Tạp chí Sông Hương - Số 215 (tháng 1)
Bi kịch Ruồng bỏ trong tiểu thuyết cùng tên của Coetzee
15:57 | 11/11/2008
TRẦN HUYỀN SÂMRuồng bỏ - Disgrace (1) là một cuốn tiểu thuyết mang phong cách giản dị. Nhưng đó là sự giản dị của một bậc thầy về thể loại roman. Giới lý luận văn học và các chính trị gia phương Tây (2) đã đặt ra những câu hỏi có tính hoài nghi. Điều gì ở cuốn sách có độ trang khiêm tốn này đã mang lại giải Nobel cho Coetzee: Vấn đề kỹ thuật tiểu thuyết, nỗi điếm nhục về nhân cách con người, hay là bi kịch lịch sử hậu Apartheid?
Bi kịch Ruồng bỏ trong tiểu thuyết cùng tên của Coetzee

Tôi nghĩ, là tất cả những khả năng trên.
Rõ ràng là M.Coetzee không hề có ý gây sốc bởi kỹ thuật tân kỳ của tiểu thuyết. Ruồng bỏ được thể hiện bằng một văn phong khá hiền lành, giản dị, gần như mang phong vị - classique. Nhưng, chính phong cách này, lại diễn đạt tối ưu nhất thông điệp nghệ thuật: Bi kịch con người bị ruồng bỏ trong xã hội Nam Phi.

1. Vậy Disgrace là gì?
Nguyên bản nhan đề tác phẩm là Disgrace. Có thể hiểu theo các nghĩa, đó là: ô nhục, điếm nhục, nỗi nhục. Dịch giả Vân Thanh dịch là Ruồng bỏ. Đó là một cách dịch tối ưu vì đã nói đúng tinh thần tác phẩm, và có khả năng mở ra nhiều thông điệp, đặc biệt là xoáy sâu hai chủ đề như đã nói ở trên: Thân phận con người và nỗi đau lịch sử. Dịch ô nhục hay điếm nhục, cho dù sát nghĩa nhưng chỉ nói được một chủ đề: Vấn đề tính dục.
Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là giáo sư David - một trí thức người da trắng: sống cô độc, khao khát đời sống tình dục, bị đồng nghiệp tố giác và sa thải vì quan hệ ái tình với một sinh viên. Nhân vật rơi vào bế tắc, tuyệt vọng: mất cả nhân cách, danh dự lẫn địa vị; xã hội ruồng bỏ, ghẻ lạnh...
Ruồng bỏ chinh phục người đọc bằng một lối kết cấu - texture có tính chất tương phản, đối lập (contraste) giữa các hình ảnh: GIÁO SƯ - GÁI ĐIẾM - CHÓ. Mở đầu tác phẩm là cảnh giáo sư David làm tình trong biệt thự gái điếm Windsor và kết thúc tác phẩm là hình ảnh vị giáo sư bên cạnh một con chó tàn tật, đang cuồng nhiệt: “ngửi mặt ông, liếm má ông, liếm môi và liếm tai ông” (tr.287).
Một lối kết cấu ngẫu nhiên? Không. Một ẩn ý nghệ thuật, kín đáo đến mức tuyệt vời. Sẽ không còn một hình ảnh nào thay thế, để có thể diễn tả sâu sắc hơn nỗi điếm nhục của người trí thức, bằng việc nhà văn đặt một vị giáo sư bên cạnh gái điếm và chó.
Vì thế, xét trên văn đàn thế giới, theo thiển ý của tôi, với Disgrace, Coetzee là nhà văn xây dựng thành công nhất bi kịch người trí thức trong xã hội hậu hiện đại.

2. Bi kịch lịch sử hậu Apartheid ở Phi
Nếu dựa theo lớp kết cấu bề nổi, Disgrace chỉ là cuốn tiểu thuyết thuần túy về vấn đề tính dục. Điều đó không phủ nhận, tính dục làm thành một nội dung rất quan trọng trong tác phẩm. Nhưng sâu xa hơn, ẩn chứa trong văn bản là những thông điệp về thân phận người trí thức da trắng, họ đang đối mặt trước sự tha hóa của xã hội hiện đại, sự báo thù lịch sử của người da đen. Vì vậy, bi kịch của nhân vật David gắn với xã hội hậu Apartheid ở Nam Phi (3).
Sẽ không thể nào đánh giá đúng ý nghĩa tác phẩm Ruồng bỏ, nếu không hiểu hậu Apartheid là gì? Đối với những tác phẩm có tính hoài nghi hiện thực, nếu người đọc không có “phép đọc mới”, không được trang bị fond văn hóa - lịch sử, thì khó có thể nắm bắt được giá trị nghệ thuật đích thực. Cũng như một số cây bút tiểu thuyết hiện nay (G.Grass, M.Kundera...), Coetzee chỉ trình bày mà không giải quyết sự kiện. Các chất liệu lịch sử đươc xử lý kiệm đến mức tối thiểu (gọi là phép tinh giản).
Không còn tiếng động - âm ba của lịch sử, không còn thông số, thời gian, sự kiện. Tất cả chỉ là sự ẩn chìm của một hình tượng vô hình, bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Nhưng nó mãnh liệt và sáng rõ vô cùng, nhờ lối kết cấu phần chìm - một cách hoàn hảo của văn bản ngôn từ nghệ thuật.

