Tạp chí Sông Hương - Số 201 (tháng 11)
“Thầy giáo dạy văn” - một thời để nhớ!
15:07 | 17/04/2009
MAI VĂN HOANThầy giáo dạy văn                                      Tặng Mai Văn HoanHộ tập thể nằm trên gác xépCăn phòng thanh đạm, có gì đâu!Một chồng sách cũ, dăm chai nướcMột chiếc bàn con, một bếp dầu...
“Thầy giáo dạy văn” - một thời để nhớ!

Giường ngủ đủ kê vừa một chiếc
Bố con vừa đủ chỗ bên nhau.
Vợ làm cán bộ văn thư huyện
Một gánh hai con đủ dãi dầu!

Say sưa anh nói về thơ phú
Cứ ngỡ người nghe có thể no.
Cửa sổ mở ra, làn gió thoảng
Huơng hoàng diệp liễu cứ ùa vô.

Ngồi nghe anh nói mà thương quá!
Thầy giáo như anh quá đỗi nghèo.
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”
Tay mỏi, bờ xa vẫn cố chèo!
                                              XUÂN HOÀNG


Vào đầu năm học 1979 - 1980, tôi đang công tác ở trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình thì được điều vào Huế dạy các lớp chuyên văn của Tỉnh. Lúc đó các lớp chuyên văn học ở trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ). Tôi tá túc trong căn hộ tập thể. Đó là căn phòng “như tổ chim treo” theo cách ví von của nhà thơ Hoàng vũ Thuật.

Thời đó cuộc sống của giáo chức nói chung hết sức khó khăn. Chúng tôi thường nói đùa: giáo chức là “nhức cháo”, thầy giáo phải “tháo giày”, nhà trường đành “nhường trà”... Tôi đưa hai thằng con trai đứa lên sáu, đứa lên bốn vào nuôi san sẻ một phần cho vợ đang làm văn thư ở cơ quan Huyện uỷ Bố Trạch. Một hôm nhà thơ Xuân Hoàng đến chơi. Tôi và anh say sưa đàm đạo chuyện văn chương, thế sự. Mấy hôm sau anh mang đến tặng tôi bài thơ “Thầy giáo dạy văn”. Món quà thật bất ngờ. Đã 26 năm trôi qua, tôi cất giữ bài thơ như cất giữ viên ngọc quý. Bài thơ giúp tôi nhớ lại một thời đầy cam go nhưng sâu nặng ân tình, giúp tôi nhớ lại căn phòng “như tổ chim treo” mà cha con tôi từng ở: “Hộ tập thể nằm trên gác xép/ Căn phòng thanh đạm có gì đâu/Một chồng sách cũ, dăm chai nước/ Một chiếc bàn con, một bếp dầu...” Và: “Giường ngủ đủ kê vừa một chiếc/ Bố con vừa đủ chỗ bên nhau/Vợ làm cán bộ văn thư huyện/ Một gánh hai con đủ dãi dầu!”. Điệp từ “một” vừa nói lên sự thiếu thốn về vật chất vừa thể hiện sự thiếu thốn về tình cảm gia đình. Cái gì cũng “một” chỉ có nước là “dăm chai”.

Lúc đó, mới vào Huế, tôi chưa kịp sắm bình chứa nước đun sôi để nguội nên đựng tạm vào mấy cái chai. Có lẽ nhà thơ muốn dùng chi tiết này để đùa tôi: “No nước uống, thiếu cơm ăn” chăng? Hồi đó, chưa nhập được sổ gạo cho các cháu, cha con tôi ăn uống rất kham khổ. Biết hoàn cảnh khó khăn của tôi, bạn bè văn nghệ tổ chức quyên góp cứu trợ. Bát cơm “phiếu mẫu” ấy tôi không bao giờ quên. Đến nay, tôi còn lưu giữ mảnh giấy của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ghi tên những bạn bè đã “nhường cơm”, sẻ áo” cho cha con tôi thời đó. Tội nhất là mấy chú chuột, soong nồi trong phòng tôi đều nhẵn bóng nên: “Chú đành gặm giấy thôi/Đêm nghe tiếng sột soạt/Tôi lén dậy bật đèn/Hốt hoảng nhìn bản nháp/Thấy chẳng còn vẹn nguyên/Bài thơ vừa mới viết/Nói chuyện đời sâu, nông/Chuột gặm mất đoạn kết/Chừng đâu dăm sáu dòng/Thế là tôi vội vội/Giấu thơ vào ngăn bàn/Chỉ sợ chú chuột đói/Lại chén thêm đôi hàng” (Chuột đói). Nghèo như thế nhưng thật vui.

Các bạn thơ Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Ngô Minh, Lê Đình Ty, Lý Hoài Xuân... thường hay lui tới căn phòng “như tổ chim treo” của tôi. Chúng tôi trò chuyện, đọc thơ: “Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ/Đôi lòng hòa một vị chua cay”. (Nguyễn Bính). Thời đó sao mà hồn nhiên đến thế, yêu đời đến thế! “Say sưa anh nói về thơ phú/Cứ ngỡ người nghe có thể no/Cửa sổ mở ra, làn gió thoảng/Hương hoàng diệp liễu cứ ùa vô”. Hoàng diệp liễu là loại cây trồng rất nhiều ở sân trường Hai Bà Trưng. Bạn tôi, Hải Kỳ đã có những câu thơ khá hay về hoa diệp liễu: “Một chiều bạn rũ tôi sang/Bỗng nhiên hoa diệp liễu vàng thơ ngây/Mùa đông mà lá xanh cây/Cánh hoa muốn gửi, gió bay theo người/Lối mòn chỉ bạn và tôi/Lặng im kẻo chạm vào lời của hoa...” Diệp liễu vàng trở thành nguồn thi hứng cho các thi sĩ. Điều làm tôi ngạc nhiên là làm sao anh Xuân Hoàng lại cảm nhận được mùi hương của hoa diệp liễu? Phải đến khi đọc thơ anh tôi mới để ý cái mùi hương lạ lùng ấy! Nhà thơ đâu chỉ nói mùi hương của diệp liễu vàng. Đó là mùi hương của bao thế hệ “nữ sinh Đồng Khánh” vẫn còn phảng phất trong sân trường. Chính mùi hương ấy, sân trường ấy, căn phòng ấy cũng đã gợi cho tôi bao nguồn thi hứng. Tôi từng viết “những vẫn thơ hái muộn” trong những tháng ngày này. Tôi nhớ, hồi đó có một “nữ sinh Đồng Khánh” thanh mảnh, đài các hay mặc chiếc áo len viền. Nàng rụt rè mang tặng tôi tập thơ “Tâm tình hiến dâng” của Tagor. Nhà nàng có cây vú sữa, gần bờ sông...


Nhà thơ là người giàu lòng trắc ẩn. Nếu không thật sự hiểu và cảm thông với tôi, với tất cả những thầy cô giáo trong thời buổi cam go ấy làm sao anh có thể thốt lên: “Ngồi nghe anh nói mà thương quá/Thầy giáo như anh quá đỗi nghèo!”. Hôm nay tôi không còn “quá đỗi nghèo” nữa. Tôi đã xây dược ngôi nhà hai tầng ở Trường Bia bằng công sức, mồ hôi của chính mình. Tiếc là khi tôi làm nhà xong thì anh Xuân Hoàng đã lâm bệnh, không thể về Huế chia vui với tôi. Biết đâu nhìn thấy sự “đổi đời” của tôi anh lại có thơ tặng. Bây giờ thì anh đã vĩnh viễn ra đi. Mỗi lần đọc lại bài thơ “Thầy giáo dạy văn” tôi ngậm ngùi tưởng nhớ đến anh - người bạn thơ vong niên vô cùng thân thiết của tôi.

M.V.H
(201/11-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bàn về bạn (17/04/2009)