Tạp chí Sông Hương - Số 210 (tháng 8)
Trò chuyện với Lý Tiểu Long
15:58 | 23/12/2008
NGUYỄN VĂN DŨNG    Tôi thật sự xúc động khi đứng trước ngôi mộ của Lý Tiểu Long. Trước đây tôi hình dung nơi an nghỉ cuối cùng của anh phải là một ngôi đền cực kỳ tráng lệ cho xứng với tên tuổi lẫy lừng của anh. Sau khi anh mất, một tờ báo ở Sài Gòn hồi đó viết đại loại trong thế kỷ XX, anh là một trong ba nhân vật nổi tiếng nhất châu Á.
Trò chuyện với Lý Tiểu Long

Dù nói cách gì đi nữa thì cũng phải thừa nhận rằng anh là một nhân vật vĩ đại thật sự. Vậy mà nay trước mặt tôi, nơi an nghỉ cuối cùng của anh chỉ là ngôi mộ bình thường như bao ngôi mộ khác. Một tấm bia bằng đá cẩm thạch màu hồng có chân dung anh, hàng chữ Bruce Lee, Lý Trấn Phiên, 27.11.1940 - 20.7.1973, Founder of Jeet Kune Do. Vài bó hoa hãy còn tươi, hẳn là của những người hâm mộ anh.


Người ta nói mộ anh nằm ở nghĩa trang Lake View trên đồi Volunteer Park, tôi nhờ anh Lâm đưa cho tôi đến thăm. Như hiểu được cảm xúc trào dâng trong tôi, anh Lâm nói: “Thôi, Dũng cứ ngồi đó mà trầm tư mặc tưởng. Nửa giờ sau tôi sẽ trở lại”. Tôi biết San Francisco là nơi anh cất tiếng chào đời, Hồng Kông là nơi tuổi thơ anh lớn lên, nhưng Seattle mới là nơi anh lập thân: nơi lần đầu anh biểu diễn Kung Fu, nơi lần đầu anh mở võ đường, nơi lần đầu anh biết yêu, nơi anh giao duyên với điện ảnh, nơi anh gặp Linda - người vợ đằm thắm thuỷ chung của anh, và nay là nơi anh yên nghỉ đời đời.

Tôi có cảm tưởng như từ trên tấm bia cẩm thạch, Lý Tiểu Long mỉm cười với tôi, và tôi chợt nhận ra là tôi cũng đang mỉm cười với anh. Thế rồi chúng tôi bắt đầu cuộc chuyện trò... Trước hết, rõ ràng anh là đứa con cưng của số phận. Thượng đế dành cho anh quá nhiều ưu ái. Này nhé: ba mẹ anh người Trung Hoa nhưng một buổi sáng đẹp trời anh khóc tiếng chào đời ở thành phố San Francisco - Mỹ. Thế là anh trở thành công dân nước cờ hoa thực thụ. Đó là tấm thông hành đáng giá để anh lập thân sau này. Anh tuy không cao lớn nhưng tố chất tiên thiên đạt chuẩn tỉ lệ vàng, phải triệu triệu người mới có một. Ai có tố chất ấy mà học võ thì luyện ít thành tựu nhiều, ai không có dù luyện cho lắm cũng chỉ đạt mức thường thường bậc trung. Anh thông minh, tự trọng, kiêu hãnh, khí phách ngang tàng, khát khao vươn tới, khát khao chinh phục, chiến đấu và chiến thắng; toàn là những phẩm chất của bậc hảo hán, anh hùng. Anh có người cha vô tâm nhưng bà mẹ thì lặng lẽ, chăm chút, dịu dàng, chan chứa, là chỗ dựa vững bền suốt đời anh. Thập niên 1940 - 1960, Hồng Kông là vùng đất phức tạp và dữ dội của một trung tâm tài chánh quốc tế. Ở đó tuổi thơ anh được trui rèn qua những tháng ngày lêu lổng, trốn học, quậy phá, đập lộn... và anh đã học được cách làm xếp xòng thiên hạ. Tính khí hung hãn và ân oán giang hồ như anh mà lập thân ở đất Hồng Kông thì chắc chết dưới tay dao búa của đám mafia, đặc biệt Hội Tam Hoàng khét tiếng, nhưng anh đã có ngay mảnh đất lý tưởng để lánh nạn: nước Mỹ. Ít ra với đại đa số, Mỹ là xứ sở của lớp quần chúng nhân hậu, hào hiệp và thơ ngây. Họ sẵn sàng ngưỡng mộ anh vô tư bởi anh là hiện thân của nền văn hoá phương Đông huyền bí với những công án mù mờ kiểu “Khi chưa tập võ, thấy quyền là quyền, cước là cước. Khi tập võ, thấy quyền không phải là quyền, cước không phải là cước. Sau khi thành tựu công phu, lại thấy quyền là quyền, cước là cước”.

