Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Ngâm thơ và đệm sáo cho thơ
15:44 | 20/01/2009
BẢO CƯỜNGLTS: Trên 40 năm ngâm thơ và đệm sáo cho thơ từ ra Bắc, từ trong nước ra nước ngoài, Bảo Cường hiện là một nghệ sỹ lão luyện trong nghề. Bài viết dưới đây, như chính tác giả nói: “Với lòng thiết tha mong mỏi bộ môn ngâm thơ và đệm sáo cho thơ ngày một phát triển, để mọi người và nhất là giới trẻ yêu thơ có cơ hội tìm hiểu đào sâu về hai bộ môn này.”
Ngâm thơ và đệm sáo cho thơ

1. Nghệ thuật ngâm thơ
Về thơ tình, nếu muốn dễ làm ray rứt lòng người, đòi hỏi bài thơ phải hay, từ ngữ phải xúc cảm… người nghệ sĩ ngâm thơ mới dễ dàng hòa nhập hồn mình vào nội dung tác phẩm, từ đó việc sử dụng âm điệu khi diễn ngâm mới dễ dàng chuyển tải tác phẩm đến người nghe một cách trọn vẹn. Với những bài thơ mang tính chiến đấu hoặc có ý tưởng trừu tượng, triết lý… cần phải xử lý theo cách đọc diễn cảm. Ví như trong khoảng năm 1945 - 1955, những bài thơ Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Đôi mắt người Sơn Tây (Quang Dũng), Quê hương (Giang Nam), Hai sắc hoa Tigôn (TTKH), Ngậm ngùi (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)… đều hội đủ những yếu tố nghệ thuật phù hợp với diễn ngâm, nên được đa số quần chúng yêu thích. Và ngay những người không chuyên nghiệp cũng chuyền tay nhau để ngâm nga trong những đêm văn nghệ quần chúng hay sinh hoạt trong salon thơ. Khoảng những năm 1955 - 1975, ở miền xuất hiện quá nhiều những bài thơ ủy mị, đã kéo theo một cách diễn ngâm kéo dài lê thê, giọng điệu đều đều, không ít nghệ sĩ chuyên nghiệp vô tình qua tác phẩm đã tạo ra một trường phái ngâm thơ rên rỉ…

Để ngâm một bài thơ, theo tôi cần nắm bắt một số vấn đề như sau: Trước tiên phải đọc kỹ bài thơ, hiểu rõ thể loại; xuyên suốt nội dung, hình tượng bài thơ đề cập đến. Ngắt câu, phân đoạn cho phù hợp với cách xử lý làn điệu; chuẩn bị kịch tính giọng để đặc tả tình cảm theo câu ý cần thiết, sử dụng làn điệu hợp lý vào từng câu, từng đoạn v.v… Ngâm thơ là bộ môn nghệ thuật cao đòi hỏi người nghệ sĩ phải nắm bắt và biết cách xử lý các làn điệu một cách nhuần nhuyễn. Phải thường nghe các chương trình thơ và cần phải có một bề dày luyện tập, điều cốt lõi là phải đam mê, có chất giọng.

2. Nghệ thuật đệm sáo cho thơ
Nghệ thuật đệm sáo cho ngâm thơ cũng rất đa dạng, phong phú. Khi đệm sáo cho ngâm thơ cần phải có những yếu tố như nắm vững các làn điệu để thể hiện chính xác qua nhạc cụ, hiểu rõ các thể loại thơ để theo sát được người ngâm từng câu, từng đoạn. Đệm sáo cho ngâm thơ luôn đòi hỏi tính sáng tạo, chất ngẫu hứng, bay bổng… Thơ hay, giọng ngâm có hồn, tiếng sáo đệm cũng phải hòa nhập được vào, từ đó mới tạo được sự giao duyên giữa ngâm thơ và sáo đệm. Vì không đơn thuần chỉ đệm cho một dòng nhạc, người đệm sáo cũng phải hiểu thơ, phải có những rung cảm theo tác phẩm như người ngâm mới sáng tạo ra những âm hưởng hài hòa được. Ví dụ: Một nghệ sĩ đang ngâm tao đàn, sau đó chuyển qua sa mạc hoặc lẩy kiều… thì người đệm sáo phải hiểu: Tao đàn là thổi như thế nào? Sa mạc, bồng mạc, lẩy kiều thổi làm răng.v.v…để thổi theo người ngâm, và như vậy thì giữa giọng ngâm và đệm sáo sẽ hòa quyện vào nhau, đưa bài thơ lên đỉnh cao…

