Tạp chí Sông Hương - Số 212 (tháng 10)
Đoàn kết là hình thức tối cao, là chân trời của tự do...
15:14 | 02/01/2009
HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Tư- duy tự- do của Phan Huy Đường*)

Cảm hứng triết luận chủ đạo của công trình này có thể tóm tắt trong lời thuyết trình của tác giả định nghĩa thế nào là suy luận biện chứng:
“...Con người chỉ có thể tự-do đối với những con người tự-do. Nó không tự-do đối với sỏi đá hay chó sói. Với tư cách giá-trị, tự-do là một quan-hệ giữa người với người. Khi nó khai triển xuyên qua ba chiều-kích của con người, nó tự-hiện-thực trong những quan-hệ mà con người trực tiếp hay gián tiếp thiết lập với nhau xuyên qua hành-động của họ vào thế-giới. Để thực-hiện điều đó, nó cần sự “chính xác” của khoa-học trong quan-hệ với vật-giới, cần yêu và tôn trọng sự-sống trong quan-hệ với sinh-giới, cần nhận thấy mình ở Tha-nhân và Tha-nhân ở mình trong quan-hệ với người khác, với chính-mình. Tóm lại, để giải-phóng ta một lúc khỏi ngôn-ngữ gỗ nặng khuynh hướng vật-thể-hoá này, ta càng hiểu-biết thế-giới vật-chất, ta càng yêu càng tôn trọng sự-sống dưới mọi hình-thái của nó, ta càng cảm-thấy liên đới với người đời trong mọi hành-động của nó, kể cả những tội ác, thì ta càng tự-do... Trong quá-trình nên-người của mình, con người là gốc-gác, cứu-cánh và phương-tiện duy-nhất của con người. Nó nên-người bằng cách hành-động vào thế-giới và hành-động đó, để hoàn tất, đòi hỏi kiến-thức khoa-học, tình-yêu sự-sống và tình đoàn-kết giữa người với người. Suy-luận về quan-hệ vật-chất một cách chính-xác, về quan-hệ-sống một cách trìu mến, về quan-hệ tinh-thần như thấy Tha-nhân ở mình và kêu gọi Tha-nhân thấy mình ở Tha-nhân..., suy-luận như thế gọi là suy-luận biện-chứng...” (tr.104, sách đã dẫn)

Tự do là chủ đề trung tâm của công trình. Tự do của con người được tác giả xem xét trong quan hệ của nó với vật chất,trong quan hệ của nó với sự sống và trong quan hệ của nó với “tha nhân và với chính mình”. Từ ba quan hệ này có ba hình thái của tự do. Hình thái thứ nhất đòi hỏi sự hiểu biết vật chất một cách chính xác, tức là kiến thức khoa học, hoặc nói một cách bao quát, đó là “tính tất yếu được nhận thức”. Hình thái thứ hai  đòi hỏi “tình yêu sự sống”. Hình thái thứ ba đòi hỏi “tình đoàn kết giữa người với người”. Đoàn kết là “nhận thấy mình ở Tha-nhân và Tha-nhân ở mình, trong quan-hệ với người khác, với chính-mình. Hiểu như vậy, “đoàn- kết là hình thái tối cao, là chân trời của tự- do” (tr.104).

Chủ đề tự do và những vấn đề triết học khác trong công trình này được tác giả triển khai có sự tham chiếu những triết thuyết của những nhà tư tưởng lớn đã nuôi dưỡng tư duy hiện đại”: Đescartes, Kant, Hegel, Marx, Engels, Darwin, Freud, Einstein, Sartre... và dĩ nhiên bằng nghiệm sinh của chính tác giả. Mỗi triết thuyết đã “được hiểu và vượt qua đúng theo lô gích nội tại của nó”, được phê phán “để gạt bỏ khía cạnh hình thức của nó nhưng vẫn giữ lại nội dung mới mà nó đạt được” (xem Phần II).
Phần III chuyên bàn về những vấn đề văn hoá, nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ. Về nhiều vấn đề cụ thể được nêu lên tác giả có những ý kiến sâu sắc.
Về đặc trưng của văn chương:
“Khi quan-hệ của một con người với đồ-vật, xuyên qua ngôn-ngữ biểu-hiện nó, chỉ lặp lại những quan-hệ xưa của con người với đồ-vật thì chỉ có chuyện tái-tạo những ý-chung, không có văn-chương. Khi, trên cơ sở đó, một cá-nhân tạo ra một quan-hệ nhân-tính mới với đồ-vật, ngôn-ngữ của người ấy trở thành văn-chương. Điều độc giả tiếp nhận, chính là quan-hệ đó. Độc giả có thể nhậy-cảm với nó vì quan-hệ đó khơi lại ở mình một nghiệm-sinh chưa thành lời của chính-mình hoặc vì nó mở ra cho mình khả-năng sống những quan-hệ mới với đồ-vật. Vì thế, độc giả không quan tâm tới đồ-vật được mô tả. Thường thường nó cũng không nhớ tới. Điều quan trọng là tác giả diễn tả như thế nào, là quan-hệ cá-biệt của tác giả với đồ-vật. Cái “thế nào” ấy, độc giả không bao giờ “tìm” được bằng cách phân-tích văn bản. Độc giả (tái) tạo nó xuyên qua quá-trình đọc của chính-mình...” (tr.286)

Về sự tạo cái mới trong văn chương:
“Văn-chương tạo cái mới từ cái cũ, thậm chí từ cái cổ, từ những ý-chung, ký-ức muôn đời của loài người. Nó thực-hiện điều đó bằng cách thay đổi quan-hệ hiện nay của ta với thế-giới trong hình-thái người đời đã dậy ta ý-niệm chúng. Làm như thế, nó đặt lại vấn đề đối với toàn bộ niềm-tin của những nền văn-minh. Vì nó là ngôn-ngữ nó có khả-năng tra hỏi ngôn-ngữ, tra tấn nó, biến nó thành vấn đề. Nhưng nó không thể thực-hiện điều ấy nếu nó vứt bỏ khỏi ngôn-ngữ điều khiến ngôn-ngữ là ngôn-ngữ, loại bỏ ý-nghĩa của ngôn-từ và những gò bó cấu trúc của ngôn-ngữ: bỏ hết đi, chỉ còn lại những luồng âm-thanh vô nghĩa, hay một đống giấy rác. Nó thực-hiện điều ấy bằng cách xô đẩy ý-nghĩa mệt mỏi, thiếu máu, đông lạnh của ngôn-từ, xô đẩy sự trói buộc của cấu trúc câu, để tái-tạo cho chúng một nội-dung trọn vẹn. Nó chỉ có thể thực-hiện điều ấy trên cơ sở một quan-điểm khác, một cách có ý-thức hay không, về con người và thế-giới...” (tr.285)

“Tôi chẳng có dạy điều gì cả. Tôi làm người ta suy nghĩ”
(Socrate). Các độc giả trẻ, đặc biệt những sinh viên mới làm quen với triết học đọc công trình này có thể học được nhiều điều, nhất là, ở đây,những triết thuyết, những tư tưởng và khái niệm cơ bản của những triết gia cổ điển được thuyết trình với một sự minh xác hiếm có, một diễn ngôn triết học tiếng Việt khúc chiết trong đó nhiều thuật ngữ triết chưa phổ cập trong nước đã được chuyển ngữ xác đáng và đáng chú ý hơn, có những câu văn và lời lẽ diễn đạt của tác giả khiến ta nghĩ đến giá trị văn chương của văn bản triết. Tác giả đã sống nhiều năm ở Pháp, trong công trình có những trang sự sáng sủa Pháp đạt tới độ tuyệt vời.
Nguyện vọng duy nhất của người viết bài giới thiệu này là công trình của Phan Huy Đường khơi gợi sự suy nghĩ của độc giả về những vấn đề đã được nêu lên cũng như về những điều chưa được đề cập trong cuốn sách.
   H.N.H

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 



--------------            
* Phan Huy Đường, Tư duy tự do. Nxb Đà Nẵng, 2006

Các bài mới
Hắc đại bàng (07/01/2009)
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Bài tập ở nhà (05/01/2009)
Các bài đã đăng