Mở đầu nghiệp võ chói lọi của anh là trận đụng độ với nhóm anh chị đồi Capitol. Tên đầu sỏ to khoẻ và ngờ nghệch ấy, sau khi bị anh riềng cho một trận ra trò, đã cùng bọn đàn em cúi đầu bái anh làm sư phụ. Đó là ở Mỹ, còn nếu ở Hồng Kông hay một nơi nào khác, thế tất anh đã no đạn. Anh có người thầy chân chính - Võ sư Diệp Vấn, sống thanh bạch nhưng nhất định không coi võ như món hàng mua bán. Anh đã gặp Amy Sanbo, người con gái anh yêu, người hết lòng thương yêu anh nhưng không a dua theo những thành tích có tính khoe mẽ của anh; đã thế còn nghiêm khắc khuyên anh phải nhìn ngắm lại mình, và khi biết anh không thể làm được điều đó cô đã khước từ lời cầu hôn của anh. Anh có người bạn quí hiếm giữa cõi thế lọc lừa - Taky Kimura, đúng hơn là bậc thiền sư, ngầm khai thị cho anh bài học biết kiềm chế mình, biết giấu mình, biết coi thường thói hư danh, phù phiếm. Anh có người vợ biết chấp nhận anh, yêu thương, chăm chút, thuỷ chung - nghĩa là một người vợ tuyệt vời. Anh có những đệ tử giỏi giang và hết lòng vì sư phụ. Anh có nhiều cơ hội, mà một trong những cơ hội đó đã đưa anh vèo một cái lên hàng ngôi sao điện ảnh đắt giá nhất thế giới, và trong vòng ba năm tiếng tăm anh lẫy lừng tới mức nhiều tài tử khác trong nghề ở Hollywood một đời tận tuỵ vẫn không có được... Tóm lại, thượng đế đã dành cho anh quá nhiều ưu ái để anh trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới thập niên 1970 và dài dài về sau. Còn như anh có trụ được trên đỉnh cao vòi vọi của giàu sang và danh vong ấy không thì đó là việc của anh, số phận hoàn toàn vô can trong chuyện này.
Vừa là một cao thủ võ lâm, vừa là một tài tử điện ảnh xuất chúng, đó là hai yếu tố tạo nên huyền thoại Lý Tiểu Long. Nhiều người thắc mắc không biết cái nào trong hai nửa vầng hào quang ấy là cái có trước. Tôi nhớ năm 18 tuổi anh sang Mỹ, học vấn xoàng, võ thuật chưa tới - anh lăn vào tập luyện Karate, Quyền Anh, Quyền Thái và đạt đến đệ tứ đẳng huyền đai Karate; anh quyết định mưu sinh bằng nghề dạy khiêu vũ. Những ngày lêu lổng ở Hồng Kông anh đã dành một phần thời gian cho các vũ trường, anh từng đoạt giải quán quân vũ điệu Cha Cha Cha trong một cuộc thi. Nhưng rồi phải dẹp tiệm bởi xem ra tính khí anh chẳng hợp với loại hình nghệ thuật tao nhã này. Anh phải lên Seattle nương nhờ người quen, vừa đi học vừa đi làm.
Rồi cơ duyên đến, anh trở thành võ sư Kung Fu lừng danh nước Mỹ. Chính võ thuật là bàn đạp giúp anh đến với điện ảnh, mà đỉnh cao là bộ phim Đường Sơn Đại Huynh - phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Tiếp theo là Tinh Võ Môn, Mãnh Long Quá Giang, Long Tranh Hổ Đấu, Tử Vong Du Hí (dở dang), phim sau lại tiếp tục phá vỡ kỷ lục phim trước. Anh trở thành ngôi sao vĩ đại trên đỉnh cao chót vót của sự nghiệp điện ảnh.

