Tạp chí Sông Hương - Số 209 (tháng 7)
Người dối đầu với Ngô Đình Cẩn
16:32 | 12/12/2008
VÕ MẠNH LẬP                Ghi chépNhân vật Mười Hương nhiều người đã biết đến qua sách báo và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ - Sài Gòn.

Tên thật của ông là Trần Ngọc Ban, quê Hà... sống, lớn lên, học hành và trưởng thành trên đất ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Ở Bắc người ta quen gọi ông bằng cái tên: Hương. Vào miền Nam hoạt động, ban đầu bạn bè đồng chí ghép thêm thứ bậc là Hai Hương. Ông ái ngại vì Hai có nghĩa là anh cả, bất lợi nhiều đến xử sự bạn bè đồng chí thân cận nên ông đổi thành Mười Hương. Thế là cái tên Mười Hương đã theo ông đi suốt chặng đường lịch sử bản thân cho đến tận bây giờ.
Ông và gia đình đang sống trong ngôi nhà số 45A đường Tú Xương, quận ba, thành phố Hồ Chí Minh. Con đường sạch và yên tĩnh hơn so với nhiều con đường trong thành phố. Khi chưa đến cứ ngỡ nhà ông phải nhiều tầng, ít nhất là hai với cấu trúc theo kiểu biệt thự sang trọng không thua kém gì nhà của những cán bộ có công chung quanh. Nhưng không! Ông vẫn ung dung, thanh thản duy dưỡng tuổi già trong ngôi nhà trệt nhiều phòng, cửa mở thông suốt và thoáng đãng. Ông hẹn tôi sau bốn giờ chiều hàng ngày mới tiếp và quy ước gói gọn cuộc tiếp trong vòng hai giờ. Sau đó ông còn phải làm những việc cần thiết.
Đúng giờ hẹn, ông ngồi nhẹ nhàng xuống ghế tựa, chìa tay phải ra nắm gọn tay tôi và cất lời theo giọng Hà Nội, nhẹ nhàng lịch thiệp:
- Theo đề nghị của anh tôi sẽ nói gì có liên quan đến Chín Hầm, Ngô Đình Cẩn. Đúng là năm 1957 tôi có mặt ở Huế trong tình trạng là một tù nhân. Tôi cứ nói, nếu anh thấy hứng thú thì ta cứ tiếp tục làm việc.

ĐÁNH GIÁ KẺ THÙ
Tù Ngô Đình Cẩn là một kiểu tù rất đặc biệt. Cho nên không thể không nói ý đồ của chúng. Chúng ta phải đánh giá đúng đối tượng của mình. Bác Hồ đã từng dạy, nếu ta hiểu kỹ kẻ thù thì trăm trận trăm thắng. Trong quá trình hoạt động, chúng ta đối xử với Ngô Đình Diệm như là người đi làm tay sai, bơ sữa như thế là không đúng. Diệm là một con người làm chính trị. Nó có tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc. Diệm đã đi theo Mỹ, thế Mỹ đi theo kiểu gì? Anh Mười vô vào thời điểm ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Bấy giờ Ngô Đình Diệm còn ở bên Mỹ. Anh Mười có gặp một cơ sở, anh ta người Quảng Bình, sau này làm thông tin bộ trưởng hay thứ trưởng gì đó. Anh Mười hỏi Mỹ đang vận động Ngô Đình Diệm, ý ông Diệm ra làm sao, tâm tư ông ấy thế nào? Anh ta tường thuật lại rằng: Ông Diệm bộc lộ không né tránh: “khó lắm đây! Muốn gì thì ta không phủ nhận Việt Minh đã nắm được ngọn cờ chính nghĩa, tức là ngọn cờ chống thực dân. Thời gian 1945, kẻ thì dựa Pháp đánh Nhật, người thì dựa Nhật hất cẳng Pháp. Không có một người nào có đường lối độc lập cả”... Diệm còn tiếp: “Việt Minh có ba cái mạnh: một là nắm chính nghĩa, hai là có lực lượng quân sự mạnh, ví như chúa chỉ có 13 tông đồ, có một người phản chúa. Đằng này Việt Minh có hàng vạn tông đồ trung thành. Ba là tổ chức của Việt Minh gắn chặt với dân”. Diệm không thể coi thường Việt Minh được. Nó nhận ra rằng, những cán bộ hoạt động nằm vùng ở miền là những người kháng chiến yêu nước thật sự.  Con người cộng sản của chúng ta như kim cương thật. Chúng nó phải công nhận điều đó vì không thể nói khác đi được. Đối tượng của chúng ta nó hiểu chúng ta như thế, cho nên muốn chiến thắng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu chúng một cách nghiêm túc, kỹ càng.

Hồi đó, theo lệnh của Ngô Đình Diệm, đốc phủ Nguyễn Tiến Huân có tổ chức một hội nghị để chuẩn bị đề ra quốc sách chống lại ta. Ngô Đình Diệm có nói: “Nếu diệt được cộng sản bằng nhà tù và máy chém thì Pháp nó thành công rồi. Hơn một trăm năm qua, Pháp bắt không biết bao nhiêu người chống đối mà có làm nên trò trống gì đâu. Cho nên chúng ta không hy vọng đàn áp sẽ thành công” - Diệm khẳng định rõ như thế trước hội nghị. -“Vì thế chúng ta (chính quyền Diệm) phải có một chính sách thích ứng, hiệu quả cao được đặt ra trong tình hình này”. Việc đầu tiên, Ngô Đình Diệm đưa ra thuyết: “Cần lao nhân vị” dựa trên cơ sở thuyết lý của đạo công giáo. Đây là một thành quả trí tuệ của Diệm không thể xem thường. Thử hỏi từ xưa đến nay, đã có kẻ cầm đầu nào chống chúng ta mà đẻ ra được một công trình như thế. Và chủ trương hành động đầu tiên của chúng là giành lấy chính nghĩa về quốc gia. Nó tung ra một loạt chính sách gần dân, hỗ trợ cuộc sống cho dân như lập nông trường, ấp chiến lược cho nông thôn, miền núi nhằm cải thiện đời sống. Về đàn áp cách mạng thì chủ trương tát nước bắt cá, những chiến dịch tố cộng tràn lan khắp thành thị đến nông thôn, nhằm bắt bớ quét sạch những người cộng sản nằm vùng ra khỏi địa bàn dân cư mà chúng ráo riết củng cố, kiểm soát.

