Tạp chí Sông Hương - Số 198 (tháng 8)
Chủ nghĩa cổ điển mới, một trào lưu văn nghệ tiến bộ đương phát triển ở Mỹ
10:06 | 24/03/2009
HOÀNG NGỌC HIẾNWallace Stevens ví hành trình của những nghệ sĩ Tiên phong (hoặc Tiền vệ) của chủ nghĩa hiện đại những thập kỷ đầu thế kỷ XX như những cuộc phiêu lưu của những nhà thám hiểm núi lửa, họ đã đến núi lửa, “đã gửi về tấm bưu ảnh cuối cùng” và lúc này không có ước vọng gì hơn là trở về nhà.

Nhà văn Đức Hermann Hesse sau một thời gian đắm đuối với chủ nghĩa tượng trưng, với phân tâm học, với chủ nghĩa thần bí phương Đông, qua truyện ngụ ngôn Sói thảo nguyên, cũng nói đến tình cảm “nhớ nhà”: “Chúng ta còn vấp ngã lặn lội qua bao rác rưởi và xảo trá trước khi về đến nhà. Và chúng ta chẳng có ai dẫn đường. Người duy nhất hướng dẫn chúng ta là nỗi nhớ nhà”(1). Phải chăng “nhà” ở đây là chủ nghĩa cổ điển, “không phải như là một sở hữu chuyên biệt của châu Âu” mà như là một hằng số của văn học, nghệ thuật nhân loại, “một phép lạ đã từng xảy ra nhiều lần khắp thế giới trong những xã hội muôn vẻ”(2)

Cái “chủ nghĩa cổ điển mới” mà Paul Valéry ước vọng như một viễn cảnh cho sự phát triển của nghệ thuật trong tương lai, một viễn cảnh để tích hợp những thủ pháp cách tân sáng giá của chủ nghĩa hiện đại thì ngày nay đã trở thành một trào lưu văn học nghệ thuật đương phát triển mạnh mẽ ở Mỹ. Trào lưu thực tại này có “những đại diện kiệt xuất của toàn thể phong trào”, “hội tụ những phát triển song song trong kiến trúc, âm nhạc, điêu khắc, thi ca, quy hoạch đô thị...”, nó thâm nhập vào giới hàn lâm, đặc biệt trong những lớp viết văn, nó có những tạp chí, những trạm trên mạng, những quán cà phê cổ điển mới cho toàn cầu, “nơi đó các hoạ sĩ đủ loại có thể tìm ra nhau,...tranh luận, hợp tác, và chuẩn bị triển lãm, hội thảo và trình diễn”, nó có những khách sảnh cho công chúng có thể tới để tìm những gì là tinh hoa nhất trong các tác phẩm mới...” Trong khi cảnh tượng nghệ thuật đương đại đầy rẫy những “cái xấu”, cái “hỗn mang về đạo đức”, cái “ngu ngốc trí tuệ tội nghiệp” thì toàn phong trào chủ nghĩa cổ điển mới là “nỗi mong muốn quay trở về với lý tưởng của cái đẹp”, cái đẹp không tách rời cái đẹp đạo đức và cái đẹp trí tuệ. “Cái đẹp không chỉ là một khía cạnh được lựa chọn của nghệ thuật: nó là một đối tượng, một ý hướng của nghệ thuật”, “cái đẹp không chỉ thuần là một quy ước mà cái đẹp là một khả năng và một nhu cầu cơ bản của con người”.

Tóm lại, về nội dung, chủ chốt của chủ nghĩa cổ điển mới là “sự tôn trọng các giá trị tâm linh và nhân bản vĩnh hằng như chân, mỹ, thiện và đề ra sự phục hoạt cho cả loài người sau năm thế kỷ thống trị của phương Tây”; về hình thức nghệ thuật, đó là sự vận dụng tốt những thủ pháp cách tân, kết hợp sự mới mẻ với sự giản dị và sự chín chắn, không đối lập “truyền thống đích thực” với “độc sáng đích thực” mà xem chúng là “điều kiện tiên quyết” của nhau (trong đoạn này và đoạn trên, những cụm từ và những câu đặt trong vòng kép được trích dẫn từ FT).
Trào lưu chủ nghĩa cổ điển mới có những nhà lý luận của nó mà Frederich Turner là một đại diện kiệt xuất, bản Tuyên ngôn ông viết năm 1995 gồm 7 điểm:
1. Tái hợp nghệ sĩ với công chúng
2. Tái hợp cái đẹp với đạo đức
3. Tái hợp nghệ thuật cấp cao với nghệ thuật cấp thấp
4. Tái hợp nghệ thuật với tay nghề
5. Tái hợp nhiệt tình và trí tuệ
6. Tái hợp nghệ thuật với khoa học
7.Tái hợp quá khứ với tương lai.

Trào lưu này chẳng những có liên quan với “những thay đổi sâu xa về chính trị trên cảnh tượng quốc tế cùng với sự tái suy nghĩ lớn lao đương đại về kinh tế học và triết học xã hội”, nó còn “đi song hành với những phát triển trong ngành khoa học tự nhiên và nhân văn, đặc biệt trong những mô hình mới về não bộ và tâm trí, và trong lý thuyết về hỗn mang, tức khoa học về những tiến trình động lực học phi tuyến tính và những tụ điểm hấp dẫn dị kỳ của chúng.”
Để định nghĩa thi pháp của chủ nghĩa cổ điển mới, F.Turner đưa ra 7 quan niệm. Tôi giới thiệu 3 quan niệm đầu để độc giả hình dung được lý luận văn học (đúng hơn lý luận văn hoá) làm cơ sở cho thi pháp của ông.

