang tiếng Việt). Do vậy, những gì GS. Phan Cự Đệ đóng góp cho  lý luận về thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn là rất có ý nghĩa.
Như vậy, có thể nói rằng Tuyển tập Phan Cự Đệ là một bộ sách có giá trị về mặt học thuật, nó chứng tỏ tác giả của nó là một nhà khoa học nghiêm túc, cần mẫn, một nhà phê bình văn học tâm huyết, năng nổ.
***
Phê bình văn học là một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, niềm đam mê văn chương, sự tri giác nhanh nhạy của cả cảm tính lẫn lý tính. Một nhà phê bình không nhất thiết phải trung thành với một phương pháp, nhưng nếu chuyên chú vào một phương pháp có thể giúp nhà phê bình tạo được dấu ấn trong lịch sử văn học. Chân lý của khoa học thường nhờ vào nỗ lực vận dụng các phương pháp tiếp cận của giới khoa học. Phê bình văn học cũng vậy. Sự rủi ro của phê bình văn học cũng do phương pháp tiếp cận. Mỗi phương pháp là một chiếc chìa khóa giúp người đọc mở cánh cửa tác phẩm văn chương. Ngày nay, chúng ta không khuyến khích sự độc tôn của phương pháp phê bình nhưng vẫn rất cần sự chuyên sâu về phương pháp. Tôi tin rằng những kiến giải về văn chương của GS. Phan Cự Đệ trên cơ sở chuyên sâu một phương pháp phê bình mác xít (trong một số trường hợp có kết hợp với văn học so sánh và thi pháp học) trong gần nửa thế kỷ qua đã góp phần quan trọng vào việc giải đáp nhiều vấn đề của văn học hiện đại: mối quan hệ giữa nhà văn và thời đại, vai trò của văn học đối với sự phát triển của xã hội, những đổi mới về phương thức thể hiện trên cơ sở tiếp thu văn học thế giới... Những thành tựu phê bình của ông cũng đồng thời thúc đẩy sự phát triển của phê bình mác xít ở nước ta. Không phải tất cả mọi kiến giải của ông về văn chương đều nhận được sự đồng thuận, tuy nhiên ông là một nhà phê bình tạo được ấn tượng đối với độc giả. Bởi vì, ngay ở những chỗ không nhận được sự đồng thuận ấy, thì ông vẫn gợi cho người ta một ý thức tranh luận. Và đó cũng chính là một thành công của công việc phê bình văn học.
             
Huế, lập Thu 2006
 N.T

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 



-------------
(*) Nhân đọc Tuyển tập Phan Cự Đệ, 3 tập, NXB Giáo dục, 2006

Các bài mới
Miền vĩnh phúc (12/11/2008)
Các bài đã đăng