Tạp chí Sông Hương - Số 239 (tháng 1)
Về ngôi làng mang mang nỗi nhớ
14:39 | 19/01/2009

LÊ VĨNH THÁI                
                    Bút ký


Mười năm. Ừ, thoáng chốc mà đã gần mười năm rồi nhỉ, từ ngày tôi mang vác hành trang về nhận nhiệm sở mới. Thời gian trôi quá mau, cái ngày tôi cầm trên tay mấy quyển sách với vốn kiến thức ít ỏi trên chiếc xe đạp cà tàng một mình đến làng La Chữ, đến một địa danh hoàn toàn xa lạ này để dạy học. Một nơi mà tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đến và nó không có kể cả trong suy nghĩ mơ hồ của tôi.

Cái thời mang trong mình lòng nhiệt huyết của một ông giáo trẻ đi về miền quê gieo con chữ. Ngày đầu, mà cái gì đầu tiên thì bao giờ cũng đọng lại ăm ắp trong vỉa tầng trí nhớ. Tôi nhớ con đường lầy lội, dẫn đến ngôi trường nửa sân chơi nửa ruộng, học trò con trai cũng như con gái, em nào cũng mặt mày lem luốc, nhớ nửa khoảng sân trường tận dụng gieo cấy mấy vôồng cải vừa ra hoa vàng ngập cả lối đi. Ngày đó, tôi cứ ngơ ngẩn nhìn ngắm trong tâm trạng hụt hẫng, buồn buồn...
Như bao ngôi làng ở vùng bán sơn địa khác chạy dài theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam của đất nước, làng La Chữ cũng có bàu cạn bàu sâu, hồ ao, cây đa giếng nước, đình làng, chùa chiền miếu mạo... Và rồi qua một thời gian ngắn lăn lộn gắn bó với ngôi làng nầy, tôi dần hiểu, đây là vùng đất học đã có truyền thống lâu đời, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.

Thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, La Chữ được biết đến từ một truyền thống hiếu học và có cái giọng nói thì không lẫn vào đâu được. Kể từ khi lập làng, trải qua gần  660 năm, La Chữ gắn liền với nhiều dòng họ danh gia vọng tộc như Nguyễn Tiến (Tấn), Lê Công, Lê Phú, Lê Đình, Trần Hữu… Trong số những dòng họ đó đặc biệt nổi tiếng là họ Hà. Một dòng họ cống hiến nhiều công thần văn võ cho triều đình nhà Nguyễn mà đến nay trong dân gian vẫn còn lưu câu “Thân vô gia/ Hà vô dân”.


Nhiều khi tôi tự hỏi, liệu đây có phải là vùng đất địa linh? Thiên nhiên, trời đất sắp xếp có chủ định hay ngẫu nhiên nên sơn thuỷ hữu tình đến vậy? Phong thuỷ ở vùng này có gì lạ hay là nơi hội tụ linh khí của trời đất khiến vua Kiến Phúc và vua Thành Thái từng chọn nơi này làm Trường Thi để tuyển chọn hiền tài, tìm nguyên khí cho quốc gia. Theo sử liệu của làng, khi đến đây khai khẩn, thấy vùng đất bằng phẳng trải dài bên đầm nước mênh mang nên những vị tổ khai canh bèn đặt tên cho làng là La Chữ, tức tấm lụa phẳng trải dài bên bến nước hay bến lụa như dân ở đây vẫn thường gọi. Từ những lời truyền tụng từ xưa, ở Phường Trung có hai xóm được đặt tên là xóm Bút và xóm Nghiên. Những vị kỳ lão ngày trước đã dựa theo hình thể của một vùng đất trũng giống cái nghiên mài mực nên đã đặt tên cho là xóm Nghiên. Xóm Bút là một dải đất trũng sâu giao nhau giữa ba con đường tạo thành hình tượng như một cây bút Tàu, ngày nay là xóm Rôột. Dù với ý tưởng nào thì kiểu đặt tên cho những con xóm trên cũng đều mang niềm tự hào của một vùng đất nổi tiếng về sự học.

