Tạp chí Sông Hương - Số 239 (tháng 1)
Nhà thơ chân quê xứ Mỹ
09:31 | 19/01/2009
NGUYỄN PHÚC VĨNH BATrong cuốn “Hồ sơ văn hoá Mỹ”, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc có giới thiệu một số nhà thơ cổ điển Mỹ như Walt Whitman, Edgar A. Poe, Henri W. Longfellow… Về Longfellow, ông Hữu Ngọc viết:“Nếu không đòi hỏi tâm lí và tư duy sâu sắc thì có thể tìm ở thơ Longfellow sự trong sáng, giản dị, cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, hình ảnh duyên dáng và âm điệu du dương. Ông làm thơ về lịch sử và truyền thuyết, đất nước và thiên nhiên, ông ca ngợi tình thương, lòng tốt, chịu đựng cuộc đời.
Nhà thơ chân quê xứ Mỹ
Henry Wadsworth Longfellow

Henry Wadsworth Longfellow sinh ngày 27 tháng 2 năm 1807 ở Portland, Maine. Ông có người bạn nối khố là văn hào Nathaniel Hawthorne, tác giả cuốn truyện The Scarlet Letter (Chữ A đỏ sẫm). Năm 1825 sau khi tốt nghiệp ở Bowdoin College, ông được trường này mời làm giáo sư dạy ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha…). Chuẩn bị cho công việc này, ông lên đường sang châu Âu, đến các nước Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức… để học tiếng và nghiên cứu về văn hoá, lịch sử của các nước này. Từ năm 1829-1835 ông tiếp tục dạy ở Bowdoin College . Năm 1831, ông cưới cô bạn học Mary Storer Potter làm vợ và xuất bản tập thơ Outre-Mer (Ở nước ngoài). Năm 1934, Đại học Harvard mời ông dạy các ngoại ngữ và ông lại lên đường sang châu Âu du lịch. Năm 1835, trong chuyến đi chu du nước ngoài lần thứ hai của ông, bà Mary đi theo nhưng bị sẩy thai và qua đời. Ông một mình trở về Mỹ năm 1836, dạy ở Đại học Harvard đến năm 1854.

Tập thơ đầu tiên Voices of the Night (Giọng của đêm, 1839) có bài thơ Bản thánh ca của cuộc đời làm cho Longfellow trở thành nhà thơ nổi tiếng trong tất cả mọi tầng lớp của xã hội. Tập thơ Ballads and Other Poems (Những bài Ballad và những bài thơ khác, 1842) có bài thơ Excelsior (Cao hơn nữa) cũng là một bài thơ rất nổi tiếng. Năm 1843 ông cưới vợ lần thứ hai với cô Frances appleton và tiếp tục sáng tác nhiều. Năm 1854 ông từ chức giáo sư Đại học Havard để chuyên tâm sáng tác. Tháng Sáu cùng năm ấy, ông khởi viết một trường ca sử thi về người da đỏ: The Song of Hiawatha (Bài ca về Hiawatha, nhà tiên tri da đỏ). Năm 1861 vợ thứ hai của ông lại qua đời vì bị cháy bỏng nặng, Longfellow rất buồn và đau khổ nhưng vẫn sáng tác đều. Ông bỏ ra nhiều năm để dịch trọn vẹn bộ “Thần khúc” của Dante ra tiếng Anh. Bản dịch này được đánh giá là bản dịch tốt nhất trong số rất nhiều bản dịch ra tiếng Anh. Những năm cuối đời ông bị bệnh khớp nhưng vẫn luôn thoải mái tâm hồn và vẫn làm việc nhiều. Ông mất ở Cambridge, Massachusetts ngày 24 tháng 3 năm 1882.

Henry Wadsworth Longfellow là nhà thơ rất nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà cả ở nước ngoài. Ông nhận được nhiều sự tôn vinh trong đó có việc dựng tượng bán thân của ông ở Góc Thi Nhân tại Tu viện Westminster (Anh quốc).
Một vài bài thơ rất quen thuộc của ông sẽ giúp chúng ta có một vài nhận định về tài năng của nhà thơ này:

Bài ca và mũi tên

Tôi bắn mũi tên vào không trung
Tên bay vun vút giữa muôn trùng
Tên rơi đâu đó ai hay được
Mắt chẳng làm sao dõi bước cùng

Tôi thở bài ca vào không gian
Âm thanh tản mát bốn phương ngàn
Mắt ai sắc bén mà theo kịp
Tiếng nhạc êm đềm theo gió lan

