Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
Trương Vĩnh Tuấn - Nỗi đau đời của thi sĩ
15:32 | 16/04/2009
ĐINH NAM KHƯƠNG               (Nhân đọc “ru em ru tôi” Thơ Trương Vĩnh Tuấn NXB: Hội nhà văn - 2003)Có một nhà thơ nổi danh thi sĩ, làm “quan” khá to ở báo văn nghệ. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông vỗ ngực, ngạo mạn nói lời: “ta là quan đây” mà ông luôn dân giã tự gọi mình là hắn, xưng hô với bạn bè là mày tao:                          “...Hình như hắn là nhà quê                          Hình như hắn từ quê ra...”                                                                (Gốc)
Trương Vĩnh Tuấn - Nỗi đau đời của thi sĩ
Thi sĩ Trương Vĩnh Tuấn

Vâng! “Hắn nhà quê” ấy chính là thi sĩ Trương Vĩnh Tuấn, mà trong bài viết này tôi cứ thích gọi ông là Tiên sinh.
Đọc “ru em ru tôi” thấy tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đêm đêm thường trằn trọc thao thức với sao khuê! ông thức để làm thơ, thức để “ru em”, ru người tình. Thức để mở to mắt nhìn những trò đời bắng nhắng... rồi mỉm cười một mình vu vơ trong đêm tối!... Song, trên tất cả những điều ấy là thức với “thiên hạ”, thức vớichúng sinh”. Thức để ru mọi người tỉnh ngủ vì cuộc đời vẫn còn nhiều gian tham độc ác:
                        “... Một đêm thức với chúng sinh
                        Thì ra thiên hạ thái bình từ lâu
                        Nỏ thần chước quỷ, mưu sâu
                        Nỏ cần tất tả buôn trầu bán vôi
                        Vẫn là gạo đấy mà thôi
                        Vẫn là em, vẫn là tôi rối lòng...”
                                                            (Ru em ru tôi)
Không biết quê hương bản quán của tiên sinh ở đâu ta? mà tiên sinh lại nói hai lần “nỏ cần” ở đầu câu hay thế! Nói như vặt thịt, nói như trong người muốn văng ra một cái gì đó... Đoạn thơ trên, cũng đủ cho ta thấy khí phách của tiên sinh như thế nào. Một người tự xếp mình ngang hàng với “gạo quê” có nghĩa là chỉ cao hơn mặt đất bằng ba con kiến. Tuy có bé nhỏ, nhưng mà là “gạo quê” thứ thiệt. Không phải là gạo nhái, nên không cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng!.. Đã là “gạo quê” cho mọi người thì cần gì phải “chước quỷ mưu sâu” cần gì phải “buôn trầu, bán vôi”... Đó chính là tuyên ngôn về thơ, về cuộc đời của tiên sinh!... Nhìn trong thiên hạ này, có ít người nói năng quê mùa và ngang tàng như vậy!...

Bài thơ “trở về” là bài thơ khắc họa khá rõ nét về nhân cách ngòi bút của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn. Trước cửa chùa, người đời thường cầu xin nhiều thứ... Còn ông, không cầu xin cho mình giàu sang, lắm bạc, nhiều vàng, bởi: “... tiền chi cho lắm khổ đau vì tiền... ”. Muốn cầu xin cho mình ngăn được “...những vòng xoay ngân hà...”. Nhưng buồn thay “...phận mình cũng phận heo may...” nên không thể đảo ngược được thiện ác ở cõi phàm tục này, cuối cùng thì đành phải:
                        “...Bâng khuâng đứng trước cửa thiền
                        Cầm bằng lấy sự bình yên trở về...”
                                                                        (Trở về)
                        Để rồi:
                        “... Ngày mai đến gốc bồ đề
                        Nhặt dăm cái lá đem về ầu ơ!...”
                                                             (Vào chùa )

Chỉ có những người hiểu đời, hiểu phật sâu sắc, mới viết đựơc những câu thơ như thế, Những câu thơ bâng khuâng mà đau xót! Cái đau xót của một người có tâm mà không có lực, muốn sống tốt với đời, với người... Mà đời và người lại không cho mình làm được việc ấy!... Đó là nỗi đau nhân bản muôn đời của thi nhân, khắc khoải, buồn chán, muốn tan ra cùng trời đất!...
Cũng với tâm trạng ấy, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn viết về những con khỉ ở rừng trường sơn, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những con khỉ không biết nói tiếng người, nhưng lại ném cho tiên sinh những chùm quả ngọt ngào khi mà tiên sinh đang đói, mách cho tiên sinh biết nguồn nước sạch khi mà tiên sinh đang khát, chỉ cho tiên sinh những lá cây để tiên sinh rịt vết thương!...Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, ác liệt ấy, tiên sinh và con khỉ gắn bó sống chết bên nhau: “...Ta - chúng ta như những người bạn thân...” Để rồi bài thơ đóng lại với 3 câu kết thật bất ngờ làm lòng ta se thắt lại, nghĩ ngợi mung lung, xót đau không phải trước khỉ mà xót đau trước con người:
                        “... Cho đến một hôm
                        Chợt thấy chúng mày trong cũi sắt
                        Ta se lòng như một kẻ vô ơn!...”
                                                            (Trong vườn bách thú)
Những câu thơ giản dị như một lời nói thường, nhưng lại như dao sắt cứa vào lòng nhân nghĩa, như tiếng đàn của Thạch Sanh cứ tích tịch tình tang nói về nàng công chúa, như ngôi sao khuya lấp lánh về một tình bạn thủy chung không vô ơn bạc nghĩa...Thế mà đã làm bao kẻ phải giật mình!...
Sau phút bàng hoàng vì cú sốc làm chấn động mạnh về tinh thần, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn như chợt bừng tỉnh trước cuộc đời, ông nghĩ lại tất cả, muốn cân lại tất cả giá trị cuộc đời trên cán cân lương tâm nhậy cảm của riêng mình!... Rồi khao khát một thế giới tự do, ở trái tim đau đời của ông được thảnh thơi yên nghỉ:
                        “... Bỗng tất cả đều trở thành vô nghĩa
                        Cái trong tay trở thành cái vô cùng
                        Ước có một nấm mồ xanh cỏ
                        Để chiều chiều khao khát một dòng sông!...”
                                                                        (Không đề)
Buồn thay! khi mà ước mơ của tiên sinh lại ở phía bên kia thế giới, nơi mà ta vẫn gọi là cõi vĩnh hằng. Cỏ xanh là thứ thuốc màu nhiệm sẽ rịt đi tất cả những vết thương đau, thù hận cho con người và mang lại sự bình yên thanh thản cho những trái tim khổ đau đang ngày đêm rỉ máu!... Tôi chợt nhận ra và lý giải được vì sao tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đang làm quan ở nơi thành phố đèn hoa tráng lệ, lắm bạc, nhiều vàng, trăm ngàn “mỹ nữ cung tần” đêm ngày đấm bóp... Mà cứ khao khát được “trở về rừng”, giống như đã phải lòng ma và bị ma ám:
                        “...Sẽ đến một ngày, rất gần thôi có thể
                        Anh xa em trở lại với rừng
                        Gửi nơi này một chút nhớ nhung
                        Một ít khổ đau, một phần trách móc...”
                                                                        (Trở lại)
Ông nói lời lâng lâng nhẹ nhàng mà lòng ông lại trĩu nặng! Cái trĩu nặng của một con người sắp sửa từ giã cõi đời để đi xa. Nhưng chết không phải là ra đi mà là trở về, trở về với đồng đội đã yên nghỉ ngàn thu trong các cánh rừng Trường Sơn đầy mưa rơi gió thổi. Về với những con khỉ không biết nói tiếng người nhưng đã một thời cưu mang nhau vượt qua đạn bom, vượt qua cái chết!... Con người trước lúc đi xa bao giờ cũng cất lên những lời nói thật!... Lời nói thật vô cùng thương mến ông đã dành cho em trước tiên: “... anh xa em trở lại với rừng...” câu thơ không có nước mắt nhưng sao lòng ta cứ thấy nghẹn ngào rưng rưng muốn khóc!

Tưởng “em” là trên hết: “cảm ơn em ân nghĩa của đời anh / Dẫu có chết cũng là mãn nguyện...” (không đề). Nhưng không! Trong trái tim của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn còn có một tình cảm cao hơn thế, sâu nặng hơn thế, lúc nào cũng canh cánh bên lòng!... Đó là tình đồng đội, tình bè bạn... Chiến tranh đã lùi xa rồi, những hố bom đã được bụi thời gian hàn kín miệng, “...cỏ đã bao phen phải làm lại từ đầu...” (Hữu Thỉnh). Thế mà lúc nào ông cũng nghĩ, cũng tự hỏi mình, hỏi em:
                        “...Anh chôn bạn dưới cánh rừng vắng lặng
                        Không biết cỏ xanh rờn đã lấp lối lâu chưa...”
                                                                        (Viết riêng cho em )
Câu hỏi day dứt tâm can ấy, không chỉ vang lên đối với đồng đội đã hy sinh mà vẫn thường vang lên đối với bạn bè đang sống!...Người có phúc lớn là người luôn đặt bạn bè lên trên mình và hết lòng yêu quý họ!... Với cương vị phó tổng biên tập báo văn nghệ, công việc hàng ngày rất bận rộn, nhưng mỗi khi rảnh rỗi là ông lại nhớ tới bạn bè, nỗi nhớ của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn luôn là nỗi nhớ mặc áo thường dân:
                        “...Lâu rồi chẳng uống bia hơi
                        Chẳng ăn thịt chó chẳng ngồi lê la
                        Lâu rồi, lâu chẳng nghĩ ra
                        Bạn bè ta? Bạn bè ta thế nào?...”
                                                            
(Lâu rồi)
Hình như càng viết, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn càng cô đơn và xót xa hơn! Một đêm khuya, gió lạnh đột ngột tràn về làm tiên sinh tỉnh giấc, mang rượu ra ngồi uống một mình, nói một cách chính xác hơn là uống rượu với trời đêm, uống nỗi cô đơn, uống buồn thê thảm:
                        “...Có cơn gió lạnh vô tình
                        Xui ta uống rượu một mình vu vơ
                        Cớ sao lại rối tơ vò
                        Cớ sao giận, cớ sao ngờ, đâu đâu?...”
                                                                   (Vu vơ)
Ba lần trong đêm tối ông đã hỏi “cớ sao” nhưng cả ba lần đều không có lời đáp, mày ông chau lại như những vị La Hán ở chùa Tây Phương, thân hình ông khô tóp như những nhà sư khổ hạnh!... Biết hỏi ai đây? Khi mà thật giả, vàng thau, đều đảo lộn như trò chơi oản tù tì của con trẻ:
                        “...Cái đùa cứ như thật
                        Chuyện thật lại như đùa
                        Điều không bán lại mua
                        Điều không mua lại bán...”
                                                (Kể cho bạn nghe)
Cuộc đời, nhiều khi như một trận đồ bát quái, đã vào rồi không tìm thấy đường ra, bởi 8 cửa đều giống nhau, như đùa như thật, như có như không... Những lúc ấy tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn cảm thấy mình lạc lõng nhỏ bé và yếu ớt như một loài hoa dại, nở ra một bông buồn, chưa kịp hái, hoa đã trôi về dĩ vãng...Tưởng sẽ kiếm chác ở đời này được cái gì đó. Nhưng không, đời đã lấy đi của ông tất cả, chỉ để lại cho ông sự nuối tiếc mỏng manh trong gió chiều ào ạt!...ông chỉ biết than thở cùng em:
                        “...ở trong anh có bông hoa không tên
                        Chưa kịp hái đã trôi về dĩ vãng!...”
                                                   (Hoa không tên)
Không biết vì sao hai câu thơ “cỏ dại” buồn thương ấy lại cứ ngân vang mãi trong lòng tôi, đem đến cho tôi rất nhiều lý thú và khoái cảm! Tôi thực sự cúi đầu kính phục tài thơ của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn trước những câu thơ mảnh mai như thế – những câu thơ có sức mạnh quật ngã cả non cao sừng sững- Dù thơ đó có nhãn hiệu “cỏ may” nhỏ bé!

Hình như tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đã học hỏi được rất nhiều, chắt lọc được rất nhiều tinh hoa của kho tàng ca dao dân ca tục ngữ Việt Nam “... làm trai cứ nước hai mà nói...”, “...Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo!...” Nên thơ ông luôn dừng lại ở sự vu vơ lấp lửng, không rành mạch bao giờ. Làm cho người đọc phải suy nghĩ rất nhiều, và tự rút ra những kết luận cho riêng mình! Đó là bút pháp của ông, là tài hoa của ông, mà bài lục bát “giá như” là một ví dụ tiêu biểu:
                        “...Giá như cây vẫn còn xanh
                        Giá như đất vẫn ngọt lành như xưa
                        Giá như trời hết gió mưa
                        Giá như, ừ nhỉ, giá như, giá mà...

                        Giá như mình chẳng biết ta
                        Thì thôi, thôi thế, âu là...giá như...”
                                                             
(Giá như)
Thơ lục bát của tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn, cứ đỏng đảnh như người đưa võng, nằm trên võng là cô gái 17 tuổi đang muốn lấy chồng. Như con cá giếc cứ nhảy thách lên trên mặt nước ao thu trong buổi chiều đầy gió thổi!... Lạ lắm, không thể tưởng tượng nổi!...

Thôi! Mong tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn đừng có “giá như” nữa, vì nếu có “giá như” của ông thì cuộc đời vẫn quay tít mù như chiếc đèn kéo quân, không ai có thể làm nó dừng lại! Làm sao ông có thể biết được ngọn gió xưa “Bây giờ đang ở đâu” vì đường đi của gió là vô tận, luôn đổi thay và biến hoá khôn lường!... Dù thế cũng xin ông đừng buồn, vì những câu thơ nao lòng của ông, những lời ru khắc khoải của ông, như cánh chim, như tăm cá, như những chiếc lá vàng mà ông đã “thả” nó bay về muôn nơi. Người đời đã đón nhận nó như đón nhận tâm tình của một người bạn thân. Tôi vinh hạnh cũng được sự trôi dạt ấy, như chiếc ván cứu sinh giữa mùa nước lũ!...Thưa tiên sinh! Khi nào ông trút bỏ áo văn nghệ già trút bỏ áo văn nghệ trẻ, từ biệt em, từ biệt bạn bè, từ biệt thơ, từ biệt cuộc đời sướng vui và đau khổ này, để “trở về với rừng” - Điều mà lúc sống ông vẫn hằng khao khát – Xin gia quyến của ông, xin Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, đứng đầu là nhà thơ Hữu Thỉnh, đừng có chôn tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn yêu quý của chúng tôi ở nghĩa trang Văn Điển, vì ở đó đông đúc quá, bởi khi sống ông là người không thích bon chen!... Hãy đưa ông về nghĩa trang Trường Sơn lộng gió, để ông được nằm đúng đội hình “thẳng hàng ngang, thẳng hàng dọc” cùng đồng chí, đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi mà ông đã nhiều lần đến thắp hương cúi đầu tưởng niệm, nơi mà tình yêu tổ quốc trong ông đã nhân lên gấp bội!...

Không biết khi đã “trở về rừng” nằm dưới nấm mồ cỏ xanh, phía trước là dòng sông chiều lững lờ chảy qua, tiên sinh Trương Vĩnh Tuấn có còn nhớ đến những con khỉ ở vườn Bách Thú nữa không? Câu hỏi này, từ khi đọc thơ ông cho đến nay, đêm đêm cứ làm tôi thao thức!... Quái lạ! Sao ông lại “ru” đời như thế nhỉ???...
Đ.N.K
(201/11-05)

Các bài mới
Bàn về bạn (17/04/2009)
Các bài đã đăng