Tôi đặc biệt thích phim Đường Sơn Đại Huynh. Dưới bàn tay của vị đạo diễn bậc thầy - La Duy, phim đã thực sự chinh phục con tim, khối óc người xem. Còn anh, duyên dáng, tài hoa và điêu luyện như kiếp trước từng là diễn viên thượng thặng trong nghề. Rất tiếc từ Tinh Võ Môn về sau mọi chuyện khác đi. Sự thành công với Đường Sơn Đại Huynh đưa anh lên hàng “sao”, và thế là với cái tính hung hăng, háo thắng, anh bắt đầu làm cho các mối quan hệ trở nên căng thẳng. Đạo diễn La Duy không còn hay đến phim trường nữa, anh một mình bao biện cả biên kịch lẫn đạo diễn. Đây là cơ hội để anh bộc lộ những phẫn hận đối với bọn chiếm đóng bấy lâu dồn nén trong tiềm thức anh. Dưới bàn tay nhào nặn của anh, phim trở thành luận đề về niềm kiêu hãnh giống nòi, lòng căm ghét người Anh, người Nhật, và thể hiện cái ngã của anh. Nhiều cảnh trong phim trông hết sức chướng, ví dụ: anh, một mình hiên ngang, kiêu bạc, đánh cho hàng trăm tên võ sĩ Nhật lên bờ xuống bụi, nhục nhã ê chề...

Điều đáng tiếc là nhiều thanh thiếu niên xem phim, bắt chước thần tượng của họ, cũng luyện võ, múa côn, khệnh khạng ta đây. Không ít kẻ lao vào các cuộc ẩu đả, những tưởng mãnh hổ có thể địch quần hồ, để rồi phải chết trong vòng dao búa trước khi kịp nhận ra võ trong phim và võ ngoài đời khác nhau biết chừng nào.
Về võ thuật, không ai có thể phủ nhận anh là một cao thủ võ lâm. Nhiều người thắc mắc không biết công phu ấy bắt nguồn từ đâu? Rõ ràng anh có ba năm học Vĩnh Xuân Quyền với võ sư Diệp Vấn. Trong nghề võ, ba năm là thời gian chỉ đủ để thiết lập nền móng cho một quá trình trui luyện lâu dài. Huống hồ lúc ấy anh chỉ là một thiếu niên 13 - 16 tuổi. Sau này anh có tập thêm Karate, Quyền Anh, Quyền Thái, nhưng chừng ấy vẫn chưa thể gọi là đủ. Theo tôi, chính anh - tự thân vận động, mới là yếu tố chính tạo nên tượng đài Lý Tiểu Long. Tố chất tiên thiên, thông minh, hiếu thắng, gan dạ, ý chí sắt đá, đam mê khổ luyện, dày dạn trận mạc... Đó là những nhân tố giúp anh thành tựu công phu: thân thủ phi phàm, đòn thế đơn giản, nhanh, mạnh và hiệu quả.

Tôi đặc biệt đồng cảm với anh về quan điểm chiến đấu: vô chiêu, tức thời, trực tiếp, đơn giản, hiệu quả. Võ thuật cũng giống như bất cứ môn nghệ thuật nào khác, không phải thêm thắt, màu mè, huê dạng mà chính là đẽo gọt cho tinh xảo. Trước đối thủ, điều cần nhất là không để bị trói buộc bởi hệ thống chiêu thức nào, không để bất cứ tác động ngoại cảnh nào chi phối cảm thức ta. Trong trạng thái an tĩnh, tự tại đó mà phản ứng tức thời, tự nhiên sẽ tuôn ra, nhanh như điện chớp, lưu loát như nước chảy mây trôi. Trong các buổi biểu diễn, nhất là trên phim ảnh, anh đã thể hiện một cách thuần thục và tuyệt vời tư tưởng chiến thuật ấy. Đòn thế của anh không hề rườm rà, huê dạng mà bao giờ cũng dứt khoát, rõ ràng, hiệu quả, và thuyết phục. Anh đặt tên cho nghệ thuật chiến đấu ấy là Triệt Quyền Đạo. Rồi không lâu sau trở thành Môn phái Triệt Quyền Đạo mà anh là vị sáng Tổ.
Nhưng, công bằng mà nói tư tưởng của anh không có gì mới lạ. Vị võ sư nào của môn phái nào cũng tâm tâm niệm niệm bí quyết ấy và thao thức phải làm sao cho môn sinh của mình sớm đạt đến đỉnh cao nghệ thuật chiến đấu. Khác chăng chỉ là người nầy thành tựu, người kia chưa.

Vả lại... Để cho dễ hình dung, có thể nói sự hình thành một môn phái võ cũng như sự hình thành một quốc gia. Ngoài tên gọi - tất nhiên, quốc gia đó phải có lãnh thổ riêng, lịch sử riêng, văn hoá riêng, rồi nhân dân, chính quyền, quân đội... Là môn phái võ, đòi hỏi phải có hệ thống những quan điểm quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan, hệ thống nguyên lý võ học, hệ thống kỹ thuật quyền cước, hệ thống quyền pháp và đấu pháp đặc trưng... Khi nói rằng phải thuần thục các kỹ thuật nhưng phải biết phủ định mọi kỹ thuật, tức là thừa nhận có hệ thống các kỹ thuật. Khi nói rằng phải thuần thục các chiêu thức nhưng phải biết loại bỏ chiêu thức, tức là thừa nhận có hệ thống các chiêu thức. Vậy thì hệ thống kỹ thuật, chiêu thức, quyền pháp của Môn phái Triệt Quyền Đạo của anh là gì? Nó có khác với Vĩnh Xuân, Thiếu Lâm, Nga Mi, hay Karate không?
Sau khi Triệt Quyền Đạo được hình thành, tên tuổi của anh vang lừng trên đất Mỹ, đã nhiều lần anh tuyên bố với báo chí rằng anh là một đệ tử của môn phái Vĩnh Xuân, rằng môn võ của anh hoàn toàn dựa trên nền tảng kỹ thuật quyền pháp Vĩnh Xuân. Không biết phải hiểu điều đó như thế nào? Như một thái độ khiêm nhường, hay như một khẳng định?

Có vẻ như anh quá coi trọng yếu tố chiến đấu và chiến thắng đối thủ. Đã nhiều lần anh khẳng định: “Võ thuật trên thực tế chỉ đơn giản là một nghệ thuật chiến đấu... Nói rõ hơn, là một nghệ thuật dành thắng lợi trong chiến đấu”. Tôi đồng ý với anh nếu đứng trên bình diện võ nghệ và với góc độ của một đấu sĩ. Nhưng trên bình diện võ đạo và với góc độ của một võ phái thì chiến đấu không phải là mục đích cuối cùng, nó chỉ là cánh cửa đưa ta đến mục đích cuối cùng. Mục đích cuối cùng của người tập võ phải là đạt tới cõi tự tại, tự giác; tâm hồn thanh lãng, an lạc trong mối quan hệ nhân ái với con người, cuộc đời và thiên nhiên, vạn vật. Cũng đừng quên, cuộc chiến đấu với bản thân mình là vô cùng quan trọng trong quá trình hoàn thiện nhân cách và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ai không chiến thắng nổi mình thì mọi chiến thắng với kẻ địch bên ngoài chỉ là vô nghĩa. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng sau khi anh qua đời, các môn đồ của anh đã nỗ lực hết mình để tiếp tục sáng danh thầy.

Này anh Lý Tiểu Long! Nếu tính cách khuôn thành khung số phận thì anh là một dẫn chứng điển hình. Anh là một hiện tượng cá biệt, một tính cách bất bình thường. Trong gia đình, anh là đứa bé hiếu động, không bao giờ chịu ngồi yên; bởi thế mọi người còn đặt cho anh cái tên “Con Lật Đật”. Trong lớp học, anh là một học sinh lười biếng, gây ồn ào, mất trật tự, không nghe lời thầy... vì thành tích quậy phá ấy mà anh bị đuổi học nhiều lần, và cuối cùng bị đuổi hẳn khỏi Trường trung học La Salle với lý do hạnh kiểm xấu và học lực kém. Ngoài lớp học, anh là xếp sòng của một băng anh chị chuyên đời gây gổ, thách thức, đánh lộn. Với mọi người, anh luôn tỏ ra trịch thượng, kẻ cả, ngông cuồng, thích xếp sòng, thích phô trương, tự cao tự đại. Ngay cả võ là môn anh “Say mê và miệt mài luyện tập tưởng chừng như sắp hoá điên”, anh cũng bị võ sư Diệp Vấn đuổi khỏi võ đường vì cho rằng anh thiếu tư cách, ngông nghênh, tự phụ.
 Nhiều danh nhân cũng có tuổi thơ hiếu động như anh, cũng có cá tính bất bình thường như anh, nhưng càng lớn lên, khi tài năng và sự nghiệp của họ phát lộ thì nhân cách họ cũng hoàn thiện theo. Còn anh, anh mang cả lên đỉnh cao giàu sang và danh vọng tính cách cá biệt của anh.

