Tạp chí Sông Hương - Số 169 (tháng 3)
Cuộc đời và âm nhạc cách mạng
09:42 | 07/05/2009
NGUYỄN THANH TÚNăm ngoái, tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Thái Quý khi ông đang bận rộn chỉ đạo "đoàn thành phố Huế" trước giờ ra sân khấu tham gia hội diễn ca múa nhạc công - nông - binh - trí thức do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại nhà hát Trung tâm Văn hoá.

Sau cái bắt tay thân mật có phần vội vã, và như đã hiểu sự ngỡ ngàng trong tôi nên ông giải thích ngay: "Tớ đã nghỉ hưu mấy năm nay, và cậu thấy đấy, tớ lại quay về Huế để dạy thêm ở trường Đại học Nghệ thuật, vừa xây dựng một số chương trình văn nghệ quần chúng (VNQC) ở cơ sở". Nhìn ông vẫn còn cường tráng, khoẻ mạnh như ngày nào cách đây hơn chục năm, tôi rất mừng cho ông. Quả thật bây giờ gặp lại, tôi như có cơ may để hiểu thêm một phần cống hiến lớn lao của người nhạc sỹ này đối với nền âm nhạc cách mạng.

Nhạc sỹ Thái Quý quê ở Nghệ An. Mảnh đất "địa linh nhân kiệt" ấy sinh ra ông và hình như cũng đã thấm vào ông cái chất lãng mạn từ thuở bé. Những năm học ở trường làng, ông đã sớm say mê "thơ ca nhạc hoạ" - những điều mà người nhà nông ai cũng ít quen, ít biết... Rồi như là cơ duyên, ông được tuyển vào Đoàn Văn công Sư đoàn 320 và trở thành ca sỹ trong quân đội từ ngày đầu năm 1953. Đến năm 1957, con đường ca hát như đã rộng mở hơn khi ông được nhập học Trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Những người cùng lứa ở khoá học 2 năm đó, sau này một số đã thành danh như các nhạc sỹ Vũ Tự Lân, Trần Chất, Thuận Yến, Nguyên Nhung... Phần ông, sau ngày ra trường về công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 3, giới âm nhạc đương thời khắp miền Bắc hẳn đã biết đến một tác giả Thái Quý sau khi ca khúc "Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc" ra đời. Tác phẩm đầu tay của ông lúc đó bây giờ nhắc lại, ánh mắt người nhạc sỹ đã đến tuổi "cổ lai hy" này còn long lanh niềm vui sướng bởi âm vang của nó. Có lẽ trong cuộc đời sáng tác của nhạc sỹ Thái Quý, bài hát ấy vừa làm cho ông hạnh phúc, vừa là dấu chấm hỏi thiếu đồng cảm từ phía một số người kỳ thị tài năng. Nhưng bởi có giá trị âm nhạc đích thực, "Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc" vẫn lan xa rất nhanh, được công chúng mến mộ cho đến bây giờ! Và bài hát đó, chính ông là người đầu tiên thể hiện thành công trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1958.

Như bắt nhịp được với "nghề sáng tác", Thái Quý lúc đó đã viết rất nhiều bài hát phục vụ thiết thực trong Quân đội và quần chúng lao động, mà tiêu biểu là một số ca khúc còn sống mãi với thời gian như: Da em đen để má em hồng, Mùa xuân trên thao trường, Quảng Bình đánh rất hay, Nữ du kích Trị Thiên đánh xe tăng... Ông tâm sự: "Hình như thời gian đó, cái chất thơ chất nhạc của thuở học trò mới thực sự hoà quyện với nhau, thực sự được đánh thức trong con người mình để rồi ra đời một sản phẩm mới: đó là những ca khúc âm nhạc". Thế rồi, ông lại tạm chia tay với nghề ca sỹ ở Đoàn Văn công Quân khu 3 để theo học tại Nhạc viện Hà Nội vào mùa hè năm 1968. Sau quãng thời gian 4 năm "dùi mài kinh sử", Đoàn Văn công Quân khu 4 đã đón ông như một người con quê hương xứ Nghệ sau bao năm "phiêu lãng" trở về! Và tại đây, cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông đã thật sự sang trang mới. Ngoài sáng tác những ca khúc, nhạc sỹ Thái Quý chủ yếu dày công vào việc sáng tạo những hợp xướng, nhạc múa... Trong thời gian công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 4, cùng với các nhạc sỹ Huy Du, Nguyên Nhung... nhạc sỹ Thái Quý đã để lại cho đoàn văn công quân đội miền Trung này nhiều tác phẩm âm nhạc đồ sộ, thật sự có giá trị nghệ thuật.

Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua rất nhanh trong cuộc đời quân ngũ, những tìm tòi, sáng tạo, cống hiến... đã cho ông những kinh nghiệm quý báu và ước muốn về một "mảnh đất" để thể hiện khả năng.Vì vậy, nhạc sỹ Thái Quý lại một lần nữa chuyển sang môi trường mới, đó là công tác giảng dạy tại khoa sáng tác lý luận Trường Âm nhạc Huế vào năm 1980. Cũng chính từ thời gian này ông đã có điều kiện tiếp xúc với phong trào quần chúng. Và, những mô hình văn nghệ cơ sở mang tính chuyên nghiệp đã theo người nhạc sỹ tài hoa này lần lượt ra đời.

Rồi những ngày sôi động, đầy kỷ niệm trên đất Huế với ông cũng trôi qua rất nhanh. Chia tỉnh, ông lại "khăn gói" lên đường ra Quảng Bình (quê hương thứ hai của ông) với nhiệm vụ Trưởng đoàn ca múa nhạc của tỉnh. Với ông đó là mảnh đất đầy kỷ niệm về một thời trai trẻ... Có lẽ bởi những cảm xúc dồi dào ấy, nhiều bài hát mới lạ ra đời như: Nhật Lệ chiều, Chia tay phố nhỏ, Qua Đèo Ngang... đã đánh dấu đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác ca khúc của người nhạc sỹ lãng tử này.

Phải! Đó là những thành công của một đời tìm kiếm, thử nghiệm và cả sự đánh đổi của người nghệ sỹ trước những hoàn cảnh, thử thách... Để cho đến hôm nay, thời gian đã trải qua hơn 40 năm sáng tác. Những hợp xướng hoành tráng, nhiều nhạc múa uyển chuyển và cả từng ca khúc trữ tình thấm đậm tình người... đâu đó, cứ âm vang lên trên các sân khấu chuyên nghiệp, phong trào ca hát VNQC như là sự minh chứng cho một niềm đam mê, khao khát từ thuở nhỏ trong trái tim ông. Và, cái tên nhạc sỹ Thái Quý cũng được người đời mến mộ cùng với những dòng chảy âm thanh ấy...

Huế, trung tuần tháng Chạp năm Nhâm Ngọ
N.T.T
(169/03-03)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng