Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
Bàn về bạn
09:21 | 17/04/2009
LƯƠNG THỰC THULTS: Lương Thực Thu, sinh năm 1903 tại Bắc Kinh, thời nhỏ học ở trường Thanh Hoa. Năm 1923 du học tại Mỹ. Năm 1926 về nước, lần lượt dạy học ở trường Đại học Đông Nam, Đại học Thanh Đảo, Đại học Bắc Kinh, và Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1949 sang ở Đài Loan, chủ yếu giảng dạy ở Đại học Sư phạm Đài Loan. Năm 1966 nghỉ hưu, năm 1987 ốm chết tại Đài Bắc.
Bàn về bạn

Tác phẩm của ông gồm hơn mười tập tản văn, như NHÃ XÁ TIỂU PHẨM, THU THẤT TẠP VĂN, HOÀ VIÊN MỘNG ỨC, NHÃ XÁ ĐÀM THỰC... Ông còn là Nhà phê bình văn học với những tác phẩm: LÃNG MẠN VÀ CỔ ĐIỂN, KỶ LUẬT CỦA VĂN HỌC, CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN VÀ BABBIT.IRVING . Ông còn phiên dịch SẾCH PIA TOÀN TẬP sang tiếng Trung Quốc.

Bạn bè xếp thứ cuối cùng của Ngũ Luân (Năm mối quan hệ: Vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ và bạn bè, ND), thật ra bạn bè là mối quan hệ rất quan trọng. Điều gọi là hữu nghị, thực tế là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người, trong đó bao gồm nhiều đức tính đẹp như thông cảm, tán thưởng, tin cậy, chấp nhận, hy sinh...Nếu lấy hữu nghị làm nền tảng thì các mối quan hệ khác như bố con vợ chồng anh em, đều có thể xây dựng một cách trọn vẹn. Đương nhiên bố con anh em là quan hệ vĩnh cửu không thể lựa chọn, vợ chồng tuy có khoảng trống lựa chọn, nhưng một khi đã kết hợp, thì lấy không bao giờ ly tán làm nguyên tắc, còn bạn bè thì có đoàn tụ, có chia ly. Nhưng nói thẳng ra, bố con vợ chồng anh em đều là quan hệ bạn bè, chỉ hơi khác về hình thức tính chất mà thôi, nói một cách nghiêm chỉnh, phàm những ai có điều kiện của một người bạn tốt, người vợ tốt, người anh tốt, người em tốt và ngược lại cũng thế.

Các bậc thánh hiền ngày xưa của chúng ta luôn luôn hết sức chú trọng tình bạn. Trong “luận ngữ” có rất nhiều câu nói về tình bạn. Ở phương Tây cũng như vậy, Marcus Tullius Cicero của La Mã có một bài nổi tiếng “Bàn về hữu nghị”, Michel Eyquem de Montaigne của Pháp, Roger Bacon của Anh, Ralph Waldo Emerson của Mỹ, đều có những bài viết bàn về hữu nghị. Tôi cảm thấy các nhà văn cận đại hình như không chịu tốn nhiều bút mực về đề tài này. Đây liệu có phải là tượng trưng tình
hữu nghị của thế hệ thứ ba thứ tư đã suy tàn? Tôi không dám nói.