Chiều chiều tôi hay ra đây ngồi, hình dung về một quá khứ mông lung, đôi lúc chợt thoắt hiện hình bóng cụ đồ đang múa bút và tiếng gõ lóc cóc giữa đám trẻ con tóc ba chỏm ê a đánh vần. Nhiều khi tôi chợt nghĩ, liệu cái tên của hai xóm Bút Nghiên đã phần nào tăng thêm tinh thần học tập của con em? Và câu nói của người dân ở đây khi dạy bảo con cái vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: Dân làng Bút Nghiên mà không học được thì làm chi...” Sống đã gần mười năm ở đây, tôi cũng tệ, chỉ ngắm trăng được vài ba lần, chỉ nghe kể về một đêm thơ. Đêm của tình cờ, khi có sự xuất hiện bất ngờ của mấy nhà thơ, nhà văn ở tỉnh và mấy người bạn thơ ở Hà Nội vào, nhà hết gạo, thầy giáo Hoàng phải chạy quanh xóm mượn tạm đãi khách. Đó là một đêm trăng đẹp, bây giờ nhiều người ở đây vẫn còn nhắc đến và nhà thơ vẫn còn nhớ mãi về cái đêm trăng Ấy là đêm trăng xui tôi về La Chữ... Tại nơi đây, tôi đã có một đêm trăng đẹp nhất của cuộc đời, ấy là khi tập thơ Ký ức xanh của tôi vừa in xong, tôi được nhà trường tổ chức giới thiệu tập thơ. Đêm ấy, chúng tôi đọc thơ và hát như chưa bao giờ được hát, đọc thơ như chưa bao giờ được đọc trong màn đêm mênh mang trăng, không hề còn ý niệm về thời gian, để sương rơi ướt tóc tự bao giờ. 

Cũng đã gần mười năm, tôi gắn bó với La Chữ, mỗi ngày tôi gặp thêm nhiều điều lạ, trong cái không gian tưởng chừng như quá đỗi quen thuộc. Cái thẳm sâu vốn từ mấy trăm năm nay của ngôi làng này là thế, đôi lúc nó yên ắng, thâm trầm rồi chợt bùng lên như dòng sông cố thu mình lại trong những ngày nắng hạn để rồi sang mùa mưa dốc hết mình lao về biển cả. Người La Chữ coi trọng việc học và giữ việc học như ngọn lửa, có khi phải ủ lửa than để đợi đến ngày bốc cháy thành ngọn. Mỗi người dân, cho dù giàu hay nghèo, làm nông hay công chức họ đều cố gắng cho con vào đại học. Ở làng này có nhiều thầy giáo mà chưa một lần bước lên bục giảng, như thầy Hoàng Ngọc Danh, thầy Hà Cảnh Lượm, nhờ sự tận tình, yêu nghề và tận tụy với nghề dạy học nên nhiều gia đình đã gửi con đến
học ở các thầy. Thầy Lượm, người thầy có nhiều cái lạ, gia cảnh thầy rất khó khăn, thầy mở lớp dạy thêm để kiếm sống mà nói chẳng phải thì cũng đúng bởi thầy chẳng bao giờ đưa ra biểu giá tiền học mà tùy hỷ, không bao giờ thầy hỏi tiền học phí, thích nộp khi nào thì nộp, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn thì được miễn phí... Và nhiều học sinh đặt chân vào cổng trường đại học đã qua lò thầy Lượm. Ở ngôi làng có quá nhiều cái lạ, mà mỗi cái lạ là mỗi bài học cho tôi khi bước lên bục giảng, khi mỗi bài giảng đi vào lòng học sinh.

Sau mỗi giờ tan học, tôi thường đi lang thang qua mọi ngõ ngách, thôn xóm, nhìn ruộng đồng bát ngát, nhìn những người nông dân lam lũ một nắng hai sương, chân lấm tay bùn mà ngẫm lại mình. Nghĩ về điều mà tôi chưa một lần dám nghĩ, về những câu chuyện cổ tích thời nay, về những người nông dân đã làm nên điều kỳ diệu, những thân cò lặn lội giữa ruộng đồng để ươm những giấc mơ về một cổng trường đại học nào đó cho con mình. Và câu chuyện cổ tích đang được viết tiếp, dường như từ câu chuyện này nên làng La Chữ có thêm một cái tên mới - làng Cử Nhân. Các sĩ tử ở đây tham gia các khoa thi đều đậu cao, và La Chữ trở thành một trong những làng có thí sinh đỗ vào đại học nhiều nhất nước. Hằng năm, có khoảng 25 đến 30 tân sinh viên trong số 100 thí sinh dự thi, từ lâu con số ấy chắc chắn đã làm cho nhiều người giật mình. Đỗ cao, đậu nhiều là chuyện bình thường ở La Chữ, một ngôi làng nhỏ, chân giáp núi rừng hoang vu nhưng lại có hẳn một Nhà Thánh, cũng có thể gọi là Văn Thánh của làng, nơi thờ Đức Khổng Phu Tử và là nơi vinh danh những người con của đất La Chữ đỗ đạt, làm rạng danh cho đất nước, cho làng và vinh danh những con người, những gia đình hiếu học.

