Tạp chí Sông Hương - Số 242 (tháng 4)
Ký ức phù sa
17:48 | 29/04/2009
PHAN THÀNH MINHĐó cũng là tựa đề tập thơ rất dễ thương của Trần Tịnh Yên - nhà thơ của đất kinh kỳ thơ mộng thuở nào - thú thật  là tôi đã vô cùng hạnh phúc khi nhận được tập thơ này do chính  tác giả gởi tặng, dễ thương ở chỗ khổ giấy nhỏ nhắn, trình bày đẹp trang nhã, sách 80 trang với 46 bài thơ cũng mỏng mảnh như thế nhưng nhìn rất thơ, càng thơ hơn nữa khi chính tác giả tự viết lời phi lộ cho mình, tôi rất hợp với anh ở điểm này bởi lẽ chẳng ai có thể thay thế cho mình bằng mình để nói hộ những gì mình muốn nói...:...năm xưa qua ngõ sân đìnhcó người nhặt được mối tình ai rơi
Ký ức phù sa
Nhà thơ Trần Tịnh Yên

Ký ức phù sa là tiếng kêu chiều của ngộ - nhận - hư - vô, đồng vọng lên hơi thở không ngừng của trái tim mật ngọt và nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm lại một thời huy hoàng của cỏ xanh lộng lẫy hoa tươi. Đôi khi vọng động trong cõi thiền tình hư ảo rồi tịch lặng theo sương xanh: “Trên tàu sen lục/ tàn rồi/ Giọng trầm thổ ngữ/ chim đồi/ đã bay/ Tình tôi/ lợp lá heo may/ Gió hoang thai thổi/ đã gầy mắt em...”

Em của thi sĩ như con thuyền độc mộc hoang thai giữa lênh đênh mùa thu hoàng lạp, lặng lẽ thả giấc mơ vào sương mai trên dòng Hương Giang biêng biếc để gọi người thơ quay về vùng ký ức yêu thương của mình đầy ắp kỷ niệm thuở nào: “Mượn sông/  một nhánh rong vàng/ Thắp tình em/ giữa/ hai hàng thiên thu”

Không biết cái tuổi học trò ngày xưa của anh có phải trăn trở trong cái nghèo thi vị như thời tôi không, không biết những ước mơ thần tiên ngày xưa của anh có đơn điệu như tuổi tôi trong thời bom đạn triền miên không... mà hồn thơ còn mãi lắng đọng nhiều năm sau ngày hoà bình mới bung vỡ, những nẻo quyên ca (2000) Áo mơ phai (2004) và tập thơ này Ký ức phù sa (2008) mới lặng lẽ trình làng. Chậm nhưng còn kịp, kịp để cho hồn thơ thăng hoa cùng bạn bè cùng năm tháng để rồi quay về với sương mờ khói toả.

Đó là thượng nguồn của sự yêu thương, như dòng sông có khởi thuỷ mà chẳng có điểm dừng, những giọt nước sông trong trẻo kia, bé nhỏ kia... đã đi về đâu trong cõi tạm nhân gian này, phải chăng từ trong máu của mẹ của em, trong hơi thở của muôn loài có mức giới hạn sinh tử: “Chuông chùa/ đổ phía heo may/ Là chiều dưới trúc/ tôi say bên đình/ Em tìm cửa Phật/ nghe kinh/ Tôi về/ nhặt được mối tình ai rơi”.

Có điều gì đó đang lay động trong lòng ta, phải chăng đây giống như những ca từ rất nhân sinh của Trịnh, những cọng buồn cỏ khô, những mắt xanh xao, những lá thu mưa reo mòn gót nhỏ... để nên em hình hài trôi dài trôi mãi trôi trên ngàn năm... Ở đó ngôn ngữ thiền vẽ nên bức tranh đời sáng tối bằng nét cọ nhục dục của muôn loài, oái ăm thay đó lại là chốn quay về của mọi kiếp nhân sinh trăn trở trong cái thế giới ngục tù đầy biến động bất an này.

Bốn câu lục bát mà tôi vừa trích dẫn trên đây của Trần thi sĩ đã quá độ chín thấu, chín mọng như quả thị trong cái bị của bà già trong một câu chuyện cổ tích xa xưa... có chút huyền thoại, có chút nhân gian, có tình... Nhưng tôi hơi tiếc... nếu tác giả thay cụm từ mối tình ai rơi bằng bóng hình ai rơi thì hay quá... một đàng là kế thừa một đàng sở hữu chân chính tuy là cùng động tác nhặt như nhau.

