Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Bùi Việt Thắng với truyện ngắn và tiểu thuyết
10:51 | 27/11/2008
PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi


Nhiều người sáng tác chỉ chuyên về một thể loại và sự nghiệp ở đời gắn liền với danh hiệu nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch,... Nhưng người làm nghiên cứu phê bình thường quan sát trên một diện rộng, bao quát nhiều thể loại tạo nên sự bổ sung cho nhau như là sự tích hợp cần thiết để có thể đủ “quyền lực” phát ngôn về một lãnh vực nào đó. Nhưng Bùi Việt Thắng lại khác. Hầu hết sức đọc, sức nghĩ, sức cảm của anh đều tập trung cho truyện ngắn và tiểu thuyết, và quả thật, anh đã trở thành “chuyên gia” về lãnh vực này với các công trình đã công bố như: Bình luận truyện ngắn (Nxb Văn học, 1999), Truyện ngắn- những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000), Truyện ngắn hiện thực 1930-1945 (Nxb Văn học, 2003), Bàn về tiểu thuyết (Nxb Văn hoá thông tin, 2000), Tiểu thuyết đương đại (Nxb Quân đội Nhân dân, 2005), bên cạnh đó còn có công trình tổng quan nhìn suốt một chặng đường văn học như Văn học Việt Nam 1945-1954 (Nxb Văn học 2002) hoặc các công trình viết chung như Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Nxb Giáo dục 2004), Lý luận phê bình văn học miền Trung (Nxb Đà Nẵng, 2001)...

Là giảng viên văn học lâu năm của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), việc nghiên cứu khảo sát một cách toàn diện cả về lý thuyết lẫn thực tiễn văn học Việt Nam hiện đại, là điều kiện bắt buộc đối với Bùi Việt Thắng. Cũng chính nhờ thế anh có điều kiện đi sâu vào từng vấn đề về đặc trưng thể loại để lấy ra, rút ra, đúc kết thành những yếu tố căn cốt, xâu chuỗi thành những hệ thống không chỉ thể hiện sức cảm nhận văn xuôi một cách sâu sắc mà còn thể hiện tư duy sắc sảo của một người làm khoa học- một nhà khoa học chuyên ngành thực thụ xứng đáng để nhiều người, phải ngưỡng mộ, học tập.

Về truyện ngắn ở nước ta, Bùi Việt Thắng không phải là người đầu tiên bàn đến. Ngoài những ý kiến, những bài viết được công bố rải rác trên các sách, báo, trước anh đã có Sổ tay truyện ngắn (Nxb Tác phẩm mới, 1980) của Vương Trí Nhàn, Tìm hiểu truyện ngắn (Nxb Tác phẩm mới, 1987) của Trần Thanh Địch. Và cứ như thế, đối với một thể loại xung kích đầy năng động trong nền văn học hiện đại của nước ta, dường như chẳng có điều gì phải bàn tới nữa. Bùi Việt Thắng đã tập trung cái nhìn của mình dưới góc độ thể loại, liên tục cho ra mắt độc giả ba công trình với hơn nghìn trang sách, khảo sát một cách tương đối đầy đủ, toàn diện về truyện ngắn. Điều đáng nói hơn, là ba công trình nhằm đúng vào ba hệ thống khác nhau, lại cùng nằm trong một hệ thống có ý nghĩa liên hoàn, bổ sung cho nhau. Trước hết là Bình luận truyện ngắn (bình luận chứ không phải phê bình) là sự góp nhặt toàn bộ những gì mấy chục năm anh đọc và ngẫm nghĩ về các tác giả, tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn.

