Tạp chí Sông Hương - Số 238 (tháng 12)
Về bản thể con người và bản thể văn học
10:18 | 09/01/2009
NGUYỄN DƯƠNG CÔN   (Tiếp Sông Hương số 11-2008)Bản thể con người chỉ cấu trúc bằng cảm giác và những gì là biến tướng khả dĩ của cảm giác mà không từ bỏ cấu trúc thiên định bao gồm kết cấu thực và kết cấu ảo của cảm giác. Nếu hình dung kết cấu thực là trạng thái mô phỏng thế giới, nghĩa là cái quan hệ hấp dẫn giữa xung động thần kinh não bộ con người với xung động tiếp nhận thế giới, thì chúng ta hình dung được kết cấu ảo chỉ là sản phẩm thuần tuý do xung động nội tại của thần kinh não bộ con người.

Nếu hình dung tiếp theo: kết cấu ảo không chỉ có khả năng cộng hưởng để chấp nhận quan hệ hữu cơ với kết cấu thực cho phép có sự hình thành tương đối hoàn chỉnh cảm giác về thế giới mà còn có khả năng chọn lọc, kiểm nghiệm, xác định logic vận động và giới hạn không gian cho kết cấu thực thì chúng ta mới giải thích nổi vì sao có nhạy cảm khác nhau, ở các mức độ khác nhau giữa người này với người khác trước cùng một hiện tượng, hình tượng nào đó của thế giới. Như vậy, xung động thuần tuý nội nguyên với khả năng cộng hưởng được với sự hấp dẫn của thế giới - dung nạp đuơc hình ảnh của thế giới - mới là nguyên bản của kết cấu ảo của cảm giác con người về thế giới. Chính khả năng cộng hưởng đó, chính khả năng dung nạp đó là khả năng gọi tên là “khả năng phản ánh thế giới” của thần kinh não bộ con người. Nhưng chính kết cấu ảo còn có khả năng đặc thù hơn là khả năng hấp dẫn với các kết cấu ảo khác của các “đơn vị” cảm giác khác trong toàn bộ hệ thống xung động sống của thần kinh não bộ nào đó của con người. Khả năng kết cấu ảo, cảm giác ảo “sao chép” được cả ấn tượng - dạng thức cảm giác trở thành nguồn năng tái sinh lại chính nó, hấp dẫn, “sao chép” được cả cảm giác ảo khác cùng với những mối quan hệ giữa chúng tạo nên một loại trạng thái cấu trúc và vận động tổng thể của tất cả các cảm giác hiện sinh và tái sinh là khả năng chỉ thần kinh não bộ con người mới có. Nếu hình dung hình ảnh của thế giới không phải ở ngoài mà ở trong đầu óc của con người thì chúng ta có thể hình dung cái thế giới “nhập ngoại” vào đầu óc đó là thế giới cấu trúc bằng vô số những kết cấu thực của cảm giác con người về thế giới bên ngoài. Như vậy, hình dung tiếp theo sẽ là: Cái thế giới khác hẳn thế giới thực đó trong đầu óc con người không phải là hình ảnh thực của thế giới bên ngoài mà là thế giới chỉ do đầu óc con người “chế tạo” ra mà thôi. Thế giới được chế tạo ra đó được gọi tên là thế giới ảo hay còn gọi là thế giới tưởng tượng của con người. Thế giới ảo đó đương nhiên là thế giới cấu trúc bằng vô số các kết cấu ảo của cảm giác con người. Và đương nhiên do cố tật của kết cấu ảo là hấp dẫn cộng hưởng với đủ loại kết cấu thực về thế giới thực nên thế giới ảo dù ảo đến mấy vẫn không thoát khỏi logic mô phỏng thế giới thực. Chính nhờ thế mà thế giới ảo có được logic hữu lí không chỉ cho cấu trúc không gian của nó - logic phát sinh, phát triển bản thân nó, mà còn có được logic hữu lí cho mọi hình tượng cùng quan hệ giữa các hình tượng của thế giới ảo ấy. Thế giới tưởng tượng của con người, nhờ thế mà kết hợp logic phi lí bản chất nhất của mình với logic hữu lí khả dĩ đã du nhập được từ thế giới bên ngoài tạo nên khả năng xa lạ hoá với chính logic và giới hạn đã du nhập - mà người ta quen gọi là đã cảm nhận khả dĩ chân thực - từ thế giới bên ngoài. Chính khả năng xa lạ hoá đó trở thành nguồn năng nhạy cảm với “sự che đậy” của thế giới bên ngoài kích thích nảy sinh phát triển logic hữu lí - nghĩa là kích thích cái mà người ta quen gọi là tìm nhận ra bí ẩn, hoá giải bí ẩn, phản ánh sâu hơn, khám phá mới về thế giới khách quan. Thế giới ảo, vì thế, bị phân chia thành nhiều loại thế giới khác nhau, nhưng chung qui có thể phân chia làm hai loại: một là, thế giới thiên ảo; và, hai là, thế giới thiên thực. Ở đây, cần phải nhìn nhận lại về bản chất cái gọi là cảm giác ảo của con người. Nó vốn là hệ thống thống nhất nào đó xung động nội nguyên của thần kinh não bộ con người, nghĩa là nó nảy sinh và vận động hoàn toàn không từ bối cảnh hấp dẫn lẫn nhau giữa thần kinh não bộ với cái gì đó của thế giới khách quan. Nhưng từ nảy sinh đến thực trạng vận động thì không đơn giản thế. Trong vận động, nó cũng không thoát khỏi định luật vạn vật hấp dẫn, dù ít ỏi đến mấy, nó cũng chịu đựng gì đó trong tương quan thời gian và không gian tuyệt đối chứa chấp vũ trụ. Như vậy, thực chất sâu xa nhất của nó là nó dù ảo, vẫn phải có khả năng cộng hưởng được với logic và giới hạn nào đó của hình tượng nào đó của thế giới khách quan. Nếu hình dung đơn giản hoá rằng logic của hình tượng nào đó ấy là trật tự các yếu tố cấu thành thì có thể gọi logic đó là “tượng, còn giới hạn của hình tượng nào đó ấy là giới hạn không gian mà hình tượng đó chiếm lĩnh trong thế giới khách quan thì có thể gọi giới hạn đó là “hình” của hình tượng đó. Hình dung tiếp theo sẽ là: Thế giới ảo có thiên hướng mô phỏng khả dĩ logic của các ấn tượng đã có trong nguồn năng của thần kinh não bộ, chính là thế giới tư-duy-trừu-tượng của con người. Vì thế, chỉ hình dung rằng tư-duy-trừu-tượng là cơ cấu vận động thuần lí tính, nghĩa là nó chỉ nhằm phản ánh cái gì đó ở khách quan, nghĩa là nó chẳng có chút gì phi phản ánh, chẳng dính dáng gì đến cái gọi là cảm giác siêu thực của con người, làm như đã là tư duy thì chỉ có duy phản ánh thế giới khách quan theo cách hiểu cơ giới, thô thiển phản ánh luận của V.I.Lenin. Tình trạng tiếp cận tư duy đó chính là tình trạng người ta đẩy tư duy của con người ra khỏi con người, nghĩa là đẩy tư duy ra khỏi thế giới vận động mỗi một bộ não con người… Nguồn năng phi-hấp-dẫn với thế giới khách quan chính là nguồn năng bản thể đặc trưng nhất của bản thể con người, nó tồn tại và vận động trong cấu trúc tổng thể nguồn năng bản thể đó. Nó tồn tại và vận động mâu thuẫn trong thể thống nhất với nguồn năng hữu-hấp-dẫn với sự hấp dẫn của thế giới khách quan. Nguồn năng đó sinh ra logic vận động đặc trưng của bản thể con người, đương nhiên logic đó bao gồm các logic của các trạng thái khác nhau của cấu trúc vận động bản thể con người mà người ta gọi tên là tâm hồn, tình cảm, linh cảm, tâm linh... của con người. Căn nguyên sâu xa nhất của qui luật logic vận động của những cái gọi là tình cảm, tâm hồn con người không chỉ không hoàn toàn phụ thuộc vào sự chi phối của logic hiện thực cuộc sống, logic của thế giới khách quan, mà hơn thế, trong tương quan không-thời-gian với chúng, nó trái ngược, phi biện chứng và phi lí, chính là nguồn năng phi-hấp-dẫn với thế giới khách quan của bản thể con người. Nếu hình dung cho được nguồn năng phi-hấp-dẫn đó chỉ là nguồn năng phi hấp dẫn trực tiếp đối với thế giới khách quan, nghĩa là nó chỉ có hấp dẫn với cái“thế giới khách quan” đã được nội hóa - đã được nguồn năng hữu-hấp-dẫn du nhập cái gọi là “hình ảnh của thế giới khách quan” vào bộ não con người - thì chắc chắn chúng ta hình dung đúng đắn được tính chất “tự vệ cố hữu” biệt lập cấu trúc vận động của bản thể con người đối với thế giới khách quan. Và nếu chúng ta hiểu rằng phản ánh thế giới vào bộ não con người là vận động mang tên Tư duy, thì chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, con người còn một phương thức phản ánh khác nữa. Phương thức đó là: Phương thức phản ánh chính bản thân nó của bản thể con người. Phương thức đó mang tên là phương thức Tư duy cảm tính thuần tuý của con người. Nó tạo ra nguồn năng và thế giới siêu thực, sản phẩm bản thể nhất của bản thể con người. Bởi thế, con người, không ở đâu hơn ở đó có năng lực sáng tạo thế giới siêu thực thuần tuý mang đặc thù nhân tính. Chính trong quan hệ với cái đã nhập nội qua phản ánh thế giới khách quan, nó làm nguồn năng nuôi dưỡng, kích thích nguồn năng trực tiếp phản ánh thế giới khách quan, mang đến năng lực cho nguồn năng đó. Chỉ có được hiểu như vậy, mới có thể giải thích nổi được và cho được niềm tin vào đặc thù bản thể của từng thần kinh não bộ mỗi một con người, mới có thể giải thích được vì sao mỗi con người là một thiên tài độc đáo vô song dẫu nó có chung năng lực và đặc điểm tư duy ở trạng thái nào đó, cấp độ nào đó cùng với người khác. Nói Bản thể con người mà là nói bản thể cộng đồng người, bản thể nhân loại là chẳng nói gì về Bản thể con người cả. Bởi, nói vậy là người ta khái quát hoá vô vàn cái riêng thành một cái chung. Và, khốn thay, không có cái chung nào chứa đựng nổi cái riêng, chỉ có cái riêng bất cứ nào trong số vô vàn cái riêng đó mới chứa đựng được từ ít ỏi tối thiểu đến tối đa cái chung đó. Chúng ta đều thấy trong cái thế giới tình cảm, tâm hồn con người, quả thật có cái gọi là lí trí của tình cảm, tâm hồn, cái mà các nhà khoa học gọi là logic đặc thù của tình cảm, tâm hồn con người, logic đó là phương thức cấu trúc, định hướng và qui mô vận động từ nảy sinh, hình thành, phát triển đến kết thúc của các thế giới đó. Thật là khôi hài nếu không thừa nhận vai trò căn nguyên của lao động sáng tạo ra bản thân con người là lao động thực thi bằng vận động tâm hồn, tình cảm con người. Và thế, nếu chỉ coi lao động tự sáng tạo ra bản thân mình của con người là lao động khoa học, kĩ thuật dù từ khoa học, kĩ thuật thô sơ nhất là dùng công cụ thô sơ nhất thì tất yếu trước sau gì cũng sẽ lâm vào tình trạng lãng quên con người, cái tình trạng nhằm phát triển con người xâm lấn con người, cái tình trạng đồ vật hoá con người.