Ngâm thơ luôn phải có sáo đệm mới tạo được sự đầy đặn, trong đó không gian của ngâm thơ luôn được khởi đầu bằng tiếng sáo, và cũng tiếng sáo sẽ nuôi dưỡng, làm đầy không khí thơ… Rất tiếc, tôi nhận thấy ở một số điểm diễn những chương trình ngâm thơ, Ban tổ chức rất xem nhẹ phần nhạc đệm, họ sử dụng nhạc nền tranh, sáo… khá tắc trách. Chưa kể đến sự hài hòa, chỉ riêng phần tone, giọng… luôn là người ngâm một nẻo, đàn tranh sáo một nẻo. Có nơi sử dụng đàn organ, guitare hòa cùng tranh sáo để đệm cho ngâm thơ, tạo ra một không khí đầy tạp âm. Ở sân khấu ca nhạc, ca sĩ rất coi trọng ban nhạc, trong ngâm thơ cũng cần phải vậy. Nhạc nền chính là dòng sông, trên đó ca hay ngâm là con thuyền bồng bềnh lướt sóng. Đáng tiếc là nhạc viện không đào tạo bộ môn ngâm thơ và đệm sáo cho thơ này. Nhiều nhạc sĩ về sáo khi tốt nghiệp rất giỏi nhạc lý, lý thuyết hòa âm, độc tấu, ngâm thơ, đệm cho thơ, nhưng không nắm bắt được gì về nghệ thuật đệm sáo cho ngâm thơ, và khi được mời đệm cho thơ thì lúng túng. Những nghệ sĩ trong đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt cũng không ngoại lệ vì họ chưa được đào tạo về đệm cho thơ. Ngâm thơ vốn đa dạng, cũng có những làn điệu phức tạp như bộ môn ca Huế.

3. Trình diễn ngâm thơ Huế tại Tp. Hồ Chí Minh
Huế là vùng đất của thi ca. Lịch sử đã hun đúc bao biến thiên sông núi, một Cố đô trầm thống đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm và mất mát…
Nền ca nhạc dân tộc Thừa Thiên Huế phong phú qua những môn như nhạc cung đình, nhạc thính phòng, ru, ngâm, hò, vè. Trong đó riêng ngâm thơ là một bộ môn không thể thiếu trong bữa ăn văn hoá hàng ngày của mọi người dân xứ Huế. Ngâm thơ có một giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc và ca Huế.
Vì những ý nghĩa đặc thù nêu trên, người con xứ Huế nói chung và những người Huế sống xa quê nói riêng, ai ai trong lòng cũng mang một nỗi buồn xa xứ. Nó gậm nhấm và dễ chạnh lòng khi nghe một câu hò mái đẩy, một điệu nam ai, một lời ru của mẹ và một giọng ngâm thơ Huế êm đềm, sẽ làm họ thổn thức và sống lại những kỷ niệm của Huế một thời xa xưa…

Người con xứ Huế sống xa quê, rất nhiều người đã thành danh và đã để lại cho đời sau những tác phẩm văn hóa nghệ thuật cao, từ âm nhạc, thơ ca, hội hoạ… Họ là những nghệ sĩ làm sống lại nếp văn hóa Huế trên xứ người.
Nghệ thuật ngâm thơ Huế rất đa dạng, đòi hỏi người nghệ sĩ ngâm thơ phải có một bề dày tập luyện, một niềm đam mê và những hiểu biết tối thiểu về thi đàn, như làn điệu, thể loại, ngắt câu, phân đoạn… Đồng thời phải có sự sàng lọc, thẩm tra chuyên môn… Có như vậy nghệ thuật ngâm thơ Huế mới đi đến hoàn chỉnh.
Hiện tại những nghệ sĩ ngâm thơ và đệm nhạc cho thơ người Huế, sống ở Tp. Hồ Chí Minh rất ít ỏi. Ngoài những giọng ngâm Huế như Tô Kiều Ngân, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hoàng Hương Trang, Hồng Vân, Vân Khánh, Bảo Cường, phần nhạc đệm có Thạch Cầm đàn tranh, Tô Kiều Ngân và Bảo Cường sáo trúc, không còn có mấy người.
Hy vọng bộ môn ngâm thơ truyền thống Huế mỗi ngày một đa dạng và phong phú hơn. Đồng thời, cũng mong mỏi và rất thiết tha có những giọng ngâm thơ mới, để cùng nhau hòa chung vào nhịp thở của thi đàn.
B.C

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lan man Tết Huế (20/01/2009)
Ánh sáng ban mai (20/01/2009)