Anh xới tung đời sống văn học để nhặt ra thành tựu của một thể loại rồi từ đó đúc kết nâng lên thành cấp độ lý thuyết ở Truyện ngắn- những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại. Ở cuốn sách thứ hai này nếu không vững tay, không có sự kế thừa và nâng cao, không có chủ kiến của người làm khoa học, tác giả dễ rơi vào sự lặp lại dấu chân của người đi trước và của cả chính mình. Anh không trở lại những vấn đề như đề tài, chủ đề, nhân vật, ngôn ngữ như Trần Thanh Địch đã bàn mà đi từ định nghĩa, nguồn gốc để xác định các yếu tố đặc trưng, các kiểu truyện ngắn, từ đó cung cấp một cái nhìn khái quát về sự phát triển truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX. Phương pháp nghiên cứu của Bùi Việt Thắng vừa có sự phối hợp giữa đồng đại và lịch đại, vừa kế thừa vừa nâng cao không chỉ thành tựu trong nước mà cả trên thế giới, vừa mang tính hệ thống vừa có sự phân tích đối chiếu để tìm ra bản chất.

Ở phần định nghĩa và nguồn gốc tác giả đã cung cấp một cái nhìn tương đối đầy đủ các quan niệm về lý luận cũng như thực tiễn về truyện ngắn trong nước và các nước có nhiều thành tựu về thể loại này, để đến phần đặc trưng anh chỉ ra các nét riêng của truyện ngắn chủ yếu là ở các phương diện bản chất như dung lượng, cốt truyện, kết cấu, tình huống, nhân vật; từ đó anh chỉ ra các kiểu truyện ngắn như truyện ngắn cổ điển, truyện ngắn tâm tình, truyện ngắn kỳ ảo, truyện ngắn rất ngắn, truyện ngắn liên hoàn và biến thể...Cách làm này là tương đối toàn diện khi tác giả có sự kết hợp giữa hai phương thức vừa bổ ngang vừa bổ dọc để tiếp cận chân lý. Tuy tên gọi là những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, nhưng tác giả chủ yếu đi sâu vào lý thuyết nhiều hơn và theo tôi, đó cũng chính là đóng góp nổi bật của Bùi Việt Thắng thông qua hơn hai trăm trang sách phần đầu, được anh gọi là chuyên luận về truyện ngắn.

Ở phần thứ hai là phần “tài liệu tham khảo dùng cho rộng rãi đối tượng các nhà nghiên cứu, người sáng tác, sinh viên học tập và tất cả những ai yêu văn chương, đặc biệt là yêu thích truyện ngắn” (tr. 222), là vấn đề mà Vương Trí Nhàn đã ghi vào Sổ tay truyện ngắn nhưng Bùi Việt Thắng cũng không trùng lập với Vương Trí Nhàn. Phần trích ý kiến các tác giả nước ngoài anh ghi hẳn là trích lại từ Sổ tay truyện ngắn của Vương Trí Nhàn, còn các tác giả trong nước anh cũng dẫn ra ý kiến của các cây bút truyện ngắn của nước ta như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyên Ngọc nhưng không trích trùng với những gì Vương Trí Nhàn đã trích mà tìm đến cái mới, những phương diện, góc độ khác. Ở chương cuối của phần 1, Khái quát sự phát triển truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX người viết không chỉ nhìn sự vận động phát triển của truyện ngắn dọc theo chiều vận động của lịch sử mà còn dừng lại đi sâu vào một số tác giả tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, dành cho họ một số trang thích đáng. Xin được nói ngay rằng, theo tôi ở giai đoạn 1975-2000, nếu tác giả vượt ra khỏi một vài thiên kiến thì các tác giả tiêu biểu giai đoạn này không chỉ có Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp mà còn có cả Phạm Thị Hoài nữa, mặc dù có thể do sở thích, do thị hiếu, do quan niệm, nhưng không thể không ghi nhận (hình như trong suốt các công trình của anh, chỉ có một lần anh nhắc đến nhà văn nữ này là nhằm để phê phán ở trong sách Tiểu thuyết đương đại, (tr. 109)