1. Thi pháp này sẽ kinh nghiệm văn học trong ngôi nhà của một thế giới của tỉ lệ, không gian, và số lượng. Nó sẽ tái kết với toán học, số học, luận lí, lí thuyết số, và hình học. Có một khởi đầu hứa hẹn cho điều này trong cấu trúc luận (bị sẩy thai vì hậu cấu trúc luận); nhưng chúng ta phải tìm cả cội rễ trong lí thuyết của quá khứ về tu từ, phong thuỷ, thuật số, hoạ pháp tiếu tượng (iconography) và kí ức học (mnemonics). Các nhà phê bình văn học phải đọc được Benoit Mandelbrot [người khởi xướng khoa hình học phiến điệp tức fractal geometry]. Có những lí thuyết toán học mới về vị tướng học (topology) của vũ trụ, chúng mô tả vũ trụ như một khối siêu cầu kép (a double super-sphere) nghĩa là một khối cầu với hai trung tâm mà mỗi trung tâm lại là chu vi ngoại diện của trung tâm kia. Những nhà toán học Istvan Ozsvath và Wolfgang Rindler vốn đang nghiên cứu dạng này đã vạch ra rằng hình học này tương ứng một cách chuẩn xác với vũ trụ được Dante mô tả trong tác phẩm Paradiso [Thiên đường]

2.
Thi pháp mới sẽ kinh nghiệm văn học trong ngôi nhà của thế giới vật lí - một thế giới mà hiện chúng ta đang nhận thức rằng nó đầy những chuyển đổi cục diện tinh tế, những động loạn, những trật tự hiện xuất và những tiến trình tự phản ánh - chúng có thể tác động như những mô hình và những vật tương tự diệu kì cho sự sáng tạo nghệ thuật. Một số những nhà hoá học, vật lí, và điều khiển học như Roald Hoffman, Ilya Prigogine, Cyril Stanley Smith, John Archibald Wheeler, và Douglas Hofstadter có thể giúp chỉ đường lối, nhưng trong thế giới văn học và phê bình thực tình không hề có phê bình, và rất ít văn học thuộc loại này. Những nhà phê bình như Katharine Hayles, Koen dePryck, và Alexander Argyros là những ngoại lệ đáng chào mừng.

3. Thi pháp mới sẽ kinh nghiệm văn học trong ngôi nhà của thế giới đang sống. Thơ là một hoạt động của một chủng loại đang sống, với một bộ óc và hệ thần kinh và thân thể đang sống. Như tôi đã vạch ra, những khả năng nền tảng của văn học và nghệ thuật - chẳng hạn như chúng ta có thể sản sinh và hiểu vận luật của thơ, thể tự sự, những dạng thức thị giác, và giai điệu - là đại đồng về mặt văn hoá và là hậu quả của việc đồng tiến hoá chủng tử-văn hoá. Chúng ta có một tự tính; tự tính này mang tính văn hoá; văn hoá này mang tính cổ điển. Tự tính văn học và nghệ thuật của chúng ta được ấn kí trong những hệ thần kinh trung ương của chúng ta; tự tính này là thuật toán (algorithm) làm phát sinh sự biến thiên phi thường trong nghệ thuật và văn học của loài người. Chúng ta cần lắng nghe những gì khoa học thần kinh đang phát biểu, lắng nghe những nhà nhân tính học (ethology), sinh học xã hội (sociobiology), hoá học thần kinh (neurochemistry), vật lí tâm lí (psychophysics), nhưng các khoa sinh học phân tử (molecular biology) và hoá sinh học (biochemistry) cũng quan trọng không kém. Tiên khởi mạnh nhất của ngôn ngữ trong thế giới vật lí là phân tử DNA; thực vậy, có thể chính xác hơn khi nói rằng ngôn ngữ chỉ là DNA mau, hoặc nói rằng DNA là ngôn ngữ chậm. Những điều chúng ta đang tìm thấy về cách phân tử DNA tự biên tập, phát biểu, tu sửa, tái kết, và tái sinh sản là có tầm quan tâm then chốt và trung tâm nhất đối với văn học, âm nhạc và nghệ thuật - vốn cũng làm đúng những việc này, có lẽ trong những đường lối tương tự” x.FT)

Lý luận văn học của chúng ta là sự tích hợp những thành tựu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn trên nền của hệ tư tưởng và hoàn toàn ngoảnh lưng với toán học và khoa học tự nhiên. Lý luận văn học của F.Turner có một ngôn ngữ khác, muốn hiểu phải nắm được những thành tựu của những ngành toán học và khoa học tự nhiên mà quá nửa đa số chúng ta lần đầu tiên nghe tên. Phải chăng với F.Turner lý luận văn học trở thành một lĩnh vực đắc địa để thực hiện sự tích hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhân văn? 
H.N.H
(198/08-05)

----------------------
1. chuyển dẫn từ Norman F. Cantor, The American Century, Harper Collins Publishers,1997, p.499.
2. xem Frederick Turner,
Chủ nghĩa kinh điển mới và văn hoá, bản dịch của Nguyễn Tiến Văn, đăng trên Talawas, số ra ngày 14/1/2003 (trong bài này, bài báo nói trên được gọi tắt là FT.)

Các bài mới
Các bài đã đăng