Có buổi trà dư tửu hậu, anh bạn giáo viên ở làng nói đùa: “Ở La Chữ bữa ni có thêm một nghề mới, nghề nuôi con vào đại học...” Nếu gọi đó là nghề thì đây quả là “một nghề” mang đậm tính nhân văn và độc đáo số một. Nếu lấy câu nói “Bách niên chi kế thụ nhân” của người xưa để vận vào đây thì quả không sai chút nào, bởi muốn thoát khỏi đeo đuổi của cái nghèo thì phải học. Tôi còn nhớ câu nói chân chất của một em học sinh, khi được cô giáo mời lên hỏi vì sao cô nhắc hoài mà em vẫn không chịu nộp các khoản tiền, em rưng rưng nước mắt “Dạ mạ em nói cô cho mạ em vài bữa nữa để bán lúa xong rồi nộp, chừ mạ em...” Mắt cô rưng rưng theo, tôi cũng thế. Có những hình ảnh mà có lẽ, suốt cuộc đời này, tôi không bao giờ quên. Đó là vào những ngày giáp Tết, buồn không tả hết. Những ngày giáp Tết, tiết trời lạnh giá có người mặc ba, bốn áo mà vẫn còn thấy lạnh, thế mà có nhiều học sinh đến trường bằng chiếc áo sơ mi phong phanh, mặt tím tái, răng lập cập run run. Tôi gọi lại hỏi và được em trả lời bằng những giọt nước mắt, nó cứ chảy lăn dài ra trên nét mặt ngây thơ đen đuốc. Nghèo, tủi, buồn, khóc và khóc... Ấy vậy nhưng hầu như các em đều mang trong mình một ý thức học tập rất cao. Nhà trường, anh em giáo viên chúng tôi tiến hành ngay một cuộc vận động cho học sinh nghèo có áo ấm, thế là mùa đông đã trở nên ấm áp, cái lạnh dường như đã lùi xa, không còn đeo đuổi các em. Đôi lúc bỗng chạnh lòng trước những ánh mắt ngây thơ, cảm thấy như mình có lỗi vì đã có nhiều lúc tôi chao đảo, chưa làm hết phận sự của mình để phải tự vấn rằng mình còn vị kỷ và quá bé nhỏ trước sự nỗ lực học hỏi của chính những học sinh của mình.

Tôi thường đến trường sớm để trực vì thế luôn nhìn thấy học sinh đi học, nhiều em đến trường trong bộ áo quần đồng phục cũ kỹ đã úa màu, trong người còn thơm mùi bùn, cái bùn lam lũ của ngày hôm qua sót lại để rồi hôm nay em mang đến trường. Cái mùi bùn đất dường như đã ăn sâu, đã trở thành tiềm thức trong người dân La Chữ. Trong tôi, nhiều khi xa vùng quê này mươi ngày nửa tháng tôi chợt thấy nhớ, nhớ không nguôi về một điều gì đó mà không thể tả nổi, không thể nói hết, té ra là cái mùi bùn ấy. Vùng đất này còn gắn liền với một cây hoa màu đặc sản, đó là kiệu, một cây gần giống cây hành, ăn vào cay cay, mùi nồng nồng. Ba tôi kể, thuở xưa ba tôi có một người bạn ở làng La Chữ vào Huế học, người bạn ấy mang họ Hà Xuân, đến lớp các bạn trong lớp không gọi đúng tên khai sinh mà gọi Hà Xuân Kiệu. Mỗi lần nghe bạn bè gọi tên như vậy anh ta rất giận, nghĩ bạn bè chê mình là dân nhà quê... Thế nhưng sau này khi gặp lại bạn bè cũ, họ vẫn gọi anh cái tên thân thương ấy, anh lấy làm tự hào vì mình được mang tên một cây đặc sản của quê hương. Cây kiệu mọc lên từ bùn đất của vùng quê La Chữ. Mỗi buổi sáng khi còn tinh mơ, những chiếc xe đạp của người dân nơi đây chất đầy những bó kiệu đi khắp phố phường, tỏa khắp mọi nẻo đường của Huế để bán lấy tiền “trồng cây đại học”. Có lần mấy anh em giáo viên chúng tôi tìm chỗ để ngồi hàn huyên, tìm mãi... cuối cùng vào ở một quán nghèo, nghèo đến nỗi không có gì để nhấm nên đành lấy mấy cây kiệu dầm muối trộn với ruốc khuấy lỏng để đãi bôi vài ba ly rượu. Ăn món kiệu dầm muối La Chữ, tôi chợt hiểu ra, mới biết cái khó của người nông dân khi trồng nên cây kiệu, và cách dầm mà chỉ ở La Chữ mới ngon đến thế. Cái mùi cay nồng nồng, thơm thơm chính là cái mùi mà suốt cuộc đời tôi và nhiều người khác chẳng thể nào quên. Ăn cây kiệu ở nơi khác thì thấy bình thường, nhưng nếu ngồi ở vùng đất này, ăn cây kiệu còn tươi màu xanh son sắt ở đây thì mới thấm thía nỗi gian truân mà người dân trồng nên, mới thấy nó ngon đến nhường nào. Tôi lấy làm tự hào mình từ lâu đã là thành viên của làng, và mong một ngày nào đó tôi được các bạn gọi tôi thêm một cái tên mới, như bạn của ba tôi: Kiệu. Bây giờ người dân ở đây vẫn còn trồng kiệu nhưng đã thưa dần, nhường chỗ cho những loại hoa màu khác, nhưng cây kiệu đã ăn sâu vào tiềm thức của người La Chữ, của tôi, để khi xa nhớ về nơi ấy.

