Tạp chí Sông Hương - Số 199 (tháng 9)
Một cuộc thi đã thể hiện được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân
10:39 | 08/04/2009
PHAN CÔNG TUYÊNLTS: Cuộc thi tìm hiểu “60 năm Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Ban Tư tưởng - Văn hoá trung ương, website Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát động trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, cuộc thi được phát động từ ngày 7/5/2005 đến ngày 10/7/2005; Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 160.840 bài dự thi của rất nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần trong xã hội tham gia. Điều này chứng tỏ cuộc thi mang nhiều sức hấp dẫn. Sông Hương xin trích đăng báo cáo tổng kết cuộc thi của đồng chí Phan Công Tuyên, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi tại Thừa Thiên Huế.

Cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Nước. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về lịch sử hình thành và phát triển của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; qua đó nâng cao lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; cổ vũ, động viên nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng, đặc biệt với thế hệ trẻ tiếp tục rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quê hương. Theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, các huyện uỷ, Thành uỷ Huế, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã đồng loạt triển khai cuộc thi

Ngày 7/5/2005, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh, lễ phát động hưởng ứng cuộc thi được tiến hành đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Năm nay là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước, vì vậy ngoài những hoạt động chào mừng, đây cũng là đợt có nhiều cuộc thi cùng phát động, nhưng do công tác tổ chức cuộc thi được quán triệt và phổ biến sâu rộng, sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, bằng ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với chế độ, bằng tình cảm sâu sắc và lòng tự hào về đất nước Việt Nam anh dũng kiên cường, đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, kể cả các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số ít người, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đã hăng hái tham gia dự thi với tổng số bài là 160.840 bài (cuộc thi tìm hiểu 75 năm Đảng Cộng sản Việt Nam: 124.552 bài). Rút kinh nghiệm từ những cuộc thi trước, ở cuộc thi này, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, các huyện uỷ, Thành uỷ Huế đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát cơ sở nên chất lượng bài dự thi cao hơn hẳn, hình thức đẹp, nội dung sâu sắc, nghiêm túc và tâm huyết, thể hiện tình cảm của người dự thi đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài dự thi dài nhất là 421 trang viết tay với hơn 200 ảnh minh hoạ của chị Nguyễn Thị Nga ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; người cao tuổi nhất được chọn bài gửi dự thi ở cấp tỉnh là cụ Nguyễn Thái Thưởng, 76 tuổi, cán bộ hưu trí ở huyện Phú Lộc; người nhỏ tuổi nhất là cháu Cao Nguyễn Hoài Thanh, 12 tuổi, học sinh lớp 6 trường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế;  có hàng chục bài của các tập thể các tu sĩ phật giáo ở các chùa và nhiều bài dự thi của đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Trà.

Qua tuyển chọn ở cơ sở đã có 960 bài xuất sắc của các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, các huyện uỷ, Thành uỷ Huế, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh được gửi chọn bài dự thi cấp tỉnh. Ban Giám khảo cuộc thi cấp tỉnh đã làm việc hết sức công tâm, khách quan, khẩn trương và trách nhiệm để xem xét, lựa chọn qua 2 vòng tuyển chọn 50 bài xuất sắc nhất gửi dự thi cấp trung ương và xét chấm trao giải cấp tỉnh cho những tập thể và những cá nhân có bài tham gia dự thi đạt chất lượng cao.

Kết quả chung, ở cả 8 huyện và thành phố Huế, một số Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ đều tổ chức chấm, trao giải ở cơ sở cho các tập thể, cá nhân đạt giải với trên 100 giải thưởng các loại. 

Ban tổ chức cuộc thi đã xếp loại kết quả cuộc thi theo các tiêu chí như: công tác chỉ đạo cuộc thi ở cấp cơ sở, số lượng, chất lượng bài dự thi, thời gian gửi bài đúng quy định, có báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm ở cấp mình... cho nên, có một số Đảng bộ tuy số lượng tham gia dự thi khá đông, nhưng xem xét tương quan chung nên vẫn không được giải cao.

Đây là cuộc thi lớn, được sự quan tâm sâu sát và lãnh đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, sự quan tâm của HĐND, UBND tỉnh, được tổ chức trong dịp quê hương, đất nước có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn nên cuộc thi cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có điều kiện tìm hiểu một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống về lịch sử 60 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong dòng chảy phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngay từ lễ phát động cuộc thi đã có sự hưởng ứng sâu rộng trong đông đảo nhân dân. Tuy đây là thời điểm học sinh, sinh viên thi cử và sắp nghỉ hè, nhưng sự hưởng ứng không vì thế mà ít đi. Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ trẻ đến già, cả công nhân và nhân dân lao động, cả đồng bào là tín đồ tôn giáo, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số ... đều đã hết sức tâm huyết với cuộc thi, thể hiện qua những trang viết giản dị, đầy ý nghĩa, là tình cảm thiêng liêng đối với Đảng, với Tổ quốc, với dân tộc. Đặc biệt là những đóng góp chân thành đối với Đảng, Nhà nước ta, đã chỉ ra những mặt còn tồn tại. Có gia đình cả nhà cùng tham gia dự thi như gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở Phú Mậu, Phú Vang, và đều có bài được chọn vào vòng chung khảo, gửi dự thi cấp trung ương. Cụ Nguyễn Thái Thưởng, một cán bộ hưu trí huyện Phú Lộc, người cao tuổi nhất cuộc thi, dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tích cực tham gia dự thi bằng những đóng góp xây dựng Nhà nước ta trong sạch vững mạnh rất tâm huyết của người dân đối với đất nước; tuy chỉ viết tay 40 trang giấy vở  học trò nhưng rất đáng để chúng ta khâm phục.

Có nhiều người, cuộc thi nào cũng hăng hái tham gia với mục đích để tìm hiểu, khám phá, nâng thêm hiểu biết của mình và khẳng định niềm tin không hề thay đổi với Đảng quang vinh, Tổ quốc anh hùng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ở khối cơ quan, đơn vị, các cá nhân tham gia cuộc thi đã có sự đầu tư lớn về thời gian, công sức kể cả tiền của để vừa đảm bảo yêu cầu nội dung, vừa có được hình thức đẹp, phong phú, minh hoạ theo bài viết hợp lý. Nhiều bài viết tay nắn nót khá đẹp hoặc đánh vi tính cẩn thận, trình bày rõ ràng, sạch đẹp, có ảnh minh họa, phụ lục đính kèm, có lời mở đầu hay, tạo ấn tượng tốt cho người đọc và kết luận cô đọng, súc tích. Với phương pháp tiếp cận, nghiên cứu và phân tích hệ thống, trên quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, nhiều bài dự thi thực sự là những "công trình" nghiên cứu 60 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã dự thi 3 bài chất lượng cao, trong đó có 2 bài đạt giải. Đây chính là sự thể hiện một cách thiết thực nhất tình cảm của cán bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Có nhiều bài của tập thể các đơn vị như: bài dự thi của tập thể sinh viên Khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Huế, tập thể CBCNV bưu điện huyện Hương Trà, Chi đoàn cơ quan Thành uỷ Huế, Chi đoàn phường An Cựu, Huế.

Các bài dự thi đều trả lời đủ các câu hỏi, có phần mở rộng, liên hệ thực tế trong từng câu, đạt sức thuyết phục cao. Chị Hoàng Thị Bích Vân (Quỹ Hỗ trợ và phát triển Thừa Thiên Huế) trong câu trả lời số 5 đã cảm nhận: "Mỗi khi nghĩ về lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng là tôi lại thấy nao nao nhớ về những ngày còn đi học... Nhưng có lẽ để lại dấu ấn đậm nét nhất trong tôi đó là hình ảnh của lá cờ, vì khi nghe hiệu lệnh: Nghiêm, nhìn cờ, chào! ... Nhìn lá cờ màu đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh tung bay phất phới trên bầu trời trong xanh, tôi luôn tự nhủ thầm: Thế hệ chúng tôi thật là may mắn được lớn lên trong độc lập và hoà bình, chúng tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong muốn của thầy cô, của ba mẹ và của những anh chị, cô chú... liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc". Câu trả lời số 8, về những bài hát mà bạn yêu thích, hầu hết các bài dự thi đều cố gắng sưu tầm các bài, ảnh minh hoạ hấp dẫn, đẹp, có nhiều tư liệu quý về các nhạc sỹ. Ở câu trả lời này cũng có một cách làm sáng tạo của chị Nguyễn Thị Xuân Hoà (Đảng uỷ Dân Chính Đảng) in 10 bài hát qua đĩa CD gửi kèm bài dự thi.