Về chính quyền chúng thành lập đủ bộ sậu từ trung ương đến địa phương. Song song với bộ máy hành chính bọn chúng còn lập ra Đoàn công tác đặc biệt miền Trung và hải ngoại, do Ngô Đình Cẩn trực tiếp chỉ đạo. Đoàn này thực chất là mật vụ, nhà tù, bắt bớ giam cầm với mưu đồ giành lại chính nghĩa bằng cách chuyển hướng tất cả những người kháng chiến nằm vùng ở miền . Cái tổ chức với tính chất là mật vụ nhưng hoàn toàn không nằm dưới sự chỉ huy của Nha công an chính quyền Diệm. Hệ thống nhà tù Cẩn lập ra cũng vậy. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ Chín Hầm là cái mồ chôn sống những người cộng sản. Đúng như thế, nhưng hệ thống nhà tù tồn tại bên cạnh Chín Hầm cũng không thua kém gì và nhìn sâu xa cũng là nhà mồ tất. Từ Cà Mau đến Sài Gòn ra Thừa Thiên, Ngô Đình Cẩn lập ra một loạt nhà tù riêng biệt với một bộ máy lùng sục bắt bớ bất kỳ đâu, chỗ nào trên đất miền Nam, ra cả nước ngoài mà chúng muốn.

Cái chủ trương bao trùm của Ngô Đình Cẩn là chuyển hướng tù nhân, đối tượng là những người kháng chiến nằm vùng hoặc từ Bắc vào. Ai có bị bắt, bị nhốt trong các nhà lao ấy mới thấy sự thâm hiểm của chúng. Ngô Đình Cẩn thường nhốt chung năm bảy người vào một cụm. Chúng nó vẫn cho ăn, uống, đi lại, thậm chí có thể gởi mua sách báo đọc. Nhốt từng buồng giam nhưng như kiểu không nhốt, có khoảng cách khó hiểu, để mọi người nghi ngờ lẫn nhau, muốn đoàn kết vẫn không đoàn kết được.
Thỉnh thoảng chúng cố tình gây nên những cú sốc: khi thì kêu lên hỏi, khi thì bắt gặp đối tượng này đối tượng nọ, có thể là nhân vật cấp cao hơn hoặc một cơ sở mà anh đã từng quan hệ v.v... Một số tù nhân bị giam cầm kiểu ấy, dụ hoài vẫn không chuyển hướng, bị héo hon mòn dần đến chết. Có người không chịu nổi, nản lòng, bị chuyển hướng mà Ngô Đình Cẩn thường ví von là qua cầu rút ván, hết đường quay lui. Một điều cần hiểu thêm sự thâm độc của Ngô Đình Cẩn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngô Đình Diệm, là dùng từ ngữ mà Dư Văn Chất, tác giả về mật vụ miền Trung: “Thay vì chúng nói thẳng: khai, phản, làm cho người tù còn chút lương tâm dễ bị sốc còn biết tự trọng sẽ mắc cỡ, chúng dùng toàn những mỹ từ chuyển hướng thay cho đầu hàng; trình bày thay cho khai báo; hợp tác thay cho phản bội... Những từ dịu hiền đẹp đẽ đó vuốt ve lòng người đang bị rúng ép khiếp sợ”.

Cao tay hơn, nguy hiểm hơn là cách giam cầm của chúng rất bài bản ở những nhà lao vòng ngoài của Chín Hầm. Chúng giam tù mà như không giam tù, vẫn cho ăn uống tuy không sung sướng như người đời, nhưng nói chung là có thể kéo dài cuộc sống. Thỉnh thoảng Ngô Đình Cẩn mời người này, kẻ nọ gặp mặt riêng biệt, nhất là những người tù có vị trí cao trong hàng ngũ kháng chiến. Những cuộc tiếp nhẹ nhàng với tính chất gợi ý và cách xưng hô cũng quá “lịch sự” khi xưng anh, ông, có lúc gọi là bạn... Chúng còn buộc từng người viết lời khai... Hành động rất bài bản mà Ngô Đình Cẩn gọi là qua cầu rút ván. Khổ nỗi thực chất chưa qua cầu cũng coi như đã rút ván.
Một số không nhiều cán bộ đảng viên, khi thoát ra tù dưới hình thức nào cũng không khỏi bị cái nơi mình xuất phát ra đi đặt vấn đề nghi vấn, nhiều người sống dở chết dở trong nhà lao kẻ thù, về lại cũng không khỏi băn khoăn trăn trở.
Sự gian ác thâm độc của chính sách gia đình họ Ngô, sự nguy hiểm của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung và hải ngoại do Ngô Đình Cẩn đứng đầu, cái chủ trương thâm hiểm theo một lập trình nghiêm túc triển khai đến đâu phong trào cách mạng miền Nam teo dần, cạn khô đến đó. Từ 1956 đến đầu 1960 là quãng thời gian khó khăn đến tột cùng của cách mạng miền .

BỊ BẮT
Anh Mười Hương bị chúng nó bắt vào tháng sáu năm 1957. Anh bất ngờ lắm. Nhiều đồng chí cấp trên ở Hà Nội lúc bấy giờ cũng ngạc nhiên. Trong nghề tình báo, các đồng chí ấy thường đánh giá anh Mười là một con người thận trọng, chín chắn có kinh nghiệm hoạt động hợp pháp cơ mà. Câu hỏi đầu tiên anh tự vấn là ai bắt mình? Vì sao mà bị bắt? Suốt cả thời gian dài hai câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu anh.
Sau 1954, quân đội, công an ta tập kết ra miền Bắc, một địa bàn rộng lớn thả không cho địch là bất lợi. Muốn hiệp định Giơ-ne-vơ được thi hành, Bắc nhanh chóng đoàn tụ sau hai năm tạm chia cắt theo ranh giới vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương thì phải tìm cách thu gom nắm tình hình của địch. Vì thế TW đã nhanh chóng lập ra Ban đặc tình của xứ ủy phía nam do đồng chí Văn Viên phụ trách và các thành viên: Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Hoàng Minh Đạo và Trần Ngọc Ban (Mười Hương). Hơn bốn tháng sau, đồng chí Văn Viên ốm nặng đã qua đời.

Vào quãng thời gian 1956 đến 1957 đang hoạt động thì Hoàng Minh Đạo bị bắt. Khi thoát ra tù Hoàng Minh Đạo được chuyển sang công tác khác. Ban đặc tình xứ ủy miền đề nghị TW bổ sung cán bộ thay đồng chí Hoàng Minh Đạo.
Trung ương nhanh chóng cử đồng chí tên là Ba, nguyên Phó chính ủy sư đoàn 330 vừa mới tập kết ra Bắc vào thay. Đồng chí Ba quê ở miền Tây bộ. Vợ con không theo đồng chí ra tập kết. Trước 1954 đồng chí đã từng là Bí thư Tỉnh ủy (khu căn cứ). Đồng chí Ba quả là hạt giống được chọn lựa, vừa có năng lực chỉ đạo vừa có trình độ chính trị thâm niên vững vàng.
Biết tin đồng chí Ba đi vào bằng đường “xanh” (rừng) có ngang qua vùng giới tuyến 17 - Quảng Trị. Sau một thời gian Ban đặc tình cử anh Mười đi đón đồng chí Ba. Giữa Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt dễ trà trộn, hợp pháp, nhưng anh Mười vẫn tuân thủ từng bước đi, cử chỉ thận trọng và luôn luôn cảnh giác để đón vị khách mới, một cán bộ cấp cao nhập cuộc.
Việc đầu tiên đón một cán bộ mới là phải giới thiệu một cơ sở ăn, ở, hoạt động và có thể làm nơi đặt hòm thư trao đổi, gặp gỡ. Cơ sở này là một lãnh tụ Đại Việt.

Trước khi vào , TW cũng đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba bắt mối với cơ sở này. Khi anh Mười vừa đề xuất thì Ba đã liên hệ với cơ sở này trước. Không biết vì nghề nghiệp hay sự nhạy cảm, anh Mười bắt đầu ngờ ngợ trước cử chỉ này. Nhập cuộc một tổ chức, nhất là tổ chức tình báo gần giống như vô một ngôi nhà, bước đầu khách phải tuân thủ sự hướng dẫn của chủ nhà mới hợp lẽ. Đằng này cứ tự động sục sâu vào trong là vô nguyên tắc của lẽ sống thường tình. Và qua tiếp xúc, anh Mười mới rõ, tuy chân ướt chân ráo, đồng chí Ba đã liên hệ với gia đình ở miền Tây. Sự việc thứ hai này làm anh Mười càng ngỡ ngàng, băn khoăn hơn. Hoạt động tình báo nguyên tắc số một là cắt cái đuôi gia đình. Sự lòng thòng dùng dằng dễ bị lộ lắm. Đồng chí Ba có vợ và năm con. Trước tình thế bất khả kháng như vậy, buộc anh Mười đề xuất với đồng chí Ba cho hai đứa lớn ra Bắc học. Ban đặc tình đồng ý, anh Mười gởi hai cháu sang đường Campuchia qua Trung Quốc rồi về Hà Nội. Cháu thứ nhất chịu đi, cháu thứ hai không biết nó nghĩ ra làm sao lại quay trở về. “Cái đuôi” vẫn còn dài, nguy hiểm đang rình rập đến anh ta, và mạng lưới Ban đặc tình miền . Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, anh Mười nói với đồng chí Ba nên thuyết phục cháu tiếp tục đi. Anh ta đồng ý và đặt một điểm hẹn. Anh Mười đến, cô giao liên bảo anh ta không đưa thằng cháu đến. Kế hoạch đưa thằng cháu đi không thực hiện được. Việc này chỉ làm lợi cho anh ta kia mà! Sao vậy nhỉ? Lại là một vấn đề nữa làm cho anh Mười phải suy nghĩ!

Cú sốc ấy ám ảnh hoài nhưng anh Mười vẫn kiên trì giao ước với anh ta hai cuộc hẹn, phòng cuộc thứ nhất không thành thì cuộc hẹn thứ hai sẽ gặp. Anh Mười cố tình không đến với cuộc hẹn thứ nhất. Ánh mắt của anh ta lảng đi, có gì đó lạ lùng lắm trong lần gặp trước làm anh Mười không sao quên được. Một nhạy cảm của chính mình mà không sao cắt nghĩa được. Có lúc đột nhiên anh táo bạo đặt dấu hỏi: “e thằng cha này bị bắt rồi...”Anh Mười băn khoăn có nên gặp anh ta trong lần hẹn thứ hai này không? Tính tự chủ, quyết đoán trong thời điểm này có phần lung lay nên anh Mười thận trọng tìm đến anh Năm (Ba Son). Đây là một cơ sở tin cậy, hiệu quả nhất của anh Mười. Anh Mười đã bàn giao cơ sở đường dây này cho anh ta. Anh mười thân mật hỏi anh Năm Ba Son:
- Có nên gặp lần thứ hai không? Có thể anh ta là người đã bị bắt.
- Nếu anh ta bị bắt và biết anh ta từ miền Bắc vào thì nó đánh tan xương nát thịt. Năm Ba Son quả quyết - Nếu anh không gặp lần này người ta trách anh đấy. Hơn nữa người bề trên mà cảnh giác đến thế thì em út làm sao làm việc được... Nghe qua cũng có vơi vơi đôi chút, nhưng trong lòng anh Mười vẫn còn canh cánh nặng nề. Hôm sau theo hẹn, anh Mười vẫn đến cơ sở xóm lao động thành phố Gia Định. Anh Mười không đi thẳng đến chỗ hẹn, mà đón các cháu của chủ cơ sở đang lon ton chạy về nhà để kiểm tra tình hình. Và lần hẹn thứ hai, anh Mười lại cố tình để hụt.

