Tạp chí Sông Hương - Số 238 (tháng 12)
Phía sau khuynh hướng tiểu thuyết nội tâm
10:13 | 09/01/2009
NGUYỄN ĐỨC TÙNGPhân tâm học ra đời trong ánh bình minh của thế kỷ hai mươi. Ảnh hưởng của nó đối với sáng tạo và phê bình văn học khởi đi từ cuốn “Diễn dịch các giấc mơ” của Freud và được nối dài sau đó bởi nhiều công trình của các tác giả khác nhau.

Freud cũng trực tiếp viết về văn học, như trong các tác phẩm “Đóng góp cho tâm lý học tình yêu”, “Mối quan hệ giữa nhà thơ và giấc mơ”… Các tác phẩm này có thể chia làm hai loại là các bài viết về nghệ thuật, văn học nói chung và các công trình đặt nền tảng cho phương pháp phê bình phân tâm học (psycho-analytic literary criticism). Đặc biệt thú vị là Freud cũng bàn nhiều đến Dostoyevsky, nhà văn Nga lỗi lạc với các tác phẩm thơ mộng và bí hiểm của ông.
Tuy nhiên ảnh hưởng của phân tâm học đối với văn học về căn bản là từ các quan điểm của nó đối với tâm lý con người. Freud tin rằng các quá trình tâm lý mang tính vô thức sau đây chi phối các hoạt động tinh thần, đặc biệt là đối với sáng tạo của tác giả và hành vi ứng xử của nhân vật. Xin điểm qua một số cơ chế tự vệ (defense mechanism).

- Chối không nhận (denial): Điều gì không thích hợp thì không được cảm nhận. Điều gì không được cảm nhận thì không hiện hữu trên đời. Một người mẹ nuông chiều đứa con duy nhất của mình có thể hoàn toàn tin rằng con mình vô tội ngay cả khi có những bằng chứng ngược lại.
- Quên vô thức (repression): Được Freud cho là quá trình vô thức phổ biến nhất trong các quá trình tâm lý. Đây là sự quên lãng hoàn toàn không có chủ ý. Những kỉ niệm âm tính đối với một người có thể bị quên đi mau chóng vì chúng không mang lại những giá trị tích cực. Ngược lại, nếu người đó cho rằng chúng là những bài học cho tương lai thì họ sẽ ghi nhớ kĩ.
- Phản ứng ngược lại (reaction formation): Một nhân vật nữ thù ghét đàn ông vì những kinh nghiệm trong thời thơ ấu, có thể trở thành một người yêu mến cuồng nhiệt những người phụ nữ khác, hoặc là trẻ con, hoặc là súc vật.

- Tự biện hộ (rationalization): Cơ chế vô thức phổ biến, nhưng thường gặp hơn trong một số xã hội cổ truyền hoặc thiếu tự do. Chẳng hạn khi chứng kiến những cảnh bất công, người trí thức thường phân vân giữa hai lựa chọn: hoặc lên tiếng một cách dũng cảm để bảo vệ những nạn nhân bị áp bức, hoặc tìm cách thỏa hiệp để mưu cầu những lợi ích cho bản thân, gia đình hay an toàn cá nhân. Nhưng người trí thức, theo định nghĩa, là kẻ có những hiểu biết đặc biệt hơn người bình thường: vì vậy đến lượt chúng, những hiểu biết này trở thành sức ép về tâm lý. Anh ta buộc phải tìm cách giải thích sự vật theo khuynh hướng vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho… lương tâm. Và anh ta tin vào sự giải thích của mình một cách thành thật, vì đó là quá trình vô thức vượt khỏi sự kiểm soát chủ ý.
- Tự đồng hoá mình với người khác (identification): Một trong những hành vi quan trọng của con người là lấy người khác làm mẫu mực. Những người trẻ tuổi hâm mộ các ngôi sao màn bạc, các anh hùng trong truyện kiếm hiệp, những nhân vật chính trong các tiểu thuyết nổi tiếng.

Phân tâm học để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với các công trình nghiên cứu phê bình và sáng tác trong thế kỷ hai mươi. Có lẽ tiểu thuyết chịu ảnh hưởng nhiều nhất, ít nhất là ở phương Tây.
Mười ba năm sau tác phẩm “Diễn dịch các giấc mơ” của Freud, ở nước Pháp ra đời bộ tiểu thuyết lừng danh “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust (1913). Gần như cùng lúc hoặc sau đó khoảng một năm, bên kia eo biển, James Joyce hoàn thành tiểu thuyết “Chân dung chàng nghệ sỹ trẻ tuổi”. Trong khoảng thời gian của hai cuốn sách này là “Hành Hương” của Dorothy Miller Richardson, một tác phẩm độc đáo của nhà văn nữ người Anh có xu hướng nữ quyền.

Tiểu thuyết của Proust, Richardson , Joyce về sau được mệnh danh là các tiểu thuyết độc thoại, tiểu thuyết nội tâm, hay là tiểu thuyết dòng ý thức.
Điều ngạc nhiên thú vị là ba nhà tiểu thuyết nói trên không biết đến nhau, không đọc nhau, và họ viết bằng những phong cách hoàn toàn khác biệt. Sự trùng hợp lịch sử này có thể được giải thích như là kết quả của sự phát triển đến mức cao nhất của nền tiểu thuyết lấy hiện thực xã hội, tức là hiện thực bên ngoài, làm trung tâm và, như càng ngày càng được chứng tỏ, dưới tác động của phê bình phân tâm học. Xuyên suốt thế kỷ hai mươi, khuynh hướng này như một dòng sông càng chảy càng nhận vào nó nước của những con sông khác. Đọc các nhà văn đương đại như Coetze hay Pamuk, giải Nobel, ta thấy được dấu ấn rất rõ của khuynh hướng tiểu thuyết nội tâm.

Tiểu thuyết nội tâm có những đặc điểm sau. Chúng có tính tự truyện, kể lại những điều dường như có thật xảy ra trong cuộc đời của tác giả, có tính tiểu sử. Trong cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất”, tác giả kể lại những chi tiết của cuộc sống hàng ngày trong một gia đình trưởng giả ở thôn quê.
Về mặt ngôn ngữ, tiểu thuyết nội tâm sử dụng nhiều các thủ pháp nghệ thuật của thơ ca. Đặc điểm thứ ba là sự phân tích sâu xa về tâm lý của nhân vật. Tác giả có nhu cầu biểu hiện những suy nghĩ và cảm xúc thầm kín, thám hiểm cõi vô thức sâu thẳm mà trước đó không có tiểu thuyết gia nào khai phá. Đặc điểm thứ tư là cấu trúc không sắp xếp theo trật tự thường gặp, chúng tản mạn, rời rạc, cố tình chống lại một tuyến tính chặt chẽ. Đặc điểm này chịu ảnh hưởng của lý thuyết phân tâm học đối với các quá trình vô thức mà tôi vừa đề cập đến ở trên.

Đọc một chương của tiểu thuyết cổ điển, ta có thể thấy tác giả miêu tả cẩn thận các chi tiết như khu vườn, ngôi nhà, đồ đạc, các nhân vật đi đi lại lại, mặt mũi, giọng điệu ra sao. Đọc James Joyce hay Coetze, ta chỉ biết họ suy nghĩ và cảm xúc thế nào chứ không biết mặt mũi họ thế nào, đẹp xấu ra sao.
Bằng cách tự giam mình giữa bốn bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài, trong những ngày đau yếu bệnh tật, Marcel Proust đã có khả năng hồi tưởng lại một cách sâu sắc mãnh liệt cuộc đời trong quá khứ. Quá khứ đối với ông đẹp đẽ và thanh bình, đã trở thành một phần của hiện tại.
Nếu Proust đi tìm quá khứ thì James Joyce lại sống trong hiện tại, đi tìm những giây phút sung sướng mà ông gọi là sự khoái cảm. Thế giới của Joyce đầy âm thanh có lẽ vì ông bị mù từ thuở nhỏ. Trong ba tiểu thuyết gia nhắc ở trên, James Joyce sử dụng bút pháp thơ mộng nhất. Một mặt giọng văn của ông lại đậm chất hiện tại. Đó là những quan sát trực tiếp đối với đời sống, để lộ rất ít các yếu tố của cốt truyện. Chân dung của chàng nghệ sĩ trẻ chính là chân dung của đời sống nội tâm, dệt bằng cảm nhận và hoài bão, những ý tưởng và những ước mơ. Theo tôi đó là cuốn sách dễ đọc nhất của ông mà các nhà văn Việt người nào cũng nên đọc.

Các tiểu thuyết cổ điển không phải là không ghi lại tâm trạng chủ quan, nhưng ở đó các tâm trạng chỉ được ghi nhận mà không phát lộ quyền năng của nó như một động lực chính. Nếu nhà tiểu thuyết cổ điển tạo ra một ảo giác rằng chúng ta đang đứng trong một ngôi nhà có thật, thì nhà tiểu thuyết đương đại cũng có khả năng mang lại ảo tưởng là chúng ta đang bước đi trên sàn nhà tâm hồn của một nhân vật.
Tôi mạnh dạn cho rằng lý thuyết phân tâm học cũng có ảnh hưởng đến phong trào thơ tượng trưng. Bài thơ tượng trưng có thể ví như một thứ độc thoại nội tâm, một thứ khí quyển tâm trạng (atmosphere of mind) của nhân vật hay của tác giả.
Người ta thường nhắc đến một đặc tính của kịch Bertolt Brecht, trong đó khán giả cảm thấy mình tham dự vào vở kịch. Mặc dù không có một bằng chứng rõ rệt nào, tôi tin là về phương diện này, nhà viết kịch tài ba cũng phần nào chia sẻ, thậm chí chịu ảnh hưởng, một số quan điểm của Freud: độc giả được mời gọi tham gia tích cực vào cuộc phiêu lưu của nhân vật. Anh ta trở thành một phần của cuốn tiểu thuyết hay vở kịch của đời sống đang xảy ra trước mắt.

Tôi muốn nói thêm: các lý thuyết tâm lý học khác, không phải là phân tâm học, cũng tạo nhiều ảnh hưởng lên kỹ thuật tiểu thuyết. Chủ nghĩa hành vi, Gestalt, tâm lý thần kinh học, khía cạnh tâm lý của hiện tượng học, y học tâm thần… rọi nhiều ánh sáng lên các trang viết của các nhà văn.
Sự thành công của phân tâm học trong việc giải thích các vấn đề sáng tạo và đưa ra những gợi ý hấp dẫn đối với các nhà văn khi xây dựng nhân vật và cốt truyện không che giấu được các khuyết điểm của nó như một phương pháp khoa học. Phân tâm học cần từ bỏ bóng ma của mặc cảm OEdipus, các lý thuyết có tính quả quyết một cách quá đáng về căn bệnh thần kinh của nghệ sỹ, sự diễn dịch các giấc mơ có phần nhảm nhí, và di chuyển trọng tâm của nó về hướng giải thích làm thế nào để một công trình nghệ thuật, một tác phẩm văn học, một bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết, đã làm người đọc rung động sâu xa, bất kể anh ta hay chị ta là một người bình thường hay một người bị bệnh hysteria. Và làm thế nào để lập lại một điều tốt đẹp ở một nơi khác và vào một thời điểm khác. 
N.Đ.T

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Đồng hành (09/01/2009)
Các bài đã đăng