Ruồng bỏ, cho dù người đọc không hề bắt gặp, dù một lần từ Apartheid, nhưng bằng phần chìm trong cấu trúc văn bản, M.Coetzee đã đề cập một cách sâu sắc và kín đáo đến vấn đề lịch sử của dân tộc Nam Phi. Nói như Mousseline: Ruồng bỏ là cuốn tiểu thuyết về thời kỳ hậu Apartheid... thời kỳ hỗn loạn, thời kì phi chính phủ. Văn hoá, phong tục, tập quán không thể bắt kịp với nhịp điệu của các nhà cầm quyền; chủ nghĩa thù hận và bảo thủ áp đặt lên pháp luật (lược dịch tiếng Pháp trên Internet) (4).
Ruồng bỏ gây sự chú ý của các nhà chính trị, bởi Coetzee đã dám phê phán chủ nghĩa duy lý tàn nhẫn và thói đạo đức giả của văn minh phương Tây.
Ruồng bỏ
đã chứa đựng những bí ẩn về bi kịch văn hóa -lịch sử ở Nam Phi. Bi kịch đó đã được M.Coetzee kín đáo thể hiện qua số phận đầy cay đắng của một trí thức người da trắng: giáo sư David ở trường Đại học Cape Town.

3. Nỗi điếm nhục và bi kịch của người trí thức da trắng ở Phi?
Giáo sư David là hiện thân cho bi kịch bị ruồng bỏ của người trí thức. Nhân vật bị đồng loại đánh bật ra khỏi môi trường mà nó tồn tại: nhân cách bị xúc phạm, quyền tự do cá nhân bị chà đạp. Con người như rơi vào một vực thẳm của sự cô đơn, tuyệt vọng và hoài nghi.
Trước hết, đó là bi kịch về con người thừa trong xã hội.
Nhân vật luôn được nhà văn đặt vào thì quá khứ đã hoàn kết: Chuyên môn đã hết thời, tuổi thanh xuân đã hết thời. Vì thế, có thể xếp nhân vật vào kiểu con người thừa của xã hội hiện đại Nam Phi.
Nhân vật chính xuất hiện với một địa vị thanh cao và đáng kính nể trong xã hội: David - giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Cape Town , đã từng xuất bản những công trình nghiên cứu nghệ thuật. Nhưng ngay ban đầu, bản lý lịch về nghề nghiệp, cho dù ngắn gọn và kín đáo, cũng đã lộ ra tấn bi kịch: “Có thời, ông từng là giáo sư các ngôn ngữ hiện đại; từ khi ngôn ngữ hiện đại và cổ điển bị cuộc hợp lý hóa vĩ đại bóp chết, ông là giáo sư phụ giảng thông tin. Một môn học chẳng lấy gì làm hấp dẫn, thậm chí vô lý” (tr.8).

Có phải, đó là nguồn gốc sinh ra nỗi cô đơn, chán chường, cơ sở để làm mầm mống cho tấn bi kịch về cuộc đời tư của ông tiếp diễn? Chuyên môn bị huỷ diệt, gia đình bị rạn nứt, đó là dấu hiệu tha hóa, xuống cấp của xã hội hiện đại ở Nam Phi mà giáo sư David là một điển hình..
Nỗi ô nhục giữa vấn đề instinct sexuel - tính dục và nhân cách con người - personnalité hay là Lhomme-chien (con người chó trong vị giáo sư đáng kính).
Nhìn từ bình diện individualité - cá nhân, David là một người đàn ông  quyến rũ và giàu năng lượng tình dục, nhưng đã hết thời. Ngoài năm mươi, những cái liếc nhìn của ông không còn được đáp trả. Hai lần ly dị vợ và sống cô độc, David vẫn không thôi khao khát đời sống tình dục. Và vì vậy, giáo sư David đã rơi vào tấn bi kịch cá nhân: ông ngủ với gái điếm, với sinh viên của mình, với vợ đồng nghiệp, và với cả người đàn bà xấu xí ở trại thú y...
Nỗi điếm nhục của nhân vật được tác giả khai thác trong sự mâu thuẫn, giằng xé giữa con người chó - mặt bản năng tự nhiên và lòng tự trọng của nhân cách một vị giáo sư.
Coetzee dường như đã khước từ thủ pháp monologue intérieur - độc thoại nội tâm bằng những đoạn văn dài dòng. Tác giả dồn tâm lý nhân vật vào những tình tiết có tính ngoại biệt. Thủ pháp này rất đắc dụng trong việc khắc họa thế giới nội tâm và khách quan hóa sự việc. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết đương đại thế giới.
Có nên cắt bỏ cái ấy - cái dương vật của mình không?
David - con người chó > < David - vị giáo sư
à giải pháp = cắt bỏ dương vật

 Ý thức về sự tổn thương nhân cách, sự tha hóa về phạm trù đạo đức, giáo sư David đã có một ý nghĩ quyết liệt và nghiêm khắc cho bản thân: Nên cắt thiến cái ấy - cái dương vật của mình để chấm dứt sự ô nhục. Hẳn không còn chi tiết nào sống động và tối ưu hơn khi Coetzec đưa ra hình ảnh ấy - một hình ảnh thô bỉ và nực cười nhưng ẩn chứa niềm chua xót: “Ông tự hỏi: Origen tự hoạn vào lúc bao nhiêu tuổi? Chẳng phải đó là giải pháp thanh nhã nhất? Có thể đến gặp một bác sĩ để hỏi ý kiến ông ta được không? Chắc chỉ là một cuộc phẫu thuật đơn giản: cắt phẳng đi, rồi buộc chặt lại. Với loại thuốc gây tê bản xứ, một bàn tay vững vàng và một chút phớt lạnh, người ta có thể tự làm việc đó theo sự hướng dẫn của sách vở. Một người đàn ông ngồi trên ghế tự cắt bỏ: một cảnh tượng thô bỉ, nhưng trên một góc độ nào đó, cũng chẳng thô bỉ hơn là chính người đàn ông đó hì hục trên thân thể một người đàn bà (tr.17).
Nhưng, nhân vật của Coetzee không phải là kiểu nhân vật để chứng tỏ cho phạm trù đạo đức. Giáo sư David không cắt bỏ được cái ấy - cái dương vật của mình, cũng không thể kìm nén được l homme-chien (con người chó) trong bản thân ông. Các cuộc tình vẫn diễn ra, niềm cám dỗ của khoái lạc vẫn song hành với lòng tự trọng.
Khỏi phải viện dẫn lý thuyết của phân tâm học Freud để phân tích thuộc tính phức tạp trong tổ hợp con người: vô thức - hữu thức, tâm hồn - thể xác, bản năng - tâm linh. Vấn đề tính dục được tác giả trình bày một cách tự nhiên, mọi hành động của nhân vật đều diễn ra bằng sự lôi kéo, thôi thúc mãnh liệt của tiếng gọi khoái lạc.
Ném nhân vật của mình vào không gian biệt thự gái điếm Windsor , Coetzee đã cho thấy tính tột cùng của nhu cầu tính dục và nỗi ô nhục tận cùng của người trí thức. Giáo sư David khao khát tình dục như chính sự sống: “Mỗi tuần, chỉ cần 90 phút có đàn bà cũng đủ làm ông hạnh phúc”. Và ông đã mua niềm khoái lạc ấy trên thân thể của cô gái điếm Soraya bằng những đồng tiền hào phóng. Sau mỗi cuộc ái ân, ông thấy mình như đồng loã với niềm khoái lạc, đầy kiêu hãnh của Enma Bovary: “ông nghĩ đến Enma, một buổi chiều từ một cuộc chăn gối khinh suất về nhà, thoả mãn, mắt đờ đẫn. Đây chính là hạnh phúc! Enma nói, tần ngần ngắm mình trong gương. Đây chính là niềm hạnh phúc nhất mà các nhà thơ đã nói đến. Nếu hồn ma có tìm được đường đến Cape Town, ông sẽ đưa bà ta đi cùng vào một chiều thứ Năm, để chỉ cho bà ta niềm vui sướng ấy.” (tr.12).

Cũng như nhân vật của Stendhal, trong hạnh phúc của cảm khoái, nhân vật của Coetzee đã chứa đựng cái chết. Hạnh phúc không thể tính bằng phút, tính dục cũng không thể lấp hết được khoảng trống mênh mông của sự cô đơn. Bởi vì, Soraya không phải là một cái tên cụ thể, đó chỉ là một thương hiệu của biệt thự gái điếm Windsor . Nó cũng lẫn lộn trong vô số thương hiệu tầm thường, giả dối và lạnh lùng khác của xã hội Nam Phi - hậu hiện đại.
Nhân vật của Ruồng bỏ đang mắc kẹt trong thế giới lạnh lùng, vô cảm ấy. Nó cố cưỡng lại, cố thoát ra, nhưng lại rơi vào tuyệt vọng của một trạng thái đang giẫy chết. Và nó bị thế giới ấy - như một gọng kìm nghiến nát tâm hồn và nhân cách.
Nhân cách hay là sự thỏa hiệp?
Khi con người đang có nguy cơ bị sự phi lý của xã hội lôi kéo, đồng hóa, thì câu hỏi đó phải được đặt ra như một sứ mệnh của một nhà tiểu thuyết. Bằng cách này, hoặc cách khác, thông qua hình thức nghệ thuật, nghệ sĩ phải mang đến cho người đọc một thái độ hoài nghi và phủ định thế giới thực tại.

Sự kiện lớn nhất đánh dấu bi kịch của cuộc đời nhân vật, đó là: Mối quan hệ của giáo sư David và cô sinh viên Melanie bị tố giác. Hội đồng trường Đại học Cape Town đưa ông ra kỷ luật vì phạm vào điều 3.1, chính xác như lời đưa tin của tờ báo Argus là: “Một giáo sư phải ra trước trước Hội đồng kỷ luật vì tội quấy rối tình dục”.
Thực chất của Hội đồng, đó chỉ là một hình thức hạ nhục danh dự đồng nghiệp. Các thành viên của Hội đồng kỷ luật không chỉ muốn ở ông lời thú tội, mà còn tò mò muốn biết chuyện đó xảy ra như thế nào - chuyện thầm kín giữa giáo sư và cô sinh viên. Ông bị đồng nghiệp xúc phạm, bằng việc thọc sâu vào vùng nhạy cảm nhất: chuyện tính dục. Bằng mọi cách, họ dồn đồng nghiệp đến chân tường. Giáo sư David như một con thú hoang bị săn đuổi, không lối thoát, khi phải đối diện trước một vực thẳm, cần phải lựa chọn: Nhân cách hay là sự thỏa hiệp?
Bi kịch nhân vật chính là ở sự xung đột đó. David thuộc kiểu nhân vật:  chống lại sự đồng hóa của hiện thực, không thỏa hiệp với hiện thực - kiểu của Dostoievski, F.Kafka, G.Grass, M.Kundera...

Có sự gặp gỡ giữa Ruồng bỏ của Coetzee và Vụ án của Kafka: Sự phi lí, tàn nhẫn và giả dối của CÁI GỌI LÀ PHÁP LUẬT. Hội đồng kỷ luật khép giáo sư David vào tội: quấy rối tình dục, trong lúc ông chỉ nhận thấy một tội lỗi duy nhất: “Tôi là một tín đồ của thần Eros (tội đồ của tình yêu). Ông yêu Melanie chân thành và say đắm, và ông không cho rằng đó là một tội lỗi. Thực chất, Menlanie là nạn nhân của phiên tòa, chứ không phải là nạn nhân của ông. Cô bị cưỡng bức ký vào đơn kiện. Có một bàn tay vô hình nào đó đứng sau vụ kiện này, mà giáo sư David không thể hình dung được. Người đọc cũng không thể hình dung được, vì Coetzee diễn tả sự việc theo kiểu nước đôi. Tính lập lờ- hay là phép mô tả nước đôi, cũng là một đặc điểm thú vị của tiểu thuyết Ruồng bỏ.
Chiếc ghế trống hay là sự phi lý của tòa án?
Thủ pháp đánh vắng nhân vật đã giúp Coetzee thể hiện rất thành công tính chất phi lý của tòa án. Phải nói ngay rằng, đây không phải là tính chất tẩy trắng nhân vật như hình thức của trường phái Nouveau roman (Tiểu thuyết mới ở Pháp: không chú trọng đến tính cách, hành động, số phận nhân vật, và gần như triệt tiêu thế giới nội tâm). Ở Ruồng bỏ, Coetzee đã sử dụng thủ pháp đánh vắng nhân vật vào những thời điểm gay cấn nhất của tình huống, sự kiện. Chỗ vắng, khoảng trống của nhân vật, chính là điểm nhìn nghệ thuật, nó có sự thu hút, dẫn dụ người đọc vào văn bản tác phẩm.

