Tạp chí Sông Hương - Số 241 (tháng 3)
Đọc “Vông vang” của Lê Tấn Quỳnh - Hành trình của ảo giác hoa
14:32 | 30/03/2009
HOÀNG DIỆP LẠCBất chợt giữa một ngày mưa gió, nhìn những hạt nước toé lên từ mặt đất như những đoá hoa mưa. Một loài hoa của ảo giác. Có thể trong tâm trạng như vậy, Lê Tấn Quỳnh chợt hỏi:Hoa vông vangCó hay không
Đọc “Vông vang” của Lê Tấn Quỳnh - Hành trình của ảo giác hoa

Khi ý niệm câu hỏi vừa hình thành cũng là thời khắc hé nở một bông hoa vông vang trong tâm tưởng Quỳnh. Và kể từ giây phút đó anh đã lao vào một cuộc tìm kiếm:
Tôi tìm hoa
Tôi tìm tôi
...
Mà như thiếu nợ
giữa trời
Thi ca

Hành trình đi tìm hoa cũng là hành trình đi tìm cái đẹp của thi sĩ, mà văn hào Dostoevsky đã nói: “cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Cái đẹp ở đây, phải chăng là cái đẹp trong mỗi cá thể, sự thăng hoa của mỗi tâm hồn cùng hòa lại tạo thành cái đẹp của xã hội. Nhưng để có được cái đẹp đúng nghĩa thì không thể thiếu chân và thiện. Điều này lý giải vì sao Chân Thiện Mỹ luôn đồng hành cùng nhau.
Trên con đường kiếm tìm cái đẹp, tác giả như rơi vào những vòng cung đầy mê hoặc:
Đó là cuộc khép mở của những nỗi bờ tức ngủ
Cứ giăng ta ngơm ngớm đường cong
để rồi
Trong chiếc đồng hồ bụi phủ
Cái xoay kim không cứu nổi một vòng...

“Một vòng” nghe sao quá đơn giản, vậy mà mấy ai đi hết được vòng đời. Phải chăng mỗi chúng ta là một chiếc đồng hồ phủ đầy bụi của đời, bụi của tri thức, của sự vong thân và của nỗi ám ảnh mơ hồ về thời gian. Và một ngày nào đó chợt nhận ra rằng, chúng ta chưa bao giờ đi hết một vòng người.
Gửi cả vào ngày phiến sông mền mệt
Với cuộc - trôi - người - bóng lao xao

Sau một ngày tất bật, soi mình bên bến sông tưởng chừng để được ngơi nghỉ, nào ngờ đâu trong thăm thẳm vẫn lưu tồn một cuộc - trôi - người - bóng lao xao.
Trong tập thơ Vông Vang gồm 33 bài, tác giả đã tạo ra những hình ảnh và câu chữ mới, bằng một âm hưởng cưỡng bức qua những kỹ thuật cắt từ và ghép từ nhưng chưa đạt đến tự nhiên. Điều này đã khiến người đọc rơi vào những khúc trầm và đôi khi hụt hẫng, mà trong âm nhạc chính là những dấu lặng nhằm tạo ra khoảng sâu trong người thưởng ngoạn. Ở đây, tác giả gọi là những nốt câm:
Học nói tên mình với những nốt câm
Nhiều hình ảnh mới đã được tác giả tạo ra như:
Những vỡ vạc trắng từng cọng máu
Mảnh sân già thâm thấm nắng như trôi

Nhiều bài thơ trong tập còn sử dụng rất nhiều từ láy và hình ảnh thành phố như một ngụ ngôn mà Lê Tấn Quỳnh muốn nhắn nhủ với mọi người:
Thành phố
Một đường gân dài manh da hoá quặng
Và những lúc mảnh trăng non ngơ ngác giữa vòm trời đã kéo căng “bài thơ đô thị” vào cung bậc thi ca:
Thành phố
Chiếc liềm nhỏ cứa lên mê khúc
hay
Thành phố thông gió trái tim
...
Thành phố thắt đáy lưng ong
với đường cong nỗi bọt
...
Thành phố rêu...

Thành phố nơi Quỳnh đang sống được mệnh danh là thành phố thi ca và cũng rất mong manh mỗi khi chiều xuống, đó là những phút giây thi sĩ chợt nhìn về phía trời tây và cảm nhận:
Thành phố như một ráng mây

Thành phố nuột nà đến tận cái mong manh
trong những ngày thành phố này nở rộ những đoá hoa mưa, đẹp và buồn đến não lòng, một loài hoa của ảo giác trong những ngày:
Thành phố đầy mưa
Và trong bài “Vô Cảm” thi sĩ như đã cảm ngộ:
Nửa cơn gió cũng trốn tìm bặt câm
Sau cái phủ phê lạnh lùng của chớp
Ở cơn say mang dung môi nườm nượp
Những hình nhân rờ rẫm đoán chi nhau

Cuối cùng, tác giả nhận ra tuồng ảo hoá đang bị thời gian điều động:
Trong cái ảo giác cộm lên tất bật cũn cỡn
Bới cào nháo nhác thứ ngôn ngữ vo ve
hay
Những con ruồi rụng từ sâu tích tắc
Học lóm thời gian từ cái ngửa mặt trôi
Thời gian như một nỗi ám ảnh đã dẫn dắt nhà thơ nhập vào cơn ảo giác về một cuộc người, để rồi
Ngay cái nhìn cũng bạc
Tan đi ruỗng mục trong đời..

Những cánh tay vuốt mùa ra trên tuổi
Thời gian khấp khới bước qua sân.
L.H.L
241/03-09

Các bài mới