Trong hoạt động hợp pháp giữa lòng Sài Gòn, không có cơ sở giao thông sẽ không thuận tiện cho việc nắm bắt thông tin nóng hổi cho cả cấp trên, lẫn cấp dưới. Vì thế anh Mười lại giao tiếp vài cơ sở giao thông cho đồng chí Ba. Một trong các cơ sở quan trọng mà anh Mười tin cậy vừa quý mến là gia đình anh Năm. Anh năm là thợ Ba Son giỏi. Năm còn là người tổ chức đường dây tốt nhất. Khi tổ chức cần đường dây đi Mác-xây (Pháp) qua Hồng Kông (Trung Quốc), Năm tìm cách xuống tàu học việc, dần dà lái được tàu, tạo nên những đường dây thông suốt tin cậy. Qua tay đồng chí Ba chưa được bao lâu, anh Năm bị bắt và bị giam ở nhà lao Cần Thơ (nhà lao do Ngô Đình Cẩn dựng lên). Bọn chúng tra khảo: “mày có gặp thằng Hai* không, gặp ở đâu và bao giờ?” Hỏi gì anh Năm vẫn không chịu khai tung tích của anh Mười. Thế là nó đánh chết anh tại Nhà lao Cần Thơ. Sự việc này làm anh Mười đau lòng lắm.

 Đến lần thứ ba anh Mười hẹn gặp anh ta ở một cơ sở tại Gò Vấp. Vùng ngoại ô hẻo lánh này bọn mật thám thường ngại đến rình mò. Nơi hẹn là thôn quê, trước nhà có sân, trước sân cạnh đường có một quán cóc bán nước, rượu và một ít thức nhắm như đậu phụng, bò khô... Giờ hẹn là chín giờ. Anh Mười đến trước để quan sát có gì khác thường không. Chủ nhà là ông già, anh Năm gọi bằng cậu Hai.
Anh Mười hẹn anh ta từ quán cóc đi vào, nếu yên tĩnh thì đặt để xe máy theo một hướng quy định. Đúng giờ anh ta đến và răm rắp làm theo hẹn ước. Một hồi lâu anh Mười mới ra.
- Sao hôm qua hẹn ông không đến (anh ta vặn hỏi)?
Mắt anh ta lại tỏ ra không bình thường. Anh Mười liền đưa cho anh ta mấy tờ báo mới mua sáng sớm và bảo: “Tôi bận”.
Nói xong, anh Mười vừa lên xe một đoạn thì một thanh niên đang ngồi ở quán cóc, bên cạnh có dựng gánh chiếu, đứng dậy chặn anh Mười lại:
- Ông không đi được! Ông cho tôi xem giấy!
- Anh là gì mà xem giấy tôi - Anh Mười nhát gừng hỏi.

Cãi qua cãi về một lúc, tên thanh niên thổi còi vang lên. Lập tức hàng chục thanh niên nấp đâu trong các nhà lân cận ùa ra vây quanh anh Mười. Nó dẫn anh Mười ra một con đường. Nó vẫy một taxi đẩy anh Mười lên xe và quàng vào mắt một kính sơn màu đen gần như không thấy gì. Trong đầu anh Mười cứ dõi theo để xem chúng nó đem anh về đâu và thằng nào bắt anh. Tụi nó gọi nhau ơi ới, anh Mười mới biết tên thanh niên đóng giả người bán chiếu ngáng anh lại để bắt tên là Khanh. Nó nói giọng Huế. Sau này anh Minh Vân, Ba Thu nói rõ cho anh Mười hay: Khanh là một trong nhiều tên tay chân của Cẩn tung hoành khắp mọi nơi theo lệnh chủ để bắt người.
Khi xe về đến cầu quay Sài Gòn bỗng nhiên có làn gió mát thoáng qua trong xe, anh Mười mới khẳng định chúng nó đưa anh sang Khánh Hội. Anh Mười ngẫm nghĩ tại sao tụi nó không đưa về giam ở nhà lao Nha cảnh sát mà lại...?

Quãng mười giờ sáng hôm đó một tên đến hỏi anh Mười với cái giọng hách dịch:
- Tên là gì?
- Chí! Giấy tờ tôi các ông nắm trong tay.
- Láo! tên ông là HG
Anh Mười Hương giật mình. Biệt danh HG ký trong các bức thư gởi ra TW, sao chúng nó lại biết. E là?...? Đến lúc này Mười Hương vẫn phân vân không biết tại sao mình bị bắt và ai chỉ điểm bắt mình. Xâu chuỗi lại nhiều nghi vấn vẫn chưa khẳng định là Ba điểm bắt mình. Chúng nó dọn cho anh Mười một phòng ở. Trưa đó vẫn có cơm, thức ăn mặn, nước uống đàng hoàng. Quan sát chung quanh mới khẳng định được cái nơi anh Mười đang ăn cơm là kho hàng của Bảy Viễn, Bình Xuyên xưa kia, nay là nhà lao Vân Đồn do Ngô Đình Cận dựng lên.
Chiều hôm ấy, tranh tối tranh sáng, loạng quạng lúc hoàng hôn, anh mười nài nỉ tên lính gác:
- Tôi muốn đi cầu. Tôi dơ lắm rồi, cho tôi đi tắm luôn chớ?
Khi đi qua đám người đang xúm quanh bàn cờ tướng, anh Mười xẹc đại vào. Trong bàn cờ có anh đại tá cục hai.
- Anh em cho tôi tham gia vài nước được không? Anh Mười lên tiếng.
- Được! anh cứ ngồi đi.
Bỗng nhiên, có một thanh niên (sau này mới biết anh ta tên Hội (con) cán bộ tình báo ghé vào tai anh Mười “thằng Ba bắt anh đấy”. “Chỗ giam hắn đâu” anh Mười hỏi.
Dãy nhà Ba bị nhốt ở phía trước là bể tắm. Anh Mười lên tiếng để thử Ba ứng xử ra sao. Phía góc bể có một chiếc ca trắng lờ mờ trong bóng đêm, anh Mười giả vờ hỏi to:
- Cái gì trăng trắng phía góc hồ kia?
Ba không trả lời mà lên tiếng:
- Này các ông, mở cửa cho chứ, đóng thế này mà chết à!
Anh Mười khẳng định “giọng nói của thằng Ba rồi”
Chiều hôm sau chúng mời anh Mười lên phòng làm việc. Trong phòng đã có mặt tên Khanh, Dương Văn Hiếu cũng từ Huế vào. Hiếu nhẹ nhàng.
- Ông Hội, anh Hoàng ca tụng ông nhiều lắm. Tôi chỉ yêu cầu ông đừng trốn và đừng tự tử. Chỉ có thế thôi. Dừng một lúc Hiếu nói tiếp, có vẻ lịch thiệp hơn. Tôi xin lỗi ông, tôi biết rồi nhưng vẫn xin hỏi ông có phải là ông Hương không?
Đến nước này anh Mười phải trực tiếp đối mặt với bọn chúng rồi:
- Tôi là Hương đây! Các ông muốn gì! Tôi là người làm cách mạng. Bị bắt, các ông muốn làm gì thì làm, muốn giết tôi thì cứ, tôi không khai báo.

Vài hôm sau chúng nó chuyển anh Mười về dãy nhà Ba bị nhốt. Chúng nó lại chuyển Ba đi đâu anh Mười không rõ. Có lẽ chúng nó còn cần dùng đến nhân vật Ba, quá lợi hại, và cũng cố dùng anh Mười vào những kế hoạch lâu dài về sau, nên chúng tách hai người ra hai phía. Thay vào phòng Ba là Lê Văn Hoàng đã từng là Phó Trưởng ban tình báo liên khu năm. Anh Mười viết thư ném qua phòng với nội dung: “Tôi nhờ anh, nếu lúc nào có điều kiện gặp gia đình vợ con tôi, anh nói rằng tôi chết một cách thanh thản. Không có gì ân hận cả. Tôi không có thái độ nào khác...”Bức thư đó bày tỏ thái độ của anh Mười như một lời khuyên với anh Hoàng.
Anh Hoàng lại viết thư ném qua cho anh Mười: “Tôi chỉ nói với chúng là tôi có gặp anh ở chợ Lớn đi ra. Từ cái trạm kiểm tra ở Thừa Thiên đến giờ tôi chưa gặp anh lần nào. Tôi chỉ nói về anh có thế thôi. Nó có nói gì anh đừng có tin. Anh còn cần cho cách mạng nhiều. À, anh Tư Lung hy sinh rồi. Thằng Cẩn nó muốn gặp anh lắm. Nó bảo “Tư Lung rắn đầu tao đã giết, và nếu gặp Mười Hương mà nó chửi tao thì tao giết luôn, vì tao không chịu nổi...” Thế nhưng hắn cũng có ý đưa anh ra Huế đấy”.
Từ đây mọi chuyện đã rõ ràng như ban ngày. Ba đi vào nam, qua Quảng Trị bị bắt. Chúng nó đã chuyển hướng được Ba, qua cầu rồi và đã rút ván. Thằng Ba đã làm cò mồi bắt Mười Hương và đã chỉ điểm bắt Năm Ba Son. Ba còn manh động chỉ điểm muốn xóa sạch Ban đặc tình xứ ủy miền ...

ĐỐI ĐẦU KHÔNG KHOAN NHƯỢNG
Vào khoảng cuối năm 1957, chúng nó đưa Mười Hương ra Huế. Thời gian đó tình hình Quảng Trị, Thừa Thiên Huế căng thẳng ác liệt vô cùng. Mong chờ hai năm sẽ thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết đã bị Ngô Đình Diệm bội ước xóa sạch. Hầu như nhiều vùng Quảng Trị, Thừa Thiên mất trắng. Đa phần cán bộ ta đã bị chúng bắt, cơ sở bị xóa. Một số ít dạt ra miền Bắc, lên xanh hoặc chuyển công tác vào phía .
Chúng nó đưa anh Mười vào Nha công an miền Trung, trong khuôn viên của Tòa Khâm. Tòa Khâm lúc bấy giờ chia ra hai phần - Phần đất rộng lớn, nhiều nhà, vườn rộng, cây kiểng nhiều là để cho những người đã chuyển hướng ở. Phần đất còn lại thuộc Nha công an miền Trung do Lê Khắc Duyệt kiểm soát. Anh Mười ở một gian buồng rộng phía tay trái ngoài cổng vào. Sau đó chúng chuyển tù nhân cũ, thay vào đó là những tù nhân mới đến sống bên cạnh anh Mười Hương.

Hồi ở trại Vân Đồn Sài Gòn, Hoàng có nói là Cẩn muốn gặp anh Mười kia mà. Sao lâu lắm rồi nó chẳng chịu gặp gì cả. Anh Mười tự nghĩ, mình là thằng tù, và những người tù xung quanh một thời là đồng chí với nhau, sao nó không giống bất kỳ kiểu tù nào như Côn Đảo, Hỏa Lò, Thừa Phủ Thừa Thiên. Ở tù mà như không ở tù (trừ Chín Hầm và Mang Cá), cứ thấp thỏm hoài đến lả cả người. Một hôm Lê Khắc Duyệt giám đốc Nha công an miền Trung đến phòng anh Mười.
- Ông cố vấn muốn gặp ông. Ông có bằng lòng không?
- Ô hay, tôi là người bị bắt, ai gặp chả được. Các ông muốn gì tùy các ông. Mong rằng các ông đừng đặt hy vọng nhiều về tôi.
Chỉ vài hôm sau, trời thành phố Huế oi bức trở lại, khó chịu vô cùng. Một tay chân của Cẩn đến bảo với Mười Hương: “Cụ Cẩn xin mời ông lên nhà để tiếp chuyện”.

Cẩn có trụ sở sang trọng xây đặt rất nhiều nơi, nhưng lại “mời” tiếp khách tại nhà riêng. Nhà riêng của Cẩn ở trước mặt nhà thờ Phú Cam. Nhà vườn theo kiểu ba gian hai chái. 
Cẩn là người con thứ 8, trong vùng Phú Cam hồi đó thường gọi là Ụt Cẩn. Từ đó người ta nhầm Cẩn là đứa con cuối cùng của gia đình họ Ngô. Gia đình Cẩn có 9 anh chị em. Phần lớn học hành đỗ đạt, đi xa chỉ có Cẩn học hành chây biếng nên tình nguyện ở nhà hương khói và nuôi dưỡng mẹ già.
- Mời ông ngồi - Cẩn thủng thẳng bắt đầu - Các ông ác quá. Cách mạng mới lên các ông giết anh Cả Ngô Đình Khôi của tôi. Các ông còn giết luôn cháu đích tôn Ngô Đình Huân của gia đình họ Ngô nữa.
- Thưa ông - anh Mười bình thản nhấn từng ý - Nếu mà Việt minh chúng tôi ác như ông nói thì khi cách mạng lên, nhân dân đã bắt ông Diệm và giải ra cho Cụ Hồ rồi, và ông Diệm không thể về làm tổng thống Diệm như hiện nay.

Ngô Đình Cẩn giả vờ lảng ra rồi gật đầu. Nhổ toẹt một bãi nước trầu.
- Đúng! Đúng! Đây là các ông bề dưới, còn các ông ở trên không bao giờ làm như rứa. Dừng một lúc Cẩn thủng thẳng và hơi gập mặt xuống như vừa suy ngẫm theo từng âm thanh thoát ra ngoài cửa miệng - Chúng tôi rất khâm phục những người kháng chiến và chúng tôi không thể không nói họ là những người không yêu nước. Phải nói họ là những người yêu nước. Họ là người đàn anh - Ngô Đình Cẩn bỗng nhiên hạ giọng như kiểu than phiền - Trong miền Nam có bao nhiêu người tài, miền Bắc đem đi tập kết hết và để lại cho chúng tôi những thứ bồi Tây. Chúng tôi coi những người bộ trưởng ở đây so với miền Bắc không ra cái gì cả. Từ đời sống cho đến tư cách. Người đàn anh nói rằng thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng những người đàn anh lại xui các người đàn anh ở đây phá và giết các cơ sở chúng tôi. Ông coi như rứa thì thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ được không?

Ngô Đình Cẩn nói một hơi quá dài, anh Mười vẫn bình thản nhìn thẳng vào mặt Cẩn và lắng nghe không sót một từ. Ngô Đình Cẩn vừa dứt anh Mười mở lời luôn:
- Những người kháng chiến về đây người ta muốn yên thân. Trong Hiệp định Giơ-ne-vơ có nói, con người có quyền đi lại cư trú và quy định không được trả thù. Sở dĩ họ chống lại các ông vì do các ông chứ! Ông cha ta thường nói: “Con giun xéo mãi thì nó phải quằn, huống nữa là con người. Người ta đi kháng chiến, các ông thừa nhận là người yêu nước. Nhưng khi họ đi tập kết, các ông cho người đến rúng ép vợ con người ta, buộc người ta phải từ hôn với chồng. Ông thấy đạo đức nào như vậy? Ông đụng đến một truyền thống văn hóa quý giá của con người Việt . Họ chống lại các ông vì các ông gây ra như thế. Không biết các ông có biết cơ sở các ông làm thế không? Ông thừa nhận người ta yêu nước, các ông đưa ra tố cộng. Tố cái gì? Những người kháng chiến xưa đi đến đâu người dân thương đến đấy. Bộ đội cụ Hồ đi đến đâu dân cũng thương cũng nuôi đến đấy. Ông cũng biết lúc bấy giờ chính phủ Việt Minh làm gì có tiền nuôi họ. Cho nên ông nói một đằng, cấp dưới của ông làm một nẻo, ông nói mà ông không thực hiện gì cả. Ông nói Việt cộng là người phá hoại. Phá hoại cái gì. Họ về bằng tay không cơ mà!
- À, à cũng có một đôi nơi! Anh em cũng như người dưới của các ông, không biết gì nên gây ra những điều ngược lại như rứa thôi - Cẩn ú ớ. Để chúng tôi xem!

Anh Mười nói ra những gì, Ngô Đình Cẩn có vẻ biết tường tận mọi ý, nhưng xem ra Cẩn không có lập luận vững chắc, nên cứ ú ớ trả lời gượng gạo trước những lời lẽ phải trái anh Mười vạch trần thẳng thừng không hề né tránh.
Ngô Đình Cẩn vẫn kiên trì, tiếp tục mềm mỏng với vẻ thân mật hỏi thăm sức khỏe anh Mười, hỏi về Cụ Hồ.
- Tôi ở trong này lâu rồi - anh Mười trả lời - tôi theo cụ Hồ vì ông yêu nước. Năm 1946 tổng thống Pháp mời ông Hồ sang Pháp sau khi ký hiệp ước mồng 6 tháng 3. Người Pháp rất xảo quyệt. Đến Pháp rồi mà không đưa ông Hồ đến Paris . Người Pháp đưa ông về phía nam nước Pháp là nơi xứ Basque lâu đời giữa Tây Ban Nha và nước Pháp. Nó đưa nhiều báo chí đến. Nhiều nhà báo hỏi ông Hồ về chuyện thống nhất đất nước Việt . Ông Hồ liền trả lời: “ bộ là da là thịt của Việt . Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đứng giữa nước Pháp mà nói với cả thế giới một câu như thế. Nếu một con người không có tâm huyết, không có trí tuệ thì không thể nào nói được như thế. Câu ấy vào lòng tôi cho đến bây giờ, tôi vẫn khâm phục và mãi mãi khâm phục.

Ngô Đình Cẩn nghe xong, ngồi im lặng hồi lâu. Đây là cuộc đối thoại dài nhất. Cẩn thường hăm dọa nhưng trước một Mười Hương quá rắn chắc, Cẩn lại nghĩ ra một mẹo gì đây để đối đầu theo kiểu khác. Cẩn thường gợi ý cho những tay chân, những loại bạc nhược chuyển hướng đến lân la đối chất từng lời từng ý với Mười Hương rồi ghi chép cẩn thận về tâu lại. Vì thế những lần gặp sau, Ngô Đình Cẩn nói toạc ra trước mặt Mười Hương: “Ông nói chuyện với anh em, anh em báo lại với tôi hết, chứ không phải tôi không biết chi về ông đâu nghe!”.
Thế là một loạt tên tay sai, số đông là những loại chuyển hướng đến gạ gẫm, mua chuộc Mười Hương theo lệnh Ngô Đình Cẩn. Anh Mười nói thẳng vào mặt chúng:
- Tôi hoạt động trong vì đất nước mình chưa thống nhất, mà chưa thống nhất là chưa độc lập. Tôi hoạt động ở đây là vì quyền dân sinh dân chủ, thúc đẩy chính quyền miền đi đến thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tôi cho rằng việc đó rất chính đáng. Các anh cứ về báo với ông cố vấn rằng những người cộng sản không làm cái gì khác ngoài mục đích thống nhất độc lập đất nước.

Về sau Ngô Đình Cẩn xoay xở tìm nhiều mẹo đối đầu khác. Nhưng trước mắt Cẩn, hoãn binh không cho bọn tay chân, đặc biệt là bọn chuyển hướng đến tiếp xúc với Mười Hương. Đã đến lúc Cẩn cảm thấy đối đầu trực tiếp với Mười Hương không đem lại hiệu quả gì. Trong lúc Ngô Đình Cẩn băn khoăn tìm phương kế thì Dương Văn Hiếu, giám đốc công an Thừa Thiên đề xuất mời Chất, tỉnh trưởng Mỹ Tho về đối chất với anh Mười. Theo Hiếu thì Chất là người tài ba thuyết luận, có tầm đối chọi thắng thế được Mười Hương. Nhưng Ngô Đình Cẩn gạt phắt: “Thằng Chất ấy không phải là đối tượng với ông ấy được, tao sẽ mời ông cố vấn tối cao”.

Một hôm, trong phòng lớn nhà nghỉ mát của Cẩn ở cửa Thuận An đã có mặt cố vấn Ngô Đình Nhu, chúa tể miền Trung Ngô Đình Cẩn, Hà Thúc Luyện tỉnh trưởng Thừa Thiên, Hồ Đắc Hương đại biểu trung phần, Lê Khắc Duyệt giám đốc Nha công an miền Trung và ông Mười do thằng Dư lái xe đưa đến.
Theo Cẩn, Ngô Đình Nhu, người anh nhiều năm tu nghiệp bên Tây, học cao biết rộng, bề bề tầm cao trí tuệ, lý luận tây phương siêu phàm được tổng thống Ngô Đình Diệm, người anh cả ngó ngàng đến, mời làm cố vấn cấp cao. Cẩn tự đắc: không có thằng cha nào vượt qua cái đầu Ngô Đình Nhu đâu!
Thế là trong ánh đèn nê-ông sáng tỏ như ban ngày, Ngô Đình Nhu có vẻ tự tin nhìn thẳng vào Mười Hương rồi mở màn bằng những lời nói rất trịch thượng:
- Ông biết điều chứ. Ông thấy một chế độ nào mà một người cố vấn của tổng thống lại đến gặp trực tiếp một người bị bắt không? Nghỉ một lúc Nhu lại tiếp câu nói mà Cẩn đã từng: - Các ông ác lắm, suýt nữa gia đình họ Ngô tôi tuyệt tự.
- Nếu chúng tôi ác như ông nói, thì ông Diệm không còn đường sống để về làm tổng thống ở Việt đâu! Mười Hương cắt ngang lời Nhu.

Ngô Đình Nhu im lặng không ú ớ gượng gạo như Ngô Đình Cẩn. Một lúc sau mới chậm rãi ngẩng đầu nhìn thẳng vào Mười Hương - các ông là cấp dưới các ông có biết không? Việc chia đôi đất nước là do Kh'rutsôp, Kennơdi xắn đôi đất nước ta và lấy vĩ tuyết 17 làm ranh giới của hai thế lực. Các anh xuống phía nam thì Mỹ không để yên và chúng tôi bước chân ra miền Bắc thì Liên Xô, Tàu đâu chịu làm ngơ. 

- Tôi hỏi tại làm sao các ông không để cho dân hai miền qua lại với nhau. Cái đó có gì mà ông sợ. Nếu ông tin chính thể ông tốt hơn thì người ta đi, rồi người ta lại quay về. Nếu dân vào đây thấy các ông tốt thì người ta theo ông thôi. Thử hỏi người dân không phân biệt được cái tốt và cái xấu à? Mười Hương thủng thắng nói.
- Tôi đã nhận một triệu người di cư rồi. Mở ra thế, chục triệu người đi ùa vào thì chúng tôi chết. Vẻ mặt ông cố vấn hơi lúng túng.
- Ông đặt vấn đề với hàm ý là chúng tôi không phải chống Mỹ chứ gì? Tức là các ông và chúng tôi bằng nhau cả thôi! Chúng tôi thì theo Liên Xô, còn các ông phải theo Mỹ! Chúng ta đều là tay sai... Không phải đâu! Tôi nói cho ông biết, sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ năm 1954, ông Hồ họp cán bộ và đã nói rõ là: “Chúng ta thắng lớn lắm. Nhưng tôi nói với các chú phải nhớ rằng, cuộc chiến tranh giữa Pháp với ta, người Mỹ đã trả 80% kinh phí. Người Pháp thường có câu: Ai trả tiền người ấy làm chủ. Cho nên các chú nhớ Mỹ không chịu thua lỗ thế này đâu. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh với Mỹ”. Lúc ấy mà ông Hồ đã tiên đoán và khẳng định như vậy rồi. Cái này không phải ở đâu vạch ra sẵn! Mà ông Hồ có ưa gì chiến tranh bom đạn đâu. Người Pháp cũng đã bộc lộ là họ nhờ người Mỹ đến 80% ngân sách cho cuộc đối đầu xấp xỉ mười năm ròng rã. Ông Hồ đã nhìn xa trông rộng, không phải mơ hồ về vấn đề cốt lõi này đâu! Khi Đơ lét bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trần Văn Đỗ bộ trưởng bộ ngoại giao thời đó không ký trong văn bản Hiệp định Giơnevơ, ông Hồ đã chỉ đạo phải buộc ông bộ trưởng ngoại giao Anh, chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ phải ký để cam kết sẽ vận động Mỹ và chính quyền miền Nam thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Và ông Hồ cũng chỉ rõ ràng, vĩ tuyến 17 là tạm thời, một vùng phi quân sự quãng mười cây số là để tách quân đội ra hai phía mới đi đến hòa bình được. Có người đề xuất để cái da beo, cứ sát nhau như vậy lại đánh nhau ngay lập tức. Quân đội không bao giờ nó chịu như thế. Bên nọ khiêu khích bên kia là xảy ra chuyện. Vì thế trong hội nghị phải đặt ra ranh giới tạm thời để quân đội hai bên tập kết cách xa nhau. Chứ không phải như ông nói là do Kh'rutsôp và Kennơđi bàn với nhau để có ranh giới này.

Anh Mười Hương nói một hơi dài không thấy mệt. Có điều rất lạ là những tên tai to mặt lớn cứ ngồi thừ ra, nghe chăm chú (kể cả cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn và cố vấn cấp cao Ngô Đình Nhu), im phăng phắc, cảm giác gian phòng như giãn ra, đám người kia co cụm lại không thể cử động được nữa. Nhìn quanh một lượt thấy tụi nó không có ai đứng ra tuyên bố cuộc đối thoại kéo dài hay kết thúc, anh Mười Hương phải tiếp tục như một lời tổng kết: “Cái này nếu còn tiếp tục tranh luận với các ông, chưa phải các ông đã chịu đâu. Nhưng kéo dài cũng chưa giải quyết được. Tôi là người các ông bắt, coi tôi là người có tội. Mà tôi nói tôi là người không có tội. Tôi ở đây là để vận động quần chúng đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thôi, chứ có làm gì bất ổn. Các ông cũng đã thừa nhận chúng tôi là những người yêu nước, cho nên chúng tôi rất thanh thản mà nói chuyện với các ông. Nhưng tôi thấy cứ nói qua nói lại chẳng đi đến đâu, mà trời đã khuya rồi. Đề nghị các ông nên kết thúc đi!

Tất cả vẫn im lặng, buộc anh Mười Hương phải đứng dậy rời khỏi ghế đến bắt tay cố vấn cấp cao Ngô Đình Nhu, cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn và các tay chân đầu sỏ đang có mặt trong gian phòng rộng dưới ánh đèn nê-ông sáng trưng.
Gần như theo một thông lệ, khi cảm thấy hết đường xoay trở với tù nhân để đến đích cuối cùng là chuyển hướng, Ngô Đình Cẩn lại dùng con bài cuối cùng là bịt mắt, tống lên xe zeep đẩy những người Cẩn cho là cứng đầu nhất vào Chín Hầm. Những đồng chí như Chính Thính, Phan Trọng Tịnh, Nguyễn Đình Trân, Nguyễn Văn Hội, Lê Văn Hoàng v.v.. và v.v... lần lượt bị Ngô Đình Cẩn giam hãm ở Chín Hầm cho đến chết.

Anh Mười Hương không lạ gì “trò chơi” thâm độc của Cẩn. Trước sau như một, anh Mười Hương vẫn hiên ngang trước kẻ thù và chờ đợi mọi thứ cho dù là xấu nhất.
Anh Mười Hương bị Ngô Đình Cẩn bắt và dùng mọi cách khống chế suốt hơn sáu năm trời ròng rã trong các nhà lao ở Huế. Những ngày đầu tháng 11.1963, bỗng nhiên tiếng súng vang lên khắp thành phố hòa lẫn trong tiếng reo hò huyên náo. Một lúc sau anh Mười Hương đã nhanh chóng nhận ra đấy là một sự hỗn loạn của cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Những tù nhân khác có vẻ nháo nhác, riêng anh Mười thì không.

Anh hiểu ra đây là cái kiểu bình cũ rượu mới. Có gì lạ! Mà nghĩ cho sâu hơn chút nữa thì rượu cũng chẳng có gì là mới. Đây là một kiểu thay thầy đổi chủ. Chúng ta lớ quớ ra khỏi nhà lao lúc này là rất nguy hiểm: có thể là bị bom rơi đạn lạc, và cũng có thể chúng nó (kể cả cũ lẫn mới) chĩa nòng súng vào mình bùm một phát cho hả giận với một đối nghịch thâm thù truyền kiếp. Chết như vậy oan uổng và không đáng phải chết. Khi tiếng súng đã vơi hẳn, anh Mười đã nhận được thông tin Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hà Thúc Ký (Đảng Đại Việt) tuyên bố rằng: “Những người tù này muốn nói gì thì nói, với sự giam cầm lâu năm như thế, bây giờ những người này phải được thả hết”.

Hà Thúc Ký nói vậy nhưng bên cạnh những trại tù vẫn còn nhiều lính gác. Anh Mười Hương không muốn mạo hiểm manh động lúc này. Thông qua chi bộ nhà tù anh vận động nhiều tù nhân bình tĩnh xem xét tình hình, mặt khác anh động viên anh em lợi dụng ý tứ trong phát ngôn của Hà Thúc Ký để gởi thơ, báo tin gấp bằng mọi cách cho vợ con đến thăm cái  cảnh giam cầm tù nhân tại các nhà lao ở Huế, nhất là khu vực Chín Hầm. Cái nhà lao mà từ khi Ngô Đình Cẩn cho dựng lên như một cái mồ chôn sống những người cộng sản, cho đến lúc đảo chính, người dân Huế mới biết đến nó; báo chí cả nước mới có dịp quan sát viết bài tố cáo. Thế là vợ con người nhà của nhiều tù nhân đã nhanh chóng có mặt ở các nhà lao, nhất là nhà lao Chín Hầm để thăm lại chồng, cha từ cái chết trở về. Họ chụp nhiều bức ảnh ghi lại những kỷ niệm hiếm hoi, những gương mặt các bà vợ rạng rỡ lên sau bao nhiêu năm mòn mỏi, thấp thỏm, với hy vọng nhỏ nhoi, mong chờ chồng trở về.

Những bức ảnh thần ký ấy bây giờ nhất định sẽ còn lưu giữ mãi mãi ở khu tưởng niệm Chín Hầm do Công ty Du lịch Hương Giang, chủ đầu tư đứng ra xây dựng.
Sài Gòn 3.2006
V.M.L

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Các bài mới
Bến sông trăng (12/12/2008)
Các bài đã đăng
Đổi vợ (11/12/2008)