Tạp chí Sông Hương - Số 237 (tháng 11)
Giải Nobel văn học 2008: J. M. Le Clézio - nhà văn du mục
16:13 | 02/12/2008
TRẦN HUYỀN SÂM1. Nobel là một giải thưởng danh giá nhất, nhưng cũng chứa đựng nhiều nghịch lý nhất trong tất cả các giải thưởng. Riêng giải Nobel văn học, bao giờ cũng gây tranh cãi thú vị. Bởi vì, Hội đồng Viện Hàn Lâm Thụy Điển phải trung thành với lời di chúc của Alffred Nobel: trao tặng giải thưởng cho người sáng tạo ra tác phẩm văn học xuất sắc nhất, có khả năng định hướng lý tưởng cho nhân loại.
Giải Nobel văn học 2008: J. M. Le Clézio - nhà văn du mục

Chính cái tiêu chí mơ hồ này đã gây ra nhiều mâu thuẫn gay gắt, thậm chí đối đầu trong các thành viên Hội đồng xét duyệt và giới phê bình văn học. Vì vậy, mùa giải Nobel hàng năm, bao giờ cũng trở nên căng thẳng, hồi hộp, nó là trung tâm chú ý của các luồng dư luận báo chí và công chúng bạn đọc. Năm 2004, một thành viên đã xin ra khỏi Hội đồng xét duyệt vì bất bình với giải văn học người Áo E. Jelinek; còn công chúng thì phẫn nộ và cho rằng: đó là một nhà văn đàng điếm và khiêu dâm.  

Nobel văn học năm 2008 thuộc về nhà văn người Pháp: Jean - Marie Gustave Le Clézio - người được mệnh danh là nhà văn du mục, và từng được tạp chí Lire bình chọn là nhà văn đương đại lớn nhất nước Pháp.
Với giải thưởng này, J.M.Le Clézio đã “đánh bại” hai nhà tiểu thuyết nổi tiếng: Umberto Eco và Milan Kundera. Và như vậy, cho đến nay, Pháp vẫn là nước đứng đầu thế giới về giải Nobel văn học. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã dành những lời cao quí nhất, để tôn vinh cho văn hào Le Clézio: “Giải thưởng này đã  làm vinh hiển cho nước Pháp, cho ngôn ngữ Pháp và những người nói tiếng Pháp...  Le  Clézio là một công dân của thế giới, đứa con của mọi châu lục và các nền văn hóa. Ông ấy là hiện thân cho sự hào quang của nước Pháp”(1).

2.
Điều gì khiến cho J.M.Le Clézio đoạt gải thưởng Nobel cao quí này? Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã khẳng định: J.M.Le Clézio là tác giả của những khởi điểm mới, của cuộc phiêu lưu thi vị và là người khám phá ra một nhân loại ẩn chìm và đang bị thống ngự của nền văn minh. Le Clézio là hiện thân cho tinh thần nhân đạo, nỗi đau và sự sáng tạo vô biên của con người. Tác phẩm của ông là sự mời gọi, sự dẫn dụ người đọc chìm đắm vào thế giới tự nhiên hoang dã, huyền bí và tinh khiết. Nơi đó, con người sẽ “kìm nén” được sự nghiệt ngã, sự tàn khốc, sự dối trá của xã hội hậu hiện đại. Các nhân vật của ông là những người “khuân vác một giá trị đạo đức của cuộc sống”, và chính họ, khuyến khích sự tôn trọng mọi người, và tôn trọng chính mình.

Hai vấn đề mà Le Clézio đặt ra, đã bộc lộ tư tưởng sáng tác của ông: “Giá như, người da trắng không làm khổ người da đen, thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn không?”; và “Người viết tiểu thuyết bao giờ cũng đặt ra những câu hỏi lớn về thế giới hiện nay”. Nhìn chung, tác phẩm của Le - Clézio đều hướng đến thiên nhiên, thế giới trẻ em và sự bất hạnh của người da màu.

3.
Gia đình và cuộc đời của Le Clézio là một huyền thoại đầy thú vị và bí ẩn. Đó là “một tấm bản đồ không dễ vẽ”. Jean Marie Gustave Le Clézio là sự hòa hợp của hai dòng máu: Cha là một bác sĩ người Anh, mẹ là người Pháp, nhưng gốc gác tổ tiên của họ lại ở L’ile Maurice (một hòn đảo chứa đựng nhiều huyền thoại, nhiều bài ca thổ dân). Nice, một thành phố biển xinh đẹp thuộc miền nước Pháp, đó là nơi chốn chào đời của Le Clézio (vào ngày 13-2-1940). Tuổi thơ của Clézio chìm trong tiếng sóng hoang dại của miền biển Địa Trung Hải. Đó là cội nguồn nuôi dưỡng một tâm hồn luôn khát khao sáng tạo, khát khao du ngoạn, dấn thân và thử thách. Đồng nghĩa với danh hiệu nhà văn, Le Clézio một nhà du mục (nomade...). Tác phẩm và cuộc đời của ông là một bộ sưu tập sinh động nhất về dấu ấn của các nền văn minh hoang dại: từ châu Phi đến châu Mỹ, từ đất nước Ấn Độ đến Thái Lan.

Lên 8, Le Clézio theo cha đến , một vùng đất của châu Phi nóng nực và hoang sơ. Và sau đó là những cuộc du ngoạn khắp nơi trên các châu lục. Năm 1967, Le Clézio đến Thái Lan, với tư cách là nhân viên hợp tác. Tại đây, ông đã bị trục xuất về nước vì đã tố cáo nạn mại dâm trẻ em. Những năm tiếp theo, ông làm việc tại Viện nghiên cứu Châu Mỹ la tinh (L’Institut d’Amérique Latine). Chính vùng đất châu Mỹ này đã giúp ông hiểu sâu sắc về văn hóa thổ dân, hình thành những quan điểm về văn hóa, triết học và đạo đức. Ông có xu hướng xa rời vật chất của xã hội văn minh, chìm đắm trong thiên nhiên và sáng tạo nghệ thuật.
Le Clézio trải qua nghiên cứu văn học ở nhiều trường đại học. Từ 1957 đến 1961 là sinh viên Anh ngữ của Đại học Bristol và Londres (Luân Đôn); năm 1963 nhận bằng cử nhân văn học tại trường đại học Nice (Institut d’Etudes littéraires); và kết thúc khóa Cao học tại đại học Provence vào năm 1964. Ông hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1983 ở đại học Berpignan với đề tài về lịch sử cổ điển của . Ông cũng đã từng giảng dạy ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới: Bankok, , Boston, AustinAlbuquerque .

 Le Clézio không có “một ngôi nhà cụ thể”. Nhưng đảo Maurice, thành phố Nice, bang New Mexico là những nơi chốn ông gắn bó sâu sắc nhất. Ông sử dụng hai ngôn ngữ: Anh và Pháp. Cũng chính sự phức tạp về cội nguồn, về đời sống của văn hào này, mà sau khi Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố giải thưởng Nobel, công chúng châu Âu đã đặt ra câu hỏi: Le Clézio là nhà văn thuộc về đất nước nào? Mục báo Calou, l’ivre de de lecture băn khoăn: Est-il francais, britannique, mauricien? (Ông ta là người Pháp, người Anh quốc, hay người Mô-rít ta-ni?)(2). Số khác khẳng định rằng, Le Clézio chỉ là một nhà văn viết tiếng Pháp, chứ không phải là nhà văn đích thực người Pháp. Còn với Le Clézio, trong một lần trao đổi với Catherine Argand, vào năm 1994, ông tự nhận là: “Tôi là một người dân đảo Bretagne ... Người mà không thể thuộc về một quận, một thành phố nào cụ thể. Nhưng ngôn ngữ Pháp chính là đất nước của tôi, nơi cư ngụ của tôi. (Dẫn theo Fredrik Westerlund)(3). Dù thuộc về miền nào, dân tộc nào, Le Clezio là hiện thân của tinh thần khiêm ái, sáng tạo và tiến bộ của loài người. Đó là ý nghĩa đích thực mà người đọc chờ đợi ở nhà văn vừa đoạt giải  Nobel này.

4.
Văn hào Le Clézio sáng tác khi còn rất trẻ - lúc lên bảy, và hơn bốn mươi năm miệt mài cầm bút, ông đã đạt được một văn nghiệp đáng khâm phục: hơn 40 tác phẩm, đủ các thể loại, và gần mười giải thưởng văn học danh giá. Trong đó, tiểu thuyết là thể loại làm nên phong cách nghệ thuật và mang lại niềm vinh quang tột đỉnh cho cuộc đời sáng tạo của ông.

Viết, với ông là một yêu cầu của cuộc sống, một sự thôi thúc nội tâm. Viết, như một niềm vui sống và như một nỗi đau cần phải được đền bù. Viết, là dấn thân để mạo hiểm kiếm tìm điều đã mất và điều chưa biết đến. Với tiểu thuyết đầu tay Le Procès - verbal (Tạm dịch Biên bản), Le Clézio đoạt giải thưởng Renaudot vào năm 1963, và trở nên nổi tiếng lúc mới là 23 tuổi. Tác phẩm này cũng đã lọt vào danh sách tranh giải Goncourt. Cùng với các cuộc du ngoạn trên khắp châu lục, các tác phẩm của ông lần lượt ra đời: La Fièvre (1965), La Guerre (1970), Les Géants (1973), Voyages de l’autre côté (1976), L’inconnu sur la terre (1978), Désert (1980), Trois villes saintes (1980), Balaabilou (1985), Enfances (1997), Gens des nuages (1997), Révolutions (2003), L’Africain (2004) vv... Trong số đó, phải kể đến cuốn tiểu thuyết Désert (Sa mạc), 1980. Tác phẩm đoạt giải Paul Morand của Viện Hàn Lâm Pháp (1981) và được đánh giá là đỉnh cao trong sáng tác của ông: “Tác phẩm chứa đựng những hình ảnh tráng lệ về nền văn hóa đã biến mất trên sa mạc Bắc Phi”.

Ngoài thiên nhiên, du ngoạn, ký ức tuổi thơ, Nỗi đau (La Douleur) và Cái đói (La Faim) của loài người, là hai chủ đề nhức nhối trong tác phẩm của Le Clézio: La Fìevre, La ronde et autre faits diver, Moloch, Le passeu... Và gần đây nhất, tác phẩm Ritournelle de la faim (Sự lặp lại của cái đói, 2008), đã bộc tư tưởng nhân đạo sâu sắc của văn hào Le Clézio.
Sáng tác vào một thời điểm mà phong trào Tiểu thuyết mới ở Pháp đang nở rộ (Nouveau roman, 1965), Le Clézio nổi bật lên như một phong cách dị biệt, “trượt” ra ngoài lề của các “phong cách có tính thời thượng”. Theo Fredrik Westerlund, Le Clézio là một sự giao động giữa phong cách tiểu thuyết mới của Gobbe Grille và phong cách huyền ảo truyền thống, giữa trí tuệ của Blake và của Lautréamont. Ông đã vượt lên khái niệm “hư cấu siêu hình” (Métaphysique-fiction), bởi ông thiên về một lối viết thô mộc và tự nhiên.

Nói chung, giới phê bình Pháp đều cho rằng, J.M. Le Clézio viết theo phong cách hư cấu giả tưởng, huyền ảo và thuần phác, nhưng “ẩn chứa những cơn lũ bên trong”.
Tác phẩm của Le Clézio là một bản nhạc thiên nhiên đầy quyến rũ. Rời xa thế giới vật chất - phù hoa, hư ảo, ngôn ngữ của ông giản dị và hồn nhiên như trong thế giới của một câu chuyện cổ tích. Nó mời gọi người đọc chìm đắm trong sự yên tĩnh, sự mơ mộng và thi vị, trong sự trầm ngâm đắm say. Văn chương của ông, vì thế là một thứ văn chương thoát ra và tìm kiếm lại một kho tàng ẩn dấu của thời gian đã mất, đã vụn tan giữa sa mạc vô biên.
Jean Marie Gustave Le Clézio là sự kết tinh của tinh thần sáng tạo nghệ thuật, của nỗi đau kiếm tìm các giá trị của con người. Tác phẩm của ông là niềm suy tư day dứt của con người đang sống trong xã hội văn minh hậu hiện đại.

Không phải ngay từ bây giờ, khi J.M. Le Clézio đoạt giải Nobel, báo giới và các nhà phê bình mới ca ngợi ông. Vào năm 1994, độc giả Pháp đã bình chọn ông là nhà văn đương đại lớn nhất nước Pháp. Hiện nay, tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Và ở Việt ,
tôi tin rằng, J.M. Le Clézio sẽ được chúng ta yêu mến, bởi phong cách nghệ thuật thuần phác và tư tưởng nhân đạo của ông phù hợp với tinh thần của người Việt (4).
T.H.S

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 



-----------
(1) http://nobelprize.org
(2) http://pagesperso-orange.fr
(3) http:/www.multi.fi
(4) Thực ra thì Le Clézio cũng không hoàn toàn xa lạ với bạn đọc Việt . Cuốn tiểu thuyết Sa mạc (Désert), đã có mặt ở Việt qua bản dịch của Huỳnh Phan Anh (1997, NXb Hội Nhà văn).

Các bài mới
Các bài đã đăng