Nói đến bản thể con người cần tối kị xoá nhòa ranh giới giữa nó với vận động phi nội tại của chính nó cũng như nói đến tâm hồn tối kị đồng nhất với vận động phi nội tại của chính tâm hồn. Thực ra nhìn nhận bản thể con người là một thực thể nhân tính đặc thù nhất của con người, không ai dại gì lại hình dung nó là một thực thể hữu hình như là một bộ phận nội tạng nào đó, như bộ não cùng toàn bộ hệ thống thần kinh con người chẳng hạn. Thế nhưng, thực thể bản thể con người lại chỉ tồn vong gắn liền với không chỉ cơ thể sống và vận động sống của con người nên nó không thể là cái gì khác nằm ngoài khả năng sinh tồn hay nằm ngoài không gian sự sống con người. Như vậy, bản thể con người chắc chắn phải là dạng thức cấu trúc nguồn năng của con người hay chính xác hơn là của thần kinh não bộ con người. Đương nhiên, người ta không thể nhận biết với hình dung ra nó nếu không nhận biết những biểu hiện bằng vận động phi nội tại và sự hấp dẫn của nó đối với khách thể của nó. Như vậy, chắc chắn thực thể bản thể con người phải là một dạng thức cấu trúc không chỉ “nằm trong mà con là dạng thức hạt nhân của “cáinó biểu hiện mang tên là sự-sống-con-người… Nó, đương nhiên không phải là vận động phi nội tại của nó mà là căn nguyên sinh ra vận động đó, nghĩa là nó là tổng hoà các mối quan hệ các yếu tố vật chất cấu thành nó, nghĩa là nó là chân lí tổng hoà các chân lí của vận động nội tại của sự sống con người. Chỉ là nó, trong vận động nội tại của nó, mới là chân lí nội tại cho vận động nội tại của nó, chính trong “thế yếu” như vậy, mọi vận động ngoại đối (phi nội tại) không còn là, không phải hoàn toàn là chân lí của nó nữa. Điều này dễ nhận biết khi chúng ta hình dung về thế giới tâm hồn của con người. Trong cái thế giới khốn khổ nhất ấy, của con người, chân lí bản thể con người luôn bị chi phối hấp dẫn chân lí của địa ngục chân lí thế giới khách quan và luôn dị ứng với địa ngục chân lí đó. Và, chính bởi thế, trong thế giới tâm hồn con người, thật là đáng khôi hài, hình tượng cấu thành nên nó, người ta gọi là hình tượng của tâm hồn, lại luôn mang dáng dấp, luôn vận động ít nhiều tương tự như hình tượng của thế giới khách quan, của hiện thực cuộc sống! Nhưng có vấn đề đáng nghĩ: Vậy thì, chính kịch của tấn hài kịch đó là thế nào vậy? Nó là thế này: Tất cả hình tượng của thế giới tâm hồn đó đều không sao có đầy đủ, chính xác “hình hài” và logic vận động của hình tượng thế giới khách quan, của hiện thực cuộc sống. Chính sự không thể và không chịu chính xác giống như ấy là chính kịch của thế giới tâm hồn con người, để nó còn là nó trong tư thế chống lại sự xâm lấn, áp đặt mô thức và logic của thể giới phi tâm hồn - phi bản thể con người. Ở đây, ở tình trạng chính kịch ấy của tâm hồn con người, cho thấy một cơ hội bất khả kháng của sự thừa nhận: Bản thể cũng như tâm hồn con người là những cấu trúc vật chất siêu hình, siêu thực và phi lí trong tương quan “so sánh” với logic của hiện thực khách quan. Chắc chắn trong cấu trúc của bản thể cũng như trong cấu trúc của thế giới tâm hồn con người có một loại cơ cấu ổn định bền vững đảm bảo cho các cấu trúc đó tồn vong “nó là nó” vượt qua không-thời-gian mà nó chiếm lĩnh. Cơ cấu đó chính là hạt nhân của bản thể con người, là cơ cấu”chân-lí-thuần-nhất-bản-thể”của bản thể con người. Chính cái cơ cấu đó, được tổ-tiên-thành-văn xa xưa nhất của các dân tộc phương Đông phát hiện và gọi cho nó một cái tên tuyệt vời và trường tồn là Tâm linh con người...
Cũng như bản thể nói chung và cũng như bản thể con người nói riêng, bản thể văn học là thực thể vật chất siêu hình cấu trúc vận động bằng những yếu tố vật chất siêu hình và bằng quan hệ giữa các yếu tố cấu thành đó. Trong tất cả những con người đều có chung một loại thực thể nguồn năng nhân tính đặc trưng con người. Cũng như thế, trong tất cả các tác phẩm văn học, với đúng nghĩa là tác phẩm văn học, đều có chung một loại thực thể nguồn năng văn tính đặc trưng văn học. Văn học là sản phẩm công cụ của sự sống con người, đương nhiên nó không phải là bản thân sự sống đó. Xem xét bản thể văn học chỉ có thể là xem xét cái thực thể nguồn năng văn tính đặc trưng văn học tồn tại vận động trong mỗi cá thể thực thể văn học mang tên là tác phẩm văn học. Đương nhiên, cũng như bản thể cá thể con người nào đó chứa đựng nhân tính đặc trưng nhân loại, tác phẩm văn học chứa đựng văn tính đặc trưng của tất cả các tác phẩm, các thế giới được gọi tên là văn học. Tác phẩm văn học cấu trúc không bằng cái gì khác là ngôn ngữ ngôn từ. Dẫu là một hay là một tổ hợp vô số ngôn từ, chẳng qua cũng chỉ là công cụ phương tiện của sự sống con người mà thôi. Cho nên, văn học, chẳng qua cũng chỉ là một loại ngôn ngữ của con người mà thôi. Nó thuần tuý là một dạng thức vật chất gắn liền với sự sống con người, do sự sống ấy sinh ra làm công cụ sống cho mình nhưng lại tồn tại khách quan, ngoài “ý muốn” của sự sống đó. Chính vì thế, xem xét bản thể văn học chỉ có thể đặt nó gắn liền với xem xét bản thể con người mới có thể tiếp cận nó đúng đắn và lí giải được cho nó. Và, cũng chính bởi thế, ở đây có vấn đề hết sức cốt tử dành cho nhận thức là nguyên tắc phân định rạch ròi giữa ý thức với tồn tại, giữa tư duy với cái vỏ vật chất của tư duy, giữa sự sống con người với phương thức công cụ của sự sống đó là ngôn ngữ của nó, giữa không gian sinh tồn của tâm hồn con người với không gian tồn vong nguồn năng sinh dưỡng tâm hồn con người được cấu trúc bằng vật-chất-ngôn-ngữ của nó trong đó có ngôn ngữ văn học. Sự lẫn lộn, xa rời nguyên tắc cốt tử đó là căn
nguyên sâu xa nhất của những biểu hiện bất cập ngây thơ nhất cho đến lưu manh nhất trong nhận thức và cư xử đối với văn học. Thông thường những biểu hiện bất cập đó thường dẫn đến quan niệm định kiến coi văn học là công cụ phụng sự cho những mục đích thực dụng xã hội học nhất thời, phụng sự cho chân, thiện, mĩ xã hội học kinh điển. Đặc biệt hơn, hiểm hoạ đó còn dẫn người ta đến niềm say mê và thói thông minh lọc lõi đi tìm sự sống con người ở ngay trong thế giới của thuần tuý vật chất ngôn từ vốn chỉ là cõi chết mang nhân tính, chỉ có nguồn năng sinh dưỡng chứ không thể có bản thân sự sống con người. Thật ra, những học thuyết tín ngưỡng, những cái gọi là “đời sống văn bản độc lập của văn bản văn học chẳng qua chỉ là nạn nhân của sự xa rời nguyên tắc nhận thức cốt tử kể trên mà thôi.
Tác phẩm văn học chỉ cấu trúc bằng ngôn từ. Nhưng sự thật đó chưa đủ khả năng bộc lộ hết những gì cho những tính chất, đặc biệt chưa thể bộc lộ gì cho đặc trưng văn học của tác phẩm văn học. Cùng với ngôn từ kinh viện của kho tàng ngôn ngữ thành văn dân tộc con người còn cấu trúc chúng thành những loại hình ngôn ngữ văn chương khác văn học. Đương nhiên, bởi thế, phải có khẳng định tiếp theo là: Tác phẩm văn học chỉ cấu trúc bằng ngôn từ văn học. Như vậy, chắc chắn có một con đường đúng đắn để tiếp cận với bản thể văn học là tiếp cận với những biểu hiện chỉ có ngôn từ văn học mới có. Có một sự thật là tất cả các loại hình văn chương khác văn học được gọi chung cho một cái tên xứng với bản chất và phong cách là “văn chương thuần lí tính”. Cũng như chúng, văn chương văn học cùng phải sử dụng nguồn vật liệu ngôn tố chung có ở kho tàng ngôn ngữ thành văn dân tộc với nghiêm luật xác định chuẩn nghĩa của từng ngôn tố không trừ một ngôn tố nào của kho tàng ngôn ngữ thành văn đó. Như vậy, liệu có thể chỉ đi tìm đặc trưng ngôn ngữ văn chương văn học ở định hướng phong cách chỉ tựu trung cấu thành hình tượng của nó hay không? Đương nhiên, đặc trưng hình tượng của ngôn ngữ văn học là một trong những biểu hiện điển hình nhất của ngôn ngữ văn chương văn học. Nhưng ở đây có vấn đề hết sức cốt tử cho tiếp cận đặc trưng văn học lại không chỉ được dừng ở chỗ đã có đặc trưng hình tượng của ngôn ngữ văn học. Vấn đề cốt tử đó là: Thế cái gì là đặc-trưng-của-hình-tượng văn học trong phong cách cấu trúc ngôn ngữ ngôn từ? Cấu trúc ngôn từ thuần lí tính được gọi là cấu trúc ngôn từ phi-văn-học vì, đương nhiên, cấu trúc ngôn từ văn học là cấu trúc vừa lí tính lại vừa cảm tính, nghĩa là nó phi-thuần-lí-tính. Ở đây, có vấn đề hết sức đáng chú ý: Cấu trúc ngôn từ thuần lí tính, trên thực tế vẫn có cấu thành nên hình tượng mà người ta gọi là hình tượng chính xác, hình tượng tuân thủ logic chiếm lĩnh và vận động không-thời-gian của hình tượng của bản thân cuộc sống, của thế giới khách quan (ví dụ như hình tượng nhân vật lịch sử trong sử học, nhân vật chính trị, kinh tế xã hội trong văn chương báo chí...). Ở đây, lại có vấn đề tiếp theo, những hình tượng ngôn từ chính xác đó cũng là “công việc thường xuyên” của cấu trúc ngôn từ văn học vì ngôn từ văn học không từ giã nguồn năng lí tính của nó. Vì thế, trong tổng thể một cấu trúc ngôn ngữ văn học nào đó - nghĩa là trong tổng thể cấu trúc một tác phẩm văn học hoàn chỉnh nào đó - tất yếu phải có rất nhiều chi tiết hình tượng cho đến cả mỗi hình tượng của nó chỉ là chi tiết, hình tượng lí tính, chính xác, logic cấu trúc vận động thuần logic của hình tượng của thế giới khách quan mà chúng mô phỏng. Thế nhưng, những chi tiết, hình