Cái gọi là “Kết bạn cắt cổ” thời xa xưa, nói ý nghĩa cao xa quá, con người phi thường mới mong đạt được. Như Damon và Pythias, Đavid và Jonathan, e rằng cũng chỉ là những lời nói hay trong truyền thuyết mà thôi. Cho dù hạ thấp tiêu chuẩn hữu nghị xuống chút ít, thì cũng rất hiếm được gọi là bạn bè chân chính. Thử nghĩ, nếu có chuyện tiền bạc qua tay, thì bạn bè ai tin cậy liệu có được mấy người? Trong khi anh đau yếu hoạn nạn, hoặc long đong vấp váp, liệu có mấy người bạn chịu đến nhà thăm hỏi, thậm chí cưu mang, đem than đến cho anh sưởi ấm trong mùa đông giá rét? Khi anh đi công tác xa, liệu có mấy người chịu chăm nom cô vợ yếu đuối của anh, mà không chăm nom quá đáng? Lại xin hỏi, liệu có mấy ai xưa nay ăn mận trả đào, không làm những điều trái lương tâm, duy trì được lâu dài, không bị rơi rụng? Bạn từ lúc để chỏm, nếu không có quan hệ lợi hại đặc biệt để gắn bó, thì sau vài năm có lẽ dễ trở thành người dưng. Benjamin Franklin, nhà khoa học Mỹ nói: “Có ba người bạn trung thực tin cậy, đó là vợ già, chó già và khoản tiền mặt”. Điều kỳ diệu là cả ba người bạn ấy đều không phải bạn. Aristotle còn nói thẳng thừng hơn: “Hỡi các bạn của ta, trên thế giới chẳng làm gì có bạn”. Những câu nói này gần như bất mãn chán đời, thực tế trên đời vẫn còn có bạn, nhưng tuy không cần xách đèn lồng đi tìm, song chẳng khác nào đãi cát lấy vàng, mà còn phải luyện trong thời gian dài. Một khi đã đúc thành hữu nghị thật sự, sẽ bền như vàng đá, không bao giờ phai nhạt.

Đại thể, vật họp theo loài, người chia theo bầy, tính khí hợp nhau, mới có thể tốt với nhau mãi. Kết bạn cũng coi trọng môn đương hậu đối, cho dù không khắt khe như trong cửu phẩm, đương nhiên cũng có đường ranh giới. “Đồng học thiếu niên đa bất tiện, Ngũ Lăng Cầu Mạ tự khinh phì”, ngoài chuyện” Tự khinh phì”, còn có thể không liếc mắt nhìn lên lông mày bạn cũ ngày xưa hay sao? Hán Quang Vũ cho phép Nghiêm Tử Lăng đè đùi lên bụng mình, cố nhiên là độ lượng rộng lòng, nhưng Nghiêm Tử Lăng vẫn kiên quyết về ở ẩn tại núi Phú Xuân, là rất biết tiến lùi, được lòng người. Chu Hồng Vũ viết thư cho bạn nói:” Chu Nguyên Chương đã làm Hoàng đế, Chu Nguyên Chương vẫn là Chu Nguyên Chương...”. Cho dù lời nói rất hay, nhưng chứng kiến việc giết hại công thần sau này của ông ta, cũng không khỏi khiến ai nấy rùng mình sởn tóc gáy. Thân thể và trái tim con người vốn cấu tạo như nhau, nhưng một khi bước vào con đường quan lại, có thể sẽ sẩy ra đột biến. Khổng tử nói, vô hữu bất như kỷ giả, tôi nghĩ, một là chỉ trình độ học vấn, hai là chỉ nói không được kết bạn với người xấu hơn mình, không nói nhất định đòi chúng ta leo cao, hữu nghị đòi hỏi cả hai bên tạo dựng, nếu hai bên đều muốn kết bạn với người tốt hơn mình, thì sẽ vĩnh viễn không kết được bạn.

