Tạp chí Sông Hương - Số 195 (tháng 5)
Cuộc đi! Cuộc về!
10:14 | 04/03/2009
CHƠN ĐỨCLTS: Trường Trung cấp phật học Huyền Không thuộc hệ phái nguyên thuỷ Thừa Thiên Huế dịp tết Nguyên Đán Ất Dậu 2005 đã phát động cuộc thi sáng tác thơ văn nhằm khuyến khích Tăng Ni sinh trên con đường “Duy tuệ thị nghiệp”.Sông Hương trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Cuộc đi cuộc về” của CHƠN ĐỨC được giải nhất trong cuộc thi này.
Cuộc đi! Cuộc về!


Trời rét đậm. Chẳng biết không khí lạnh ở đâu tràn tới mà cả vùng sơn lĩnh chìm ngập trong rét buốt. Nơi ngôi điện Phật lợp tranh nhỏ bé, cặp nến vàng le lói rọi vào nụ cười từ hoà trên môi bức thạch tượng đức Thế Tôn, thỉnh thoảng nó nổ lên, tạo ra những tiếng kêu lách tách.
Im lặng! Vị sư già cúi rạp người, chậm rãi đảnh lễ bậc Đạo Sư. Một cơn gió thoảng qua làm lay động nếp tăng bào của bậc trưởng lão tôn kính, tấm lưng gầy guộc của ngài khẽ rung rung. Trên bệ thờ, khói trầm hương thoang thoảng làm cho không khí càng thêm trang nghiêm. Vị sư nhắm mắt, ngồi kiết già trên một chiếc tọa cụ đã trải sẵn; bên kia, chú Sadi quỳ gối, tay chắp ngang ngực, im lặng cúi đầu.
Vị sư già lên tiếng:
- Này con! Vô thường là lẽ tự nhiên của cuộc đời, tan rồi tụ, đến rồi đi, thầy không gượng ép cái gì bao giờ!
Bạch thầy, con...!!!
Không một tiếng động. Vị sư già để mặc cho chú suy nghĩ, đã đến lúc chú có thể quyết định cho cuộc đời của mình rồi. Nhìn gương mặt trong sáng, đôi vầng trán cao, bất chợt vị sư cũng cất tiếng thở dài.

Một buổi chiều mùa thu ấm áp hơn, những tia nắng vàng nhạt yếu ớt lay lắt trên đọt cây giống như những chiếc lá vàng trong gió. Đứng trước cổng, Đức lặng lẽ nhìn ngôi già lam lần cuối. Từng tiếng chuông chùa chầm chậm rơi như tiễn đưa linh hồn người con trở về với cuộc đời. Cái linh hồn chạy theo cuộc hành trình muôn thuở.
Chàng lập gia đình, để rồi kết quả, sau mấy năm, chính người con gái kéo chàng ra đi đã ruồng bỏ chàng, chạy theo kẻ khác. Buồn sự đời, Đức lang thang trên đường một mình, nhìn đoàn người tấp nập lui tới mà chán nản. Cô độc!
- Đức, Đức ơi!
Tiếng gọi vang lên từ phía bên kia. Đức giương mắt nhìn, lúc này trời mưa lâm thâm, quãng đường này lại tối nên nhìn không rõ mặt, nghe giọng nói thì thấy hơi quen quen. Bóng người kia quay xe lại.
- Sao lại ngồi ở đây? Trời mưa lạnh thế này, cảm đấy!
- Ồ! Minh đấy à! Đức nói, giọng không khỏi run run.
Từ ngạc nhiên đến thương cảm, Đức dang tay ôm chặt người anh em huynh đệ lúc cùng tu trong chùa.
- Tôi đi rồi, Minh cũng đi luôn, bây giờ chắc sư phụ buồn lắm!
- Ừ!

Minh trả lời gọn lỏn. Hai người thăm hỏi xã giao xong, dẫn nhau vào một quán càphê gần đấy. Minh gọi ra hai ly cà phê và một gói thuốc. Đức thẫn người nhìn Minh sành điệu châm thuốc mời mình rồi tự lấy một điếu hút, phả khói bay tứ tung. Điếu thuốc nằm trên tay của Đức mà cơ hồ nặng như một tảng đá ngàn cân.
- Kìa, anh hút thuốc đi chứ - Minh vui vẻ - xa cách lâu ngày, hôm nay ai không say là không được về đâu nhé!
- Giỡn đấy à - Đức ngạc nhiên cắt ngang tràng cười của Minh - còn nhớ câu: “Anh em lâu ngày gặp lại, chung trà đĩa bánh làm vui” không đấy!
- Trời ơi! Bây giờ mà anh còn nhắc cái quá khứ ấy làm gì cho mệt. Mình bây giờ đã khác thì phải gạt đi những  cái “cổ hủ” đó đi mà sống. Như anh vậy thì làm sao tồn tại được với cuộc đời, hèn gì mà vợ cũng bỏ!