tượng đó, dù với tỷ lệ chiếm lĩnh cao nhất về số lượng, ở trong cấu trúc tổng thể tác phẩm văn học, chúng vẫn không phải là chi tiết, hình tượng đặc trưng văn học. Như vậy, chính hình tượng phi-chính-xác, phi-xác-định mà người ta hay gọi là hình tượng cảm tính, hình tượng vừa xác định vừa mơ hồ, vừa có lí vừa phi lí, vừa một nghĩa lại vừa đa nghĩa (từng gọi là biểu tượng hai mặt, nhiều mặt)... mới chính là hình tượng đặc trưng văn học. Đương nhiên, suy cho cùng thì tất cả các loại hình tượng ngôn từ, trong đó có hình tượng đặc trưng văn học, đều không thể có tính chất xác định tuyệt đối, giống như hình ảnh của thế giới trong con mắt con người là tương đối xác định so với hình ảnh thật của thế giới mà nó “nhìn” thấy. Nhưng, tất cả hình tượng ngôn từ các loại được xem như là xác định phải đảm bảo logic cấu trúc và vận động của chúng là thuần mô phỏng logic của hình tượng của bản thân thế giới khách quan, nghĩa là logic đó là tính chất xác định tuyệt đối của hình tượng ngôn từ văn chương các loại nói chung. Như vậy tính chất phi xác định tuyệt đối của hình tượng ngôn từ chỉ là tính chất phi xác định tuyệt đối biên độ chiếm lĩnh không gian vũ trụ, mà người ta thường gọi không gian chiếm lĩnh đó là hình của hình tượng, chứ không phải là tính chất mô phỏng logic cấu trúc và vận động, nghĩa là không phải mô phỏng biên độ chiếm lĩnh thời gian vũ trụ của hình tượng, mà người ta thường gọi là tượng của hình tượng. Hình tượng đặc trưng văn học thì lại hoàn toàn khác ở đặc tính vừa phi xác định ở cả biên độ chiếm lĩnh không gian vũ trụ vừa phi xác định ở mức độ mô phỏng logic cấu trúc và vận động của hình tượng của thế giới khách quan. Chính hai tính chất phi xác định đó được người ta gọi là tính chất mơ hồ và phi lí - đa nghĩa của hình tượng văn học (nó càng có cấp độ phi lí bao nhiêu càng có cấp độ đa nghĩa bấy nhiêu). Như vậy, trong một tổng thể cấu trúc ngôn từ, mỗi một ngôn từ với tính chất và chức năng chỉ xác định nghĩa của nó mà mối liên hệ cấu trúc nội tại của cấu trúc tổng thể ngôn từ đó cũng chỉ có chức năng chỉ xác định nghĩa đã xác định của mỗi ngôn từ, nghĩa là cả mỗi ngôn từ cho đến cả ngữ pháp của tổng thể cấu trúc ngôn từ đó chỉ xác định nghĩa của nó, thì mỗi ngôn từ đó chỉ gây hấp dẫn lí tính cho nhận thức - chỉ gây dẫn kết cấu thực của cảm giác về ngôn từ hoặc gây dẫn ấn tượng cho nhận thức mà thôi. Loại ngôn từ đó chỉ được gọi là ngôn từ thuần-lí-tính. Chúng không có tính chất cảm tính và do thế chúng không phải là ngôn từ có và được mang tên là ngôn từ đặc trưng văn học dù có tham dự trong tổng thể cấu trúc tác phẩm văn học. Cái gì đã làm cho mỗi ngôn từ được văn cảnh hoá, nghĩa là được giữ nguyên là ngôn từ kinh viện của ngôn từ thành văn dân tộc nhưng lại được mang mới phẩm chất và chức năng là ngôn từ văn cảnh văn học? Có một sự thật là chỉ có thể đi tìm ra cái đó mới có hy vọng hình dung và xác định được ở mức độ khả dĩ nào đó Bản thể văn học là gì, là thế nào? Cái gì đó ấy chính là mối quan hệ vừa xác định vừa phi xác định giữa ngữ nghĩa xác định kinh viện thành văn dân tộc của các ngôn từ tham dự cấu trúc tổng thể tác phẩm văn học. Đương nhiên, cái gì đó ấy - cái quan hệ vừa xác định vừa phi xác định ấy - chắc chắn có hai trạng thái cơ bản khác nhau: một là, không gian ngữ nghĩa các ngôn từ có quan hệ văn cảnh khả dĩ với nhau tạo nghĩa văn cảnh xác định và, hai là, không gian ngữ nghĩa đó tạo nghĩa văn cảnh phi xác định. Thật ra, mọi nội hàm ngôn từ thành văn dân tộc đều có mức độ chính xác tương đối do mức độ tương đối của sự hấp dẫn tạo nên ấn tượng về hình tượng của thế giới khách quan, tạo nên cảm giác con người về chúng và do khả năng tương đối trong giao tiếp ấn tượng từ cá nhân đến xã hội con người. Thành ra mức độ tương đối đó là giới hạn khế ước của nhạy cảm cơ bản xác định, cơ bản chính xác trong giao tiếp sinh học giữa con người với con người bằng ấn-tượng-đã-ngôn-từ-hoá. Như vậy, trong mối quan hệ với hình tượng của bản thân thế giới khách quan và ngay cả trong cấu trúc nội tại của ấn-tượng-đã-ngôn-từ-hoá, bản chất cũng như tiêu chí của sự xác định không gian và tính chất ngữ nghĩa của ngôn từ là gì? Bản chất cũng như tiêu chí đó chính là logic cấu trúc nội hàm ngữ nghĩa mô-phỏng-vay-mượn logic cấu trúc nội tại cùng logic chiếm lĩnh không-thời-gian-vũ-trụ của hình tượng của thế giới khách quan. Cái ngôn từ người, đương nhiên có nội hàm xác định không chỉ cấu trúc cơ bản hình thể người (chứ không phải cấu trúc hình thể con vật gì đó khác người) nghĩa là logic hình thể người chiếm lĩnh không-gian-vũ-trụ, mà còn đương nhiên có nội hàm xác định cấu trúc quan hệ nội tại hình thể người từ kết cấu thực thể các bộ phận sinh học, các trạng thái vận động sinh học được gọi chung là sự sống con người (chứ không phải là các trạng thái vận động sinh học phi đặc trưng con người của con vật nào đó khác người) nghĩa là logic trạng thái vận động chiếm lĩnh thời-gian-vũ-trụ của con người. Cả hai bộ phận nội hàm ấy của ngôn từ người được xác định nghĩa là ngôn từ đó chỉ hấp đẫn gây ấn tượng, gây kết cấu thực cho cảm giác con người về ngôn từ đó mà thôi. Như vậy, ngữ nghĩa ngôn từ thành văn dân tộc là ngữ nghĩa khế ước sinh học tập nhiễm trong suốt quá trình hình thành văn hoá ngôn ngữ thành văn dân tộc là khế ước không thay đổi cơ bản để đảm bảo nguyên tắc sinh tồn đặc trưng làm một trong những nguồn năng đặc trưng cho sự sinh tồn dân tộc. Ngôn ngữ thành văn dân tộc, cũng như vậy, với đặc trưng xác định ngữ nghĩa của nó, không phải là ngôn ngữ văn học dẫu văn học chỉ có công cụ duy nhất là ngôn ngữ thành văn dân tộc.
Niềm hy vọng vào đơn phương ý nghĩa xác định của ngôn ngữ thành văn dân tộc trong bất kì một tổ hợp cấu trúc ngôn ngữ tác phẩm văn học nào nhằm tìm thấy bản chất cũng như mọi biểu hiện bản chất và phong cách đặc thù văn học, suy cho cùng là một niềm hy vọng ngây thơ, ấu trĩ tất yếu dẫn đến phi và phản trung thực trong cư xử với bản chất, với bản thể văn học. Có điều thật giản dị và dễ hiểu là ở đâu trong ngôn ngữ được xử dụng không có khả năng tái sinh cảm giác cho con người - thường được gọi một cách giản dị là không có khả năng gợi cảm - thì ở đó không có được khả năng văn học. Điều giản dị đó, khốn thay lại bị ngay chính niềm tin rằng “chân lí nào mà chả giản dị” làm cho điều giản dị đó tưởng như không còn chứa đựng nguồn nảy sinh nghi vấn nào, nghĩa là không còn phải tìm hiểu nào nữa dành cho thấu đáo hơn bản chất của nó. Nhưng nếu chỉ cần từ bỏ niềm tin đó bằng nghi vấn: Vậy thì thế nào là khả năng gợi cảm trong cái gọi là khả năng gợi cảm của ngôn từ mang bản chất văn học là gì thì chắc chắn sẽ phải thoát khỏi tình trạng khốn thay bởi chính niềm tin đó. Vâng, gợi cảm chẳng thể có nghĩa nào khác là làm cho nảy sinh cảm giác, hay nói đúng hơn với ngôn từ là làm tái sinh và nảy sinh cảm giác đã từng trở thành ấn tượng mang cái vỏ vật chất mà thành chính ngôn từ đó.
Như vậy, bản thể văn học chắc chắn không phải là thể cấu trúc bằng ngữ nghĩa xác định của ngôn từ thành văn dân tộc được sử dụng là vật liệu duy nhất dành cho tác phẩm văn học mà chỉ có thể bằng vật liệu gián tiếp được sinh ra bởi phương thức sử dụng đặc biệt ngữ nghĩa xác định của ngôn từ thành văn dân tộc mà thôi. Đã không hy vọng tìm thấy cái thể được gọi là bản thể văn học đó ở ngay ngữ nghĩa xác định của ngôn từ thành văn dân tộc đó thì chỉ có thể đi tìm nó ở mối quan hệ giữa các ngữ nghĩa đó mà mối quan hệ đó chỉ có được ở tác phẩm văn học mà thôi. Sự thật thì ở bất cứ loại văn chương nào, kể cả phi và khác văn học cũng đều phải cấu trúc nên bản thể đặc trưng của mình bằng tạo nên đặc trưng ở mối quan hệ giữa các ngữ nghĩa ngôn từ thành văn dân tộc. Chúng ta đều “nhìn thấy” mối quan hệ đó tạo nên những ngữ nghĩa chưa và không thể có trong ngữ nghĩa thành văn dân tộc đã được sử dụng, nghĩa là bằng mối quan hệ ngữ nghĩa tạo nên những ngôn tố tồn tại như mỗi ngôn từ nhưng lại không có cái vỏ vật chất riêng của nó mà chỉ có cái vỏ vật chất “đóng góp và vay mượn” của những ngôn từ thành văn dân tộc tạo nên mối quan hệ sinh ra nó. Ở đây, có một sự thật dễ nhìn ra. Sự thật đó là: “cái lũ ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó” ấy từ riêng lẻ “mỗi đứa” đến “cả lũ” đều phải tuân thủ qui luật phân chia thành hai loại, kiểu như phân loại âm-dương, đực-cái gì đó mà loại thứ nhất là có ngữ nghĩa xác định và loại thứ hai là có ngữ nghĩa phi xác định. Loại ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó có ngữ nghĩa xác định có thể tìm thấy ở tất cả các loại văn chương kể cả văn chương văn học. Loại ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó có ngữ nghĩa phi xác định được, phi xác định hết chỉ có thể tìm thấy ở văn chương văn học mà thôi. Đương nhiên, loại ngôn tố này với đặc tính phi xác định được, phi xác định hết không có nghĩa chúng là loại ngôn tố tuyệt nhiên không có yếu tố hay nói đúng hơn là không có kết cấu có xác định được và xác định hết bởi chúng vẫn là loại thực thể siêu hình tồn tại tương đối độc lập trong không gian chung của tổng thể cấu trúc ngôn từ văn học. Như vậy, mỗi ngôn tố đó vừa có kết cấu xác định vừa có kết cấu phi xác định mà kết cấu phi xác định là kết cấu mang đặc trưng riêng của chúng. Nói cách khác, ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó có cấu trúc ngữ nghĩa bao gồm hai kết cấu: một là, kết cấu thực-nghĩa, và, hai là kết cấu phi-thực-nghĩa. Căn nguyên của sự hình thành loại ngôn tố này, đương nhiên là từ nhu cầu tất yếu phải thiết lập mối quan hệ giữa các ngữ nghĩa thành văn dân tộc cho tổng thể tác phẩm văn học. Nhưng đó chưa phải là căn nguyên sâu xa nhất bởi vì với “ý đồ” thiết lập tổng thể tác phẩm văn chương nào khác văn học cũng đều phải tuân thủ qui luật thiết lập mối quan hệ văn cảnh cho nó. Như vậy, căn nguyên nảy sinh và hình thành đặc trưng của mối quan hệ ngữ nghĩa ngôn từ thành văn dân tộc dành cho tác phẩm văn học, chắc chắn nằm ngoài phương thức thiết lập mối quan hệ văn cảnh dành cho các loại văn chương phi văn học. Căn nguyên đặc trưng văn học đó là cái gì vây? Đó chính là nhu cầu qui luật ám ảnh chi phối của kết cấu ảo của cảm giác và của cảm giác thuần tuý nội nguyên của con người trong mọi tiến trình tư duy văn học. Chính sự ám ảnh chi phối đó “mách bảo” cho con người rằng trong khi sử dụng ngôn ngữ thành văn dân tộc - cái thứ chỉ “khô khốc” còn lại là ấn tượng đã ngôn từ hoá không chỉ quan hệ với nhau được bằng quan hệ xác định và hữu lí mà còn quan hệ với nhau bằng quan hệ phi xác định và phi lí nữa. Mối quan hệ phi xác định và phi lí đó là phương thức sống còn dành cho dục vọng vật chất hoá kết cấu ảo và cảm giác thuần tuý nội nguyên của con người khi nó hướng tới tìm kiếm lại ấn tượng đã được ngôn từ hoá trong kho tàng ngữ nghĩa thành văn dân tộc. Dục vọng vật chất hoá kết cấu ảo của cảm giác và của cảm giác thuần tuý nội nguyên đó có qui luật tất yếu hình thành chính từ tương quan hấp dẫn tuân thủ định luật vạn vật hấp dẫn giữa kết cấu ảo với kết cấu thực của cảm giác, giữa cảm giác thuần tuý nội nguyên với cảm giác đã hấp dẫn tác động ngoại giới của con người cùng với ấn tượng của nó về thế giới khách quan. Đương nhiên, dục vọng đó thuộc về nguồn năng dục vọng sinh duỡng trạng thái nội nguyên của sự sống con người trong tương quan tất yếu phải vật chất hoá bản thân nó để làm nguồn năng cho chính nó mà người ta thường gọi một cách giản dị, dễ hiểu là nguồn năng sinh dưỡng “cái tôi” - “cái tôi cảm thấy” - trong vận động tưởng tượng nói chung và trong tư duy cảm tính nói riêng. Chính bởi dục vọng tìm thấy và đắc dụng quan hệ ngữ nghĩa thành văn dân tộc tạo nên ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó thuộc về nguồn năng dục vọng nội nguyên và nội nguyên hoá của sự sống con người nên tư duy văn học cũng có những đặc trưng tương tự như đặc trưng của tư duy tôn giáo và tư duy âm nhạc của con người. Có thể nói ngôn ngữ thành văn dân tộc với bản tính cố hữu xác định hoá ngữ nghĩa - xác định hoá ấn tượng chung có của mọi thành viên cá thể người của dân tộc - lại có được khả năng tạo nên một loại ngôn tố phi nó là ngôn tố phi-vỏ-vật-chất vừa xác định lại vừa phi xác định ngữ nghĩa là một phúc đức thiên định dành cho sự sống con người. Phúc đức đó chính là khả năng ngôn ngữ ngôn từ cho phép con người có thể dùng nó mà có được một loại tư duy rất đặc biệt mang tên là tư duy văn học. Chính tổ hợp bộ phận tương đối hoàn chỉnh cho đến cấu trúc tổng thể hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó trong cấu trúc ngôn từ tổng thể tác phẩm văn học có khả năng đặc biệt trong tác động hấp dẫn trở lại với sự sống con người làm hệ thống ấn tượng không chỉ tái sinh từ tối thiểu cận nguyên đến tối đa nguyên mẫu của chúng mà còn chuyển hoá trở lại từ ấn tượng thành cảm giác cho sự sống con người. Thế giới nguồn năng cấu trúc bằng ngôn từ của tác phẩm văn học là thế giới hiện thực ở nơi nó cấu trúc bằng ngữ nghĩa xác dịnh của ngôn ngữ thành văn dân tộc và là thế giới siêu thực ở nơi nó cấu trúc bằng ngữ nghĩa vừa xác định vừa phi xác định của ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó của tác phẩm văn học. Bởi thế, suy cho cùng chả có tác phẩm văn học nào thuần tuý một trăm phần trăm là hiện thực và cũng chả có tác phẩm nào một trăm phần trăm là siêu thực cả. Nhưng như thế không có nghĩa là ở đâu vắng bóng hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó - ở đâu không có được thế giới siêu thực do chúng tạo nên mà ở đó lại có thể có tác phẩm với đúng nghĩa là tác phẩm văn học được. Nói siêu thực là bản chất đặc trưng nhất và hư cấu là phong cách đặc trưng nhất của văn học trong mối quan tâm đến định mệnh Văn học là nghệ thuật ngôn từ mà không biết tới khả năng định mệnh của ngôn từ sản sinh ra ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó trong tác phẩm văn học thì trước sau gì cũng sẽ lâm vào tình cảnh chấp nhận, thông cảm đi tới lợi dụng bản chất và phong cách văn học cho những chức năng phi văn học mà thôi. Trong lịch sử văn hoá văn học phương Đông, đặc biệt trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc đã rất sớm nảy sinh và tồn lưu quan niệm như là cơ bản nhất, thiên định nhất về đặc trưng văn học của ngôn ngữ ngôn từ tác phẩm văn học là Ý tại ngôn ngoại. Thật ra, quan niệm này hình thành chính từ sức chi phối ám ảnh của hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó. Sức chi phối ám ảnh đó khiến cho người ta cảm nhận về thế giới do hệ thống ngôn tố đó tạo nên. Nhưng khốn thay, họ lại nhầm tưởng rằng thế giới đó - bóng ma của hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó nảy sinh và tồn vong ngoài cấu trúc tổng thể ngôn từ văn học của tác phẩm văn học, nghĩa là ngoài văn bản văn học! Thật ra, không thể có hệ thống ngữ nghĩa nào của tác phẩm văn học lại có thể nằm ngoài không gian tổng thể ngôn ngữ ngôn từ tác phẩm văn học. Không gian đó chứa đựng ở trong nó tất cả các tầng, các trạng thái ngữ nghĩa hữu và phi hiện hữu ngữ nghĩa, có và không có vỏ ngôn ngữ của ngữ nghĩa. Từ niềm tin ngây thơ đến định kiến lọc lõi, cố thủ ngộ nhận với quan niệm Ý tại ngôn ngoại, tất cả các thế hệ của họ luôn dành được quyền lực trao cho ý nghĩa ngoại ngôn và giao phó các chức năng nhân thế xã hội và lịch sử vốn có trong tay họ ở ngoại ngôn văn học. Cái gọi là “ngôn ngoại” đó, thật ra chỉ là ngữ nghĩa xác định, thuần lí tính, thuần hữu lý dù được gửi gắm ẩn chứa đến mấy vẫn không có đặc trưng văn học, mà thôi...
Sự can dự của hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật chất-riêng-nó có ngữ nghĩa phi xác định làm nên trạng thái đặc trưng văn học cho thế giới được hình thành bằng tổng thể cấu trúc ngôn từ tác phẩm văn học. Như vậy, không có nghĩa toàn bộ trạng thái đặc trưng văn học đó là bản thể văn học và bản thể văn học cũng không chỉ “nằm gọn” trong không gian đặc trưng của không gian hình thành bằng cấu trúc tổng thể ngôn từ văn học. Đương nhiên trạng thái thuần lí tính, thuần xác định hình thành bằng cấu trúc tổng thể ngữ nghĩa xác định của ngôn từ thành văn dân tộc không chỉ tác phẩm văn học mà các loại hình nghệ thuật ngôn từ phi văn học cũng có. Nhưng tác phẩm văn học lại không thể thiếu nó tương tự như người ta không thể thiếu mặt đất để đứng lên mà tiếp nhận, giàn dựng bầu trời của mình. Như vậy, bản thể văn học cũng không thể tách khỏi tuyệt đối, nằm ngoài không gian phi đặc trưng văn học của toàn bộ không gian tác phẩm văn học. Cũng như thế, không thể nói căn nguyên nảy sinh loại ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó lại không từ nguồn năng tiềm tàng và khả dĩ của ngữ nghĩa xác định của ngôn từ thành văn dân tộc tham dự cấu trúc tổng thể tác phẩm văn học. Có thể thấu hiểu điều này nếu biêt tôn trọng qui luật: Chính cái thực trong tương quan cấu trúc nội tại của nó luôn có nguồn năng hấp dẫn giữa các yếu tố nội tại cũng tạo nên nguồn năng nảy sinh trạng thái siêu thực của chính nó trong nội bộ nó và hấp dẫn nên trạng thái siêu thực trong không gian giao tiếp với khách thể ngoài nó mà nó có quan hệ hấp dẫn. “Nhìn vào” mối quan hệ giữa trạng-thái-thuần-ngữ-nghĩa-xác-định của ngôn từ thành văn dân tộc với trạng-thái-phi-thuần-ngữ-nghĩa-xác-định của ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó, chắc chắn sẽ hình dung ra, chon lọc ra được mẫu quan hệ chung, phổ biến tương đối cơ bản và tuyệt đối cơ bản giữa hai trạng thái thuần xác định và phi thuần xác định ngữ nghĩa đó. Chính mẫu quan hệ chung đó đều có chứa đựng trong không gian quan hệ nội tại cấu trúc tổng thể mọi tác phẩm văn học. Mẫu quan hệ chung đó chiếm giữ chi phối cơ bản nhất cho sự nảy sinh, hình thành hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó cũng như cho nảy sinh và hình thành từ trạng thái xác-định, thực-hữu-lí những trạng thái phi-xác-định, ảo-phi-lí của không gian cấu trúc tổng thể ngôn ngữ tác phẩm văn học. Như vậy, Thực thể siêu hình cấu trúc bằng những mối quan hệ cơ bản nhất, chung có nhất của tổng thể ngữ nghĩa xác định của ngôn từ thành văn dân tộc trong mọi tác phẩm văn học mà tổng thể đó có nguồn năng nảy sinh, hình thành nên hệ thống ngữ nghĩa vừa xác định vừa phi xác định của hệ thống ngôn tố phi-vỏ-vật-chất-riêng-nó tạo nên thế giới siêu thực và phi lí, mơ hồ và đa nghĩa chính là thực thể bản thể văn học.
Suy cho cùng, Bản thể văn học là sản phẩm vừa mục tiêu vừa công cụ của phương thức vật chất hoá bản thân mình bằng ngôn từ để làm nguồn năng sinh dưỡng bản thân mình của bản thể và sự sống con người. Chính qui luật và qui trình vận động nội tại của bản thể con người là qui luật và qui trình cấu trúc vận động nội tại của cảm giác con người. Chính qui luật và qui trình cấu trúc vận động của bản thể văn học là qui luật qui trình cấu trúc vận động nguồn năng vừa vật chất hoá vừa tái sinh cảm giác bằng ngôn từ cho sự sống con người. Vì thế, bất cứ tác phẩm văn chương nào không có nguồn năng tự thân nó tái sinh cảm giác cho con người đều không thể trở thành tác phẩm văn học đích thực.
Thái-Bình ngày 26-4-2008
N.D.C

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Đồng hành (09/01/2009)
Các bài đã đăng