Tạp chí Sông Hương - Số 240 (tháng 2)
Bây giờ và mai sau
17:11 | 22/01/2009
TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.
Bây giờ và mai sau

- A lô! A lô! A lô! - Tôi cố dằn bớt hơi thở để khỏi lan qua đường truyền.
- Xin lỗi, có phải nhà ông Lê Thanh không ạ? - Một giọng nữ trẻ trung thanh thản nhưng ý tứ.
- Phải! - Tôi đáp - Tôi là Lê Thanh đây.
- Chúng cháu xin chúc sức khoẻ chú…
- Sao lại chúng cháu? - Tôi ngắt lời người bên kia.
- Là vì hai… hai cơ ạ! - Cô gái giải thích - Anh ấy sẽ lên tiếng khi cần đến - Mấy giây im lặng rồi có giọng nói khác - cháu là Quốc Hải, bạn ấy là Thuỳ Mai. Chúng cháu đang là sinh viên. A lô, chú có nghe rõ không? - Tôi dặng hắng bắn tín hiệu - Vừa rồi chúng cháu có đọc truyện ngắn Ở nhà một mình của chú trên đặc san Ý thức - Tôi hơi bất ngờ vì không nhận được thư báo sau mấy tuần gởi bài - Chúng cháu rất thích tiểu phẩm ấy nhưng lại ấm ức vì sao tác giả không nói rõ hơn về cuộc đời của nhân vật xưng tôi có tên là Duy và cuộc đời của nữ nhân vật có tên là Trang Kim?

- Theo tôi, hay và đẹp là cái vừa phải, khuôn khổ của một truyện ngắn không cho phép người viết sa đà - tôi giải thích.
- Nhưng cuộc đời của cô Trang Kim chú rõ chứ ạ?
- Người đọc nên hiểu Trang Kim chỉ là nhân vật!
- Nghĩa là không có thực. Nghĩa là hư cấu. Nghĩa là không thể bắt gặp một Trang Kim bằng xương bằng thịt đang sống ở một nơi nào đó - Anh ta nói tiếp.
- Đúng thế! - Để thoát khỏi bủa vây, tôi quả quyết.
- Cháu không tin! - Bất ngờ cô gái thét lên trong máy - Đó là ngụy tín! Cháu không đồng ý với Quốc Hải và cả với chú. Vậy ai sống trong ông Duy suốt hai mươi năm thưa chú? Và nhân vật Duy hoá thân bắt nguồn từ đâu? Ngoài bản thể Lê Thanh, nhân vật Duy không có điểm tựa nào khác. Chú không giấu được người đọc đâu!- Tưởng như bắt được thóp đối phương, cô gái cười khúc khích.

- Đó là lãnh giới của tâm thức, của siêu thực - Tôi giải thích.
- Cháu nghĩ siêu thực mới đúng là cái thực - Vẫn giọng cô gái.
- Tôi không phủ nhận điều đó.
- Thưa chú - Không dằn được háo hức, người con trai xen vào - Thưa nhà văn Lê Thanh, chính cái siêu thực ấy chủ đạo tất cả, phải không ạ? - Cảm thấy anh ta chỉ tạm thời ủng hộ mình, tôi kiên nhẫn chờ xem - vậy nên, nghĩ cho cùng, tất cả thể loại truyện đều là tự truyện?
- Năm thứ hai ở đại học văn khoa tôi bắt đầu nghĩ như thế và đến giờ quan điểm ấy vẫn không thay đổi.
- Thấy chưa! - Cô gái vui sướng reo to - Chú bị nốc-ao rồi nhé!
- Chú đoán cháu phải đẹp gái lắm mới có chất giọng hồn nhiên khả ái đến thế!
- Không thoát được đâu! - Vẫn giọng cô gái - Chú đừng hối lộ nhan sắc cho cháu để thoát hiểm! - Nghe lạ, tôi phì cười, cô gái cũng cười theo - Chúng cháu có đến hai cơ! Không phải vô tình mà bố trí như thế - kẻ trước người sau, kẻ tung người hứng đấy chú ạ! - Đang hưng phấn, cô gái chợt ngừng lại. Máy phát ra một số tiếng động.
- Vậy quí cô cậu muốn gì? - Tôi nói sau mấy giây chờ đợi, áng chừng phía bên kia cả hai đang phối trí dàn dựng vai diễn - Tôi sẵn lòng nằm lên bàn giải phẫu cho thoả chí tò mò của các nhà nghiên cứu văn học trẻ!
- Vậy nói cho chúng cháu nghe thuở thiếu thời của cô bé Trang Kim và của anh chàng Duy! - Cả hai tranh nhau lên tiếng.

Đã tới nước này mình còn úp mở làm gì! - Tôi thầm nghĩ - Lại nữa, đã là nhà văn ai không cảm thấy thích thú khi có người quan tâm đến những gì mình viết, chê khen đều tốt cả. Nhưng chuyện đời tràn lan như nước chảy mây tuôn mà bưu điện tính tiền không bỏ sót một tí tách nào! Nghĩ cũng xót, dẫu tôi không phải khổ chủ.
- A lô! - Tôi nói như người vừa ra khỏi giấc mơ - Chúng ta tìm bắt siêu thực nhưng không nên bỏ quên hiện thực! Các cháu hiểu chú muốn nói gì không?
- Khỏi phải áy náy chuyện ấy chú ạ! - Người con trai hạ thấp giọng - Cháu vừa nhận được một số tiền không nhỏ của anh chị từ Mỹ gửi cho và muốn mua quà tặng mừng sinh nhật người yêu nhưng Thuỳ Mai đề nghị dành khoản đó chi trả cho cuộc nói chuyện này.
- Cảm ơn! - Tôi nói - Nhưng chú xin hoãn có được không?
- Chúng cháu sẽ gọi lại.
Tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy mình chưa bao giờ yếu đuối như lúc này.

2.
- A lô! - Chuông điện thoại reo, tôi lên tiếng.
- Chúng cháu là Thùy Mai và Quốc Hải đây - Giọng của cô gái - Chào chú ạ! Hôm nay chúng cháu đề nghị chú nói tuỳ thích, chúng cháu chỉ can thiệp lúc nào cảm thấy cần thiết. Cũng xin thưa trước với chú cuộc nói chuyện có ghi âm.
- Nhưng không được phổ biến!
- Vì sao?
- Không nên quan trọng hoá những mảnh đời tầm thường bình dị - Tôi lưu ý hai bạn trẻ.
- Nhưng cho phép chúng cháu thiết tha nỗi đau ngọt ngào của cô chú ạ?
- Cảm ơn! - Tôi nói - Cũng như tám mươi phần trăm dân số nước ta, chúng tôi sinh ra ở một làng quê cách thành phố Huế mười sáu cây số - một vùng duyên hải miền Trung nhưng ruộng đồng sông nước bao quanh như một làng Nam Bộ, đa phần nhà tranh vách đất, chiến tranh ngang qua đều đặn như những trận mưa rào. Cha Ớt là một du kích Việt Minh bị bọn Commando bắt sống, chặt đầu đem bêu ở chợ, mẹ bỏ đi bước nữa, ông bà ngoại ở vào cái thế phải đèo bồng cháu.
- Ớt là ai, thưa chú? - Cô gái ngắt lời tôi.
- Ớt là tên móc nôi của Trang Kim.
- Cám ơn - Vẫn giọng cô gái - Xin được nghe tiếp!

- Còn tôi, mẹ bị lính Lê dương bắn chết khi đi dân công vượt ngang quốc lộ chuyển lương thực lên chiến khu, trước đó cha tôi đã thoát ly gia đình theo kháng chiến, nghe nói ông đang cầm quân ở mặt trận biên giới Hạ Lào, ông bà nội ở vào cái thế phải cưu mang cháu. Hai vườn nhà sát nhau, chúng tôi thường băng qua bờ rào thưa để cùng họp bạn. Ở thôn quê, chúng tôi có nhiều bài hát đồng dao và nhiều trò chơi dân dã - đánh cù, ù mọi, ô làng… Trò chơi mà chúng tôi thường hay bày ra là đám giỗ, đám ma, thích nhất là đám cưới - cứ y theo người lớn mà vẽ vời. Trước hết, dựng rạp. Chúng tôi dùng cây làm khung rồi hái lá sầu đông lợp lên. Cỗ
bàn gồm các thứ châu chấu, chuồn chuồn, ve sầu, ốc bưu, rắn mối… Đôi bữa, có thêm đậu quyên, đậu ngự, đậu nành. Rồi chúng tôi chia làm hai họ, có đủ cha mẹ mỗi bên. Đến khi chọn vai cô dâu chú rể bao giờ cũng lời qua tiếng lại nhưng sau cùng không ai khác thằng Cà con Ớt.
- Cà là ai, thưa chú? - Cô gái lại ngắt lời tôi.