Trong câu trả lời số 9, những đổi thay của quê hương Thừa Thiên Huế đã được người dự thi trình bày khá rõ, nhiều bài phân tích tốt, cảm nhận tinh tế, sắc sảo, liên hệ tốt với thực tiễn, thể hiện được cái tâm đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, vào tương lai chế độ ta. Bài của chị Hà Thị Cháu (LĐLĐ tỉnh) có đoạn: "... Từ năm 1986 đến nay, Thừa Thiên Huế thực hiện chính sách đổi mới, Huế khởi sắc từng ngày, nhân dân mạnh dạn đầu tư, tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực hơn; cơ chế chính sách, quản lý kinh tế - xã hội hoàn thiện hơn. Ý Đảng đã hòa nhập được với lòng dân, các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều có chỗ đứng, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày một giảm, niềm tin trong dân với Đảng, với Nhà nước ngày một nâng lên, nhân dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa văn minh, thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước nghiêm túc và tự giác hơn nhiều..."

Chị Nguyễn Thị Sửu (Kê SưuQ) dân tộc Tà Ôi (Pahy, A Ngo, A Lưới) lại viết: "Là người con của dân tộc Tà Ôi, được sinh ra ở giai đoạn nước rút của cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lăng, giành hoà bình đất nước và được lớn lên trong thời bình với những chặng đường đổi mới, tôi cảm thấy vinh hạnh vô cùng. Cảm ơn trời cha đất mẹ đã sinh ra nhân loại, cảm ơn Đảng và Bác Hồ đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cảm ơn người cha người mẹ Tà Ôi đã sinh ra người con, để hôm nay tôi hiểu phần nào tầm vóc thời đại của cuộc chiến tranh chiến thắng đế quốc của dân tộc Việt Nam mà trong đó có sự chiến đấu, không nề hà hy sinh của nhân dân A Lưới và được tham dự cuộc thi tìm hiểu về lịch sử  "60 năm Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam"..

Trong câu trả lời số 10, các ý kiến tâm huyết đều tập trung vào việc xây dựng Nhà nước ta trong sạch vững mạnh; mạnh dạn chỉ ra những mặt được và những điểm còn tồn tại để Nhà nước khắc phục; nhiều ý kiến mang tính khả thi, xây dựng nghiêm túc, xác đáng và rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều bài dự thi đã nêu ra cách giải quyết cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Nhiều bài đưa ra những ví dụ để chứng minh cho ý kiến mình (Trần Thị Kim Vân, Hương Trà) và kiến nghị: "Đảng hãy lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn nữa, phối hợp với nhân dân, bảo vệ bí mật cho dân khi họ trình báo, xem xét cụ thể để trị đúng người, đúng tội, giải quyết công bằng, trước pháp luật mọi công dân đều như nhau. Thậm chí những người biết luật, nắm luật mà cố tình vi phạm, che giấu, đồng loã với tội phạm, thì phải xử lý nặng hơn bất kể họ là ai, phải thực hiện "Quân bất vi thân". Nếu làm được như vậy thì dân sẽ sung sướng biết bao". Cháu Cao Nguyễn Hoài Thanh, người dự thi nhỏ tuổi nhất được dự thi cấp tỉnh lại sáng tác một bài thơ để nêu ý kiến của mình  nhằm xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, trong đó có đoạn: "Em mong xã hội văn minh/ Mọi người phấn khởi quên mình lập công/ Em mong đất nước "hoá Rồng"/ Dân giàu, nước mạnh, cộng đồng ấm no/ Em mong Đảng, Nhà nước ta/ Thật là trong sạch, thật là chí công/ Không tham nhũng, lo cho dân/ Năng động sáng tạo, canh tân nước nhà...". Đối với các chức sắc tôn giáo trong việc đưa ra ý kiến về xây dựng Nhà nước ta trong sạch vững mạnh: "Việc xây dựng nước ta ngày một trong sạch vững mạnh là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và phải là công việc nỗ lực tham gia của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Chính vì thế, trước hết ở các kỳ Đại hội Đảng, của Quốc hội và các cấp chính quyền phải bầu chọn cho được những thành phần ưu tú đầy đủ tài đức để đảm trách những vai trò quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên nền tảng phát huy những truyền thống quý báu của 4.000 năm dựng nước và giữ nước, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những đột phá về chính sách, phương thức quản lý, làm sao đó để những chính sách được đề ra luôn được thực hiện triệt để, có hiệu quả hợp lý và thiết thực.

Trước mắt chúng ta cần phải hoàn thiện cho được một Nhà nước pháp quyền, đây là một nền tảng quan trọng để Nhà nước ta ngày một trong sạch, vững mạnh; phải có sự đồng bộ về các phương diện chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa .v.v. Cho nên, chúng ta cần phải huy động sức mạnh của toàn dân, sự đoàn kết của toàn dân sẽ tạo điều kiện hết sức quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước ta vững mạnh về mọi mặt"
(Đại đức Thích Huệ Thiện, chùa Hải Đức - Thành phố Huế). Sư nữ Thích Nữ Liên Chơn, chùa Đức Sơn, thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng - Huyện Hương Thủy lại cho rằng: "Một đất nước trong sạch trước hết phải nói đến bộ máy lãnh đạo trong sạch, liêm chính, chí công vô tư, sau mới nói đến môi trường trong sạch sinh thái phồn vinh. Để có được những điều đó, điều cần thiết phải dẹp trừ sâu mọt đục khoét, tham ô hối lộ, kinh doanh bất chính, hoặc ỷ mạnh hiếp yếu, hoặc chèn ép nhân dân, hoặc cậy thế lực hù dọa nhân dân ,hoặc làm trở ngại lòng mong cầu của nhân dân trong việc hành chính giấy tờ... Mỗi người phải tự soi lại mình và làm gương cho thiên hạ. Đời nào cũng có các vị thanh liêm trung thành với đất nước và ngược lại cũng có kẻ hối lộ tham ô, chỉ khác ở chỗ ít nhiều mà thôi. Xã hội nhiều tham thì dân chúng điêu linh khốn khổ, xã hội nhiều vị thanh liêm không vì danh lợi thì dân chúng được an ổn, ấm no. Tổ chức nào trên dưới một lòng hợp với ý dân, được dân ủng hộ thì đó là tổ chức vững mạnh và đúng đắn.

Mặt khác, dẹp trừ các tổ chức bạo động do các thế lực thù địch giật dây, lợi dụng lòng dân, lợi dụng tôn giáo, hoặc chia rẽ lòng dân, chia rẽ tôn giáo để dễ bề hành động; dẹp trừ các băng phái xã hội đen, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, chích hút ma túy, các việc đồi bại làm mất nhân cách, mất nếp sống văn minh, gây rối trật tự an ninh xã hội. Ngay cả việc trộm cướp cũng phải dẹp trừ bằng cách cải thiện đời sống của nhân dân, tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp và tìm cách ngăn chặn, tuyên truyền khích lệ những người xa cơ lỡ vận, biết hồi tâm chuyển ý. Tuyên truyền lối sống lành mạnh, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái làm cho quê hương ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh".
Và còn rất nhiều bài viết của các tác giả khác nữa rất đáng để cho chúng ta quan tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" vẫn còn những khiếm khuyết, hạn chế cần được rút kinh nghiệm. Mặc dù đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng tình trạng sao chép, tái bản, sửa kiểu chữ trên máy vi tính rồi in ra để nộp bài cho đủ số lượng, không đầu tư công sức làm bài nên chất lượng bài dự thi không cao. Một số bài dự thi trùng nhau từ nội dung đến hình thức, buộc Ban Tổ chức phải xem xét kỹ và cuối cùng loại cả 2 bài. Nhiều bài dự thi bố cục không chặt chẽ, ảnh minh hoạ thiếu khoa học, chất lượng ảnh còn xấu, cá biệt có nhiều bài đưa ảnh không hợp nội dung vào bài viết, bổ sung ảnh tư liệu lộn xộn cốt để bài thi dày thêm, đã không đẹp lại làm giảm giá trị bài dự thi. Một số cơ sở tham gia dự thi theo kiểu hình thức, không tổ chức tổng kết cuộc thi ở cấp mình.

Nhìn chung, đánh giá tổng quát, cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã làm việc hết sức công tâm, trách nhiệm để xem xét, trao giải thưởng cho các tập thể và cá nhân có bài dự thi đạt chất lượng cao và gửi 50 bài tốt nhất dự thi cấp trung ương. Kết quả cuộc thi cho thấy, ở đâu có sự tham gia chỉ đạo sát của cấp uỷ Đảng thì ở đó kết quả tốt hơn hẳn cả về nội dung và hình thức. Đây là hoạt động thiết thực vừa góp phần nâng cao nhận thức và tình cảm về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước vừa là dịp tuyên truyền về 60 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và đông đảo các tầng lớp nhân dân; đồng thời đây còn là dịp để Đảng, Nhà nước thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong công cuộc đổi mới đất nước. Thành công của cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" không chỉ dừng lại ở kết quả giải thưởng mà chính là thước đo tấm lòng của cán bộ, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cả bề nổi và chiều sâu đầy ấn tượng, thiết thực và bổ ích.

P.C.T

(199/09-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng