Tạp chí Sông Hương - Số 191 (tháng 1)
Mấy suy nghĩ về chuyên mục lý luận và phê bình trên Tạp chí Sông Hương
15:18 | 05/02/2009
TRẦN THÁI HỌC(Nhân đọc Sông Hương phê bình và đối thoại - Nxb văn hoá thông tin - 2003)

1. Tạp chí Sông Hương kể từ ngày được thành lập đến năm 2003 đã tròn 20 năm. Với tuổi đời ấy, tuy chưa nhiều, nhưng Sông Hương đã sớm khẳng định vị thế của mình trong đời sống văn học của địa phương và của cả nước.
Với 200 số tạp chí ra mắt bạn đọc, Sông Hương đã đăng tải hàng nghìn tác phẩm có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực sáng tác, lý luận, phê bình và đối thoại không chỉ trong phạm vi văn nghệ mà còn lan toả cả trên bình diện văn hoá của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu có mặt trên khắp mọi miền của đất nước. Điều đó cho thấy, Sông Hương trở thành nơi hội tụ đầy sức hấp dẫn, nơi phát sáng sâu rộng có ảnh hưởng tích cực đối với độc giả cả nước.

Kỷ niệm 20 năm tạp chí Sông Hương, Ban tuyển chọn đã cho ra mắt bạn đọc 4 tuyển tập với hơn 2000 trang, trong đó, chuyên mục Phê bình và đối thoại chiếm 512 trang đăng tải trên 70 bài viết của các nhà nghiên cứu. Như lời nói đầu Cùng bạn đọc, “Do khuôn khổ và những khó khăn không thể khắc phục được, nên mỗi tác giả cũng chỉ góp mặt một bài trong tập. Đó là điều đáng tiếc, vì thế, có nhiều bài hay, giá trị cũng sẽ vắng trong công trình này (...). Ví như, có người có bài nhưng không có mặt trong tuyển tập do tính chất bài viết, do chủ đề, đề tài hoặc vấn đề đặt ra (...) chưa tiện đưa vào; có người viết đều đặn trên Sông Hương, nhưng chỉ chọn một bài cũng chưa thật công bằng; có những bài viết của nhiều tác giả có liên quan đến vùng đất và hiện thực văn hoá Huế, người chọn có “ưu ái” hơn cũng là điều dễ hiểu”. Dẫu Phê bình và đối thoại chưa tái hiện được bức tranh toàn cảnh không khí và thành tựu nghiên cứu học thuật trải qua 20 năm thể hiện trên tạp chí Sông Hương, nhưng thiết nghĩ đó cũng là một nỗ lực lớn đáng khẳng định.

2. Nhìn một cách tổng quát, Phê bình và đối thoại đã cho người đọc thấy được sự phong phú, đa dạng, tính phức tạp và đa chiều của nhiều bài viết về lý luận, phê bình và nghiên cứu trên tạp chí Sông Hương trong dòng chảy thời gian 20 năm của đời sống văn học. Ở đây, ta bắt gặp một bức tranh thu nhỏ nhưng không mang tính lược quy của một tuyển tập về đời sống văn học, và ngay cả trên lĩnh vực lý luận, phê bình, nghiên cứu cũng phản ánh khá toàn diện giá trị của những công trình, những bài viết theo từng phạm vi và cấp độ khác nhau.

Trước hết, cần nhận thấy giữa lý luận, phê bình và nghiên cứu quả là có những biên giới nhất định. Tuy cái khách thể tinh thần là văn học được nhìn nhận từ nhiều góc độ và tự chúng lại trở thành đối tượng khác nhau của từng phân môn thuộc khoa nghiên cứu văn học nói trên, nhưng giữa chúng tuyệt nhiên không hoàn toàn có sự phân tách mà ngược lại có mối quan hệ, chuyển hoá lẫn nhau. Qua Phê bình và đối thoại, Sông Hương đã chứng tỏ khả năng tập hợp và bao quát nhiều phương diện lý luận cơ bản Được đúc rút qua nghiên cứu tác giả và tác phẩm. Chẳng hạn vấn đề tư tưởng, thế giới quan, vấn đề thể loại, vấn đề hình tượng và ngôn từ nghệ thuật, vấn đề đề tài và nhân vật văn học..v.v. Bên cạnh những bài viết về các hiện tượng văn học đơn lẻ, tạp chí Sông Hương còn đăng tải những bài viết về những vấn đề lý luận mang tính hệ thống có giá trị. Chẳng hạn, Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học của Trần Đình Sử, Lý luận phê bình và đổi mới của Ngọc Trai, Những đặc điểm của hệ thống lý luận văn học của Trương Đăng Dung..v.v.

3. Nét nổi bật của tạp chí Sông Hương còn được thể hiện ở sự quan tâm đến những vấn đề lý luận gắn kết không tách rời với thực tiễn sáng tác trong và ngoài nước. Đó là việc đăng tải những công trình, bài viết đi từ những cơ sở lý luận để soi sáng những hiện tượng sáng tác và tiếp nhận trong phạm vi một nhà văn, một giai đoạn hay thời kỳ văn học. Chẳng hạn, Khảo sát một loại bài ca dao viết theo thể tự do của Trần Hoàng, Tính Kịch trong thơ ngụ ngôn Laphôngten của Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Nhân vật tri thức trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng của Đỗ Hải Ninh, Cảm nghĩ về thơ hôm nay của Nguyễn Khắc Thạch ..v.v. Ngược lại, từ sáng tác của nhà văn hay trải qua đời sống của văn học mà làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận, góp phần nhận diện sự kế thừa và cách tân, tính ổn định và vận động trong quan niệm lý thuyết và thể loại, đề tài, hình tượng thơ, phong cách ..v.v.

Chẳng hạn, Sự đổi mới nghệ thuật của một số tác giả truyện ngắn Bình Trị Thiên của Nguyễn Thành, Nét riêng của thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhân đọc Trái tim sinh nở và Bài thơ không năm tháng của Hồng Diệu, Lịch sử tiếp nhận văn học Nga ở Việt Nam của Nguyễn Hồng Dũng, Xu hướng hiện đại chủ nghĩa trong thơ của Mã Giang Lân, Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản của Hà Văn Lưỡng, Thanh Tịnh và những trang nặng tình quê mẹ của Lưu Khánh Thơ, Đặng Huy Trứ nhà văn hiện thực giữa thế kỷ XIX của Trần Đại Vinh..v.v. Từ sự phát triển của thực tiễn sáng tác, qua nhiều bài viết đăng trên tạp chí Sông Hương đã đánh động trong tư duy lý luận cần có cách nhìn và quan niệm mới trên nhiều phương diện cơ bản vốn được định hình qua hàng chục năm nay. Hơn bao giờ hết, tính cách mạng của thực tiễn sáng tác đòi hỏi lý luận cần có sự tổng kết, đúc rút, điều chỉnh và bổ sung để đổi mới nếu không muốn lạc hậu so với thực tiễn. Chính vì vậy mà bài viết Lý luận văn học trước thử thách của thực tiễn sáng tạo của Nguyễn Xớn đã đặt ra yêu cầu này đối với lý luận một cách cấp thiết được Sông Hương đăng tải như một thông điệp mang tính thời sự đến với bạn đọc.

4. Vấn đề lý luận trong lịch sử là một mảng đề tài quan trọng mà lâu nay được giới nghiên cứu trong nước quan tâm, đặc biệt là những quan điểm tiền đề có ý nghĩa đặt nền tảng để hình thành một nền lý luận văn học macxit ở nước ta. Ngoài những quan điểm mỹ học và lý luận văn học của C.Mác, Ph.Ăngghen, những quan điểm văn hoá văn nghệ của Đảng, tạp chí Sông Hương đã đăng tải những bài nghiên cứu của một số tác giả tiêu biểu vốn có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành diện mạo nền văn học cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua. Đó là những bài như Hải Triều - trang sách và thời gian của Hồ Thế Hà, Hải Triều và việc ra đời Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan của Lê Thị Đức Hạnh .v.v.. Thực chất đây là những công trình nghiên cứu về các tác gia lý luận, phê bình có hệ thống được đúc rút lại trong phạm vi một bài báo súc tích, đầy ắp những vấn đề lý luận cơ bản có giá trị. Qua Sông Hương, với những bài viết như vậy, người đọc đã nhận diện từ trong quá khứ các cuộc phê bình luận chiến giữa những quan điểm lý luận phê bình mácxit với phi mácxit, giữa hai phái duy vật và duy tâm, giữa phái “nghệ thuật vị nhân sinh” với “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Ngoài cuộc tranh luận về triết học, trong phạm vi học thuật đại diện cho hai phái, một bên là Hải Triều, Hải Khánh, Hải Vân, Hồ Xanh, Bùi Công Trừng..v.v. và phái kia đối lập là Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều..v.v. đã cho thấy, quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc theo khuynh hướng hiện thực dần dần được khẳng định không chỉ trên phương diện lý luận mà còn về thực tiễn sáng tác mà Kép Tư Bền là một ví dụ tiêu biểu có ý nghĩa mở đường. Hải Triều đã trở thành người chiến sĩ tiên phong của Đảng trên mặt trận văn hoá, văn nghệ, Những quan điểm của ông đúng như đồng chí Trường Chinh đã nhận xét: “Với trình độ ngày nay nếu ta xem lại (...) ta thấy còn sơ lược. Nhưng ở trình độ và hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, trong những cuộc bút chiến có những bài như đồng chí Hải Triều là xuất sắc. Những bài đó trên một mức độ nhất định đã làm sáng tỏ quan điểm giai cấp của Đảng trong văn học, nghệ thuật” (Trường Chinh về văn hoá và văn nghệ - T2, Nxb văn học,1986, trang 156). Đặc biệt bài viết về những quan điểm văn hoá văn nghệ của chủ tịch Hồ Chí Minh của Nguyễn Văn Hạnh đã giúp người đọc thấy được tính cách mạng và khoa học trong quan điểm của Bác. Thực chất đó là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm mỹ học và văn học của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.Lênin vào thực tiễn cách mạng của nước ta trong quá trình lãnh đạo xây dựng một nền văn nghệ mới. Những quan điểm đó, giờ đây vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa soi sáng đối với việc phát triển một nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

5. Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới thì văn học nghệ thuật cũng đổi mới một cách toàn diện và triệt để. Sự đổi mới trước hết bắt đầu từ sáng tác, tiếp theo là đổi mới về lý luận và phê bình văn học. Từ cuối những năm 80 trở lại đây Sông Hương đã đăng tải hàng trăm bài viết phản ánh được không khí chuyển mình mạnh mẽ, sôi động của đời sống văn học. Nói riêng về chuyên mục lý luận và phê bình, Sông Hương đã chứng tỏ khả năng bao quát và tập hợp đội ngũ nghiên cứu trong nước quan tâm giải quyết những vấn đề cơ bản của lý thuyết văn chương sát thực với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Bằng những nỗ lực đổi mới về tư duy, lý luận và phê bình trên Sông Hương không khuôn lại với cách nhìn và quan niệm cũ về văn học. Những nguyên lý được đề xuất từ lâu tưởng ổn định hay thay đổi không đáng kể thì gần đây đã bị lay động tận gốc, thậm chí đã trở thành tiêu điểm tranh luận của những quan điểm đối lập nhau.

Sông Hương đã đề cập đến nhiều mặt, nhưng tập trung ở những vấn đề trọng tâm như bản chất và chức năng của văn học, mối quan hệ giữa văn học và chính trị, văn học với hiện thực, tính giai cấp và tính nhân loại của văn học, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa,..v.v.. Đây là những vấn đề lý luận quen thuộc trong lịch sử đã được xem xét, nhận diện lại một cách sát đúng hơn, trước sự đổi mới của đời sống văn học. Ngoài ra còn nhiều vấn đề phức tạp khác như lý thuyết tiến bộ về văn học, tiếp nhận văn học, kiểu sáng tác và thi pháp cũng được đưa ra trao đổi. Nguyên lý tính đảng, tính chân thật và tính nhân dân qua nhiều bài viết, Sông Hương đã giúp người đọc nhận rõ được sự vận động và đổi mới. Chúng thoát dần những thiên kiến chính trị, những quan niệm giai cấp, dân tộc hẹp hòi để đưa ra những tiêu chí mới, giá trị mới. Ngay cả Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với những nguyên tắc tư tưởng - thẩm mỹ mà hơn nửa thế kỷ được coi là “khuôn vàng thước ngọc” của trào lưu văn học vô sản, xem ra về sau không hoàn toàn phù hợp nữa. Yêu cầu “phản ánh cuộc sống một cách chân thực lịch sử - cụ thể trong quá trình phát triển cách mạng của nó” không còn là tiêu chuẩn, là thước đo chủ yếu về thành tựu của sáng tác hiện nay.
Tất nhiên, diễn biến và đổi mới là quy luật chung của tiến trình khoa học. Do vậy, không ai có ý nghĩ ngây thơ rằng, sẽ có một thứ lý luận đảm bảo tính ổn định và chân lý tuyệt đối. Đóng góp của tạp chí Sông Hương chính là đăng tải được nhiều ý kiến khác nhau để người đọc rộng đường suy nghĩ và tiếp nhận. Có thể nói Sông Hương đã trở thành một diễn đàn sinh hoạt học thuật dân chủ, là nơi đối thoại nghiêm túc, đầy trách nhiệm đối với độc giả trên bước đường tìm kiếm chân lý khoa học.

6. Là một tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, trải qua 20 năm thành lập và phát triển, Sông Hương đã khẳng định vị thế của mình không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn trên phạm vi cả nước và quốc tế. Đến với Sông Hương, bạn đọc đến với sự mới mẻ của văn chương trong cảm nhận, phản ánh hiện thực, đồng thời đến với những tư duy mới mẻ của lý thuyết phê bình trong sự chuyển mình của đời sống văn học.
T.T.H

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Về Cội (05/02/2009)
Chùm thơ Trà Mi (05/02/2009)
Các bài đã đăng