Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Đừng để nhà văn bất an khi cầm bút
15:13 | 01/12/2008
THU NGUYỆTLTS: Tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được giới chuyên môn đánh giá cao như một hiện tượng văn học trong thời gian gần đây. Giữa lúc đông đảo bạn đọc đang hứng vị với hiện tượng này thì có một hiện tượng khác “ngược chiều” đã gây sốc dư luận.Để bạn đọc Sông Hương có thêm thông tin, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến sau đây.
Đừng để nhà văn bất an khi cầm bút

- đời, khi mắng thì bao giờ người ta cũng lớn tiếng và khi xin lỗi thì bao giờ cũng thấp giọng (thậm chí, không mắng nữa nghĩa là đã xin lỗi rồi đó!) Đối với nhà văn và tác phẩm văn học thì sau khi xúc phạm nặng nề, sau khi kết oan đủ kiểu, người ta nhận ra rằng họ đã sai thì họ thường không hề nói lên một lời xin lỗi, và cũng thường không hề bị kết án tuyên tội như những trường hợp vi phạm pháp luật khác. Im lặng là huề!
- Ở đời, người ta có thể chạy tội bằng cái câu: “Tui làm điều này có phải vì quyền lợi của tui đâu? Vì dân, vì nước, vì.. (đủ thứ) đó chứ!” để mà làm những điều thực sự ra chẳng vì ai cả, mà vì... vì cái gì thì thú thật là cho đến giờ phút này tôi vẫn còn chưa dám mạnh miệng nói ra! Nhưng cứ được “đỡ đầu” bằng cái cớ “vì lợi ích chung” đó mà người ta đã làm biết bao chuyện hại biết bao người, và vẫn vô tư hồn nhiên vô tội!

- Ở đời, thường thì người ta chỉ thấy những tác hại của cái ác trực tiếp, còn cái ác gián tiếp thì ít ai thấy dù tác hại của nó đôi khi còn gấp tỉ lần. Cũng như khi ta chạy xe đụng một ai đó bị đau cái chân, ta phải bồi thường ngay, nhưng khi hằng ngày ta bóp còi inh ỏi làm đau cái đầu (và hậu quả tiềm ẩn không thể lường hết được) cho bao người thì chẳng ai bắt đền ta cả!
Khi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm điểm và có rất nhiều dư luận ủng hộ NNT, tôi cảm thấy mừng nhưng vẫn e mừng chẳng bao nhiêu, bởi vì 3 cái lẽ “ở đời” như trên.

Đối với tác phẩm văn học mỗi người có thể cảm nhận một cách khác nhau. Tôi có thể không ăn được sầu riêng (*) nhưng tôi không thể bảo rằng sầu riêng là thứ trái cây hôi thối, nhân dân không thể ăn được. Cái chuẩn của văn học – dù không ai có thể đưa ra cái chuẩn ấy nhưng nó vẫn có. Tôi có thể không thấy Truyện Kiều hay như mọi người ca tụng, nhưng tôi không thể không công nhận rằng Truyện Kiều là một tác phẩm lớn; không thể bảo rằng đó là một tác phẩm nói về gái điếm, ở bên Tàu thời đó thì mới có những quan chức như Hồ Tôn Hiến, những người như Mã Giám Sinh, chớ ở ta thời nay làm gì có, cớ sao mọi người cứ đem Truyện Kiều ra dạy cho trẻ con học! (Chức năng “giáo dục” “định hướng” của Truyện Kiều nằm ở đâu khi viết về một cô gái làm điếm và kết thúc cuộc đời rất là tiêu cực: nhảy sông tự tử rồi cuối cùng là đi tu, chẳng chịu lấy chồng sinh con đẻ cái góp sức xây dựng xã hội gì cả!)

Chúng ta cứ ước vọng về một nền văn học MỚI, mà lại để cho những người “chăm sóc văn học” CŨ (tôi dùng từ này chưa chính xác lắm) như thế này thì biết chừng nào con cái chúng ta mới có cái gì hay để mà xách đem khoe với hàng xóm? E rằng con số 197 năm nữa nước ta mới đuổi kịp hàng xóm ( ) sẽ bị văn học góp phần làm cho tăng cao hơn nữa.
Nhà văn chúng tôi tâm hồn rất nhạy cảm, một người bị đánh cả làng giật mình. Mà cái giật mình của những người sống nặng về tâm hồn thì hậu quả không thể lường hết được! Kính mong Đảng và Nhà nước khi đã xem chúng tôi là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” thì hãy quan tâm đến chiến sĩ nếu có ai đó (nhân danh....) áp đặt, bắt nạt chiến sĩ; có như thế thì “chiến sĩ” mới yên tâm mà làm chiến sĩ. Kính mong những vị có trách nhiệm “chăm sóc về văn học” hãy làm đúng, làm tròn trách nhiệm của mình, giữ uy tín cho Đảng và Nhà nước; giúp chúng tôi, đừng để cảm giác bất an luôn đè nặng chúng tôi khi cầm bút.
T.N

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 



-----------------
(*) Nguyễn Ngọc Tư có lần đã ví mình như trái sầu riêng.
Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Các bài đã đăng
Xưa rồi (01/12/2008)