Tạp chí Sông Hương - Số 197 (tháng 7)
Sân khấu thế kỷ 21 sẽ đi đến đâu?
09:56 | 17/03/2009
HỒ NGỌCTrong đời sống, nhiều khi vì quá quen thuộc với một sự kiện, một hiện tượng nào đó, ta thường ít để ý đến nó, hơn thế nữa càng không có yêu cầu nhìn lại để xem nó có những điểm nào không còn thích hợp, cần có sự thay đổi... Sân khấu chúng ta hiện cũng có tình trạng tương tự.
Sân khấu thế kỷ 21 sẽ đi đến đâu?

Từ lâu, chúng ta vẫn nêu cao khẩu hiệu, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu: "Xây dựng một nền sân khấu tiên tiến...". Thế nhưng, đã có lúc nào chúng ta thực sự tìm hiểu, lý giải một cách chính xác, cụ thể về nội hàm của khẩu hiệu đó, cũng như đi sâu nghiên cứu để hoạch định ra một lộ trình thực hiện mục tiêu đó, bằng những chương trình, kế hoạch cùng những biện pháp cụ thể để có thể biến nó thành hiện thực? Tình trạng ì ạch, lúng túng của sân khấu hôm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng, có tính chiến lược, đồng thời cũng là một nguyên nhân có tính phổ biến ở xã hội ta. Đó là thói quen thích đề ra những khẩu hiệu rất kêu, những mục tiêu to tát, lý tưởng, nhưng lại không tính đếm gì đến hiện thực khách quan, càng không tạo ra những điều kiện cần và đủ có thể thực hiện mục tiêu đó. Nói gọn lại, đó là cái bệnh "nói nhiều, làm ít", "nói thì hay, làm thì dở"...

Làm sao có thể có một nền sân khấu tiên tiến khi mà trên mọi phương diện, sân khấu chúng ta đều thiếu hụt đủ thứ? Nhìn vào lực lượng làm nghề, từ lâu chúng ta đã báo động tình trạng thiếu hụt các tài năng trẻ - những người có trách nhiệm chủ yếu trong việc xây dựng nền sân khấu tương lai. Từ nhiều năm nay, mặc dù các trường sân khấu đã đào tạo ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên trẻ, nhưng kết quả ra sao thì tất cả chúng ta đều đã rõ. Điển hình nổi bật gần đây nhất là trong Hội diễn sân khấu kịch nói vừa qua, những gương mặt diễn viên lâu năm trong nghề vẫn chiếm các vị trí chủ chốt trong hầu hết các vở diễn, trong đó nhiều người tuổi tác khá cao vẫn phải "cưa sừng làm nghé"... Lác đác cũng có một vài gương mặt trẻ sáng giá, nhưng chỉ là một con số nhỏ nhoi không đáng kể. Với con số trên dưới một trăm đoàn nghệ thuật trong cả nước, hàng năm sân khấu cần dựng mới hàng trăm vở diễn, nhưng lực lượng đạo diễn chủ yếu vẫn phải trông cậy vào một số rất ít tên tuổi quá quen thuộc... Số đạo diễn trẻ ra trường từ nhiều năm nay khó có thể chen chân, trừ một vài người may mắn là Trưởng đoàn... Lực lượng tác giả tuy đông, nhưng số người thực sự có vở được dàn dựng cũng không nhiều. Phần lớn cũng đã đứng tuổi. Các cây bút trẻ cũng có xuất hiện lẻ tẻ, nhưng vẫn còn ở dạng "nghiệp dư", thiếu hẳn một quá trình đào tạo cơ bản. Họ có thể có năng khiếu, nhưng lại thiếu hụt về kiến thức sân khấu, về vốn sống cũng như nghề nghiệp... Làm sao có thể hy vọng có được một nền sân khấu tiên tiến khi lực lượng sáng tạo chủ chốt quá thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng, ngay cả khi chỉ để tạo ra một số tác phẩm tương đối có chất lượng nghệ thuật, phục vụ được yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hôm nay chứ chưa nói gì đến ngày mai?