Có một điều mà tôi biết và tôi cũng trăn trở là tôi chỉ viết được tàm tạm những câu thơ xưa xưa cổ cổ, bước theo dấu chân người đi trước để không biết hỏi mình điều gì, cái hiện đại và hậu hiện đại gì gì đó xin để cho người khác. Chính vì vậy khi nhận được tập thơ này của Trần Tịnh Yên tôi cũng như mọi người là thường tìm bài chủ đạo đọc trước, đó thường là bài thơ được tác giả lấy làm tựa đề cho toàn tập. Trần Tịnh yên cũng không ngoài lệ đó nhưng tôi thất vọng, thất vọng không phải bài thơ không chuyển tải được điều gì mà tiếc cho tác giả dám đem phế táng một tình yêu nào đó trong tâm hồn mình cho cát bụi phù sa

Trong giấc mơ phồn thực
Khổ hạnh
dưới chân tháp nghiêng
Tiên cảm về những lời yêu em
giấu sau ngực lá
Những giấc mơ
chẳng bao giờ được giải mã
Tôi hoả táng
       tình mình
             trong ký ức phù sa

Vâng đó là thơ, là nỗi niềm riêng tư của Trần Tịnh Yên... điều này chỉ có thể nói với riêng mình trong tâm thức, trong tiếng thở dài hoài niệm nhưng với bạn thơ, người yêu thơ thì khó có thể chấp nhận được. Chính cái tâm tưởng không nhất quán của người làm thơ đôi khi lại đẻ ra những câu thơ tưởng chừng vô lý nhưng lại rất là thơ. Ta liên đới: Vườn non/ lá quẫy gọi chồi/ Về giữa lạ/ cỏ mọc lời chiều hoang...”

Đã là vườn non mà còn quẫy gọi chồi thì hơi bị lạ... nhưng đó là cái lạ Trần Tịnh Yên, là thơ của cái không thơ, là ngôn ngữ của cái không biên giới ngôn ngữ: “Em môi nụ hạ/ xa rồi/ Còn phơi dáng đỏ/ bên đồi lá thưa”.

Dẫu biết Phật tức tâm, Tâm có em, Em là Phật, Phật trong ta (kinh sa mạc) thì vô cùng, bởi mọi sự giải thích đều khập khiễng, cái suy diễn của người này có thể có lý nhưng áp dụng với người kia thì có vẻ cao đạo xa vời, yêu nhau cau sáu bổ ba ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười cũng chẳng giúp được gì khi mà tình yêu chủ kiến đã muốn đem đi hoả táng cho xuôi...

Không biết mình có thiên về lục bát không mà những câu thơ sáu tám của Trần Tịnh Yên đã làm cho mình bối rối, ngất ngây: “Có người/ Tình là vết thương/ Hồn như quán vắng/ bên đường cái quan/ Có người/ lòng vẫn bỏ hoang/ Đời như hạt nước/ rụng tràn khe khuya”.

thì không bàn cãi không chỉnh huấn được gì, thơ phải chăng là tiếng nói của tình yêu dị mộng chất chứa trong nó những khổ đau hoan lạc của một đời người, phải chăng là một phúc âm buồn của cõi người tạm bợ muốn được xẻ chia: “Ngày em/ quảy mộng về đông/ Có người đi sắc/ về không/ một người”.

phải chăng Trần Tịnh Yên cũng đã từng ngồi đối ẩm với Trịnh trên cái bàn nhân sinh nhân quả này chăng, để rồi khi phủi tay cát bụi lại trở về với cái bản ngã không cùng của tạo hoá để khỏi vui khỏi buồn với nhân gian: “Có người/ người đã bỏ quên/ Hồn như giếng lạ/ khô bên nghìn trùng”.

Quả là đạo vị, nhưng tiếc thay tác giả không dám phéng đi một từ thừa trong khuôn phép của lục bát, đành vậy thôi...

Qua 46 ảo khúc dung dị nhưng rất thơ này tôi chỉ lạm bàn đôi vần lục bát rất Trần Tịnh Yên, ngoài ra còn nhiếu thể thơ khác nữa cũng được tác giả trao gởi trong 80 trang sách mỏng mảnh này để mong ai đó cảm được. Những thể thơ khác đó có thể tác giả thử nghiệm hay trải nghiệm cũng còn đang mở ngỏ: “Chiều nay/ bên cỏ giao mùa/ Em đi/ cổ tích bỗng lưa thưa buồn/ Lên hoang vu/ bỏ mưa nguồn/ Xa em/ ta thấy thiên đường mất vui”.

Rất khó nói, chỉ cảm thôi cũng đủ mệt nhoài, bốn câu thơ này tôi xin thay cho lời kết bởi nó như bốn mệnh đề độc thoại độc lập mà tôi thì bé nhỏ vô cùng...

Cảm ơn tác giả đã cho đời những vần thơ sâu, còn sâu tới chừng nào thì tôi không đo nổi, chỉ biết rằng Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ thuật Việt Nam đã trao giải 3 cho tập thơ này trong năm 2008, trân trọng chúc mừng.

Vinh danh cho một người thơ, một đời thơ... âu đó cũng là cái hạnh của những người cầm bút chân chính vậy.

Đà Lạt, 22 giờ 18 ngày 12.1.2009

P.T.M
(242/04-09)

Các bài mới
Zombie (*) (22/05/2009)
Về Huế (13/05/2009)
Xuân sơn kỳ bí (12/05/2009)
Các bài đã đăng