- Cà là tên móc nôi của tôi - Tôi chú thích - Tuy chia làm hai họ - hai nhà, nhưng chúng tôi chỉ đủ sức dựng một cái rạp thôi. Họ nhà gái quần tụ ở gốc mít cuối vườn sát bờ ao nhà nội tôi, họ nhà trai đưa Cà đến đó. Quẩn quanh một lúc, học đòi bắt bẻ nhau như người lớn lý sự mỗi khi đám tiệc, rồi hai họ theo nhau trở lại rạp cưới. Cỗ bàn bày biện trên mặt cỏ, cũng mời năm lần bảy lượt, cũng nhỉnh lên nhường xuống cái chỗ ngồi. Ăn uống xong là động phòng. Chúng bắt Ớt và Cà nằm xuống, quấn lấy nhau. Con Mướp mặt rỗ chằng chịt - đóng vai mẹ chồng, nói chính mắt nó thấy anh chị mình đã làm như rứa sau khi cưới. Rồi lấy lá sầu đông phủ lên cùng với các thứ hoa cỏ trong vườn mà chúng hái được. Ban đầu hai đứa tru tréo phản đối. Nhưng tới khi độ che đã kín, Ớt úp mặt vào người tôi khóc thút thít. Không hiểu vì sao Ớt khóc, nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy nao lòng. Những giọt nước mắt thơ ngây ấy thấm ướt ngực tôi không phải một lần! Chợt nghe hai họ chào tống tiễn, tôi đội lá ngồi dậy, kéo Ớt theo. Lại nữa, tôi càng không hiểu vì sao ngay khi vừa ngồi thẳng lên, Ớt đưa cả hai tay hờn dỗi níu cứng lấy tôi, đôi lần cào cấu đến sướt da tươm máu?

Làng tôi đất đai có hạn, hết việc ruộng đồng, người ta bắt qua vườn tược - bí, bầu, mướp, dưa là hoa mầu phụ, ớt mới là chủ yếu. Có lẽ nhờ thổ
nhưỡng, hạt vương đến đâu ớt mọc tới đó. Ớt làng tôi thuộc loại cao sản và nổi tiếng khắp các chợ quanh vùng. Những nương ớt mênh mông, đến mùa trái chín đỏ rực như lửa cháy thành đám thành hàng. Mùa thu hoạch, tới nhà nào cũng thấy ớt - sân phơi ớt, giàn treo ớt, bếp sấy ớt, bồ chứa ớt. Ớt từ ngoài ngõ vô nhà. Ớt từ đầu làng tới cuối xóm. Ớt từ trẻ tới già. Cùng với nắng hạ, mùi cay nồng xông lên khiến người và vật đến mờ cả mắt! Những năm được mùa vườn mùa chợ, mặc bom đạn cận kề cả làng vui vẻ, thi thoảng nghe tiếng hát hò đây đó. Những năm mất mùa vườn được mùa chợ, thanh nhàn chút đỉnh nhưng thiếu thốn, tết nhất eo hẹp. Khổ nhất là những năm được mùa vườn mất mùa chợ, sản lượng ứ thừa phải tự chế biến cho vào bồ chạn dự trữ đợi tới khi giá chợ cao lên. Phong trào tiêu thổ kháng chiến, lấy nông thôn bao vây thành thị, là giai đoạn dân làng khổ cực vì nghề ớt. Có đầu vào mà không ngõ ra! Công cụ chế biến cổ truyền thô sơ - cái cối, cái chày, tấm thớt, con dao… Kho tàng lưu trữ eo hẹp - cái be, cái hũ, cái lu, cái vại, chái bếp, xó chuồng…

Năm mười hai tuổi, học hết trường làng tôi lên phố thi và đỗ vào trung học công lập. Đầu trần chân đất nhưng tôi không chút ngại ngần chốn đô hội và học tập cũng không đến nỗi nào. Mùa hè nghỉ học tôi về quê. Ông bà nội tôi thường ra đồng từ sáng sớm. Tôi ngủ dậy muộn. Ăn cơm xong, tôi băng rào qua nhà Ớt ngay. Gặp lúc ông bà ngoại Ớt vắng nhà, chúng tôi ngồi ở thềm hiên nói chuyện. Ớt bắt tôi kể những gì mắt thấy tai nghe và cả những gì tôi đã sống ở thị thành. Ớt ước mơ một ngày đặt chân đến đó. Tôi bắt Ớt kể về bạn bè - thằng Bứa, thằng Xoài, con Mướp, con Chanh… Tôi cảm thấy tiếc nuối không được chung vui với chúng, nhất là những đêm trăng ngày mùa. Bất chợt Ớt đứng phắt dậy nhìn quanh nhà, bồn chồn lo lắng. Tôi chưa rõ chuyện gì, Ớt đã nhanh nhẹn vần chiếc cối đá ra giữa nhà rồi kéo từ gầm phản một lúc đến mấy thúng ớt tươi. Giờ thì tôi biết vì sao cô bé tất bật. Bù vào thời gian chuyện vãn, tôi cầm chày giã ớt giúp Ớt. Chày và cối bố trí cho người lớn, vượt quá sức vóc chúng tôi. Oằn lưng, Ớt mới cử nổi những nhát chày nặng nhọc. Còn tôi, khoẻ hơn chút ít, nhưng vụng về đến nỗi lâu lâu lại làm tung toé các thứ ra ngoài mép cối. Hơi ớt xông lên, nước mắt túa ra nhưng chúng tôi cười nói vui vẻ trong khi làm việc.

- Thuở ấy người ta chế biến ớt thế ư? - Cô gái ngắt lời tôi kèm theo một tiếng hít hà như ăn phải cay.
- Không phải! - Tôi giải thích - Muốn có ớt bột người ta phơi ngay ớt trái lúc mới thu hoạch, tới khi khô giòn thì đem giã, rồi sàng lấy phần mịn làm ớt bột màu, còn lại là ớt bột kho. Chúng tôi giã ngay ớt tươi là để vắt lấy nước.
- Cháu chưa bao giờ nghe nói đến một loại sản phẩm chế biến từ ớt như thế! - Người con trai ngắt lời tôi.
- Đấy là đặc sản quê tôi - Tôi tiếp tục giải thích - đó là thứ nước cốt hội đủ tinh chất của ớt. Nó đặc quánh như mật, khi đem bán người ta phải pha thêm nước muối, lúc ăn người ta còn cho thêm nước mắm hoặc xì-dầu. Nước mắm ớt ăn với cơm gạo hẻo thơm đầu mùa ngon tuyệt cú mèo đến quên no! Có người dùng nước ớt pha với mắm cua đồng làm nước chấm rau muống luộc, cay xé họng nhưng nhớ đời! Nếu có được thịt heo ba chỉ, một ít dưa kiệu giá chua chấm vào mắm nhĩ pha nước ớt cốt, ăn vào muốn ngậm mà nghe!
- Hôm đó chú giúp cô Ớt chế biến được bao nhiêu lít nước ớt? - cô gái ranh mãnh cười khúc khích.
- Không biết!
- Chút bí mật tí tẹo thế ấy mà chú cũng muốn giấu ư? - Cô ta kèo nài cho bằng được.

- Giã tới cối thứ ba, Ớt buông chày lui vào nhà sau, tôi vẫn tiếp tục một mình. Nhưng khi nghe tiếng khóc ri rỉ, tôi chạy tìm và bắt gặp Ớt đang cúi gập mình bên chuồng heo, ôm cứng vào ngực chiếc áo cánh vừa cởi. Tôi đứng lặng nhìn tấm thân mảnh dẻ xanh xao ốm nhách. Nóng quá! - Ớt kêu lên - Em hết chịu nổi! Ở đâu? - Tôi hỏi, cúi xuống bên Ớt. Từ đầu tới chân, khắp cả… - Ớt nói, gạt nước mắt. Cởi phắt may-ô đang mặc, tôi lau khắp người Ớt nhưng cô bé vẫn kêu than nóng rát. Tôi bảo Ớt cởi luôn cả chiếc quần vải thô ngắn cũn cỡn. Ban đầu cô bé không chịu nhưng đến một lúc phải làm theo. Tôi lau đến đâu da thịt đỏ tấy đến đó và Ớt lại kêu khóc hơn nữa.
- Năm ấy cô Ớt bao nhiêu tuổi, thưa chú? - Cô gái hạ thấp giọng, hỏi rất khẽ như vừa đủ cho tôi nghe.
- Mười một - tôi nói. Đàn bà con gái có khác! - Tôi thầm nghĩ.
- Năm mười một tuổi em đã biết xấu hổ chưa anh nhỉ? - Cô gái bắt qua bạn, vô ý để tôi nghe thấy.
- Thế rồi sao nữa, thưa chú? - Quốc Hải muốn khoả lấp sơ hở của Thùy Mai.

- Tôi chạy về nhà mình nhưng hai nội tôi vẫn đang ngoài đồng. Tôi bươn chải khắp xóm nhưng chỉ gặp được mẹ Mướp. Bà ta bày tôi lấy tóc mà lau. Tôi nghe theo nhưng biết kiếm đâu! Nhìn lên cái đầu trọc lóc của bà tôi bỏ chạy. Đương trưa, xóm quê im phăng phắc, mọi sinh hoạt đều ở ngoài đồng. Cùng đường, tôi trở lại nhà Ớt, cô bé đau đớn ôm lấy cột nhà vặn vẹo mình mẩy, nước mắt hoà với mồ hôi. Không có cách nào khác, tôi bảo Ớt gượng thẳng lên, dùng đầu tóc mình chà khắp người cô bé. Tôi lao tới đâu, Ớt cảm thấy dịu bớt tới đấy nhưng nóng rát lại bắt đầu dấy lên người tôi. Đến một lúc, hết chịu nổi, tôi nghĩ tới dòng sông và lao ra ngõ, Ớt bươn theo. Anh ơi! - Giọng Ớt vang lên - Để em giúp cho! Anh ơi!... Tóc Ớt đã chấm ngang vai nhưng hào khí con trai không cho phép tôi nhận chịu sự chăm sóc ấy. Mặc! Nóng rát thiêu đốt, tôi cứ chạy. Tới được bến nước, tôi chững lại, hai nội tôi vừa sang bờ, hoảng hốt nhìn chúng tôi. Ớt trần truồng ôm lấy nội ông và khóc như mưa, nội bà nắm lấy tay tôi dắt trở lại nhà. Mấy thúng ớt nửa vơi nửa đầy, cối chày nghiêng ngả, chai lọ vương vãi… Thoáng nhìn, ông bà nội tôi đã hiểu hết cớ sự. Ông băng qua rào rồi trở lại với cái nồi bảy trên tay, bắc bếp ngay giữa sân. Bà đổ vào nồi tới ba ghè nước. Ông dùng một cây gậy dài đùa rơm vào đun tới tấp, lửa bùng cháy. Bà cho thêm hai ghè nước dự phòng để ngay sau lưng ông. Nước vừa ấm, bà tắm cùng lúc cho cả hai đứa, còn ông luôn tay châm thêm nước lã vào nồi giữ độ nóng vừa phải. Những gáo nước ấm ban đầu bà dội lên người tôi như gia tăng nóng rát. Nhưng thấy Ớt không khóc, tôi cũng nghiến răng chịu đựng. Cũng may, cảm giác bức bối ấy chẳng mấy chốc đã tiêu tan…

- Hèn gì mỗi lần cháu ăn phải đồ cay người lớn cứ bảo uống nước nóng vào sẽ hết ngay! - Cô gái reo lên, ngắt lời tôi.
- Rồi sao nữa, chú? - Sợ tôi lảng tránh, người con trai nhắc nhở.
- Năm mười bảy tuổi, thi đỗ bằng trung học đệ nhất cấp, tôi về quê. Cũng như mọi khi, tôi băng rào qua nhà ông bà ngoại Ớt, bất chợt tôi gặp một cô gái đang đứng chải tóc ở thềm hiên, dáng nghiêng nghiêng, quần sa đen áo cánh hồng. Ai? Tôi đứng sững một lúc. Thì ra là Ớt! Nhưng sao lại cao lớn xinh đẹp thế này! Ớt đưa tôi vào nhà, ngồi lên bộ phản gỗ sứt mẻ dùng làm mái hầm ngay trước bàn thờ rồi lặng im cúi mặt. Sao vậy? - Cảm thấy có điều bất ổn, tôi hỏi. Em tưởng anh đã quên làng quên xóm! - Ớt nói, vẫn cúi mặt. Không bao giờ! - Hiểu thấu nỗi lòng cô bạn nhỏ, tôi quả quyết như một lời thề. Thế sao cả năm nay… bây giờ mới về? - Ớt thắc mắc. Anh bận học - Tôi giải thích nhưng không đủ thuyết phục. Sẽ có một ngày anh không về nữa, như con chim lìa bỏ cái tổ của mình - Ớt mím chặt đôi môi hồng thắm, nhìn lên ngọn cau qua khung cửa - Nhưng em thì…- Bất chợt, Ớt nghẹn ngào. Vậy hãy lên thành phố cùng anh! - Tôi liều lĩnh nói, nắm lấy tay Ớt. Bằng cách nào? - Ớt bối rối nhìn tôi, đôi mắt bồ câu hé lộ háo hức. Nói dối với nội để kịp sửa soạn hồ sơ vào trường đệ nhị cấp, chưa hết kỳ nghỉ, tôi lên phố. Tìm gặp cô bạn gái, tôi kể lại ước mơ của Ớt và nhờ cô ta xin với mẹ cho Ớt một chỗ làm tại cửa hàng bán thuốc Cẩm Lệ nhà mình. Rồi tôi về lại làng, báo tin. Khỏi phải nói, Ớt vui như thế nào dẫu ông bà ngoại có chút ngần ngại. Các bạn hãy hình dung một buổi chiều quê yên ắng, Ớt cắp chiếc bị lác, cùng tôi lên phố, men theo con đường làng rực đỏ màu ớt, chơi vơi trên con cầu khỉ chon von, băng qua cánh đồng nhỏ thẳm xanh màu mạ. Tới ngoại ô, bỗng dưng tôi dừng lại, cúi mặt nghĩ ngợi. Chi rứa? - Ớt lo lắng hỏi. Em cần một cái tên khác - Tôi đề nghị. Thái Thị Ớt không được à? - Cô bé nhăn nhó, thụng mặt. Cũng như anh, có còn cà kiết nữa đâu, hãy để đắng cay lại quê nhà! - Tôi nói, Ớt kiễng chân nhìn trở lại làng xa, tôi cũng ngóng theo nhưng chỉ thấy bóng tre và mây trắng. Tôi không ngờ việc đổi tên làm cô bé băn khoăn nên đã có ý thôi. Bất chợt Ớt quay lại, thẫn thờ đăm chiêu một lúc rồi gật đầu. Ngoại không có ở đây, anh phải đặt tên mới cho em! - Ớt nài nỉ. Trang Kim - Như có sẵn đầu lưỡi, tôi nói ngay - Thái Trang Kim!

- Vì sao lại Trang Kim, thưa chú? - Cô gái muốn đào sâu hơn nữa.
- Quê tôi có nhiều loại ớt - Tôi giải thích - Ớt bi trồng làm cảnh có vị ngọt, hoạ hiếm mới dùng tới. Ớt sừng được cái màu ngà lạ mắt nhưng mùi vị nhợt nhạt, không phải là loại hoa mầu kinh tế. Ớt bị to quả nhưng không cay chỉ có vị the dùng để xào nấu, ít người ưa. Ớt hiểm quả nhỏ như hạt chì lưới có vị cay gắt không thơm, sản lượng kém, bợm nhậu thường dùng kích cảm giác. Ớt tây chỉ được bậm quả, thiếu cả mùi lẫn vị. Ớt chìa vôi là loại được trồng đại trà do đặc tính ưu việt của nó - cây thấp, lá nhỏ, quả vừa to vừa dài, mùi vị sắc màu đều đạt, sản lượng cao. Nhưng vương giả hơn cả là ớt chỉ thiên - nghe nói từ trong đại nội di giống ra ngoài - cây cao gân tím, dài ngày, lá to, quả thon hình chùy hướng thẳng lên trời - khi non xanh mướt lúc già đỏ au, cay đến xé họng nhưng mùi thơm còn mãi ở chân răng tới cổ họng. Ớt chỉ thiên gợi lên trong tâm trí tôi một chùm đèn hình kim thắp sáng thôn trang. Chúng tôi sinh ra trong ớt, chữ nghĩa của tôi hồi ấy chỉ có thế, Trang Kim từ đó mà hình thành.
- Một cái tên tuyệt đẹp - Cô gái chép miệng.
- Tại sao chú vội vã thay tên cho cô ấy? - Người con trai thắc mắc.

- Ước mơ đổi đời thôi thúc, cũng có thể do tôi muốn đoạn tuyệt với bóng tối ruộng đồng - Bỗng dưng tôi cười và không hiểu vì sao mình cười được lúc này - Sau đó, ngoài công việc của một người giúp việc ở cửa hàng tư nhân, Ớt dùng cái tên ấy ghi danh học lớp đêm bình dân ở một trường tiểu học trong khu phố. Quyết định tự phát này làm tôi bỡ ngỡ và bắt đầu nghĩ tới năng lực tiềm ẩn ở con người Ớt. Chẳng bao lâu, Trang Kim nổi tiếng hoa khôi bình dân học vụ. Lại thêm học giỏi, cô ta trở nên tâm điểm, thu hút bao chàng trai trẻ cùng trang lứa. Tôi vào đại học, Trang Kim thi đỗ bằng tiểu học. Tôi tốt nghiệp đại học, Trang Kim thi đỗ bằng trung học đệ nhất cấp. Thuở ấy Sài Gòn mới có bậc cao học, nội tôi quyết định bán sào nương trồng ớt cho tôi theo lên. Hai mươi bốn tuổi, tôi từ giã đất cố đô ra đi với hoài bão danh vọng thấm đẫm nước mắt Trang Kim. Vào tới Sài Gòn, sào nương của nội chỉ đủ cho tôi ổn định cuộc sống mấy tháng đầu. Những ngày kế tiếp, tôi phải tự xoay sở mưu sinh và học tập. Chỉ có đánh giày chưa mó tới, còn như bán báo, chạy bàn, kèm trẻ, tôi không bao giờ để tuột cơ hội. Những bức thư giấy học trò của Trang Kim làm tôi nhớ thương đứt ruột nhưng không thể quay về. Lợi dụng những kỳ nghỉ dài ngày tranh thủ làm ăn, tôi tích lũy chút ít cho năm học tới. Hai nội và cả Trang Kim cũng khuyến khích tôi như thế. Tôi bảo vệ xuất sắc luận án vào đúng ngày ngoài quê ông bà ngoại Trang Kim nhận lễ dạm hỏi của người ta. Tưởng ai xa lạ, chính người chú họ bạn gái của tôi! Nghe nói anh ta đạt hai tiêu chuẩn thời đại - con nhà giàu và đẹp trai. Anh ta phát hiện Trang Kim nhân một kỳ giỗ tại nhà chủ cửa hàng mà cô ấy đang ăn nhờ ở cậy để cố theo học lớp tú tài ban đêm. Con nhà mồ côi mà được như rứa cũng mừng cho nó! - Nội tôi báo tin kèm theo lời chúc phúc. Tôi hiểu và ngưng mọi liên lạc để Trang Kim yên bề duyên phận…

- Chú ơi, đừng kể nữa! - Bất chợt cô gái kêu lên.
- Sao vậy? - Tôi hỏi.
- Buồn lắm! - Cô ta than rồi im hẳn. Tôi vẫn chờ nhưng chỉ nhận lại hơi thở tức tưởi.
- Chúng cháu xin lỗi chú - Một lúc, người con trai lên tiếng, lừng khừng cúp máy.

3.
Tôi đinh ninh họ không gọi cho tôi nữa. Mấy ngày qua, tôi cảm thấy ân hận đã nhẹ dạ đem chuyện mình san sẻ với người dưng, Trang Kim mà biết thế nào cũng rầy rà! Lại nữa, bất hạnh của ai nấy chịu, xưa nay chỉ có chia vui chứ không chung buồn.
Nhưng tôi đã nhầm to! Sáng chủ nhật, trời cao nguyên lạnh căm, bảy giờ tôi vẫn chưa ra khỏi giường, chuông điện thoại gióng giả. Tôi buồn bực cầm máy.
- A lô! A lô! - Đúng là giọng của Thùy Mai - A lô!
- Vâng! Lê Thanh đây!
- Có phải chú đấy không?
- Sao hỏi vậy?
- Chưa tới một tuần mà giọng chú đã lạ hẳn đi!
- Do mất ngủ đấy - tôi chống chế..
- Chúng cháu xin lỗi đã quấy rầy chú - Cô gái nói với tôi rồi bắt qua người con trai nhưng cũng muốn tôi cùng nghe - Anh bảo chưa thoả mãn thì hỏi đi! - Một quãng lặng im kéo dài.
- Chú ơi! - Người con trai cố tỏ ra cương quyết - Qua truyện Ở nhà một mình, chúng cháu biết cô Trang Kim không có con và cũng chẳng còn chồng - Không lên tiếng, tôi chỉ báo tín hiệu, anh ta tiếp - Vì sao, thưa chú?
- Tôi sẽ cho hai bạn số điện thoại di động của cô ấy?
- Chúng cháu không dám - Vẫn giọng người con trai - Cô ấy sẽ không dung thứ cho bất cứ ai…
- Vậy tôi biết làm sao?
- Nhưng chú là ngoại lệ duy nhất - Người con trai cố sức thuyết phục - Cháu nghĩ, là người trong cuộc, chú có quyền…

Quyền gì nhỉ? Tôi ngẫm nghĩ. Quyền kêu xin? Quyền phát biểu? Quyền đòi lại tình yêu? Quyền chuộc tội?
- A lô! - Tôi cảm thấy mạnh dạn, áp miệng cận ống nói - Hai cháu nghe rõ không? Họ sống chung với nhau gần mười năm, không con vì ông ta mắc bệnh vô sinh nhưng khăng khăng đổ vấy cho vợ để biện minh những bê bối lang chạ của mình. Dẫu cha mẹ anh ta phản đối, nhưng một cuộc hôn nhân như thế sẽ dẫn tới ly thân rồi ly dị là điều không tránh khỏi - Tôi cảm thấy mình đang làm tổn thương ai đó, ngần ngại không muốn nói nữa. Bên kia đầu dây, hai bạn trẻ vẫn im lặng chờ. Khó nhọc nuốt nghẹn thắt xuống cổ họng, tôi lấy lại bình tĩnh - Trang Kim rời quê hương vào Đà Nẵng sinh sống. Để vượt qua những ngày tháng u ám, cô ấy xoay sở kinh doanh rồi phất lên trong thương trường. Hiện nay Trang Kim là giám đốc của một công ty xuất khẩu nhóm sản phẩm chế biến từ ớt.
- Cô ta giàu nhưng không có hạnh phúc? - Cô gái hỏi.
- Đúng thế! - Tôi khẳng định, bên kia đầu dây nín lặng tưởng chừng như đã chấm dứt cuộc gọi. Tôi nghe tiếng thở dài nhưng không biết của ai. Bất chợt cô gái khóc trong máy - Thôi, chúng ta tạm dừng ở đây? - Tôi chờ đợi mấy giây rồi thận trọng đề nghị.
- Chưa hết đâu chú ơi! - Anh con trai tha thiết - Đó là chuyện của chú và cô Trang Kim, còn bây giờ là chuyện của cháu và Thùy Mai - Anh ta chợt im lặng mà tôi đoán do tâm trí căng thẳng.
- Nói đi! - Tôi giục - Chúng ta là đàn ông!

- Cháu vừa tốt nghiệp đại học khoa kinh tế và cũng vừa nhận được một học bổng du học tại . Cha mẹ cháu đều là nhà giáo, đã bán ngôi nhà ở phố để lui về ngoại ô, phần dư ra dành cho cháu dắt lưng những ngày ở đất khách quê người. Du học là ước mơ của cháu ngay từ hồi bước chân vào trường chuyên. Không mong vươn tới chức quyền trong xã hội, nhưng sự nghiệp khoa bảng là hoài bão cháy bỏng trong lòng cháu, là kỳ vọng của cả dòng họ. Ông bà, cha mẹ, bạn bè và cả Thùy Mai, đều động viên cháu hăng hái lên đường. Nhưng cô ấy mấy hôm nay khóc đến bỏ ăn!
- Chú muốn nói riêng với Thùy Mai.
- Vâng, cháu đây! - Giọng cô gái nhòe đến độ không rõ âm.
- Rồi Quốc Hải sẽ trở về - Tôi nói.
- Đất nước ta nghèo khó, bao nhiêu thứ bất cập cộng với xã hội đầy rẫy phiền hà, chú biết đấy, mười người ra đi chưa có một trở lại…
- Vậy bảo anh ta hủy vi-da là xong ngay! - Người xưa từng nói khuyến tướng không bằng khích tướng, tôi dùng cách ấy, đổi giọng lạnh lùng.
- Không! - Cô gái trở nên hoảng hốt - Ngày xưa cô Trang Kim đã vì chú mà hy sinh tình yêu, hôm nay không lẽ cháu lại sống đời ích kỷ!
- Thế thì nuốt nước mắt vào!
- Cháu đã cố nhưng cứ trào ra - Giọng cô gái tức tưởi - Chú ơi, từng giọt đau thắt, nửa cho cô ấy bây giờ, nửa cho phận cháu mai sau…
2005
T.D.P

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng