Tạp chí Sông Hương - Số 168 (tháng 2)
Nhà thơ Hoàng Hưng nói về thơ trẻ
08:27 | 07/05/2009
LÊ MỸ Ý (L.M.Y):  Thưa nhà thơ, là một người có thể tạm gọi là thuộc thế hệ đi trước nhưng lại luôn "gây sốc" bằng những tác phẩm tìm tòi mới, chắc hẳn ông có quan tâm nhiều đến thế hệ thơ trẻ? Có thể có một nhận xét chung về thơ trẻ hiện nay chăng?NHÀ THƠ HOÀNG HƯNG (H.H): Tất nhiên là tôi rất quan tâm. Nhận xét chung của tôi về thơ trẻ bây giờ là đa số vẫn mang tính phong trào. Có thể nói là những người làm thơ trẻ vẫn đi theo một vết mòn của thế hệ trước, chưa thấy rõ những bứt phá, chỉ nổi lên một số tác giả theo cách lẻ tẻ.
Nhà thơ Hoàng Hưng nói về thơ trẻ
Nhà thơ Hoàng Hưng

L.M.Y: Dù sao, như ông nói, vẫn có một số tác giả nổi lên. Điều gì đã khiến họ đi xa hơn nhiều tác giả khác, thưa ông?
H.H: Tôi cho rằng việc một số tác giả thơ trẻ nổi lên trong giới thơ trẻ hiện nay thì phần nhiều cũng là tự nhiên. Nói một cách cụ thể là không phải họ nổi lên, làm thơ "được" hơn do ý thức, tinh thần của chính họ mà cái chủ yếu vẫn là tự nhiên, bản năng. Có lẽ cũng vì vậy nên xét cả về mặt số lượng lẫn chất lượng, thơ trẻ vẫn chưa đủ tố chất, điều kiện để người ta có thể phân tích, khái quát lên thành một thế hệ mới.

L.M.Y: Chưa đủ để được gọi là một thế hệ mới, song họ vẫn là những người làm thơ trẻ, và nhất là những người nổi bật nhất. Ông sẽ nói về ai trong số những người làm thơ trẻ hiện nay?
H.H: Có nhiều người trẻ mà tôi muốn nói. Vi Thuỳ Linh là một người trong số ấy. Đây là tác giả mà qua một thời gian dài, đã có thể thấy khá rõ những ưu điểm và điểm yếu trong thơ. Ưu điểm lớn nhất của thơ Linh là sức mạnh kinh nghiệm mang tính bản năng. Cô ấy có thể nói rất thoải mái những suy nghĩ, xung động bên trong của mình theo chiều hướng bản năng và cảm xúc tự nhiên, tất nhiên không loại trừ cũng có những khả năng về suy nghĩ mang tính triết lý. Ở một số bài thơ mới mà Linh đưa cho tôi xem, cũng có những bài mô phỏng lại bài cũ, thành ra không còn tự nhiên, nhưng vẫn giữ được chất bản năng ấy. Về điểm yếu lớn nhất trong thơ của Linh là chưa có khả năng chắt lọc, bớt đi những cái thừa thãi, thi pháp không có gì mới.

L.M.Y: So sánh với Vi Thuỳ Linh, người ta hay nhắc đến Phan Huyền Thư. Đây có phải là tác giả thơ đã có một lối đi riêng như nhiều nhà phê bình nhận xét, thưa ông?
H.H: Tôi nghĩ đáng kể nhất của thơ Phan Huyền Thư là những bài chắt lọc, suy ngẫm nhưng không phải xuất phát từ bản năng. Tuy nhiên, trong cách dùng chữ của thơ Thư, vẫn thấy dấu ấn mô phỏng của Lê Đạt. Và cái mà nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn rất hay đề cao về một giọng điệu mang tính tự giễu cợt, không nặng về giãi bày tình cảm của thơ cô ấy lại chưa thể thành một phong cách. Điều đó, chỉ thấy rõ ở một số bài mà thôi.

L.M.Y: Trước đây, ông cũng đã từng nhận xét về thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nhà thơ trẻ này vừa có một tập thơ mang tên "Chất trụ", ông có đọc chăng?
H.H: Có thể nói, Nguyễn Hữu Hồng Minh là một người làm thơ trẻ đang vận động. Nếu ở những tập thơ trước, Minh hay ảnh hưởng người này, người kia thì ở tập này đã thấy một sự rõ ràng. Đó là sự xác lập một giọng điệu, một tư duy mới. Tuy nhiên, không hiểu sao trong tập thơ "Chất trụ" mới ấy, lại vẫn thấy chia 2 phần, và một phần thì mới còn phần kia vẫn là tập hợp các bài thơ có ảnh hưởng của người khác. Ví dụ bài thơ Minh đề tặng tôi chẳng hạn.

L.M.Y: Ngoài những tác giả trên, còn có người làm thơ trẻ nào khiến ông quan tâm, thưa ông?
H.H: Vâng, nếu để mà liệt kê, thì tôi đã nói về mỗi người Văn Cầm Hải, tôi cho cũng là một người làm thơ trẻ có giọng điệu nhất quán. Tất nhiên, có rất nhiều người phê phán cho rằng thơ Hải là một sự bắt chước siêu thực không phải là không có lý. Có nhiều bài thơ, anh ta viết rất hiệu quả bởi đấy là một sự kết nối tình cờ, nhưng cũng có nhiều bài không thực, chắp nối một cách cố tình.

L.M.Y: Quả là ý kiến về những người làm thơ trẻ mỗi ý kiến mỗi khác. Nhưng theo những nhận xét trên của ông, cũng có thể hiểu là các nhà thơ trẻ đã chưa tự vạch ra được cho mình một con đường đủ sức thuyết phục, thưa ông?
H.H: Đúng vậy. Tôi nghĩ là cũng không nên đòi hỏi yêu cầu cao ở các lớp trẻ, bởi vì có rất nhiều lý do hạn chế họ. Điều này, tôi đã từng nói rõ trong một cuộc trò chuyện văn chương. Mong rằng, lớp trẻ sẽ dần dần tự khẳng định mình hơn bằng sự học hỏi và bứt phá, chớ không phải chỉ là lặp lại. Tôi tin là sẽ có những người hình thành phong cách và đi được xa.
L.M.Y: Xin cảm ơn nhà thơ!

H.N 11.2002
LÊ MỸ Ý thực hiện
(168/02-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chỗ khác nhau (04/05/2009)