Đức không còn tin vào tai mình được nữa. Con người này đã thay đổi quá nhiều. Chẳng lẽ cuộc đời có thể làm cho cậu ta thay đổi như vậy được sao? Khủng khiếp! Đức gần như ngất lịm. Tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã hơn mười giờ tối, trên bàn còn lại mảnh giấy ghi mấy dòng chữ, Minh thì không thấy đâu nữa.
Cú sốc này làm cho Đức càng thêm chán nản cuộc đời, sức khoẻ cứ thế mà yếu dần đi rồi sinh bệnh. Đức lang thang về nhà, đóng chặt cửa phòng lại. Căn phòng đã mấy tháng nay không được dọn dẹp, lại thiếu hơi người nên vừa ẩm mốc vừa hôi hám. Đức giam mình trong đó không biết bao lâu, cứ tỉnh dậy rồi ngất đi. Căn bệnh của Đức càng lúc càng trầm trọng hơn. Một ngày kia, Đức quyết định trở về, về với mái chùa tranh già điểm tuyết sương.
Sau mấy ngày đường ròng rã, giờ đây, Đức đã đứng trên mảnh đất thân quen của chùa mình.
- Kia rồi!
Chàng khẽ thốt. Chiếc cổng trúc vàng hiện ra. Đằng sau, con đường sỏi trắng, giờ đã xanh rêu, dẫn tới một mái nhà tranh cũ kĩ.
- Ôi!
Chàng cảm thấy khó thở. Từng luồng cảm xúc trào dâng cứ tranh với những kỉ niệm len vào tâm hồn làm cho cơn đau tim tái phát. Chàng ngồi phệt xuống đất, đầu óc mơ màng dần rồi không còn biết gì nữa.
- Con tỉnh rồi à!
Một giọng nói trầm ấm cất lên phía đằng sau tấm mành tre mỏng mảnh. Đức ngồi dậy, đưa mắt nhìn quanh rồi đột nhiên quỳ thụp xuống, nghiêng mình đảnh lễ.
- Bạch thầy!...
Giọng chàng khản đục, cơn xúc động làm nghẽn lại câu nói. Đức hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh.
- Bạch thầy, thầy vẫn khoẻ!

Vị sư già ngồi im lặng, vẫn không quay lại. Lò trầm hương nghi ngút toả khói khắp căn phòng. Ngoài hiên, bóng cánh chim chiều về tổ rọi qua khung cửa sổ, mấy đám mây bàng bạc trôi về những bến bờ vô định...
- Bạch thầy, xin thầy cứu con.
- Ồ! Sao con không tự làm việc đó? Nếu con còn không cứu được chính mình thì thầy làm sao có thể!
- Nhưng bây giờ con bất an quá, con cảm thấy sợ hãi!
- Con bất an?
- Dạ! Ngày xưa con mang cái bất an ra đi để tìm hạnh phúc, rốt cuộc, con lại trở về cái bất an mới. Bạch thầy, giờ con thấy cuộc đời ở đâu cũng bất an!
- Vậy con còn muốn đi tìm sự không bất an ở đâu nữa?

Im lặng một lúc lâu. Vị sư già đứng dậy đi ra khỏi phòng. Lúc này trời đã sẫm tối, ánh trăng mờ mờ xuất hiện phía đằng xa chân trời. Vị sư len qua mấy bụi trúc già đến một ngôi thảo đình nhỏ, ngồi tĩnh tọa, chiêm ngưỡng vẻ huyền diệu của trời đêm.
Đã mấy canh giờ trôi qua, vị sư vẫn ngồi như vậy, kiên nhẫn chờ đợi một cái gì đó. Ông biết rõ đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của người đệ tử. Hắn đã học được từ thế gian nhiều điều quá rồi, bây giờ, hắn cần phải học bài học cuối cùng trong chính bản thân mình.
Mải suy nghĩ, vị sư già không biết đám mây nào từ đâu bay tới che mất ánh trăng. Không gian chỉ còn một màu đen tối mịt. Ấm trà Long Tĩnh đặt trên chiếc bàn tre đã nguội, một cơn gió thoảng qua làm khóm trúc lay lay, vị sư đứng dậy. Trên bầu trời, đám mây đã bị cơn gió đẩy đi về nơi tít tắp. Thấy trăng đột ngột xuất hiện, bầy chim trong khe núi giật mình, vỗ cánh bay, khắp nơi còn vang tiếng kêu cuống quít.

Đến trước ngôi thiền phòng, vị sư nhẹ nhàng đưa tay gõ cửa, mà cũng có thể là đẩy. Cánh cửa  từ từ mở ra, ánh sáng lấp lánh của ngọn nến làm vị sư chói mắt. Trong phòng, một chiếc bóng nghiêng nghiêng in rõ trên nền nhà xám sẫm. Đức vẫn ở đó, bất động. Chiếc lưng trai trẻ bây giờ trông đã hơi cong, vị sư ngạc nhiên khi thấy trên đầu người học trò tóc đã điểm bạc.
- “Phải rồi, đã nhiều năm rồi” vị sư già thầm nghĩ. Ông quàng tay ôm chặt lấy người đệ tử. “Lạnh, cơ thể con lạnh quá” - vị sư  lẩm nhẩm - “con đi trước ta rồi à!”

Một lúc sau, ông quờ tay lên sờ vầng trán vẫn còn những hơi ấm cuối cùng của người học trò mà cảm thấy yên lòng. Khi đã quen với ánh sáng trong phòng, ông đưa mắt nhìn kĩ người đệ tử, khuôn mặt vuông bức, vầng trán cao, đôi mắt khép hờ nhìn về phía bức tượng Phật đá, đôi môi khẽ nở nụ cười hàm tiếu. Nhìn nụ cười, vị sư biết người đệ tử của mình đã thực sự hạnh phúc, và do xúc động quá mãnh liệt nên tim đã ngừng đập.
Chầm chậm đặt thi hài xuống, vị sư tụng một thời kinh ngắn cho người đệ tử của mình.
Đứng dậy bước ra khỏi cửa, lúc này trăng sáng hơn bao giờ hết, vị sư cảm khái, nghĩ đến một tứ cổ thi “mang mang tình thương hải” rồi đứng bất động rất lâu. Đêm đã khuya lắm rồi!
C.Đ
(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

Các bài mới
Trang mới (05/03/2009)
Các bài đã đăng