Ngàn ngày sau trên một thân cây
Tên ghim nguyên vẹn có ai hay
Và khúc hát y như thuở ấy
Nằm trong tim bè bạn quanh đây

Không có gì khó hiểu trong bài thơ đơn giản và nhẹ nhàng này. Người đọc khó mà cưỡng lại sức thuyết phục và truyền cảm của nó. Một học sinh tiểu học hẳn cũng sẻ chia được niềm vui của tác giả khi tìm lại được mũi tên và bài ca như chính bản thân cậu bé tìm lại được món đồ chơi thuở ấu thời đã bị thất lạc hay nghe lại được lời ru thuở nằm nôi. Còn chúng ta, liệu chúng ta có vui sướng không khi thấy được các di sản tinh thần và vật chất của cha ông từ ngàn xưa còn hiển hiện quanh đây bên chúng ta? Dưới góc độ triết lý cao siêu hơn, mọi nhân lành (bài ca) hay nhân ác (mũi tên) dù tránh được công lí xã hội thì vẫn để lại những quả ngọt hay chua trong tiến trình luân hồi nghiệp báo. Với những hình tượng rất thô sơ, gần gũi, dễ nhận thấy và nói về những đề tài thiết thân với mọi người, ông đã diễn tả được nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đây cũng là lí do tạo nên sự thành công của thơ ông ngoài tài sử dụng ngôn ngữ một cách mềm mại và dễ dàng của ông.

Mười tám năm sau khi mất luôn người vợ thứ hai, nỗi đau đớn vẫn không hề thôi theo bám ông. Ông đã viết trong bài thơ The Cross of Snow (Chiếc thánh giá băng tuyết):
Chiếc thánh giá nặng đè trên ngực
Mười tám năm vẫn mực y nguyên
Bao mùa dâu bể liên miên
Từ ngày em nhẹ gót tiên về trời.
Với lời thơ giản dị như thế, Henri W. Longfellow vẫn làm cho chúng ta cảm nhận được niềm đau dai dẳng và nhức nhối trong tim ông. Hai lần phải chia tay vĩnh viễn với hai người bạn đời đã để lại cho ông một vết thương lòng vô vàn buốt xé. Có lẽ chúng ta cũng vậy thôi trước những mất mát lớn lao như thế. Longfellow được mọi người biết là một người chồng tận tuỵ và say mê vui thú với gia đình. Ông dành nhiều tình cảm cho con cái và gia đình. Tập thơ Footsteps of Angels (Bước chân của các thiên sứ) đã ghi lại những tình cảm nồng nàn của ông dành cho người vợ thứ nhất thì chiếc cầu Longfellow ở Boston còn đó để minh chứng cho tình yêu nồng cháy ông dành cho người vợ thứ hai. Công chúng đã ngưỡng mộ và tôn vinh tình yêu của ông qua việc đọc thơ ông và đặt cho chiếc cầu đưa ông đến nhà của Frances appleton cái tên Longfellow. Hình ảnh của hai người vợ của ông còn nằm lẫn khuất trong các nhân vật trong thơ ông như trong bài sonnet The Evening Star:
Sao Hôm, sao Mai tình yêu
Là Hes-pe-rus mĩ miều của tôi
Ngọt ngào, yêu quí nhất đời.

Hãy đọc thêm một số bài thơ khác của Longfellow để thấy ông rất nhạy bén và tinh tế trong mọi cảm xúc. Bài Serenade (Mộ khúc) nói lên tình yêu của ông vô vàn đằm thắm:

Mộ khúc

Sao đêm hạ
Thẳm trời xanh
Nắng vàng trốn
            Em của anh
            Ngủ ngon lành.  

            Trăng đêm hạ
            Mãi trời tây
Chìm ánh bạc
            Em thơ ngây
            Vẫn ngủ say.
                       
Gió đêm hạ
            Rung kim ngân
Xếp cánh mỏng
            Em âm thầm
            Ngủ yên tâm.

Mơ đêm hạ
            Nuôi tình em
Trong giấc ngủ
            Không ưu phiền
            Em ngủ êm.

Bài thơ này đã được Neil Diamond phổ nhạc với tựa là Longfellow Serenade. Bài thơ Christmas Bells (Chuông Giáng Sinh) của ông lại là nguồn cảm hứng cho bài ca Giáng Sinh nổi tiếng I Heard the Bells on Christmas Day.
Trong tập thơ Poems on Slavery (Thơ cho đời nô lệ) ông đã bày tỏ niềm xót thương vô hạn đối với những con người bất hạnh này và lòng phẩn uất trước tội ác và bất công của chế độ vô nhân này. Hãy đọc thử một bài trong tập thơ đó:
       

Những chứng nhân

Trong lòng biển cả  mênh mang
Ôi! Những bộ xương người
nửa vùi sâu trong cát
Xiềng xích gông cùm thép sắt
Trói chặt tay chân.

