Tạp chí Sông Hương - Số 210 (tháng 8)
Chuyện “họp” và “làm” của các nhà văn ở Huế
11:10 | 17/12/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊCó lẽ trong các loại tổ chức hội đoàn, tổ chức các Chi hội nhà văn (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) là ít họp hành nhất; trong đó Chi hội ở Thừa Thiên Huế hẳn được xếp “đầu bảng” về “thành tích” này.

Tuy vậy, lại có điều đáng “khoe”, chính Huế là nơi Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi lễ thành lập Chi hội Nhà văn đầu tiên do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Chi hội trưởng - Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên, từ hơn hai chục năm trước (ngày 9/2/1985) có rất nhiều “VIP” đến dự, trong đó có Tổng Thư ký Nguyễn Đình Thi và nhiều nhà văn lão thành ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Tổ chức sinh ra vốn không phải để họp, sau đó ít lâu lo chuyện chia tỉnh, nên hàng... mấy năm không họp! Cho đến trước Đại hội Nhà văn lần thứ 6 (5/2000), Chi hội Thừa Thiên Huế được thành lập do nhà văn Hồng Nhu làm Chi hội trưởng. Chi hội tiền không có, quyền cũng không, chỉ duy nhất có một con dấu; 5 năm họp mấy lần không nhớ nữa vì... ít quá! Vậy nhưng cũng in được một tập kỷ yếu dày dặn, giới thiệu tiểu sử và trích tác phẩm của 13 nhà văn trong tỉnh, chưa kể hai tác giả mới được kết nạp vào Hội là nhà phê bình Hồ Thế Hà và nhà văn Văn Cầm Hải; các nhà văn, nhà thơ thì “đua nhau” công bố tác phẩm, nổi đình đám nhất là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nữ sĩ Trần Thuỳ Mai giật hết giải thưởng nơi này đến nơi khác, hết “Gió thiên đường” lên phim lại đến “Trăng nơi đáy giếng”; Nguyễn Quang Hà dù vừa qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, vẫn dốc sức cho đề tài chiến tranh cách mạng và công bố liền mấy tiểu thuyết (“Sông dài như kiếm”, “Thân Trọng Một, con người huyền thoại”, “Lửa kinh thành”)... Vậy đó, ít họp hành mà vẫn có nhiều thành tích! Gọi đó là “thành tích” của Chi hội thì cũng hơi...vô duyên (nhưng hoạt động nhà văn mà không kể tác phẩm thì chẳng lẽ lại kể... “thành tích” đi họp được nhận “phong bì” mấy lần hay đi hát “ka-rao-kê” mấy buổi?); có điều thực tế nói trên chứng tỏ, Chi hội nhà văn không họp cũng làm, chứ không có tình trạng “họp” liên miên, “phong bì” tốn rất nhiều mà chẳng thấy “hành” được việc gì đáng kể.

Trước Đại hội Nhà văn lần thứ 7 (năm 2005), Chi hội nhà văn Thừa Thiên Huế “đại hội” bầu 4 người vào Ban Thư ký nhiệm kỳ mới là Võ Quê, Tô Nhuận Vĩ, Trần Thuỳ Mai và tôi. Rút “kinh nghiệm” là ít họp mà vẫn có “thành tích”, phần nữa thì Tô Nhuận Vĩ đi Mỹ mấy tháng mới về, nên hơn... nửa năm sau đó, Ban Thư ký mới có dịp họp lại. Nhiều tổ chức thì người ta tranh làm thủ trưởng, nhưng Chi hội Nhà văn thì đùn đẩy mãi, rút cục phải bỏ phiếu kín thế là cái-thằng-tôi vinh dự được bầu làm Thư ký với “tài sản” duy nhất được bàn giao là một con dấu ít khi dùng nên đã khô!
Dù sao, nhận “trọng trách” trước 15 nhà văn đất Cố đô, nhân chuyến đi thực tế các tỉnh phía Bắc, tôi đã đến Trung ương Hội nhận “chỉ thị”, lượm lặt thông tin và quan trọng là “xin” được khoản tiền nhỏ để giúp đỡ hội viên đi thực tế và sinh hoạt Chi hội.
Vậy là có “vốn” để tổ chức một cuộc họp; hơn nữa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ hai năm trước đã muốn có một cuộc họp tại nhà riêng của anh để anh được tham dự (lâu nay, vì bệnh nặng, anh rất khó di chuyển ra khỏi nhà; hai kỳ Đại hội Nhà văn lần thứ 6 và 7, mặc dù là một tác giả có nhiều tác phẩm được đánh giá cao, nhưng biết là anh không thể ra Hà Nội dự họp nên khi bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự, bạn bè đồng nghiệp đành phải gạch tên anh!)

Thế là chọn “ngày lành tháng tốt” đúng kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mười mấy anh em kéo nhau lên căn phòng gác hai căn nhà trong khu cư xá Đại học Huế ở Nam Giao, mấy năm gần đây đã thành địa chỉ gặp gỡ của văn nhân trong và ngoài nước. Hoàng Phủ chủ nhà được bế lên xe lăn rất đúng giờ, anh em ngồi trên chiếu quanh hai chiếc bàn thấp (để còn “nhậu nhẹt” chút chút sau buổi họp), còn bà chủ Lâm Mỹ Dạ thì loay hoay cốc với tách, hạt dưa và bánh ngọt... Quanh tường nhiều tranh đẹp, lại có hoa hồng và hoa sen nữa. Thế là đủ vật chất và tinh thần... Tiếc là vắng Nguyễn Đắc Xuân đi Mỹ chưa về, “ông nghị” Võ Quê bận đi tiếp xúc cử tri, Văn Cầm Hải thì luôn luôn bận rộn với truyền hình... Có lẽ cũng nên bổ sung một chi tiết vui vui. Trước ngày họp, tôi xuống “Thôn Vĩ” thăm nhà văn gốc Huế Võ Thị Xuân Hà nay kiêm thêm chức Phó Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Hà Thế, vừa giúp những người yêu thơ Huế in cuốn “1000 nhà thơ Huế đương thời” (Tập I) kịp phát hành trong dịp Festival sắp tới.

Nhà cô chỉ cách nhà cũ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (cũng là nơi ở của nhà nghiên cứu Hải Triều Nguyễn Khoa Văn trước đây) một quãng ngắn; lại nghe chuyện “ngoài hành lang” rằng: Tại buổi giao ban cuối cùng của Ban Tư tưởng Văn hoá, trước khi Nguyễn Khoa Điềm bàn giao chức vụ, nhà thơ đã vui vẻ nói với một số báo chí đại ý “từ nay, nếu các bạn còn ưu ái gửi báo tặng thì xin gửi về Huế”; cũng nghe “đồn” anh đã chuyển đồ đạc về trong dịp vào Huế tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội... Chà! Nếu quả vậy thì mời anh dự họp Chi hội cho vui. Thế là tôi phóng xe xuống, đúng lúc một chị phụ nữ dáng cao cao như phu nhân của nhà thơ đang mở cổng bước vào. Tôi khẽ gọi: “Chị L...!” Nhưng tôi đã nhầm. Chị em thời nay ra đường bịt kín cả mặt mũi như người...Hồi giáo, chỉ có thể đoán từ dáng người. Hoá ra đó là cô nhân viên đi thu tiền nước và trong nhà chỉ có một bà già và một cháu nhỏ đang học cấp 3 (chắc là người bà con của gia đình); cả hai không biết (hoặc không muốn tiết lộ) chuyện gia chủ sắp “hồi hương”. Kể ra, giá như Nguyễn Khoa Điềm định trở về Huế để làm... thơ thì cũng chẳng có gì đáng phải thành “dư luận”; xưa nay “hết quan hoàn dân” cũng là chuyện thường, chẳng qua vì cái “cơ chế” đã tạo ra sự cách biệt, chứ người trong cuộc  chưa hẳn đã thích. Như tôi biết, khi đương chức, mỗi lần về Huế, Điềm vẫn thường đến thăm người thầy học hồi nhỏ và anh bạn viết văn luôn túng thiếu D.T.V. cùng là dân “Thôn Vĩ”...

Trước khi vào họp, tôi kể chi tiết trên, Hồ Thế Hà và Nguyễn Khắc Thạch liền hưởng ứng: “Ông Điềm còn làm thơ được... Thơ ông Điềm có nhiều bài hay chứ!...” Phải! Chức vị là nhất thời, chứ những tác phẩm của Điềm như “Mặt đường khát vọng”, “Mẹ và quả”... người đời còn nhớ mãi... Vậy là việc nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có về cùng sinh hoạt với Chi hội Huế hay không xin đợi kỳ sau sẽ rõ(*).
Hoá ra lâu ngày họp lại cũng có nhiều chuyện để nói, để bàn. Việc nhỏ thì như nhắc nhở đóng Hội phí, việc cấp thiết là phối hợp với Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế chuẩn bị tốt cho các hoạt động “Festival Thơ” trong dịp Festival sắp tới, việc thiết thân hơn với mỗi nhà văn là kế hoạch mở Trại sáng  tác và đầu tư cho nhà văn năm 2006 ra sao, việc phải “chạy” kinh phí là làm phim chân dung các nhà văn... Sau khi Tô Nhuận Vĩ nêu vấn đề cần làm sao để Tỉnh và Thành phố Huế ủng hộ kế hoạch xây dựng bảo tàng - khiêm tốn hơn thì gọi là “Nhà lưu niệm” văn nhân xứ Huế (có người nhắc: “Kể cả Hải Triều, Tố Hữu, Thanh Tịnh, Thanh Hải, Phùng Quán... thì xứng đáng quá ấy chứ!”), Hoàng Phủ nhắc việc Thành phố Huế vừa lên hỏi ý kiến về nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn và góp lời bàn là phải nghĩ đến cả Ưng Bình Thúc Dạ, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh; nhà thờ hai ông lâu nay hình như ít được chăm sóc, đúng ra phải là một địa chỉ văn hoá-du lịch của Huế...

Đó là việc chung, còn “kế hoạch” riêng thì Ngô Minh sắp in tập chân dung văn nghệ sĩ với cái tên khá ấn tượng “Người đồng hành cô độc”, Nguyễn Quang Hà vẫn trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng vừa cho in tiểu thuyết “Tiếng thở dài của đất”, Tô Nhuận Vĩ vừa hoàn thành tiểu luận “Văn học Việt Nam đổi mới và hội nhập” và đang tiếp tục.... 2 bản thảo tiểu thuyết Hồ Thế Hà đang in tập tiểu luận “Những khoảnh khắc đồng hiện” và chuẩn bị xong bản thảo “Thơ Huế 1975-2005”; Mỹ Dạ đang in “Tuyển tập thơ văn thiếu nhi” và chuẩn bị bản thảo một tập thơ mới; Hồng Nhu có “Tuyển tập Văn” sắp in, chuẩn bị xong bản thảo “Tuyển tập Thơ” và bản thảo một tập thơ mới, một tập truyện ngắn mới nhưng chưa biết lấy tiền đâu để in; Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng sắp cho in tập sách mới... Riêng Hà Khánh Linh thì khiêm tốn (hay là kiêu kỳ?) bảo rằng không có thói quen nói việc chưa làm (tuy vậy, “nàng” có cho tôi biết đang viết tiểu thuyết “Đoan Thuận”, tên một nhân vật có cuộc đời éo le trong tiểu thuyết “Người kinh đô cũ” vừa in) và Trần Thuỳ Mai mãi mới “tiết lộ” là đang viết kịch bản phim!... Bạn bè hăng hái như thế, nên tôi cũng sắp  góp vào thị trường sách cuốn chân dung văn nghệ sĩ - phê bình - tiểu luận có tựa đề “Hiện thực và sáng tạo trong tác phẩm văn nghệ” và đang gắng hoàn thành tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường”...

Vậy là xem chừng kỳ họp sau lại sẽ có “thành tích” để báo cáo - tất nhiên là càng... lâu họp thì thành tích càng nhiều! Đó là chưa nói đến thành tích của “Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế” (trước đây mang cái tên khiêm tốn là “Phân hội văn học”) với đội ngũ đông đảo trên 70 hội viên, bước sang nhiệm kỳ này xem chừng hoạt động khá rôm rả và hiệu quả, dễ thấy hơn cả là những hoạt động trong Festival thơ vừa qua, các hội thảo “Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng”, “Thơ Huế trong dòng chảy thơ Việt”... Sáu tháng đầu năm 2006, cùng với cuốn “Thơ Huế với lời bình” của nhiều tác giả, 4 hội viên có sách in, 10 tác giả được nhận tiền “đầu tư” để hoàn chỉnh bản thảo... Một “thành tích” cũng đáng nể là Ban chấp hành 7 người do nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch làm Chủ tịch, nhà văn Trần Thuỳ Mai làm Phó Chủ tịch, đã họp đến 9 phiên trong thời gian qua. Quả là nhiều việc phải bàn và như thế hội viên khỏi lo ai đó độc đoán chuyên quyền! 

Trở lại cuộc họp của Chi hội nhà văn... Sau cuộc “nhậu” theo kiểu nhà... nghèo, Hà Khánh Linh hào hứng nói: “Họp thế mà vui! Kỳ sau luân phiên đến nhà khác...”; Ngô Minh liền vui vẻ đăng ký: “Kỳ sau ở nhà Ngô Minh!”
Nhưng “kỳ sau” là lúc nào, chưa ai nói chắc được. Cũng vì thời gian qua ít họp mà anh em vẫn hăng hái sáng tác. Không sao! Họp được cũng vui mà không họp vẫn viết, sách vẫn ra đều đều thì có khi lại vui hơn!
           N.K.P

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 



---------------------
(*) Khi trang báo này lên khuôn, chúng tôi được biết nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã chính thức trở về sinh hoạt ở Huế (T.S)


Các bài mới