Những người thân yêu quanh anh hiểu rõ điều này hơn ai hết. Linda Lee nói về chồng mình: “Lý Tiểu Long có rất nhiều nhược điểm, chẳng hạn như nóng nảy bất thường, thiếu tế nhị với người chung quanh, không ý tứ trong mọi cách hành xử”. Michael Lai bạn anh nói: “Bruce rất ghét bị bại. Nếu anh thua, bao giờ anh cũng viện ra một cái cớ nào đó để bào chữa. Anh có vẻ trơ tráo và khệnh khạng như một con công, luôn luôn tỏ ra kẻ cả, cha chú trong các hành động”. Còn Amy Sanbo thì đồng ý rằng anh quả có tài về võ thuật, nhưng “Chỉ là một kẻ non nớt, thiển cận và luôn luôn bám riết những việc làm có tính cách khoe mẽ”, “Anh ấy chỉ biết ném ra một lô những túi khôn của Đông phương mà chẳng bao giờ anh ấy tuân theo cả”.
Những năm cuối đời, anh là hiện thân của sức mạnh, quyền lực và giàu có. Nhưng thay vì mang lại an bình cho mọi người thì đến đâu anh cũng gieo rắc sự bất ổn. Anh như lưỡi kiếm sáng ngời và sắc lẻm, thay vì giấu nó trong bao thì anh lại xách đi khơi khơi giữa ba quân thiên hạ. Thay vì mở rộng tấm lòng nhân ái với mọi người, anh chỉ muốn làm cha chú người ta. Anh là mẫu người chỉ biết cương mà không biết nhu, chỉ biết dương dương tự đắc mà không biết ẩn mình, chỉ biết chinh phục mà không biết dừng lại, và không bao giờ biết nhượng bộ khi có tranh chấp. Là người sinh ra để thách thức mọi thứ để hoặc chiến thắng hoặc chết. Xưa nay các bậc danh nhân thường sống cuộc sống giản dị như cỏ cây hoa lá, lặng lẽ mang hương sắc cho đời, còn anh thì như một tia chớp...

Một tính khí như thế, một tính cách như thế, một cái tâm loạn động như thế, cùng với nỗi khao khát dành phần thắng, luyện võ sẽ rất mau thành tựu công phu, nhưng lại quá nguy hại cho bản thân: nóng nảy, điên loạn, và tẩu hoả nhập ma. Còn với đời, chắc chắn sẽ có nhiều nỗi khổ hơn niềm vui, nhiều kẻ thù hơn bè bạn. Thomas Chan - cùng đóng chung với anh trong phim Tinh Võ Môn tiết lộ: “Trong hai năm cuối cùng ở Hồng Kông, anh hoàn toàn cô độc. Cả đời anh, anh không có một người bạn nào”.
Ở thành phố Seattle của anh cũng có một nhân vật vĩ đại - Bill Gate: thông minh cực kỳ, giàu sang tột bậc, quyền thế trùm thiên hạ. Anh ta làm cho các đối thủ cạnh tranh xửng vửng nhưng anh ta cũng làm cho trái đất này đẹp hơn, cuộc đời này đáng yêu hơn. Anh ta bỏ ra hàng tỉ đô la giúp những người nghèo khổ trên thế giới; bỏ ra hàng trăm triệu đô la để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng cho nhân loại. Anh ta tự xếp mình ngang hàng với các cộng sự, lắng nghe ý kiến của họ, và tạo điều kiện cho họ thăng tiến. Hẳn anh ta chẳng tiếp nổi một chiêu của anh nhưng anh ta vẫn là một nhân vật vĩ đại trong lòng mọi người đó thôi.

Không biết nếu là nhà điêu khắc, tôi sẽ tạc tượng anh như thế nào? Là một cao thủ võ lâm, xong ngay. Là một diễn viên điện ảnh kỳ tài, xong ngay. Nhưng là một võ sư sáng Tổ, một nhà văn hoá, một danh nhân tầm cỡ thế giới, thì... Làm sao tôi có thể khắc hoạ được khi biết rằng có lần nổi xung, anh từng xách dao rượt chém đạo diễn La Duy; từng tuyên bố xanh rờn với đồng bào anh làm nghề may mặc ở Hồng Kông: “Nếu cần sắm một bộ đồ mới, tôi sẽ bay đi New York chứ không mất công đặt may ở đây”. Và, như báo chí Hồng Kông mô tả, từng “là kẻ muốn vơ cả vũ trụ vào trong lòng vì kiêu ngạo mù quáng và tham lam quá độ”.
Con người ta từ vua chúa đến ăn mày lúc sinh ra đều khóc oe giống nhau, nhưng khi chết thì chẳng ai giống ai, mỗi người chết một cách y như cách người ta sống. Thì cái chết của anh cũng vậy thôi, cũng lạ lùng kỳ quái như chính cuộc đời anh. Đám tang anh, từ Hồng Kông đến Mỹ, hàng vạn người tiễn đưa anh, vừa buồn bã vừa nhẹ nhõm, vừa ngợi ca vừa mai mỉa.

Người ta nói xế trưa ngày 20 tháng 7 năm 1973, Raymond Show và anh hẹn gặp nhau tại nhà nữ tài tử Đinh Phối để thảo luận về cuốn phim mới. Cuộc thảo luận kéo dài cho đến chiều. Raymond Show mời cả hai cùng đi ăn tối. Đến nhà hàng đợi hoài không thấy, Raymond Show gọi điện về nhà thì Đinh Phối cho biết, Lý Tiểu Long kêu nhức đầu nên cô đã cho uống một viên thuốc cảm nhẹ, rồi anh ấy ngủ li bì đến nay vẫn chưa dậy. Raymond Show vội quay về, gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện nhưng không kịp nữa, anh đã chết trên đường đi.
Việc Lý Tiểu Long mang trong mình tuyệt kỹ công phu bỗng lăn đùng ra chết khiến cả Hồng Kông choáng váng. Người ta nhao nhao đi tìm nguyên nhân cái chết của anh. Người thì nói do gây thù kết oán với băng nhóm mafia nên anh bị Hội Tam Hoàng thanh toán. Người khác nói do thành công của anh với hãng phim Gia Hoà đe doạ sự tồn tại của hãng phim Shaw Brothers nên bị hãng này thuê sát thủ ra tay. Người khác lại nói, bởi mười ngày trước đã có cuộc va chạm dữ dội với đạo diễn La Duy, nên La Duy thuê người ám hại. Rồi người khác nữa lại nói trong một cuộc tỉ thí ba tháng trước đó, anh bị một nhà sư chùa Thiếu Lâm điểm huyệt. Và vì anh chết trong phòng riêng của Đinh Phối nên nhiều người đoan chắc rằng anh chết vì “Thượng mã phong”... Còn cánh bác sĩ, với những công nghệ y học hiện đại, vẫn đành phải đầu hàng - Họ chỉ có thể giải thích nguyên nhân cái chết của anh là “không rõ nguyên nhân”.

Cho đến nay vẫn chưa ai biết đích xác nguyên nhân cái chết của anh. Nhưng nếu căn cứ vào cái chết của con trai anh 20 năm sau, thì e rằng anh chết vì bị người ta đầu độc. Còn nếu căn cứ vào xác minh của bác sĩ, thì chắc chắn anh chết vì tẩu hoả nhập ma. Suy cho cùng, ít nhất cũng có một người biết đích xác cái chết của anh, đó là anh. Nhưng nay thì anh đã học được ngôn ngữ của sự thinh lặng.
Hình như đã một thế kỷ đi qua. Khi anh Lâm trở lại thì trời cũng tạnh  mưa. Đành chia tay nhau thôi. Từ trên tấm bia cẩm thạch, anh lại mỉm cười. Đôi mắt ấy ngày nào dữ dội là thế mà nay sao quá đỗi dịu dàng, và có vẻ buồn. Hẳn cái chết giúp anh nhận ra mọi điều.
Dù rất buồn lòng về anh, tôi vẫn là một trong muôn triệu người hâm mộ anh. Thú thật trong cuộc sống anh là người tôi rất hay nhớ về, như tấm gương để tôi nhìn đời và tự soi mình. Rằng đời người vốn vô thường, vinh hoa phú quí chỉ là mộng ảo, “Có tài mà cậy chi tài”... Và rằng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
        N.V.D

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng