Tạp chí Sông Hương - Số 173 (tháng 7)
Suy nghĩ về quỹ kiến trúc và qui hoạch đô thị Huế
09:56 | 22/05/2009
THÁI DOÃN LONGKiến trúc luôn luôn được hình thành phát triển và gắn bó với sự tiến hoá của văn hoá xã hội và lịch sử, bản thân từng công trình và tổng thể toàn đô thị đều ghi dấu thời đại và xã hội nào sinh ra nó.
Suy nghĩ về quỹ kiến trúc và qui hoạch đô thị Huế
Phối cảnh tổng thể khu đô thị mới Thuỷ An (www.hue.vnn.vn)

Kiến trúc thành phố Huế cũng được người Việt tạo ra theo qui luật đó. Chúng ta có thể lược qua những mốc giai đoạn phát triển cơ bản sau:

1. Kiến trúc thời phong kiến, quân chủ triều Nguyễn từ thời các chúa đến những ông vua mà người cuối cùng là vua Bảo Đại.

2. Giòng kiến trúc Pháp xuất hiện chưa đầy 100 năm vào cuối triều đại phong kiến đã để lại những công trình nổi bật ở các thành phố lớn nước ta trong đó có cả thành phố Huế.

3. Kiến trúc thời Mỹ ngụy 1954 - 1975.

4. Kiến trúc XHCN sau 1975 đến nay, có một mốc quan trọng là từ khi chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp qua cơ chế kinh tế thị trường. Ở thời kỳ này kiến trúc đô thị đất nước nói chung và kiến trúc Huế nói riêng đã sinh ra ào ạt những công trình mới đôi khi đến ngỡ ngàng, buộc chúng ta phải toát mồ hôi để tự xem xét đánh giá lại cái gọi là kiến trúc đương đại hôm nay.

Tất cả những sản phẩm kiến trúc vừa điểm qua ở các giai đoạn trên bao gồm các công trình đang tồn tại và các công trình đã bị hư hỏng đều coi đó là quỹ kiến trúc. Vậy thì ta có thể kiểm kê đánh giá lại quỹ đó thật chính xác và nghiêm túc để tìm hướng phát triển mới cho nền kiến trúc tương lai được đúng hướng.

Kiểm chứng quỹ kiến trúc Huế xin chớ quên đánh giá cảnh quan thiên nhiên vô giá của Huế. Thiên nhiên Huế đẹp tới mức mà khi xa khỏi đây người ta chỉ kể về rặng núi dòng sông mà đặc biệt là sông Hương, núi Ngự, rồi cung vua lăng tẩm, chùa chiền... Kiến trúc đương đại tuy đang mọc rầm rộ mà chẳng mấy ai chú ý.

Những quãng đường, những chiếc cầu hay những con thuyền trôi trên sông và cả những cánh diều... đều có thể tăng thêm cho quỹ kiến trúc đô thị Huế. Bên cạnh đó còn phải kể thêm những lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán đang tồn tại trong các kho tàng mênh mông ở nơi thành phố ngỡ là nhỏ bé này.

Chúng ta cũng biết muốn phát triển xây dựng kiến trúc đô thị tốt thì phải bắt đầu từ việc quy hoạch tốt, sau đó là quản lý quy hoạch đô thị tốt và chính xác. Theo tôi việc quy hoạch và quản lý quy hoạch tại đô thị Huế còn những bất cập như sau:

- Sản phẩm quy hoạch là sản phẩm có tính xã hội, có sự kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mọi sự vội vàng đều có hại cho sản phẩm văn hoá và kiến trúc.

- Có một thời quy hoạch đô thị ở Huế không được quan tâm lắm, cho tới những năm gần đây đã được lãnh đạo quan tâm nhiều hơn, đó là điều vui mừng.

Tuy vậy kiến trúc hiện thời đang phải choáng váng đối phó theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Sự phân hoá kinh tế người giàu kẻ nghèo tất yếu sẽ xuất hiện hình thái "kiến trúc nghèo" tồn tại khập khiễng bên cạnh "kiến trúc giàu".

Về quy hoạch đô thị:

Lực lượng tham gia làm quy hoạch đô thị Huế bao gồm cả trung ương và địa phương, nói nôm na là trung ương làm cái lớn và phần nhiều, địa phương làm cái nhỏ phần ít.

Lực lượng trung ương có nhiều kinh nghiệm, phương pháp luận tốt và tiến hành bài bản nhưng vì ở xa, điều kiện thâm nhập thực tế bị hạn chế. Có người nói đó là kiểu "quy hoạch đổ bộ", câu đó dí dỏm và có phần đúng.

Lực lượng địa phương thì phân tán nhỏ bé, thậm chí không có đội hình, tuy am hiểu thực tế hơn nhưng chỉ tham gia có tính du kích, manh mún, lẻ tẻ.

Nhìn chung là chất lượng quy hoạch không cao và không sát thực tế, may chăng chỉ định vị được vài tuyến đường cơ bản, còn lại phần kiến trúc đều phải ứng xử đối phó theo nhu cầu thực tế.

Về quản lý đô thị:

Có một thời ở giai đoạn bao cấp, công cụ để quản lý đô thị hầu như không có gì, thực tế đã để lại những hậu quả sai lầm, vẫn còn lại một số công trình cho tới nay chưa dễ gì khắc phục được.

Hiện nay các điều lệ, các văn bản pháp quy ngày càng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó các bộ máy về quản lý xây dựng đô thị ngày càng được tổ chức mạnh hơn, tuy vậy còn quá nhiều bất cập cần phải được xem xét thêm.

Điều dễ nhìn thấy là bộ máy quản lý đô thị ở Huế thiếu sự tập trung nhất quán và đồng bộ. Liên quan tới việc quản lý xây dựng đô thị hiện nay bao gồm các cơ quan thuộc các ngành: giao thông, điện lực, bưu điện, xây dựng, UBND thành phố Huế... Về xây dựng công trình dân dụng, Sở Xây dựng quản lý đường loại 1 và 2, cùng các công trình thuộc phạm vi nhà nước, UBND thành phố quản lý khu vực đường loại 3 trở xuống mà chủ yếu là nhà dân. Tình trạng cát cứ, ai phần việc nấy, điều tất yếu sẽ xảy ra là không hiếm trường hợp quy hoạch một đường thực tế xây dựng thực thi một nẻo. Bên cạnh đó đội ngũ quy tắc đô thị do thành phố chỉ đạo độc lập bao quát không hết, xử lý vụ việc chưa triệt để, phạt cho tồn tại là tạo kẽ hở pháp luật dẫn đến kết cục xấu cho hình ảnh đô thị.

Có nên chăng đề xuất một vị "Đinh Bộ Lĩnh" nào đó có đủ tài đức để thống nhất tình trạng cát cứ này không?

- Về kiến trúc cổ và cũ ở Huế đã được thừa nhận, đã trở thành di sản văn hoá, nổi bật nhất là kiến trúc Triều Nguyễn, đã định hình, khẳng định được vai trò văn hoá của nó. Từ nay về sau sẽ được bảo tồn mãi mãi. Bên cạnh đó có hàng trăm ngôi chùa lặng lẽ lẩn khuất hoà nhập trong không gian môi trường Huế mà giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần khá đậm nét. Chưa dừng lại ở đó, các ngôi chùa mới ở Huế cứ âm thầm được xây dựng thêm như chùa Phước Duyên, Huyền Không, Quảng Tế và một số chùa khác, theo nhịp điệu hài hoà chung trong hệ thống chùa và nhà thờ truyền thống, dòng kiến trúc này vẫn làm ta yên lòng.

- Thời Mỹ nguỵ: do chiến tranh việc đầu tư xây dựng không được nhiều, tuy vậy chính quyền nguỵ cũng để lại một số công trình cần được đánh giá: đã cải tạo bệnh viện trung ương Huế cũ do người Pháp xây dựng tại vị trí Cầu Mới hiện nay. Xét về mặt quy hoạch thì chính quyền nguỵ đã tiếp tục bồi thêm vào sai lầm của người Pháp, cho tới bao giờ chúng ta mới có đủ điều kiện chuyển đổi được. Ngay trước bệnh viện là Cầu Mới được xây dựng chỉ nhằm phục vụ chiến tranh là chính, xét về bố cục trên sông Hương thì chưa ổn lắm. May thay hình thức kiến trúc cầu đã biết cách thu mình lại để giữ gìn cho sự duyên dáng của cầu Tràng Tiền khỏi bị phương hại.

Kiến trúc Đại học Sư phạm và Khách sạn Hương Giang là sự khiêm tốn hoà nhập. Để lại dấu ấn mỹ cảm trong không gian tổng thể giai đoạn đó là kiến trúc nhà thờ Giòng chúa Cứu thế.

- Giai đoạn xây dựng kiến trúc sau 1975 đến nay lại có dặc thù riêng mà ta dễ nhận ra ở hai thời kỳ:

Thời kỳ đầu vừa thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế xã hội lúng túng trong cơ chế quan liêu bao cấp với đặc điểm là nghèo nàn và lạc hậu, đồng thời làm trì trệ sự phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó ngành kiến trúc cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng.

Đảng và Nhà nước ta đã phát hiện căn bệnh này đưa đất nước vào thời kỳ mở cửa, kinh tế đi lên, cả nước mừng vui... Các công trình theo đấy được ào ạt xây dựng, thành phố Huế cũng phát triển theo qui luật đó.

- Các cụm công trình lớn đang ngày càng mọc lên nhiều, theo đó hệ thống nhà ở tư nhân cũng rầm rộ phát triển.

- Đã xảy ra tình trạng ngay cả các công trình thuộc phạm vi Nhà nước cũng không thể chủ động hoạch định ngay trong đồ án quy hoạch. Các cấp quản lý luôn luôn phải ứng xử theo tình huống, đó là một thực tế còn tồn tại.

Điểm qua không gian lớn từ phía Bắc Sông Hương nhìn sang phía Nam ta sẽ thấy có những hình ảnh làm nhiều người ái ngại.

Trục nhìn từ Cầu Mới, hình ảnh Đài Truyền hình, Bưu điện tỉnh, khách sạn Thái Bình, và xa hơn một chút là mặt sau khách sạn Ngô Quyền đã làm du khách thất vọng. Hiện tại người Huế đang hồi hộp hy vọng bộ mặt kiến trúc Thư viện Đại học Huế đang hiện dần bên đường Lê Lợi.

Để ý thêm một chút mới thấy băn khoăn rằng: hoá ra các công trình thuộc lĩnh vực văn hoá ở Huế lại ít có duyên với tính chất ngành mình mà đại biểu có lẽ là hai công trình đài truyền hình mới xây trên 2 trục chính Hùng Vương và Lý Thường Kiệt.

Cụm công trình phía khu vực khách sạn Century, Hương Giang và không gian liền kề quanh đó đang có xu thế mọc lên phường hội khách sạn ken vào không gian. Cần phải cảnh tỉnh cân nhắc kẻo thành phố mất cân bằng hình khối, dễ lệch trong trọng tâm không gian. Xa một chút bên kia Đập Đá đã xuất hiện một khối nhà lạ, tương tự như vậy bên này khu vực đầu cầu Gia Hội cũng xuất hiện các loại kiến trúc khó hiểu, thậm chí đã xuất hiện các kiến trúc dị dạng, quái đản như nhà khách Xi Măng tại đường Trường Chinh và nhiều công trình tư nhân khác.

Theo tôi cụm kiến trúc Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cung Thiếu nhi Huế tuy chưa đạt tới mức độ tuyệt hảo, song đó là cách tìm tòi và suy nghĩ đúng, nếu chú ý tới sẽ thấy có cái gì đó gần gũi với ta hơn.

Mảng kiến trúc nhà dân là một bộ phận lớn góp phần chi phối bộ mặt kiến trúc thành phố. Nói đến Huế người ta hay nói đến kiến trúc nhà vườn, quan niệm đó chưa hẳn là sai. Nhà vườn phần lớn nằm trong khu dân cư cũ trong thành, ngoài thành và khu Kim Long. Thực ra xu thế các lô vườn bị cắt giảm bán bớt hoặc phân hộ đã xuất hiện từ lâu, cho tới nay vẫn chưa hề giảm. Sự xuất hiện ngày càng nhiều loại nhà liền kề, nhà ống sẽ là nguyên nhân chính làm mất tính chất nhà vườn Huế. Bên canh đó các ngôi nhà rường truyền thống ngày càng xuống cấp chưa có cách gì giữ lại được, đồng thời có những nhà đã bị đem bán cho người khác thậm chí bán vào cả phía Nam, đó là điều thật đáng tiếc.

Hình thức kiến trúc mới của nhà dân thì sao? Đây là mảng công trình mà các cơ quan quản lý chưa kiểm soát được về kiến trúc, căn bệnh lai căng các kiểu kiến trúc không thuần thục đã xuất hiện nhiều ở Huế tuy chưa đến mức trầm trọng như ở những thành phố khác, cần phải được né tránh. Nhận định về mảng kiến trúc này có diễn biến khá phức tạp, đơn giản chỉ là người dân muốn xây dựng ngôi nhà theo ý mình. Thậm chí có người còn tự thiết kế lấy tuy không được đào tạo nghề. Đa phần lập bản vẽ chỉ là cái cớ để xin giấy phép theo luật và họ thường nghe theo ý kiến các nhà thầu hơn. Như vậy lỗi của người thiết kế và người quản lý chỉ có một phần chứ không phải là tất cả.

Tiềm năng kinh tế của Huế là ngành du lịch, thu hút du lịch lại chính là yếu tố văn hoá, cho đến nay Huế vẫn chứa trong mình nó đầy ắp nhiều tầng văn hoá hết sức đa dạng. Tiềm năng đó cần phải biết khai thác một cách khoa học.

Đã thành tiền lệ, Festival văn hoá sẽ được tổ chức hai năm một lần tại Huế, sự thu hút khách du lịch ngày càng nhiều hơn. Lượng khách tới hiện nay đã đạt sáu trăm ngàn lượt người/năm. Nay mai sẽ là con số một triệu, xấp xỉ với số dân cả tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại.

Vậy bộ mặt tương lai của Huế sẽ thế nào đây? Điều này phụ thuộc vào sự điều phối của ngành quy hoạch đô thị. Căn cứ vào không gian địa lý của miền đất này, Huế chỉ nên giữ ở mức qui mô thành phố trung bình với chất lượng cao, số lượng dân chỉ nên ở mức trên dưới 40 vạn. Phát triển thành phố về hướng nào cũng có những hạn chế nhất định. Muốn giữ cho Huế ổn định chỉ có cách là đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Các đô thị lân cận như Tứ Hạ, Phú Bài cách Huế một quãng không lớn chỉ trên dưới 15 km và các đô thị khác đủ điều kiện đáp ứng sự phát triển xây dựng thu hút lượng người tới sinh sống giảm sức căng dân số cho Huế.

T.D.L
(173/07-03)

Các bài mới
Vận may (25/05/2009)
Các bài đã đăng
Một thuở Paris (21/05/2009)