Tạp chí Sông Hương - Số 167 (tháng 1)
Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay
16:06 | 16/03/2009
PHAN THUẬN ANLễ hội là sinh hoạt văn hoá tinh thần của một cộng đồng người và đã có từ lâu trong lịch sử của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Lễ hội phản ánh một cách rõ nét những đặc trưng về lịch sử và văn hoá của mỗi địa phương và của từng quốc gia.
Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay

Tất cả 54 tộc người trên đất nước ta đang bảo tồn được một số lượng lễ hội truyền thống rất phong phú và đa dạng. Chúng giữ một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hoá của dân tộc.

Hiện nay, nhìn chung trong cả nước, lễ hội dân gian thì địa phương nào cũng có và đang diễn ra hàng năm; nhưng, về lễ hội cung đình thì chỉ Huế mới có khả năng phục hồi. Lý do rất dễ hiểu: đây từng là kinh đô cuối cùng trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt , và triều đại quân chủ cuối cùng ấy, triều Nguyễn (1802 - 1945), mới chấm dứt cách đây chỉ hơn nửa thế kỷ. Vả lại, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn diện mạo của hệ thống kiến trúc cung đình của một thuở vàng son và ngoại cảnh thiên nhiên kỳ tú, thơ mộng của nó. Có thể nói đây là một thành phố bảo tàng, nơi còn duy trì được khá đầy đủ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn từ, quốc tự, hàng ngàn hiện vật của vua chúa và quan lại, nhiều tư liệu lịch sử quí báu, những chứng nhân lịch sử cao niên, vv... Nhìn từ góc độ bảo tồn bảo tàng, cũng có thể cho rằng Cố đô Huế là một kho sử liệu sống động về các triều đại quân chủ Việt .

Với các loại hình di sản văn hoá ấy, nhất là với bối cảnh kiến trúc cổ kính ấy, người ta có thể tái hiện những lễ hội cung đình đã từng diễn ra tại đây; tất nhiên là để giới thiệu một cách sinh động những đặc trưng văn hoá nghệ thuật cao cấp của một thời và để phục vụ du lịch.
Thật ra, về mặt thuật ngữ, “lễ hội” là một từ tương đối mới, chỉ được sử dụng một cách phổ biến trong mấy chục năm nay, đặc biệt là để chỉ các lễ hội dân gian. Còn những sinh hoạt lễ nghi tập thể của các vua quan ngày xưa ở chốn cung đình thì chỉ thấy các sử gia triều Nguyễn ghi là “triều hội” (hội họp của triều đình).

Thời ấy, hoạ hoằn lắm mới thấy thi hào Nguyễn Du diễn tả ý chung của từ lễ hội trong một câu thơ ở truyện Kiều:
“Thanh minh trong tiết tháng ba,
  Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Nhưng, từ “lễ” và từ “hội” ở đây vẫn nằm trong hai mệnh đề khác nhau của câu thơ. Dù sao, qua tư liệu văn học này, chúng ta cũng có thể thấy người xưa đã chia nội dung của loại hình sinh hoạt văn hoá đang bàn ra làm hai phần khá rõ ràng, là phần lễ và phần hội.
Tìm hiểu về diễn tiến của các lễ hội cung đình trước năm 1945, chúng tôi thấy phần lễ được đặt nặng hơn là phần hội. Nhưng, ngày nay, do nhu cầu của thời đại, nếu chúng ta phục hồi thì chắc hẳn phần hội phải được xem là quan trọng hơn phần lễ.

Theo dõi các thuật ngữ mà người Tây phương đã dùng để chỉ lễ hội, như cérémonie (ceremony), fête, festival, chúng tôi thấy chúng mang những nội dung khác nhau đôi chút:
- Ceremony: có ý nghĩa thiên về lễ nghi, lễ thức, lễ bái, cúng bái.
- Fête: lễ lạt, đình đám nói chung.

Festival: thiên về hội hè, liên hoan có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần tham dự, chẳng hạn như “jazz festival” (liên hoan nhạc jazz).

Dù sao đi nữa, các thuật ngữ đó cũng đã được dùng để chỉ những sinh hoạt văn hoá nghệ thuật cộng đồng; liều lượng của  phần lễ và phần hội bên nào nhiều hơn hoặc ít hơn là còn tuỳ thuộc vào từng loại hình lễ hội ngày xưa và tuỳ theo sự gia giảm của các nhà tổ chức lễ hội ngày nay.

Trở lại với các lễ hội cung đình ở Huế xưa kia, sử sách triều Nguyễn đều ghi nhận chúng như là những cuộc lễ mang tính quốc gia, do Nhà nước Trung ương đứng ra tổ chức và thực hiện. Có hàng chục cuộc lễ lớn nhỏ khác nhau được cử hành hàng năm ở đất Thần kinh. Chúng đã được triều đình quy định rất chặt chẽ và nghiêm túc, thậm chí được ghi thành điển lệ. Từ vua quan đến dân chúng, từ hoàng gia đến bá tánh đều phải tuân thủ những điển lệ nghiêm ngặt ấy. Các sử sách bấy giờ đã ghi rõ tên gọi, nội dung và ý nghĩa của các cuộc lễ để nhấn mạnh tầm quan trọng của triều đình trong thể chế chính trị và sinh hoạt văn hoá của nhà nước quân chủ. Các lễ hội dưới triều Nguyễn cũng đã được ghi chép, tường thuật, phản ánh qua một số sách báo, phim ảnh do các tác giả người Tây phương và người Việt sống vào cuối thể kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX để lại, đặc biệt nhất là qua Tập san Đô Thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Húe)

Người được triều đình giao cho nhiệm vụ đứng ra tổ chức các lễ hội là Bộ Lễ, một trong Lục Bộ thời Nguyễn sơ. Nhưng, có một số các đại lễ còn liên quan ít nhiều đến nhân sự và công việc của các Bộ khác, các cơ quan hành chánh thuộc phủ Thừa Thiên và cả đến một số đơn vị hành chánh thuộc các tỉnh trong nước.
Theo những tư liệu chính thống của triều Nguyễn, các lễ hội cung đình bấy giờ được chia làm 2 loại: loại Tiết lễ và loại Tế tự.

- Loại Tiết lễ: gồm các kỳ triều hội hàng tháng (Lễ Đại triều ở điện Thái Hoà, Lễ Thường triều ở Điện Cần Chánh); 3 cuộc lễ Đại tiết hàng năm (Tết Nguyên đán vào ngày đầu năm âm lịch, Tiết Đoan dương vào ngày mồng 5 tháng 5, Tiết Vạn thọ vào ngày sinh nhật của vua); Lễ tế Tiên nông ở khu ruộng Tịch điền vào mùa hạ; Lễ Ban sóc (phát lịch năm sau vào tháng chạp năm trước); Lễ Đăng quang (Vua lên ngôi); Lễ đại táng (đưa đám vua)...

- Loại Tế tự: gồm Lễ tế Trời Đất ở Đàn Nam Giao; Lễ tế Xã Tắc (Xã là Thần đất và Tắc là Thần lúa; Lễ tế Liệt miếu (những miếu thờ tổ tiên của các vua triều Nguyễn); Lễ tế Thế miếu (nơi thờ các vua Nguyễn quá cố); Lễ tế Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử)...
Ngoài ra, triều đình còn cử hành các lễ hội thường kỳ và bất thường kỳ sau đây: Lễ Tiến Xuân ngưu vào ngày Lập xuân; Lễ Thanh minh; Lễ Trùng cửu; Ngày Hổ quyền; Lễ Phất thức; Lễ Thánh thọ (sinh nhật Hoàng Thái hậu), Lễ Tiên thọ (sinh nhật Hoàng Thái phi), Lễ Thiên xuân (sinh nhật Hoàng Thái tử), lễ Thiên thu (sinh nhật Hoàng hậu); Lễ Hưng quốc Khánh niệm (ngày mồng 2 tháng 5 âm lịch); v.v...

Trong tất cả các lễ hội cung đình ấy đều có phần âm nhạc đi kèm. Một số lễ hội quan trọng còn có cả các tiết mục ca và múa.

Như vậy, các lễ hội cung đình ngày xưa ở Kinh đô Huế là rất phong phú và đã từng diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau ở miền núi Ngự sông Hương.

Vào năm 1993, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đã tổ chức một cuộc Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại”. Hội thảo đã giải quyết những vấn đề thuộc mối liên quan giữa xưa và nay,cũ và mới theo biện chứng của lịch sử, xuất phát từ việc xem xét sự vận động, chuyển hoá và thích nghi của các lễ hội. Những sinh hoạt văn hoá ấy cần được tổ chức để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn và giao lưu văn hoá bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh.

Ngày nay, Cố đô Huế, với những giá trị toàn cầu nổi bật của nó đã trở thành một trung tâm văn hoá và du lịch quốc gia và quốc tế, và đang dần dần được khẳng định là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”. Chứa đựng trong lòng mình một kho tàng to lớn những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, Huế hoàn toàn có khả năng chọn lựa để tái hiện những lễ hội cung đình đặc sắc, hoành tráng và thích hợp nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu văn hoá và du lịch của thời đại.
Theo thiển ý, với Quần thể Di tích vàng son cổ kính giữa bối cảnh thiên nhiên êm đềm thơ mộng mà Huế may mắn còn bảo tồn được, chúng ta có thể phục hồi dần các lễ hội cung đình mang giá trị cao về lich sử, văn hoá và nghệ thuật truyền thống, chẳng hạn như:
- Lễ Truyền lô của một khoa thi Hội, thi Đình ở Ngọ Môn(niêm yết bảng vàng ở Phu Văn Lâu, các vị Tiến sĩ được vua ban yến và cỡi ngựa xem hoa ở vườn Thượng uyển, và được vinh quy bái tổ).

- Lễ Đăng quang hoặc Lễ Nguyên đán ở Điện Thái Hoà.
- Lễ Thánh thọ của Hoàng Thái hậu Từ Dũ ở Điện Thái Hoà và Cung Diên Thọ.
- Lễ tế Trời Đất ở Đàn Nam Giao.
- Lễ Tứ tuần hoặc Ngũ tuần Đại khánh của một ông vua.
- Lễ “Hạ giá” (đám cưới) của một bà công chúa.
- Lễ vua đi Du Xuân.
- Lễ Thanh minh của vua và hoàng gia ở các lăng tẩm (Đoàn Ngự đạo đi bằng thuyền rồng trên sông Hương).

Lễ hội cung đình Huế đang trở thành một di sản văn hoá tinh thần và là một sản phẩm du lịch cao cấp nhất; là phần hồn sẽ làm sống động và nâng cáo giá trị hơn cho các di tích kiến trúc mà chúng ta còn gìn giữ được. Nếu chúng ta không phục hồi ngay từ bây giờ, thì e sẽ muộn màng. Mấu chốt của vấn đề được đặt ra hiện nay là việc tổ chức thực hiện của các nhà quản lý văn hoá và hoạch định du lịch tại địa phương.

                      P.T.A
(167/01-03)

Các bài mới
Trọ đêm (27/04/2009)
Nếu như... (27/04/2009)
Mưa ngâu (27/04/2009)
Các bài đã đăng
Sớm ấy, (12/03/2009)