Dưới lớp mù sương phủ kín dần
Những con tàu một thời viễn xứ
Nay đã cùng những người thủy thủ
Chìm sâu hơn những viên chì

Những chiếc tàu buôn nô lệ đen sì
Nhét chất biết bao người ngợm
Lòi tói ăn dần thịt da, chỉ còn trơ xương xám
Đáng gì mà bão tố đùa chơi

Chỉ còn đây xương nô lệ mà thôi
Dưới vực thẳm ngời tiếng kêu bi thảm:
“Chúng tôi là những chứng nhân của những kiếp đời u ám.”

Và kia trong lòng lục địa thênh thang
Cũng những chợ bán mua nô lệ
Cũng xích, cũng xiềng như thế
Cổ đầu chân tay vướng vít cùm gông

Ai chết đi cứ quẳng ra đồng
Ra sa mạc cho quạ diều rỉa xác
Những trò giết người tàn ác
Lũ học trò sợ lạnh cả xương da

Ôi, đầu óc điên cuồng, ý nghĩ xấu xa
Giận dữ, tham lam lại đầy kiêu ngạo
Như cỏ dại hôi tanh dày đặc
Làm nghẹn sóng đời đang rên xiết thở than

Đời nông nô thống khổ vô vàn!
Những nỗi khổ sáng lên từ vực thẳm
Từ những nấm mồ không tên vang lên:
“Chúng tôi là chứng nhân của những kiếp đời u ám.”

Vị trí của Henri Wadsworth Longfellow có tầm khá quan trọng trong nền văn hoá Mỹ thời tiền phong với “sự đơm hoa của một nước Anh mới, tức nước Mỹ” (the flowering of New England) như Van Wyck Brooks đã ám chỉ thời kỳ 1815 -1865 của văn học Mỹ. Đây là thời kì xây dựng một bản sắc văn hóa riêng cho nước Mỹ non trẻ. Trước đó mọi cái đều không có giá trị nếu không du nhập đến từ Châu Âu. Đầu thế kỷ 19, nền văn hóa Mỹ chỉ là một đứa bé đi chập chững (a stumbling babe theo Roberto Rabe). Cùng với Nathaniel Hawthorne, Afred Tennyson, Ralph W. Emerson, Henry D. Thoreau, William Makepeace Thackery, Edgar A. Poe… ông đã khắc họa nên những hình tượng văn học đầu tiên cho truyền thống và huyền thoại Mỹ quốc. Ông đã nói đến các đề tài dân tộc đất nước từ trẻ con, dân nghèo, xóm làng… đến thậm chí cả người nô lệ da đen và người da đỏ. The Song of Hiawatha (Bài ca về Hiawatha, nhà tiên tri da đỏ) hay Poems on Slavery (Thơ cho đời nô lệ) đã gây chấn động trong giới tri thức Mỹ khi cho họ trực diện với các tội ác mà các đồng bào họ đã gây ra cho các tộc người khác. Ta còn hiểu được tâm tình phóng khoáng và giàu tính nhân văn của những con người đi tìm Tự Do trên vùng đất mới này. Họ cũng là những con người nghèo khổ bỏ xóm làng ra đi, chỉ với hi vọng xây dựng được một khung trời mới ấm no và hạnh phúc từ bàn tay khối óc nhiệt tình lao động.

Chế độ tư sản với những hạn chế của nó như sự cách biệt giàu nghèo, sự bóc lột lao động, sự kì thị giai cấp… lại càng làm nảy sinh ra nhiều văn nghệ sĩ giàu lòng nhân ái, khát khao một chân trời tốt đẹp hơn. Họ chính là lương tri của xã hội, đã ra sức đấu tranh cho cái lí tưởng cao đẹp đó. Xã hội càng không toàn mỹ lại càng làm cho ước vọng vươn tới cái Đẹp cái Thiện mãnh liệt hơn. Các nhà văn tiền phong của nước Mỹ đã bùng lên trong thời kỳ xây dựng đất nước non trẻ này.

Nước Mỹ mang ơn nhiều những nhà văn tiên phong này trong đó nhà thơ dân dã Henri W. Longfellow.
N.P.V.B
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)

 

 

Các bài mới
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Các bài đã đăng