Nghệ thuật sân khấu nhất thiết phải có một sàn diễn với những phương tiện, kỹ thuật nhất định để tạo ra một môi trường sáng tạo có hiệu quả nghe nhìn cao. Một nền sân khấu tiên tiến lại càng không thể thiếu được điều đó. Thế mà cả nửa thế kỷ nay, các nhà hát, các rạp hát của chúng ta vẫn chẳng có một sự đổi mới nào cả. Vẫn nguyên xi thứ sân khấu hộp cũ kỹ. Vẫn những phông màn, bục bệ làm bằng hai chất liệu nghèo nàn: gỗ và vải, trong khi đó trên thế giới, người ta đã có từ lâu hàng chục chất liệu tạo hình hiện đại. Cũng có đôi chút trang thiết bị mới khá hơn trước, như một số đèn có công suất cao, như dàn micro không dây thay cho những "đùm mắm tôm" trước đây ở miền Bắc, những "cục gạch" bay tứ tung trên sân khấu miền Nam, và một vài thiết bị kỹ thuật đơn giản, như máy phun khói, mà ở Hội diễn Kịch nói Hải Phòng vừa qua, Ban giaëm khảo và khán giả ngồi sát sân khấu đã nhiều phen muốn tắc thở vì bị ngợp khói .

Từ thế kỷ trước, các Nhà hát của nhiều nước trên thế giới đã có những đổi mới dữ dội với các trang thiết bị hiện đại. Từ lâu, kỹ thuật số đã được đưa vào hệ thống điều khiển ánh sáng, tiếng động, âm nhạc... tạo ra những hiệu quả vừa chính xác, vừa có tính nghệ thuật cao. Sàn diễn với các thiết bị, máy móc hiện đại cho phép người đạo diễn tha hồ sáng tạo các không gian khác nhau tuỳ theo yêu cầu nghệ thuật của từng vở diễn, vừa mới lạ, vừa hấp dẫn. Sân khấu quay đã trở thành lỗi thời từ nhiều năm nay, nhưng ở ta không biết đến bao giờ mới có. Nói cho phải cũng có hai rạp có thiết kế loại sân khấu này (Cung hữu nghị Việt Xô, Hà Nội và Nhà hát Hoà Bình, TP.HCM), nhưng nó chưa bao giờ được sử dụng, có lẽ vì phải sợ tốn tiền điện khi phải vận hành? Nói gì đến các loại máy móc hiện đại khác. Vừa qua, ở Hội diễn kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Tuổi trẻ trong vở Ngoại phạm, đã sử dụng một động cơ điện để kéo một bộ phận trang trí lên cao, tạo thành một con thuyền bồng bềnh cách mặt sàn sân khấu khoảng vài ba mét. Máy móc, kỹ thuật cũng đơn giản, nhưng phòng khán giả vẫn ồn lên vì kinh ngạc và thán phục, vì sân khấu ta chưa bao giờ làm được điều đó. Và Nhà hát cũng đã phải chi một số tiền không nhỏ mà không phải đơn vị sân khấu nào cũng dám bỏ ra để làm những công việc tương tự... Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta vẫn không thể không so sánh. Chẳng hạn, mấy năm qua, ngành thể dục thể thao đã xây dựng không biết bao nhiêu công trình mới với các trang thiết bị hiện đại dành cho các cuộc thi đấu thể thao, từ Trung ương cho đến cácTỉnh, Thành phố (nhiều nơi có tới hai, ba công trình). Còn ngành văn hoá thì sao? Đã có một Nhà hát hiện đại nào được xây dựng mới trong cả nước chưa? Hay niềm tự hào của chúng ta vẫn chỉ dựa vào cái Nhà hát lớn Hà Nội của thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ trước? Mà về mặt sàn diễn, nó cũng đã lạc hậu khá xa so với thiên hạ rồi. Hơn thế nữa, đối với các đoàn nghệ thuật sân khấu chúng ta, mấy ai đã dám bước vào đó để diễn, nếu không kiếm được nhà tài trợ hoặc nếu không đúng vào dịp hội hè, lễ lạt? Chỉ vì một lẽ đơn giản, số tiền thuê Rạp quá cao" !

Một nền sân khấu nghèo nàn về kính phí hoạt động thì làm sao có thể yêu cầu cao, lại càng không thể đòi hỏi nó phải "tiên tiến"? Hãy thử so sánh kinh phí dành cho một vở diễn hôm nay của các Đoàn nói chung (chỉ vài chục triệu cho tới không quá một trăm triệu)  với số tiền đầu tư cho một Live shoow của một ngôi sao nhạc trẻ như Mỹ Tâm chẳng hạn (một tỷ rưỡi cho một đêm diễn), ta sẽ thấy vừa tủi thân, vừa xấu hổ. Đó là chưa kể số tiền đó đâu có được sử dụng hết cho việc dàn dựng. Từ nơi cấp kinh phí đến tay chúng ta, chúng đã rơi vãi khá nhiều trên dọc đường! Lại phải làm một sự so sánh với sân khấu nước ngoài để thấy sự lạc hậu về mặt tiền nong của sân khấu chúng ta. Chẳng hạn, ở Trung Quốc khi dựng vở "Công chúa Turanđốt" dưới hình thức dân tộc, do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, người ta đã dám đầu tư cả triệu đô-la... Còn ở Mỹ, một vở Nhạc kịch trung bình cũng tốn kém tiền triệu (tất nhiên không phải là tiền triệu Việt ). Tất nhiên, tiền không phải là tất cả, càng không phải cứ có nhiều tiền là làm ra được tác phẩm hay. Thế nhưng với số tiền đầu tư quá nghèo nàn, thì cũng không nên đòi hỏi nhiều, càng không nên đề ra những mục tiêu cao xa, không thể thực hiện được. Bằng vào kinh nghiệm làm sân khấu gần nửa thế kỷ nay, cộng với sự theo dõi quan sát tình hình sân khấu trên thế giới, tôi có thể khẳng định rằng, một nền sân khấu tiền ít không bao giờ có thể trở thành một nền sân khấu tiên tiến được.

Đến đây, chắc chắn có bạn sẽ hỏi: một nền sân khấu tiên tiến đâu phải chỉ dừng lại ở chuyện con người, chuyện tiền nong, chuyện cơ sở vật chất, kỹ thuật; nói chung là ở khâu hình thức? Còn vấn đề nội dung nữa chứ?
Vâng! Đúng thế! Nói đến một nền nghệ thuật tiên tiến không thể không đề cập đến vấn đề nội dung của nó. Về phương diện này, có lẽ trong chúng ta không ai có thể phủ nhận những cố gắng của chúng ta trong nhiều năm qua. Thế nhưng, nếu nhìn thẳng vào sự thật thì chúng ta cũng đành phải thừa nhận rằng sân khấu chúng ta lúc này đây vẫn đang còn lạc hậu khá xa so với thời đại. Nói cho phải, ở thế kỷ trước, cũng có một dạo sân khấu đã làm được công việc "đầu tầu" trong việc phản ánh những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của xã hội, với những vở diễn như: Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Bộ ba : Bài ca giữ nước.... Thế nhưng, tất cả đều đã trở thành dĩ vãng. Sân khấu hôm nay, những năm đầu của thế kỷ 21, đã có những đột phá gì mới mẻ, đáng nể trọng? Cuộc đời ngoài kia ngổn ngang, bộn bề bao nhiêu vấn đề dữ dội, với những biến động từng ngày từng giờ trên mọi lĩnh vực... Con người Việt hôm nay đã có những chuyển động hoàn toàn khác trước về mặt nhận thức tư tưởng, tình cảm, thể hiện trong cách sống, cách làm việc, cách suy nghĩ... Trong một xã hội cởi mở, với nhiều kênh thông tin tự do hơn, phức tạp hơn, với sự phong phú và sâu sắc của các tác phẩm nghệ thuật hiện đại của thế giới tràn ngập trong đời sống tinh thần..., sân khấu chúng ta vẫn chỉ loanh quanh trong một số đề tài hạn hẹp, vất vả với một số vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", luẩn quẩn với những nhân vật quen thuộc dưới dạng những khái niệm khô khan, hoặc công thức cứng nhắc... mà hậu quả của nó là sự lạnh nhạt của khán giả đối với sân khấu ngày càng gia tăng, là điều mà chúng ta rất đau lòng nhưng không phải có thể khắc phục một sớm một chiều.

Ở đây có phần trách nhiệm của những người làm sân khấu, nhưng then chốt quan trọng hơn để có thể tháo gỡ tình trạng đáng buồn này lại nằm ngoài phạm vi và khả năng giải quyết của anh chị em nghệ sĩ chúng ta. Đó là cái cơ chế lãnh đạo và quản lý nghệ thuật của Nhà nước quá cũ kỹ, lạc hậu trong điều kiện xã hội đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường. Chẳng hạn, vào những năm 70 của thế kỷ trước, sân khấu chúng ta đã phải đấu tranh mãi mới xoá bỏ được chế độ duyệt kịch bản trước khi dàn dựng và thay thế chế độ Hội đồng duyệt có quyền sinh quyền sát bằng Hội đồng nghệ thuật chỉ làm nhiệm vụ đóng góp ý kiến trước khi vỡ diễn ra mắt khán giả...Vậy mà, mấy chục năm sau, bước sang thế kỷ 21 rồi, mọi chuyện lại quay trở lại  y nguyên như cũ. Đáng buồn hơn nữa, ở một số nơi, trong Hội đồng duyệt vở lại có thêm cả một ông công an và một bà tài chính... Điều này, mỉa mai thay, lại đã được một vị quan chức Bộ văn hoá khẳng định trên báo chí là cần thiết! Chả trách đã có không biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt trong việc duỵệt vở, mà người hứng chịu mọi đau khổ lại chính là anh chị em nghệ sĩ chúng ta. Đó mới chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự bất hợp lý, phi nghệ thuật của cái cơ chế quản lý sân khấu hiện nay, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sân khấu cứ ì ạch, dẫm chân tại chỗ, nói gì đến chuyện trở thành một nền sân khấu tiên tiến.

Thế giới hôm nay là một thế giới giao lưu, hội nhập. Không còn cái tình trạng "ở nhà nhất mẹ, nhì con” "đóng cửa khen nhau"... như trước nữa. Chỉ với những nội dung hạn hẹp trong một số đề tài, một số vấn đề hạn chế, sân khấu lạc hậu ngay cả với khán giả trong nước, thì làm sao có thể vỗ ngực, tự xưng là "tiên tiến" với thiên hạ được. Chả nhẽ lại chỉ "tiên tiến" với chính mình? Một nền nghệ thuật tiên tiến là một nền nghệ thuật đứng ở hàng đầu trong công cuộc đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng, cho sự tiến bộ của nhân loại. Nền nghệ thuật đó cũng không ngại đối diện với những thế lực đen tối, với cái ác, cái xấu đang huỷ hoại những giá trị vật chất và tinh thần của cuộc sống... Sân khấu của chúng ta những năm qua cũng đã có một số vở đã mạnh dạn "tuyên chiến" với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở tính chất chạy theo thời sự, theo kiểu sau vụ Năm Cam ngoài đời thì sân khấu lập tức có ngay kịch diễn về Sáu Quýt mà thôi. Tính tiên phong, tính dự báo, tính phát hiện và khái quát một cách sâu sắc những vấn đề của cuộc sống, với những giá trị, những ý nghĩa nhân bản, có tính nhân loại, tính toàn cầu là điều sân khấu chúng ta hầu như thiếu vắng hẳn. Cũng phải thôi! Bởi một lẽ chỉ mới sơ sơ đụng đến một số vấn đề tiêu cực ở các cấp phó (phó giám đốc, phó chủ tịch, v.v...), mà lại chỉ mới là cấp phó ở Huyện, ở Tỉnh thôi, nhiều vở diễn của chúng ta cũng đã phải sửa đi, sửa lại nhiều lần, phải cắt bỏ nhiều chi tiết tâm huyết của người viết, người dựng, mới được phép công diễn. Ở đây có vấn đề thuộc phạm vi nhận thức và quan niệm về nghệ thuật quá lạc hậu, quá cũ kỹ, quá chật hẹp... của những người có trách nhiệm "cầm cân, nảy mực"... Làm sao chúng ta có thể vượt ra cái hàng rào cản trở sự tiến bộ của nghệ thuật khi mà quyền sinh quyền sát lại ở trong tay người khác, những người chỉ lo an toàn cho cái ghế ngồi hơn là lo cho sự phát triển của sân khấu!

Còn có thể nêu ra ở đây nhiều vấn đề về nhiều phương diện khác nữa để thấy rằng cái khẩu hiệu, cái mục tiêu "xây dựng một nền sân khấu tiên tiến" sẽ chỉ là không tưởng, nếu ngay từ hôm nay, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước không thực sự nghiêm túc xem xét lại một cách toàn diện cái cơ chế quản lý và vận hành bộ máy nghệ thuật để có thể có một chương trình hành động dài hơi, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật phát triển mạnh mẽ. Bản tham luận này không dám có tham vọng gì nhiều, chỉ mong dóng lên một tiếng chuông báo động mà thôi! Nó có đến tai các vị có trách nhiệm ở trên cao hay không là còn tuỳ ở chỗ các vị đó có chịu nghe, có muốn nghe những lời nói thẳng nói thật, có dám nhìn thẳng vào sự thật hay không? Hay các vị vẫn thích nghe những thành tích dỏm, để rồi lại tiếp tục đề ra những khẩu hiệu, những yêu cầu không tưởng? Và như vậy thì sân khấu chúng ta có đến thế kỷ 22 cũng khó mà đạt được mục tiêu là "một nền sân khấu tiên tiến" !
H.N
(197/07-05)

Các bài mới
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Đi tìm anh (18/03/2009)
Các bài đã đăng