Hình như
Oscar Wilde, nhà văn Anh đã từng nói: “Không thể có hữu nghị tồn tại giữa một nam và một nữ”. Nói chung điều này đúng, bởi vì giữa nam và nữ, nếu có hữu nghị sâu nặng, thì tình hữu nghị ấy dễ biến chất, nếu không phải tâm đầu ý hợp, thì lại không coi là hữu nghị, tốt quá sẽ lốp, khó nắm bắt được giới hạn này. Bạn vong niên thì lại được. Di Hoành chưa đầy hai mươi tuổi, Khổng Dung tuổi đã năm mươi kết bạn với nhau. Những ví dụ thế này có ghi trong sách. Nhưng hầu như chỉ giới hạn trong đồng tính, mà theo tôi, sự hình thành của tình bạn vong niên vốn dựa vào mức gần gũi lẫn nhau của niềm hứng thú và tài năng đức độ, tán thưởng lẫn nhau, nhưng bên lớn tuổi ít nhiều cũng tỏ ra phần nào chín chắn. Tỏ ra già cỗi thâm trầm, khiến người ta trông vào mà sợ, khôn ngoan láu lỉnh, thì người ta rái, nhé tránh. Những người độc thân dễ kết bạn, bởi vì tình bạn của họ không có chỗ gửi gắm, trong cảnh phiêu bạt lẻ loi, rất cần một đối tượng dễ dãi bày nỗi lòng, nhưng đến khi anh ta có gia đình vợ con, có kẻ hầu người hạ thì nỗi lòng đã khác.

“Quân tử chi giao đạm như thủy” (tình bạn của bậc Quân tử nhạt như nước), bởi vì nhạt, cho nên mới không ngán, mới lâu dài. “Dữ bằng hữu giao, cửu nhi kính chi” (chơi với bạn bè, lâu bền mà vẫn kính trọng), kính tức là giữ khoảng cách, hay nói cách khác là phòng quá ư thân mật. Nhưng “Hạp nhi kính chi” (Cặp kè gần gũi mà vẫn kính trọng) là rất khó. Điều phải chú ý nhất là không được chi quá thu trong tình bạn, phải luôn giữ có chừng mực. Mark Twain nói: “Tình hữu nghị thiêng liêng, mang tính chất ngọt ngào, ổn định, trung thực, lâu dài như vậy, có thể giữ suốt đời nếu không há mồm vay tiền bạn”. Đây đúng là lời nói khẳng khái. Bạn bè vốn thông cảm về chuyện tiền nong, nhưng đây là việc hết sức tế nhị! Chuyện khó quên nhất trên đời là khoản tiền cho vay, ta thường nhận xét chuyện xúi quẩy nhất không gì hơn là trả tiền, một khi đã dính đến tiền, thì ân oán rất khó thanh toán rõ ràng, biết bao nhiêu tình bạn đều đã bị bức tường này chặn lại trong khi đang phát triển!.

Khuyên nhủ vẫn là điều cần phải làm trong tình bạn, nhưng nói ra đâu có dễ. Trong môi trường danh lợi, cùng một duộc xấu xa, ngay đến chính mình cũng khó làm rõ đúng sai, còn hơi sức đâu khuyên nhũ người khác? Mà phía đối phương, thì lại hay đắng miệng, trung ngôn nghịch nhĩ, có ai lại muốn để người ta vạch ra cái xấu của mình? Khuyên nhủ không thể làm trước mặt người thứ ba để giữ thể diện cho bạn, không thể làm khi tâm tư bạn đang rối bời để tránh lửa đổ thêm dầu. Khổng tử nói: “Trung cáo nhi thiện đạo chi, bất khả tắc chỉ” (Lời khuyên chân tình và thiện chí mà không nghe thì thôi). Tôi thường cho rằng, khuyên điều thiện, ngăn điều lỗi là tác dụng tiêu cực của tình hữu nghị. Niềm vui của hữu nghị là tích cực. Chỉ có Thần Tiên và dã thú mới thích cô độc, con người cần có bạn bè. "Giả dụ một người lên trời một mình, nhìn thấy cảnh quan bao la hùng vĩ của vũ trụ và cảnh đẹp của các chòm sao, anh ta vẫn không cảm thấy vui, anh ta cần phải tìm một người để kể lại cảnh lạ đã nhìn thấy mới vui được”. Cùng hưởng niềm vui, so với cùng chịu hoạn nạn càng nên là điều thú vị trong tình bạn bình thường.

VŨ CÔNG HOAN dịch
(201/11-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng