Tạp chí Sông Hương - Số 197 (tháng 7)
Chú bé mục đồng
16:33 | 17/03/2009
KÔNXTANTIN PAUXTÔPXKI Mùa Thu. Những hạt sương mai tháng Chín lạnh giá, mọng nước rơi tung tóe từ những tán lá trên cao xuống và bắn cả vào người tôi. Sương từ các nhành cây nhỏ giọt xuống mặt nước sông đen thẫm, tạo thành những vòng tròn và chậm rãi lan ra xung quanh.
Chú  bé  mục  đồng

Người tôi ướt sũng và tôi đốt một đống lửa. Từng làn khói mỏng mảnh bốc lên tận những ngọn cây thông và diệp lục tùng cao vút. Loài diệp lục tùng đang thời kì rụng lá. Những chiếc lá hình kim thanh, mảnh như những sợi tóc ngắn màu vàng óng ánh lác đác không ngừng rơi xuống kể cả những khi gió lặng. Trên một cây diệp lục tùng gần đống lửa có con chim nào đó đang cắn lá nghe tanh tách, dường như nó là thợ cắt tóc ở khu rừng này. Với chiếc mỏ nhọn, sắc, con chim cần mẫn tỉa những chiếc lá hình kim và rắc đầy lên mặt sông, lên đống lửa và lên cả đầu tôi.
Vừa ngồi sưởi tôi vừa ngắm dòng sông chảy. Những đụn lá vàng nổi bồng bềnh trên sông nom như những hòn đảo nhỏ di động. Dòng nước xô đẩy, gom chúng lại ở những nơi có gốc cây cong queo chìa ra.
Những đụn lá đầy lên, xoay xoay, đổi hướng và thoát ra khỏi những mấu bám của gốc cây, tiếp tục cuộc hành trình về xuôi. Từ phía xa những đám lá khác lại trôi đến và cứ như thế, liên tục. Khi đi vào bóng râm của những lùm cây ven bờ phủ xuống, đám lá vàng chuyển sang màu hồng thẫm, tựa như vàng khi tắt ánh mặt trời thì vẽ sáng đẹp rực rở không còn nữa và bị đổi màu.

Nơi đây, dòng sông còn lưu lại dấu tích của những trận chiến đấu chống quân Đức - đó là những bãi đổ quân và những chiếc bè kết bằng gỗ cây trăn đang nằm lăn lóc trên các bãi cạn.   
Mấy khóm cây cạnh đống lửa bắt đầu nổ lép bép. Bỗng từ trong bụi cây nhô ra một cái mõm bò ướt nhẫy. Con bò ngửi thấy mùi củi cháy và dường như cuộc nghỉ ngơi vụng trộm của nó giữa lùm cây đang bị đánh động. Nó ngúc ngoắc cái đầu trắng pha những đốm đen về phía tôi như ra vẻ chào hỏi. Cùng lúc đó, ngay bên cạnh, bỗng có tiếng cành cây gãy rắc, nghe khô gọn và đanh như một phát súng. Tiếp theo có tiếng roi vun vút và tiếng người nào đó gọi vang lên:
- Paraxca, mày trốn đi đâu rồi hở con trời đánh thánh vật?
Con bò nghe tiếng chủ réo, luống cuống đạp gãy bụi cây, nhảy phóc ra và chỉ sau một loáng lại mất hút.

Cậu bé chăn bò từ trong khóm cây bước ra. Đó là một cậu bé chăn bò bình thường mà ta có thể gặp ở bất cứ làng quê nào. Cậu bé vóc người nhỏ nhắn, tóc trắng, đội chiếc mũ lưởi trai rộng quá cỡ, mặc chiếc áo bông cũ kĩ đã sờn rách, một tay kéo lê cái roi lùa bò trên cỏ ướt. Cậu bé đang thò lò mũi và liền đưa ống tay áo lòng thòng gần sát đất lên quẹt mũi. Khi đến gần tôi, cậu bé cất tiếng, giọng khàn khàn:
- Xin chào bác ! Hôm nay sương đậm như xối nước. Vất vã quá.
- Cháu lại đây sưởi cho ấm ! - Tôi giục cậu bé.
- Bác đi du lịch, có phải không ạ ?
- Cứ cho là thế đi. - Tôi trả lời.
- Cháu tên là Alêchxây Kuđưskin - thợ chăn bò, - cậu bé nói. Cháu làm việc thay bố, vì bố cháu đang chiến đấu ngoài mặt trận. Đúng ra là cháu được đi chăn ngựa, nhưng bác chủ tịch nông trang không cho. Bác ấy bảo cháu còn nhỏ nên đã chỉ định thằng Lenca làm việc này. Thằng Lenca là cái quái gì, thế nào rồi cháu cũng bụp cho nó một trận, cháu nhất định thắng. Người đàn ông có sức mạnh hay không là thể hiện ở đôi vai. Mà vai của nó thì hẹp như vai con dê đực ấy.

Cậu bé im lặng sau đó bất ngờ hỏi tôi :
- Bác đã nhìn thấy sông Mitxixipi ở bên Mỹ bao giờ chưa ?
- Bác chưa thấy, nhưng mà sao ?
- Ước gì cháu được nhìn thấy con sông ấy một lần cho biết. Người ta nói rằng nó dài và rộng hơn sông Vonga. Thế bác đã có lần nào đến Xtalingrat chưa ?
- Bác đã đến rồi.
Cậu bé mỉm cười.
- Bố cháu đã bị thương trong khi chiến đấu bảo vệ Xtalingrat và được thưởng Huân chương. Trước chiến tranh bố cháu là thợ chăn nuôi gia súc ở vùng này.
- Do đâu mà cháu biết có sông Mitxixipi ? - Tôi hỏi.
- Dạ, ở trường học và bố cháu kể. Bố cháu cái gì cũng biết, thậm chí biết rõ từng ngọn cỏ. Bố cháu giải thích tại sao con sông này mang tên như thế, nó chảy qua những miền nào,nó đem lại nguồn lợi gì và gây tác hại ra sao...Bố cháu còn kể về Đất nước ta và những quốc gia khác trên thế giới. Còn nữa, ở sâu trong lòng đất có những mỏ kim cương rất lớn. Muốn khai thác được chúng phải dùng rất nhiều máy móc đào bới, phải đến cả 100 năm. Có phải thế không bác ?
- Bác cũng không được rõ lắm, - Bác chưa nghe nói có những mỏ kim cương lớn như thế bao giờ.
- Bố cháu đã nghe như vậy . Tuy bố cháu không phải là một nhà du lịch nhưng lại biết rất rõ về du lịch. Thế bác có biết chuyện những chiếc vỏ chai không ?
- Cháu muốn nói đến những chiếc vỏ chai nào ?
- Chiếc vỏ chai bưu điện ấy !
- Không, bác chưa được biết.

Thế thì bây giờ cháu sẽ giải thích cho bác rõ : Có một người đi du lịch, anh ta đang ở trên một con tàu bơi trong Đại dương. Trên tàu tất nhiên là có các thủy thủ. Họ không muốn đi nên họ làm loạn. Ở nhà họ có vợ con, ăn uống, sinh hoạt tốt. Buổi tối có thể sang nhà hàng xóm chơi saski để giết thời gian. Còn ở đây chẳng có quái gì cả ngoài nóng bức và nước biển. Và thế là họ nổi loạn. Họ đưa người du lịch xuống một chiếc thuyền nhỏ và đẩy anh ta ra giữa Đại dương mênh mông. Sóng gió Đại dương ném người du lịch này lên một hòn đảo hoang vu. Thế bác đã nhìn thấy đảo hoang bao giờ chưa ?
- Bác chưa thấy, - Tôi trả lời.
- Ở ngay đây, trong vùng cháu có khối. Những đảo này như những hòn cù lao giữa sông ấy, - cậu bé nói, ánh mắt sáng lên vẻ khoái chí và nét mặt ửng đỏ vì xúc động. Trên mỗi hòn đảo như thế có một con rái cá  sống.

Cậu bé kể tiếp: Sóng biển đẩy người du lịch lên một hòn đảo hoang. Ở đó quanh năm suốt tháng chỉ có tiếng lá cọ xào xạc. Bầy vẹt bay đi bay lại và lũ quạ lúc nào cũng kêu quang quác. Người du lịch tìm thấy trong thuyền có một cái vỏ chai. Anh ta viết một mẩu giấy kể lại việc bị ném lên đảo hoang, cho vào chai, nút kín lại và quẳng ra biển. Sẽ có một chiếc tàu nào đó thấy và nhặt được. Qua làn sóng vô tuyến người ta thông báo rằng, người du lịch đang gặp nạn và anh ta sẽ được cứu. Sau đó tòa án xét xử bọn thủy thủ.
- Vì hành vi nổi loạn ư ?
- Và cả vì hành động vô đạo đức nữa !
- Aliôsa! - Có một giọng phụ nữ tức giận vang lên từ phía xa, - Mày mất mặt đi đâu mà để con bò điên này vào xéo nát cả vườn cải bắp hả ?
- Con đang ở đây,- cậu bé kêu lên,- con sẽ đến lùa nó đi ngay.
Nói đoạn, cậu bé đứng dậy, khép lại vạt áo bông  và nói :
- Con bò này quái lắm bác ạ, chỉ thích đi ăn lẻ. Thôi, cháu xin tạm biệt bác đây.
Cậu bé băng  qua bụi cây. Tôi nghe rõ tiếng roi vun vút và tiếng làu bàu từ phía xa: “ Ai cho mày mò ra đây, hở con quỷ !”, và tiếng con bò rống lên, khuất phục.

Tôi dập tắt lửa và đi xuống dọc bờ sông. Qua mỗi bước đi con sông dường như chứa thêm những điều bí ẩn mới và cũng có thêm những vẻ đẹp ngọan mục. Có những đoạn bờ sông dốc đứng trông như những bức tường màu xám. Những lùm cây thấp có rất nhiều nấm hoàn diệp liễu. Trên những cây hoàn diệp liễu đứng độc lập có những cây húp lông rủ lòng thòng, tựa hồ như ai đó mang những tấm vải gai mới dăng ra phơi dưới ánh nắng mặt trời. Có một cây liễu rỗng ruột nằm vắt qua sông trông như một chiếc cầu, bên cạnh nó những chú cá Lơxicút thò đầu lên mặt nước hít thở. Dòng sông chảy vắt qua những cánh rừng Thu màu xanh, vàng sặc sỡ đan xen nhau tựa như sự trang điểm lễ hội long trọng của tự nhiên.
Hai bên bờ sông dòng nước cuốn theo đất cát bị xói lở mang xuống những vực sâu. Ngoài rìa của vũng nước xoáy có mấy khúc gỗ sồi không có hình dạng nhất định lăn đi lăn lại. Xa xa có một sườn đồi phủ đầy cây phong đỏ. Thấp thoáng trong rặng phong um tùm là ngôi nhà nguyện cũ kỹ với mái vòm đã rêu phong, han rỉ.

Mặt trời bắt đầu chạm những đỉnh núi phía xa. Tôi rảo bước theo con đường làng chạy dọc bờ sông. Lại một lần nữa thấy trên sông những chiếc bè kết bằng thảo mộc bỏ không, trông xa chúng tựa như những hòn đảo. Trên một chiếc bè gần nhất có một vật gì đó lấp loáng mờ mờ rất khó nhận diện. Dù đã cố gắng nhìn rất chăm chú nhưng tôi cũng không thể nào phân biệt được đó là ánh bóng loáng của một vỏ đồ hộp hay  của một mảnh thủy tinh bị vỡ. Tôi thận trọng lần theo khúc gỗ đi ra phía chiếc bè. Cúi xuống xem kỹ thì ra đó là một chiếc vỏ chai bia bình thường, quanh miệng chai có quấn mấy vòng dây bìm bìm. Tôi nhặt chiếc vỏ chai lên và chìa ra phía ánh sáng. Miệng chai nút kín bằng sáp. Bên trong có vật gì trăng trắng - đó là một bức thư được gấp thành hình tam giác. Tôi ghè vỡ miệng chai và lấy bức thư ra. Nhưng tôi đã không thể nào đọc nổi : Phần vì bức thư viết bằng bút chì đã phai màu, phần vì ánh hoàng hôn đang sẫm dần ; và tôi nghĩ cũng chẳng nên suy đoán những dòng chữ ngoằn ngoèo này làm gì. Hơn nữa tôi  đang rất vội ra ga cho kịp tàu trước lúc màn đêm buông xuống. Hơi lạnh bắt đầu phả ra từ các lùm cây rậm rạp hai bên đường. Ở những quãng rừng thưa chỉ còn vương lại chút ánh sáng lờ mờ. Trên cao những đám mây nhuộm sắc đỏ ráng chiều không còn nữa.

Tàu xuôi Matxcơva đến vào giữa đêm. Những toa tàu chật ních, đầy tiếng ồn ào và khói thuốc biểu thị sự ấm cúng như đang đối nghịch với những khu rừng hoang vắng, âm u, giá lạnh và đơn độc. Tôi gieo mình trên giường phía trên cạnh một ngọn đèn lồng và bắt đầu moi thư ra đọc. Bức thư quá cũ . Xét về thời gian thì nó nằm trong chai đã gần hai năm nay, và không hiểu tại sao lại được viết bằng một nét chữ rất to :
“ Bố yêu quý ! Con trai Alêchxây Kuđưskin viết thư  cho bố đây. Khi bố đang chiến đấu ngoài mặt trận thì mẹ và con sống ở nhà chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhà ta ai cũng mong ngày bố được trở về. Mẹ nhận làm chân chăn nuôi gia súc, còn con phụ thêm với mẹ. Nhưng con sẽ cố gắng để trở thành người chăn ngựa. Bởi chăn bò đối với con là một công việc tẻ nhạt, chỉ có mỗi việc trông chừng chúng thôi, ngoài ra chẳng được đi đâu để mở mang thêm điều gì mới cả. Ngồi trên lưng ngựa con có thể đi đây đi đó và làm gì tùy thích. Ở đàn bò chỉ có mỗi một con đường đi quá ư quen thuộc : ra đồng cỏ Gôrelưi rồi đến cánh rừng Mỉtrina mà thôi. Ở đó chắc bố không có điều kiện để ngắm nhìn mọi thứ. Con muốn nhìn thấy tất cả và muốn biết tất cả. Con muốn đến mặt trận Xtalingrat với bố trên một chiếc bè, nhưng mẹ không cho con đi. Với lại ai cũng bảo, muốn đến mặt trận phải có giấy phép. Bằng cách nào đó bố hãy cho con đến bên bố, con vác đạn hay làm bất cứ một việc gì đó nơi chiến trận. Con nhất định sẽ cố gắng làm được. Bố ơi ! Nếu như có chút thời gian rảnh hiếm hoi giữa hai trận đánh, bố hãy kể cho con đủ mọi chuyên linh tinh bố nhé. Bức thư này con gửi cho bố trong một cái chai, như là một người đi du lịch vậy. Bởi gửi qua đường bưu điện không có gì thú vị cả. Con sông quê hương ta sẽ hòa vào con sông mẹ Vonga bao la và cái chai thư của con sẽ xuôi theo dòng sông đến mặt trận Xitalingrat. Và chắc chắn sẽ có một người lính  nhặt được, đọc địa chỉ và sẽ chuyển đến cho bố  nếu như trên đường đi cái chai không bị vỡ  vì vướng phải thủy lôi hay bị những bánh xe quạt nước của tàu thủy quệt phải. Bọn trẻ con nói rằng, mặt trận Xtalingrat trải dài hơn 48 cây số, và trên mỗi bước đi đều có chiến sự xảy ra.

Con giấu cái thư trong chai là cũng không muốn cho mẹ đọc. Nhớ bố, mẹ khóc và trái tim mẹ quặn đau. mẹ không muốn con hay bà nhìn thấy những giọt lệ nhớ mong trong lòng  mẹ. Bố hãy biết như vậy. Cả nhà nhớ bố từng ngày và mong bố bình an, lành lặn trở về. Và cũng bởi trong nhà mình còn có con- con trai Alêchxây rất yêu bố nữa.
Anh Pêtka con nhà bác Mennhit cũng đã trở thành phi công rồi bố ạ. Mọi người nói rằng, có lần bay qua làng mình, anh ấy nghiêng cánh chào, chỉ có con là không nhìn thấy thôi. Ở vực sâu nơi khúc sông làng ta, lũ cá nước ngọt nép dưới khúc gỗ sồi sao mà khỏe thế, chúng đánh nhau suốt cả ngày đêm. Bên nhà ông thợ săn Pôpap đêm hôm qua có một con  cáo già ngốc nghếch ăn trộm một cái lồng, bên trong có một con vịt nhồi-nó bị nhầm. Ông già tức lắm chửi rủa suốt hai ngày liền. Bố hãy viết thư trả lời con nhé. Hôn bố”
           
Ở Matxcơva, tôi lâm vào một tình thế khó xử - sẽ giải quyết bức thư này thế nào đây? Địa chỉ của bố Aliôsa tất nhiên là đã thay đổi. Có lẽ phải nói khác đi một tý, cốt sao không để Aliôsa buồn. Bức thư đã được gửi trở lại cho cậu bé và có viết thêm vào một đoạn như sau : Tàu chỉ huy “KRAXNÔVÔTSK” của Hải quân ta đã vớt được cái chai thư trên biển Caspiên. Sau khi nghiên cứu người ta quyết định gửi bức thư theo địa chỉ ngược lại. Bởi vì những trận chiến đấu của quân ta ở mặt trận Xtalingrat đã kết thúc thắng lợi và người nhận thư đã rời chiến trường trong đoàn quân tiến về phía Tây giành thắng lợi cuối cùng.
   1944.
HÀ VĂN LÂM  dịch
(Theo bản Tiếng Nga “ Chú bé mục đồng” )

(197/07-05)

Các bài mới
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Đi tìm anh (18/03/2009)
Các bài đã đăng