Với Truyện ngắn hiện thực 1930-1945, là công trình biên soạn tập trung vào một trong những giai đoạn có những thành tựu truyện ngắn rực rỡ nhất của nước ta, Bùi Việt Thắng lại tiếp tục phương pháp nghiên cứu vừa có điểm vừa có diện, vừa quan sát cả một giai đoạn, một bức tranh văn học rộng lớn vừa soi sáng dưới lý thuyết của phương pháp sáng tác, trong đó thành tựu nổi bật nhất là truyện ngắn, với các tác giả như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng... Có thể coi đây là một phần trong giáo trình giảng dạy của tác giả về truyện ngắn ở bậc đại học cũng là một phần về thể loại truyện ngắn được tác giả công bố trong công trình chung Văn học Việt thế kỷ XX. Có thể nói trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn về khám phá thể loại, Bùi Việt Thắng là một trong những tác giả hiếm hoi có “bộ ba” tác phẩm nghiên cứu liên hoàn về truyện ngắn, tập trung vào ba phương diện, ba khía cạnh có thể bổ sung cho nhau, nếu không muốn nói anh là người có hệ thống hoàn chỉnh nhất về truyện ngắn.

Tương tự như vậy, về tiểu thuyết ở nước ta, Bùi Việt Thắng cũng không phải là người đầu tiên quan tâm đến. Có thể nói trong nền văn học hiện đại, lý thuyết về thể loại tiểu thuyết được các tác giả quan tâm đến trước tiên. Tính theo thời gian (chỉ tính riêng những công trình in thành sách) có thể xếp theo thứ tự: Khảo về tiểu thuyết (1929) của Phạm Quỳnh, Theo dòng (1941) của Thạch Lam, Khảo về tiểu thuyết (1955) của Vũ Bằng, Viết và đọc tiểu  thuyết (1960) của Nhất Linh, Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1961) của Nguyễn Văn Trung, Công việc của người viết tiểu thuyết (1969) của Nguyễn Đình Thi, Sổ tay viết văn (1977) của Tô Hoài... trong đó có những công trình được đánh giá cao như Công việc của người viết tiểu thuyết được coi là đã thể hiện “năng lực tư duy sâu sắc, sự hài hoà giữa năng lực triết học và văn học, giữa khái quát và cảm thụ, giữa phân tích chặt chẽ và diễn đạt tài hoa” (tr. 437), hoặc Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh được in trên Nam Phong tạp chí từ năm 1921, in thành sách năm 1929 được Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đánh giá là “Phần khảo cứu tuy không dài, nhưng sáng suốt và cân phân, không thiên về mặt nào quá, ông lại cử ra đủ các thí dụ về tiểu thuyết đông tây” (1).

Theo tôi, cần phải ghi nhận, đây không chỉ là cuốn sách bàn về tiểu thuyết đầu tiên mà còn là cuốn lý luận văn học đầu tiên về thể loại của nước ta. Bàn về tiểu thuyết là công trình được tuyển chọn và biên soạn nhằm thảo mãn mục tiêu: “chúng ta còn thiếu một bộ lịch sử tiểu thuyết Việt chí ít có lộ trình phát triển gần ba trăm năm” như trong lời nói đầu tác giả đã khẳng định. Ngoài phần phụ lục chỉ dẫn về các tác giả, nội dung được chia thành hai phần ứng với hai giai đoạn phát triển của tiểu thuyết hiện đại, lấy năm 1945 làm bản lề. Trong nhiều tác giả có tham gia bàn về tiểu thuyết trước năm 1945, Bùi Việt Thắng tuyển chọn và trích ý kiến của ba tác giả là Phạm Quỳnh, Thạch Lam và Vũ Bằng, đều là sự lựa chọn và cân nhắc xác đáng, bởi vì đây là ba ý kiến hết sức đặc sắc. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Phạm Quỳnh đã chỉ ra được những nét đặc trưng về thể loại về thời đại của tiểu thuyết, nhất là những đặc điểm về kết cấu, sự kiện, con người, chi tiết, tình tiết, nghệ thuật tự sự, lại còn phân loại thành tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết tả thực, tiểu thuyết truyền kỳ, đồng thời còn phân biệt quan niệm về tiểu thuyết nước ta và các nước phương Tây đặt trong yêu cầu mối quan hệ giữa nội dung và hình thức: “Theo ý kiến phần nhiều các nhà văn sĩ Âu Châu thời văn chương không tất nhiên có quan hệ với thế đạo.

Làm một bộ tiểu thuyết cốt là đặt cho hay, viết cho khéo, cho người đọc có hứng thú, còn ảnh hưởng về xã hội, phong tục thế nào, bất tất phải xét đến. Nay không bàn ý kiến ấy là phải hay là trái, nhưng có lẽ ở những nước văn minh lắm thời hoặc có thể nghĩ như thế được, chứ ở những dân còn bán khai như dân ta, thời văn chương rất là quan hệ cho đời lắm. Nhà làm văn có trách nhiệm duy trì cho xã hội, dìu dắt quốc dân, nếu làm trái trách nhiệm ấy thời dẫu văn chương hay đến đâu cũng có tội với quốc gia, với danh giáo vậy.” ( tr. 37). Ở đoạn khác, ông chỉ ra phẩm chất của người làm văn chương nghệ thuật: “Văn là cái vẻ thiên nhiên ở trong con người, không học mà được. Phàm người có chí khí, có tư tưởng, có phẩm cách cao là những người có văn cả, nếu dụng tâm làm văn thì văn ấy mới là văn chương. Những kẻ nhân cách tầm thường thì dẫu suốt đời học văn, văn chương ấy vẫn là không có giá trị.” Ở Thạch Lam ta thấy ông xác định quan niệm trong tiểu thuyết, vai trò chức năng của tiểu thuyết, các loại người đọc, đối tượng phản ánh, sức sống của tiểu thuyết; Vũ Bằng lại đặt mối quan hệ của tiểu thuyết với thuật tả chân và các vấn đề về nhân vật, ngôn ngữ, tư tưởng chủ đề, giọng điệu... Đó là tất cả những vấn đề căn cốt và bức thiết của tiểu thuyết hiện đại cho đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự, vẫn còn nguyên giá trị học thuật, thu hút sự quan tâm của nhiều người, cả những người sáng tác và giới nghiên cứu.

Những ý kiến bàn về tiểu thuyết sau năm 1945, hầu hết là của các nhà tiểu thuyết tài ba như Nhất Linh, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng. Những phát ngôn của họ, không chỉ có ích cho người nghiên cứu về tiểu thuyết, mà còn rất bổ ích cho những người sáng tạo tiểu thuyết, không chỉ có giá trị học thuật mà còn nhìn vấn đề từ tâm lý sáng tạo, từ tâm lý sáng tạo đến tâm lý người đọc, người tiếp nhận. Những ý kiến của Nguyễn Văn Trung, Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn và Bùi Việt Thắng (bản thân tác giả cũng góp Hai bài viết về tiểu thuyết) lại xuất phát từ góc độ học thuật, chỉ ra đặc trưng, nhân vật và những thành tựu của tiểu thuyết. Đặc biệt Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Văn Trung đi sâu vào những vấn đề của thi pháp tiểu thuyết, chỉ ra kỹ thuật xây dựng, điểm nhìn, góc nhìn trong không gian nghệ thuật, coi hoạt động sáng tạo là hoạt động có ý thức và đặc trưng đa biến của tiểu thuyết phản tiểu thuyết.

Nếu Bàn về tiểu thuyết chỉ đơn thuần là lý thuyết, thì đến tác phẩm gần đây của Bùi Việt Thắng là Tiểu thuyết đương đại chủ yếu là khảo sát đời sống tiểu thuyết đang sôi động ở nước ta hơn hai mươi năm qua. Và, nếu ở cuốn sách trước, đóng góp chủ yếu của tác giả là ở giá trị tư liệu, sự tuyển chọn khách quan khoa học đến mức xác đáng, thì ở cuốn sách này, thật sự là sự đầu tư nghiền ngẫm, vận dụng những gì đã tích tụ, tạo nên một hệ thống tư duy mạch lạc, có sức thuyết phục và độ chín, độ sâu. Tiểu thuyết đương đại (sưu tập các bài đã in báo, phát biểu tại các hội thảo khoa học), chia làm hai phần: Phần I, Trong dòng chung gồm 11 tiểu luận khảo sát về bức tranh tiểu thuyết đương đại, chủ yếu là tiểu thuyết viết về chiến tranh sau chiến tranh và thời kỳ đổi mới.

Trên cơ sở phác thảo hiện trạng của tiểu thuyết đương đại, tác giả đi sâu phân tích các yếu tố chủ yếu như đặc trưng, cấu trúc, nhân vật, khuynh hướng giản lược nhân vật, đồng thời nhìn dưới góc độ của người sáng tác, người nghiên cứu, tiếp nhận, trong đó có những bài có tính chất khái quát, có kích cỡ về lý thuyết và thực tiễn, có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục cao như Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975- nhìn góc độ từ thể loại, Những biến đổi trong cấu trúc thể loại tiểu thuyết sau 1975... Từ bài mở đầu Hiện trạng tiểu thuyết, đến bài kết thúc Phía trước của tiểu thuyết, Bùi Việt Thắng không chỉ phác họa được bức tranh đời sống tiểu thuyết có tính đồng đại, mà còn rẽ bóng thời gian nhìn về quá khứ và dự báo sự phát triển của tiểu thuyết trong tương lai: “Sự chiếm lĩnh bạn đọc ở thế kỷ XXI vẫn là những tiểu thuyết nào đạt tới cổ điển, đó là sự hài hoà, sự trang trọng, thanh nhã. Dĩ nhiên, cái cổ điển ở thế kỷ XXI có thể khác ít nhiều thế kỷ XX và thế kỷ XIX vì tâm linh và trí tuệ sẽ là những giá trị hàng đầu mà văn học nghệ thuật hướng tới khám phá sáng tạo”(tr. 149).

Ở phần II, phần phê bình, gồm 19 bài viết về các tác giả, tác phẩm, Bùi Việt Thắng cũng sưu tập những bài viết đã được công bố trên các báo theo trật tự thời gian, từ những tiểu thuyết xuất hiện vào đêm trước của thời kỳ đổi mới như Sao đổi ngôi (Chu Văn), Những ngõ phố, Người đường phố (Tô Hoài), Thời xa vắng (Lê Lựu), Người của biển (Đình Kính).... đến những tiểu thuyết đạt giải thưởng gây xôn xao dư luận những năm gần đây như Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Dòng sông mía (Đào Thắng)... Ở đây, như một sự bổ sung cho phần trước và cuốn sách trước, không chỉ thể hiện tư duy logíc chặt chẽ mà còn thể hiện khả năng cảm thụ văn xuôi một cách tinh tế, nhạy cảm và chuẩn xác. Người sáng tạo tư duy bằng hình tượng. Người phê bình cũng phải tư duy bằng hình tượng. Người phê bình không chỉ cần có năng khiếu văn chương mà còn đòi hỏi phải có trình độ tri thức, có văn hoá nữa. Từ đó, mới có thể hình dung ra hình tượng, không chỉ phân tích bằng tư duy duy lý của một nhà khoa học, mà còn góp phần nhận thức lại, sáng tạo lại, trở thành đồng tác giả với nhà văn.

Bùi Việt Thắng đã làm được điều đó. Những bài viết về các tiểu thuyết Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Tháng không ngày (Trần Thị Thắng), Thuỷ hoả đạo tặc (Hồng Minh Tường), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng), hoặc về chân dung tác giả Tiểu thuyết Ông Văn Tùng... là những bài viết có độ thẩm thấu, thể hiện năng lực tài hoa của người làm phê bình văn học. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, anh còn bỏ qua nhiều tác phẩm được đông đảo người đọc quan tâm, như Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Trùng tu (Thái Bá Lợi), Kỳ nữ họ Tống (Nguyễn Văn Xuân), Sông dài như kiếm (Nguyễn Quang Hà)... Cũng có thể là do sở thích, do thị hiếu, do chưa có cơ duyên, chưa có điều kiện quan sát một cách đầy đủ. Âu, đó cũng là lẽ thường. Làm sao có thể đòi hỏi tất cả mọi điều ở một cuốn sách, một tác giả!

Trong các thể văn xuôi, truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể xung kích, chủ lực và đầy năng động của những nền văn học hiện đại, có mối quan hệ mật thiết, có nhiều nét tương đồng gần gũi với nhau. Trong Truyện ngắn- những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, ít nhất có ba lần Bùi Việt Thắng nhắc đến vấn đề  “truyện ngắn được quan niệm là một bộ phận của tiểu thuyết” (tr. 36, 71, 132). Đồng thời, trong Tiểu thuyết đương đại không dưới bốn lần anh khẳng định “Tiểu thuyết là cái máy cái của văn học” (tr. 7, 84, 98, 140), là hình thức tự sự có tầm vóc lớn, có thể bao quát nhiều sự kiện, chi phối nhiều số phận, diễn ra ở nhiều nơi và trong một quãng thời gian dài, trong khi đó truyện ngắn chỉ là một hình thức tự sự nhỏ, “vì thế trên nguyên tắc không có lý thuyết riêng cho truyện ngắn, lý thuyết của nó dựa vào lý thuyết của tiểu thuyết.
Tuy nhiên, với tư cách là một thể loại văn học độc lập, có tuổi thọ cao trong tiến trình văn học dân tộc và rất năng động, nên trong một chừng mực nào đó vẫn có thể xây dựng một lý thuyết riêng cho thể loại “nhỏ” này, nghĩa là xem xét nó trong tính tương đối ngang hàng, bình đẳng với tiểu thuyết” (tr.71).

Và, quả là, Bùi Việt Thắng đã cố gắng xây dựng một hệ thống lý thuyết cho cả hai thể loại có thể “tương đối ngang hàng, bình đẳng” với nhau này, thậm chí còn dành cho thể loại chưa có “lý thuyết riêng” sự ưu ái nhiều hơn. Chỉ tính số trang sách, đầu sách của anh cũng thể hiện rõ điều đó. Đồng thời, những trang viết về truyện ngắn cũng được anh đầu tư, cân nhắc một cách cẩn trọng hơn so với tiểu thuyết, bởi “tiểu thuyết là một thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và còn chưa định hình” (2). Là người nghiên cứu về thể loại “duy nhất đang biến chuyển và chưa định hình” này, Bùi Việt Thắng cũng phải hết sức năng động, nhìn sự vận động thể loại theo từng thời kỳ lịch sử, nhằm chỉ ra rằng “tiểu thuyết là một nghệ thuật khám phá đời sống xã hội” (tr.106), đồng thời đối với nghệ thuật đương đại, thì “sự tìm tòi những kiểu khác nhau của tiểu thuyết đương đại là nhằm phát hiện ra tính chất ngày càng phức tạp của đời sống và con người. Suy cho cùng, những biến đổi trong kết cấu thể loại là phản ánh những thay đổi kết cấu trong đời sống xã hội xét về nhiều mặt” (tr. 83).

Điều đáng lưu ý là ở cả hai thể loại, Bùi Việt Thắng chủ yếu nhằm vào thực tiễn văn học đang vận động và phát triển, vừa có sự kết hợp giữa cái nhìn đồng đại và lịch đại, nhưng suy cho cùng tính chất đương đại là chủ yếu, là hiệu quả và là mục tiêu cuối cùng của tác giả. Có thể nói cả năm công trình nghiên cứu và biên soạn của Bùi Việt Thắng đều nhằm đúng vào giai đoạn thời kỳ đổi mới. Anh bắt đầu nghiên cứu từ những tác giả mở đầu thời kỳ đổi mới như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp... từ các tác phẩm như Thời xa vắng, Sao đổi ngôi, Người của biển... Cho dù, có trở lại những tác giả cổ điển trong quá khứ như Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng... anh cũng nhìn bằng cái nhìn của hôm nay, bằng cái nhìn đổi mới. Có thể nói, anh là tác giả nghiên cứu về văn học thời kỳ đổi mới, là người đi tiên phong, người hiếm hoi dõi cái nhìn xuyên suốt văn học đương đại, nhất là đối với truyện ngắn và tiểu thuyết.
                          P.P.P

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

 



-----------------------------
(1) Dẫn theo Bùi Việt Thắng, sđd, tr. 436
(2) M.Bakhtine, Những vấn đề thi pháp Dostoieski, Nxb Giáo dục, 1993.

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Các bài đã đăng