Sự phi lý ở chỗ: nhân vật đứng đơn vắng mặt trong vụ án. Menlanie là nạn nhân, nhưng cô không được hội đồng đưa ra để đối chất, để thẩm vấn. Vì vậy, Giáo sư David, ngay từ đầu đã rơi vào thụ động, ông bị Hội đồng đánh phủ đầu: không được quyền thanh minh, giãi bày sự việc, mà buộc phải thừa nhận tội lỗi (Nhân vật của Kafka cũng không được phép phân trần). Đồng nghiệp muốn ông thú tội về chuyện ấy, chứ không được quyền chứng minh sự thật về tình yêu. Khi bị hội đồng tuyên án: kỷ luật, sa thải, nhân vật vẫn chưa hết bàng hoàng với câu hỏi: “Tại sao người đời lại khao khát hạ nhục người khác đến thế?”.
Tính tột cùng của sự ô nhục, cũng như sức mạnh phê phán đạo đức con người trong xã hội hiện đại ở ngòi bút Coetzee chính là ở đó: “Con người là một sinh vật mà có thể đẩy đồng loại của mình đến chỗ chết, trong bất kỳ tình huống nào” (5). Con người, vì vậy, khác với động vật là: Không chỉ đánh nhau, mà còn đánh giá về nhau! Sự tổn thương nhân cách, đôi lúc, còn đau đớn hơn nhiều so với sự tổn thương về thể xác.
Nếu nhân vật của Dostoievski “cúi lạy nỗi thống khổ của đồng loại”, thì nhân vật của Coetzee đã: cúi lạy nỗi ô nhục của con người. Để thoát khỏi sự hạ nhục của các thành viên Hội đồng kỷ luật, mà thực ra là các đồng nghiệp của mình, nhân vật đã quyết định: thừa nhận là có tội. Cần phải chấm dứt sự chất vấn, chấm dứt sự xúc phạm: Tôi có lỗi. Có ít nhất, năm lần, nhân vật đã thú nhận tội lỗi, một cách bất cẩn và kiêu hãnh, để tránh sự xúc phạm thô bỉ của Hội đồng chất vấn.

Có thể xếp hình tượng David của Ruồng bỏ vào kiểu nhân vật: Kẻ bị trừng phạt van nài được kết tội (5). Phải thừa nhận rằng, Coetzee đã chịu ảnh hưởng rất mạnh kỹ thuật tiểu thuyết của Kafka. Đặc biệt là thủ pháp xây dựng kiểu nhân vật này. Tuy nhiên, nhân vật của Ruồng bỏ thuộc loại “trí thức thượng đẳng” trong xã hội (giáo sư của trường Đại học): có tính cá thể, có lập trường và tuyên ngôn riêng, có cuộc sống của chính nó. Vì vậy, không dễ dàng bị hiện thực đồng hóa, không chấp nhận sự thoả hiệp. Đặc tính này được thể hiện qua giọng điệu và lập trường đối thoại của nhân vật. Đoạn đối thoại sau đây giữa David và Hội đồng chất vấn của trường đại học Cape Twon đã bộc lộ rõ chất giọng kiêu hãnh đó:
“- Ông có thắc mắc gì không?
- Tôi nhận cả hai tội trên. Tuyên án đi, và để cho chúng tôi sống cuộc sống của chúng tôi.
- Tôi xin hỏi lần nữa, liệu có một người đại diện cho giáo sư để bào chữa không?
- Tôi không cần đại diện. Tôi có thể hoàn toàn đại diện cho bản thân tôi... Tôi đã phát biểu ý kiến của tôi rồi. Tôi có lỗi.
- Liệu ông có cần tham khảo ý kiến với một người nào đó, ví dụ, một cha cố, hoặc một luật sư chẳng hạn. Ông sẵn sàng nghe lời hướng dẫn chưa?
- Không, tôi không cần tìm một lời khuyên nhủ, cũng như có ý định tìm. Tôi là một người đã chín chắn. Tôi không dễ dàng tiếp thu được những điều khuyên bảo. Tôi ở ngoài tầm khuyên bảo. Tôi đã tự biện hộ rồi.
- Tôi đề nghị ông ấy, gọi đích danh công nhận những lời buộc tội.
- Nói thực lòng, điều bà muốn biết ở tôi, không phải là câu trả lời, mà là sự thú tội. Tôi đã trình bày lời biện hộ của tôi, vì đó là quyền của tôi. Tôi có lỗi. Đó là lời biện hộ của tôi. Và chỉ có thế thôi, tôi đã sẵn sàng rời khỏi đây”
. (tr. 66-71).

Mặc dù ở vào thế bị động, bị bủa vây bởi nanh vuốt của một màng lưới dư luận (từ sinh viên, đồng nghiệp, giới tuyền hình báo chí...), giáo sư David vẫn giữ một thái độ thẳng thắn, kiêu hãnh, bất cẩn. Ông phủ nhận tính chất phạm tội: quấy rối tình dục; chấp nhận hình thức kỷ luật để được khẳng định quyền nhân cách, quyền tự do cá thể: tín đồ của thần Eros. Ông bị đồng  nghiệp loại trừ một cách tàn nhẫn, không thương tiếc: nhân cách bị lăng nhục, bị chà đạp... trước công luận, nghề nghiệp, địa vị xã hội bị tước đoạt.
Bi kịch của nhân vật chính là thái độ khước từ sự thỏa hiệp với thực tại. Một số ý kiến độc giả ở Pháp cho rằng, nhân vật David mắc bệnh kiêu ngạo (3). Đối với một tác phẩm có tính chất lập lờ, nước đôi như Ruồng bỏ, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi có sự tiếp nhận đa chiều. Trí tưởng tượng của người đọc càng phong phú, thì càng có khả năng chạm đến vỉa sâu - những tầng ngầm ý nghĩa của tác phẩm.
Có thể vận dụng kỹ thuật “bóc củ hành” của Susan Adams đối với tác phẩm của Jame Joyce, để khai mở tác phẩm này (6). Mỗi tác phẩm chứa đựng vô số lớp vỏ hành. Vén lên mỗi lớp, và khi nước mắt trào ra, nó sẽ cho ta một chân lý nghệ thuật. Và cứ thế... vô số lớp vỏ được vén ra... hiện lên vô số ý nghĩa. Tuy nhiên, theo tôi, hành động không thỏa hiệp của nhân vật đối với thực tại chính là thái độ khước từ của Coetzee đối với xã hội Nam Phi. Nếu David chấp nhận sự thỏa hiệp với Hội đồng, thì đã không có thông điệp về Bi kịch con người bị ruồng bỏ...

Loại nhân vật ra khỏi môi trường trí thức, Coetzee đã cho thấy một qui luật tàn nhẫn của xã hội hiện đại: cần phải thỏa hiệp với hiện thực, con người mới có thể tồn tại. Hay nói ngược lại: tồn tại là phải thỏa hiệp. Thực tại đã đặt con người trước sự lựa chọn nghiệt ngã: chấp nhận sự ruồng bỏ hay là đánh mất nhân cách? Giá trị nhân văn cũng như tính chất phê phán xã hội của Disgrace, chính là ở thông điệp này.
Khước từ sự thỏa hiệp, cưỡng lại sự đồng hóa hiện thực, nhân vật phải trả giá bằng một bi kịch đau đớn: bị đánh bật ra khỏi môi trường, bị chà đạp cả nhân cách lẫn thể xác.
Ném nhân vật vào môi trường thứ hai: trang trại động vật (đối lập với trường đại học Cape Town), thực ra là một hình thức để tác giả cho nhân vật nếm trải nỗi đau, hoàn tất tính tột cùng của của bi kịch con người bị ô nhục (bất lực khi phải chứng kiến cảnh con gái của mình bị người dân da đen cưỡng hiếp). Cả hai môi trường này đều không thừa nhận sự tồn tại của nhân vật David, vì ông đã lựa chọn: không thỏa hiệp với thực tại.

Nỗi đau của loài người, xét đến cùng, chính là cuộc hành trình của sự lựa chọn. Sống, đó là một chuỗi của sự lựa chọn. Tồn tại, đó là hình thức của những sự chấp nhận khác nhau. Nghệ thuật là phương thức thể hiện tối ưu nhất thông điệp này. Bi kịch của chàng Rodrigue trong Lecid là phải lựa chọn Tình yêu hay danh dự? (Hành động giết chết cha của Chimène). Bi kịch của thằng gù Quazimodo (trong Notre Dame de Paris) là phải lựa chọn giữa cái thiện và cái ác, giữa tình yêu và tôn giáo (Hành động giết giáo chủ để cứu Esméralda). Còn Enma Bovary là bi kịch của sự lựa chọn giữa khát vọng tình yêu tự do và đạo đức của người phụ nữ? (Hành động ngoại tình và sám hối). Những khoảnh khắc lựa chọn của nhân vật, nó dung chứa bản chất của các quan hệ cá nhân trong các thiết chế xã hội. Tính quan niệm và tính khái quát của các hình tượng nghệ thuật bộc lộ ở những khoảnh khắc dồn nén của lựa chọn này.
Giáo sư David cũng như con gái Lucy đều là những kiểu lựa chọn khác nhau trước thực tại. Lucy-con gái ông, không rơi vào tuyệt vọng, ngay cả khi bị hãm hiếp, bị tấn công, bị đốt phá trang trại. Cô thỏa hiệp bằng sự trả giá đầy ô nhục, miễn sao, cô được sống ở trang trại: giữ lại cái thai của một kẻ dâm đãng, vô học, chấp nhận làm vợ lẽ Petrus - một kẻ mưu mô, nham hiểm. Còn David, chống lại sự ô nhục, bằng việc, sẵn sàng đánh đổi cả ngôi nhà - tài sản duy nhất còn lại của mình, để đưa con gái thoát khỏi sự tàn sát, hãm hiếp của người da đen.

Lập trường của nhân vật thể hiện rất rõ qua hành vi của sự lựa chọn. Đó cũng là quan niệm, thái độ trước những tình huống cuộc sống đặt ra: “Bố ạ, con không thể điều hành cuộc đời của con, theo bất kỳ ý muốn nào của bố. Không một chút nào. Trái hẳn với điều bố nghĩ... Con có cuộc sống của riêng con, nó cũng quan trọng như cuộc sống của bố vậy.Và con là người ra quyết định của đời mình” (tr.257).
Lucy cũng là một bi kịch: Bi kịch của sự thỏa hiệp. Là người da trắng, nhưng chấp nhận sống ở trang trại, chấp nhận sự hành hạ đầy man rợ và ô nhục của người da đen. Mỗi lựa chọn là một sự chấp nhận. Chấp nhận sự thật, cho dù nó tàn nhẫn, nghiệt ngã. Ruồng bỏ gợi ra một cách tinh tế và sâu sắc ý nghĩa này

Bi kịch cá nhân gắn với bi kịch lịch sử
Thực ra, cả hai nhân vật này đều là nạn nhân của lịch sử hậu Apartheid. Sự trả thù của người da đen đối với người da trắng mà họ phải đối mặt. Trong sâu thẳm, họ vẫn ý thức được điều đó: “Con hy vọng chuộc tội của quá khứ bằng cách chịu đựng hiện tại phải không?... Con ao ước hạ mình trước lịch sử?” (tr.214). Bi kịch của cá nhân gia đình David chính là bi kịch lịch sử, gắn với cảm thức lịch sử: “Thật là nhục, kết cục như thế này đây... Có lẽ đó là điều con phải học để công nhận. Bắt đầu từ mức thấp nhất. Mà chẳng có gì. Không một chút nào hết. Không có gì hết. Không phương hướng, không vũ khí, không tài sản, không quyền lợi, không phẩm giá. Giống một con chó. Vâng, giống một con chó”(tr.266).

Bi kịch của nhân vật David chính là thông điệp cảnh báo hùng hồn đối với các nhà lãnh đạo độc tài ở phương Tây. Phải chăng, ngoài vấn đề tính dục và nhân cách con người, chính thông điệp này mà tác phẩm đoạt giải Booker và Nobel?
Phủ nhận sự hiện diện của bản thân trước thực tại; thiếu vắng quê hương ngay trên chính quê hương, đó là tâm thức chung của các nhà văn phương Tây, mà rõ nhất là M.Coetzee.
Coetzee là một nhà văn nhạy cảm về lịch sử và thân phận con người. Tác phẩm của ông đã đặt ra những vấn đề nhức nhối của xã hội Nam Phi. Ẩn dưới những tên gọi hoang dã như: Miền đất hoàng hôn, Giữa miền đất ấy, Canh chờ bọn mọi rợ, Cuộc đời và thời đại của Micheal K, Tuổi sắt đá. .. các tác phẩm của Coetzee đã ngầm bộc lộ một tuyên ngôn và mục đích sáng tạo: phấn đấu cho con người: “biết trở thành một nhân cách tự do” (Tựa đề cho bài diễn thuyết nhân nhận giải Jérusalem).
Thông điệp Disgrace càng sâu sắc, cay đắng hơn, khi Coetzee đã kết thúc số phận nhân vật giáo sư David bằng sự song hành với hình ảnh một con chó. Những con chó bị bệnh tật đều phải mang vào lò thiêu hủy, nó đã gợi lên một không khí tàn sát, chết chóc, gắn rất rõ với sự thất bại, tuyệt vọng, cùng đường của số phận nhân vật. Con người sẽ đi về đâu? Về đâu giữa thế giới giả dối, tàn nhẫn và phi lý này?

4. Bi kịch Ruồng bỏ và thủ pháp để ngỏ
Như trên đã nói, Disgrace là một cuốn tiểu thuyết giản dị. Không xáo trộn các sự kiện, không đồng hiện thời gian, không đắc dụng thủ pháp phân mảnh, dán ghép và độc thoại nội tâm - monologue intérieur... như các nhà tiểu thuyết đương đại của thế giới. Vì vậy, khó tìm thấy những dấu hiệu đặc biệt của các thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại. Nhưng đó chỉ là sự “đánh lừa” của tác giả ở lối kết cấu bề mặt của văn bản.
Ẩn dưới lối kết cấu có vẻ cổ điển, các mạch ngầm của văn bản hiện ra, nhờ phát huy tối đa thủ pháp để ngỏ.
Thủ pháp để ngỏ là một đặc tính quan trọng của tiểu thuyết hậu hiện đại. Khi thế giới đồng loại rơi vào trạng thái “vô cảm”, sự phi lý, vô nghĩa tồn tại một cách công nhiên, khi phẩm giá con người bị ruồng bỏ, thì thủ pháp để ngỏ là phương tiện đắc dụng nhất để giúp con người có khả năng hoài nghi bản thân và thế giới. Hoài nghi để chống lại sự đồng hóa của xã hội.

Ruồng bỏ, thủ pháp để ngỏ đã chi phối toàn bộ cách xử lí nghệ thuật trong cấu trúc văn bản tác phẩm. Thủ pháp này gắn với phép đánh vắng nhân vật, phép đánh vắng hình tượng lịch sử, phép mô tả nước đôi... đã tạo cho Ruồng bỏ một không khí nghệ thuật rất đặc biệt. Hình như Coetzee nghiêng về sự trình bày sự việc, hơn là giải quyết sự việc. Tất cả các sự kiện quan trọng liên quan đến bi kịch của nhân vật chính trong tác phẩm không được tác giả tường minh: Hai lần ly dị vợ, nhưng không rõ nguyên nhân, Soraya biến khỏi biệt thự gái điếm Windsor mà không một lời từ biệt, giải thích; ai là người cưỡng bức Menlanie ký vào đơn kiện, dẫn đến bi kịch đau đớn của giáo sư David? Tính chất lập lờ này đã tạo độ mở của văn bản, kích thích sự hồ nghi và trí tưởng tượng, suy ngẫm của độc giả. Đó là đặc điểm mà các nhà lý luận quen gọi là: sự dẫn dụ của văn bản. Đặt trong mối quan hệ với người đọc - W.Iser gọi là Kết cấu vẫy gọi.
Nếu bạn đọc có “phép đọc mới”, am hiểu tính chất hoài nghi của tiểu thuyết hiện đại, sẽ dễ dàng nhận ra dấu vết của F.Kafka (sự phi lý, hoài nghi thực tại), G.Grass (tính chất ngụ ngôn), đặc biệt là M. Kundera (phép tinh giản tối đa trong việc xử lý chất liệu lịch sử...) trong Ruồng bỏ.

Ngoài tính nghiệt ngã, khốc liệt của những thân phận đầy bi kịch, Disgrace còn có những trang viết lãng mạn và dịu dàng về âm nhạc và ái tình; những lời thì thầm, đắm say của niềm hoan lạc, nỗi thèm muốn và khao khát hạnh phúc của những tâm hồn cô đơn... Có lẽ, chính phong cách tiểu thuyết: vừa sắc lạnh, trí tuệ, vừa mềm mại, kín đáo, Coetzee đã chinh phục người đọc ngay từ những thập niên 70 của thế kỷ trước.
Với những giải thưởng văn học sáng giá: Booker và Nobel, M.Coetzee đã gây sự kinh ngạc pha lẫn ghen tỵ cho những cây bút có tham vọng sáng tạo trên lãnh địa thể loại tiểu thuyết. Hiện nay, Coetzee được xem là nhà văn “ngụ ngôn hiện đại”, sau G.Grass - nhà ngụ ngôn đen giỡn cợt (humour noir) của Đức. 
                           T.H.S

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 



--------------
(1) Tác phẩm Ruồng bỏ của Coetzee đoạt giải Nobel văn học 2003, và trước đó, đã từng đoạt giải Booker ở Phi. Các trích dẫn trong bài được lấy từ tác phẩm này.
(2) Giới chính trị gia phương Tây liên quan đến chế độ Apartheid ở Phi.
(3) Trước Apartheid, Phi lệ thuộc Anh quốc và Hà Lan. Người da đen bị người da trắng bóc lột tàn bạo. Sau Apartheid, Nam Phi như rơi vào một tấn bi kịch, nhất là từ thập niên 90. Bề ngoài là nền hòa bình được thiết lập, nhưng bên trong là sự xung đột của các khuynh hướng chính trị, các cuộc bạo động, tàn sát, trả thù của người da đen. Người da trắng, giờ đây phải gánh chịu hậu quả lịch sử, họ bị đe doạ, bị ruồng bỏ, ngay trên chính dân tộc mình.
(4) Tiếng Pháp, http: www.ratsdebiblio.netcoetzeejmdisgrce.html
(5) M.Kunderva- Tiểu luận, Nxb Văn hóa thông tin, 2002.
(6) Susan J.Adams, Phê bình hình thức tác phẩm “Cõi chết” của James Joyce, Tạp chí văn học nước ngoài, 6-2005.

Các bài mới
Miền vĩnh phúc (12/11/2008)
Các bài đã đăng