Tạp chí Sông Hương - Số 212 (tháng 10)
Nhà thơ nên đi... xe đạp
14:47 | 05/01/2009
THANH THẢOLTS: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về Huế. Có thể nói đấy là một sự kiện - một sự kiện trang nghiêm lặng lẽ.Là người có căn lành, cuộc trở về của ông dường như mãn vẹn. Ông đã trở về với nơi xuất phát, trở về với “ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, trở về với tư cách một công dân thi sĩ.Sông Hương có nhã ý “cập nhật” ông từ đầu nhưng qua dò ướm, biết ông chưa muốn, Sông Hương đành để các báo bạn “post” trước.Mặc dầu “truy cập” sau nhưng Sông Hương với ông, với người Tổng Biên tập đầu tiên - Tổng Biên tập sáng lập hẳn còn nhiều duyên nợ, dài dài...

Có một nhà thơ nổi tiếng, vốn là quan chức cao cấp. Lúc đương chức, mỗi khi ông có dịp về quê “kinh lý”, dĩ nhiên các cánh cổng lớn nhất ở tỉnh ông, từ cổng tỉnh ủy sang cổng ủy ban đều nhất loạt rộng mở, hân hoan chào đón “người anh lớn”. Những lần về quê ấy, hình ảnh “ông quan” đã lấn hình ảnh “ông nhà thơ”, nhưng chẳng ai lấy làm điều. Giả dụ, ông không hề là nhà thơ, thì ông cũng được đón tiếp trọng vọng như vậy. Cái “danh” nhà thơ ở đây, nói theo Xuân Diệu, chỉ còn là vài cọng hành, mấy lá rau thơm điểm tô trên bát phở, có càng... thơm, mà không cũng chưa hẳn đã khiến bát phở đầy thịt thà tú hụ kia giảm phần hoành tráng. Ngày Xuân Diệu còn sống, ông phải thường xuyên thưởng thức “phở mậu dịch” nên chuyện thiếu hành chần hay rau thơm trên bát phở là chuyện thường. Bây giờ thì ai cũng biết, bát phở “đúng chuẩn” hiện đại mà thiếu vài thứ rau nhỏ nhặt ấy thì không thành bát phở, dù chủ quán có nặng tay tăng phần thịt tới đâu, hay nước béo có lềnh loàng tới đâu! Với nhà thơ của chúng ta, ông không bao giờ dám nhận phần quan chức của mình là “thịt”, còn phần thi sĩ của mình là “rau thơm”. Ông những muốn hài hoà cả thịt và rau húng quế với hành chần trong một “bát phở”, nó là sự nghiệp hoạt động chung của mình. Nhưng nhiều quan chức khác cấp thấp hơn ở quê ông lại không nghĩ như ông. Với họ, ông là “sếp lớn”. Và họ chỉ kính trọng ông với một hình ảnh duy nhất đó. Họ kiên quyết gọi phở là phở với công thức thịt+bánh+nước dùng rõ ràng, và không bao giờ gọi hành chần hay rau thơm là phở. Nghĩa rằng, họ không bao giờ giới thiệu ông là “nhà thơ” trong các cuộc đón tiếp chính thức hay bán chính thức.

Dù quê ông là quê nổi tiếng với hai “đặc sản”: quan và... thơ, nhưng hình như lâu nay đặc sản thứ 2 chỉ được sánh ngang với... mè xửng, một loại kẹo quê dành cho trẻ con nhà nghèo. “Tiến lên Kinh thoái về quê” là chuyện xưa nay bình thường. Nhà thơ của chúng ta khi nghỉ hưu đã lập tức về quê khuất mình sau một vườn chuối xanh um những kỷ niệm thời thơ ấu. Và khi rời chức vụ, ông cũng rời luôn những chiếc xe con có biển số đặc hiệu. Ông chuyển sang hành... xe đạp, một loại phương tiện di chuyển vốn đã thành nét đặc sắc của người Việt Nam vài ba mươi năm trước, và đang thành phương tiện xa lạ bị rẻ rúng của người Việt hiện đại. Nhân nói chuyện đi xe đạp, tôi chợt nhớ tới đất nước Hà Lan mà tôi có dịp viếng thăm. Hà Lan là nước cực phát triển, người Hà Lan giàu có gấp trăm gấp nghìn lần người Việt bình thường (không kể các quan tham nhũng). Nhưng người Hà Lan chọn xe đạp là phương tiện di chuyển chính của mình trong những thành phố lớn. Họ đạp xe một cách hăng hái, mạnh mẽ và... tự hào, với độ “vênh mặt” không kém “độ vênh” của các quan chức ở ta ngồi xe Camry hay Mercedes. Và cả thế giới đã coi hình ảnh người đi xe đạp ở Hà Lan là một nét văn hoá đặc sắc, một biểu trưng của sự bảo vệ và thân thiện với môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Nhưng ở ta bây giờ thì khác. Nếu anh đã có tuổi, lại đội mũ cối hay mũ nan, lại đi xe đạp tới các cơ quan công quyền, thì đích thị anh đi... kiện hay tán phát đơn tố cáo (!)

Nhà thơ của chúng ta tuổi đã ngoại lục tuần, tóc đã bạc, dĩ nhiên được xếp vào loại U... kiện. Ông lại đi xe đạp, một chiếc xe đạp thường thường. Ông lại đội mũ cát-két, cũng chẳng xa với mũ nan hay mũ cối là mấy. Ông lại vào cổng cơ quan lớn nhất tỉnh mà không cầm sẵn giấy tờ tùy thân trong tay. Vậy ông đã là... đối tượng, chứ không phải là “một người yêu nước mình” như thơ Trần Vàng Sao xác nhận. Bởi “người yêu nước mình” thì phải “mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường” chờ... xe, dĩ nhiên không phải xe đạp. Ở ta mà được gọi bằng “đối tượng” là hơi bị mệt, hơi bị khó rồi đó. Vì thế, chuyện cười ra
nước mắt đã xảy ra với nhà thơ của chúng ta. Ông bị công an bảo vệ cảnh cáo nghiêm khắc, bị bắt phải dẹp chiếc xe đạp tư nhân còm cõi sang một bên, tránh đường cho “xe công”. Ông bị tra xét giấy tờ, dĩ nhiên. Và bị nhìn với ánh mắt đặc biệt nghi ngờ, cũng dĩ nhiên. Nhà thơ của chúng ta riu ríu làm theo lệnh, càng dĩ nhiên hơn nữa. Không biết, trong một thoáng bùi ngùi, ông có nhớ tới hình ảnh chính mình cách đây chưa lâu, nhớ hình ảnh những chiếc xe hú còi vang dậy, dẹp đường cho xe ông vào chính cái cổng này.

Thôi, buồn mà chi, số phận nhà thơ là vậy! Một khi ông đã trở về với thi phận nhà thơ của mình, thì những chuyện “kỳ kỳ” ấy chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Khi kể tôi nghe chuyện này, ông cười rất vui, và tôi biết, ông đã thấu hiểu. Nhân đây, tôi cũng xin khuyên các nhà thơ, nếu lâu nay đã đi xe đạp thì cứ tiếp tục đi xe đạp, như một cách để khu biệt. Những người mù ở các nước phát triển mỗi khi ra đường thường rung một chiếc chuông nhỏ. Đó là tín hiệu để mọi thứ giao thông trên đường biết mà tránh họ. Nhà thơ ở xứ ta với chiếc xe đạp của mình cũng giống vậy. Nên đi xe đạp cho người ta biết mà... tránh mình (?) Và biết đâu, yêu mến mình! Câu sau này cũng thuộc phần dự đoán thôi, để giải quyết khâu an ủi là chính và tôi, người viết bài này cũng đi... xe đạp.!  
                    T.T

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

Các bài mới
Hắc đại bàng (07/01/2009)
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Bài tập ở nhà (05/01/2009)
Các bài đã đăng