Một chuyện lạ khác nữa, ấy là năm 2006, tôi được họ Trần Hữu ở làng La Chữ nhờ phụ giúp phần kỹ thuật máy vi tính và máy chiếu
để chiếu các slide của chương trình PowerPoint lên màn hình lớn cho bà con xem về gia phả của dòng họ mình. Khi nghe người dẫn chương trình giới thiệu về làng La Chữ mà không phải La Chữ ngay chỗ tôi đang đứng, một La Chữ xa lạ ở tận trong tỉnh Ninh Thuận và cả một ngôi trường tiểu học mang tên La Chữ. Tôi thật sự bất ngờ. Tại sao ở tận trong Ninh Thuận xa xôi kia bỗng hiện lên một ngôi làng La Chữ, liệu nó có mối quan hệ gì với La Chữ ở đây? Thì ra làng La Chữ mới này được thành lập cách đây khoảng 120 năm, khi Kinh đô thất thủ năm Ất Dậu - 1885, vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra hướng Bắc và đã nghỉ chân tại Trường Thi La Chữ, sau lập nên phong trào Cần Vương chống Pháp. Thời điểm loạn lạc đó, ông Trần Thành cùng một số người đã rời làng La Chữ vào tỉnh Ninh Thuận. Ông đã huy động thêm nhiều người trong vùng dựng nên một ngôi làng mới mang tên La Chữ, nay thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Khi mất, ông để lại di chúc cho con cháu, dặn sau này về Thừa Thiên để tìm lại gốc tích dòng họ. Sau bao nhiêu năm,  con cháu ông đã lặn lội tìm về Huế nhờ Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Trị Thiên (lúc bấy giờ) tìm giúp, nhưng chờ mãi, hỏi mãi bao nhiêu lần... rồi cũng bặt tin. Cuộc tìm kiếm ròng rã, nhiều lần như thế nhưng vẫn không tìm ra gốc gác ngọn nguồn. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI, khi một người con người con của làng La Chữ đi họp ngoài Hà Nội và khi ngang qua tỉnh Thừa Thiên Huế, họ nhờ Hội đồng Nhân dân tỉnh tìm giúp và nhờ sự hướng
dẫn tận tình, họ đã gặp, đã thấy được quê hương La Chữ, nơi cha ông của họ đã ra đi và lập nên làng mới bây giờ. Cuộc hội ngộ thật bất ngờ, bất ngờ như chưa từng xảy ra, và sau này, dường như sợi dây huyết thống vốn đã có từ bao đời đã buộc họ lại với nhau để cùng gọi chung một cái tên La Chữ.

Tôi đứng trên đập Thọ Sơn, nhìn xuống ngôi làng những rặng tre xanh ngắt, những cánh đồng bát ngát, và như cơn gió vừa thổi qua, thế mà đã gần mười năm tôi gắn bó nơi đây. Truyền thống hiếu học của làng đã vun đúc nên nhiều danh nhân, nhiều cử nhân văn chương, triết học, kỹ sư, bác sĩ, nhạc sĩ... Nếu liệt kê về những người con thành đạt, những di tích văn hoá được Nhà nước công nhận từ thời lập làng đến nay, có lẽ chẳng bao giờ kể hết. Tôi là một người xa lạ đến La Chữ để dạy học nhưng chính ở nơi đây tôi lại học được nhiều điều. Âu cũng là duyên phận. Tôi biết mình dù có đi đâu xa, giữa dòng người tấp nập, sẽ có những lúc bỗng nhớ, bỗng thèm một chút cay cay nồng nồng, thơm thơm của kiệu. Và khi mà một giọng nói, dù lẫn vào đám đông tôi vẫn nhận ra cái chất giọng nằng nặng đất đai thân quen của người La Chữ, thì từ bao giờ, đó đã là quê hương.

L.V.T

(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009) 

 

 

Các bài mới
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Các bài đã đăng
Giậu thưa (19/01/2009)
Họa sĩ làng (19/01/2009)
Tiếng gọi (19/01/2009)