Tạp chí Sông Hương - Số 177 (tháng 11)
Nhận ra và giữ lấy những cái duy nhất của di sản kiến trúc Huế
09:19 | 01/07/2009
HOÀNG ĐẠO KÍNHVăn hoá xứ Huế là một hiện tượng: sinh sôi và thịnh vượng trong khoảng thời gian và không gian địa lý hạn hẹp. Cả hai nhân tố, vật thể lẫn phi vật thể, đều kịp đạt đến trình độ cao và thấm đậm những cái riêng, so với các thời kỳ lịch sử trước đó và so với các miền đất khác. Di sản văn hoá xứ Huế không chỉ phong phú, không chỉ đặc sắc, mà còn kiệt xuất, bởi nó sở hữu rất nhiều những cái duy nhất.
Nhận ra và giữ lấy những cái duy nhất của di sản kiến trúc Huế
Lăng Tự Đức (Ảnh: Internet)

Ngoại trừ thành xây bằng đá thời Hồ Quý Ly ở Thanh Hoá, hệ thống thành luỹ của kinh đô Huế duy nhất còn bảo lưu gần như nguyên vẹn bố cục và các thành phần cơ bản: cấu trúc Phòng thành - Hoàng thành - Cấm thành, quần thể kiến trúc cung đình, hệ thống hào và kênh, các cầu gạch và đá...

Phổ biến ý kiến cho rằng kinh thành Huế xây dựng theo kiểu Vauban. Nghĩ như vậy làm cho di sản kiến trúc của dân tộc mình thiệt thòi thêm. Trong một khảo cứu mang tựa đề "Sơ khảo về quy hoạch thành thị Huế, Quốc đô của Việt Nam thế kỷ XIX" (Bản dịch của Phan Thanh Hải), nhà nghiên cứu kiến trúc cổ người Đài Loan Hoàng Lan Tường viết: "...Kinh thành Huế lấy thành Trung Quốc làm nòng cốt, tiếp thu có chuyển hoá phương pháp kiến trúc của thành luỹ nước Pháp, bên trong lại kết hợp với sản phẩm văn hoá bản địa ôn hoà của Việt Nam".

Thành Trung Hoa từ xa xưa, thành Việt từ thời Cổ Loa, đã cấu thành bởi 3 lớp. Mặt bằng hình vuông không phải là đặc trưng của thành Vauban. Sự vay mượn rõ rệt ở kiểu thành Vauban chính là 24 pháo đài (bastion) và thành mang cá (ravelin), chưa hề gặp trong kiến trúc thành Trung Hoa và Việt. Mặt thành phía Nam uốn theo vòng cung quả là nét riêng của kinh thành Huế.

Các cầu gạch đá xây theo kỹ thuật vòm cuốn ở trong và ngoài kinh thành Huế là mảng công trình kiến trúc kỹ thuật hiếm hoi trong di sản kiến trúc Việt. Tồn tại ngót nghét hai trăm năm, các cầu này hoàn toàn không bị lún, bị nứt. Cho đến nay chưa có một chuyên khảo nào về thể loại công trình kỹ thuật đặc sắc này, cũng chưa có một kế hoạch nào bảo quản và phát huy chúng.

Kinh thành rộng hơn 520 ha, tường cao 6,5m và dày hơn 21m, không gây cảm giác tương phản với các thành phần khác của đô thị, nó hầu như hoà nhập vào cơ thể mảnh dẻ của Huế.

Cung điện, đền đài, lăng tẩm của các triều đại trước hầu như đã biến thành tro bụi. Ở An Sinh, Quảng Ninh, sót lại những phế tích lăng tẩm thời Trần. Trên đất Hà Nội, đào sâu, tìm thấy những mảnh gạch đá của kiến trúc thời Lý và thời Trần. Sơn lăng thời nhà Lê ở Thanh Hoá, vết tích vật chất hầu như cuối cùng của một triều đại với các vua Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông, đã vơi hẳn đi và biến dạng hẳn đi sau đợt "trùng tu" lớn nhất mới được thực thi gần đây.

Chỉ ở cố đô Huế, mới tồn tại những điện, những cung và những miếu. Tồn tại trong sự đa dạng duy nhất về các thể loại kiến trúc cung đình.

Điện Thái Hoà và điện Long An (nay dùng làm bảo tàng cổ vật) là 2 kiến trúc cung điện cuối cùng của tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam. Cung Diên Thọ và cung Trường Sanh cũng là những di tích kiến trúc cung thất cuối cùng. Khương Linh các, trong khuôn viên cung Diên Thọ, là ngôi chùa duy nhất ở chốn cung đình, tương tự như những chùa hoặc những nhà thờ trong các hoàng cung ở các nước.

Trong di sản văn hoá Việt, không có cái thứ hai như Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Thái Bình lâu, Di Luân đường v.v...

Duyệt Thị đường trong Hoàng thành và Minh Khiêm đường ở lăng vua Tự Đức là hai hình mẫu hiếm hoi của kiến trúc công trình biểu diễn nghệ thuật. Dù là nhà hát của nhà vua, song bàn về thiết chế kiến trúc của nghệ thuật biểu diễn Việt, không thể không tham khảo.

Trong quần thể kiến trúc khu Hoàng thành, ta nhận biết một số điểm khác biệt so với kiến trúc Trung Hoa mà vốn là tiền mẫu cho kiến trúc chính thống Việt. Đó là:

- Trong Hoàng thành đã từng tồn tại hơn 100 công trình kiến trúc, song một phần lớn diện tích vẫn được dành cho cây cỏ, hồ nước và vườn cảnh, khác hoàn toàn với Cố Cung, nơi diện tích được phủ kín bởi kiến trúc, bởi sân thềm lát đá và tam cấp.

- Nhân tố tạo cảnh là hồ Thái Dịch được bố cục ngay sau cổng chính, trên trục cơ bản và trước sân thềm điện Thái Hoà, điều không thấy ở tiền mẫu Trung Hoa.

- Ở Trung Hoa, các cung điện bao giờ cũng được đặt trên trục tường ngăn cách hai sân nối tiếp nhau của một trục cơ bản. Ở Huế lại khác, cung điện được đặt tự do trong sân.

- Ngoại trừ toà điện Kiến Trung đứng sau cùng trên trục chính gồm 5 điện, được dựng trên một nền bệ cao, bốn toà điện còn lại dựng trên những nền thềm thấp. Uy quyền của triều đình ở đây không cần đến sự khuếch trương bởi độ tôn cao của nền.

Lặp lại công năng và thậm chí tên gọi Trung Hoa, kiến trúc và sự quây quần của nó lại bộc lộ, một cách không thể phản bác được, đặc trưng và tinh thần Việt.

Sự cảm thụ thuần tuý Việt, thái độ thuần tuý Việt đối với giang sơn đất nước và cỏ cây hoa lá, thuần tuý Việt đối với mối liên quan giữa cái đẹp và cái quý với sự giàu sang và sự to tát, đã chi phối tất tật sự kiến tạo đô thị Huế, từ to đến nhỏ. Nhờ vậy mà cho đến tận bây giờ, ta vẫn nhận rõ: đô thị Huế là sản phẩm thấm quyện vừa của những tư tưởng cao siêu, vừa của những bàn tay đầy uy lực và lại vừa của những trái tim thi sỹ. Trên đời này, ít thấy một chốn đô thị nào mà cái siêu và cái thực lại kết tinh làm một như Huế.

Hổ quyền, một kiến trúc xây bằng gạch, dùng làm nơi để vua xem voi hổ dằng xé nhau, không có cái thứ 2 như thế ở nước ta và hình như ở cả khu vực. Nó đứng nguyên vẹn, song hầu như bị lãng quên, người ta đọc về nó trên sách.

Hồ Tịnh Tâm, tàn dư cuối cùng của thể loại kiến trúc thư giãn và nghệ thuật kiến trúc phong cảnh. Nghe nói, đồ án "phục dựng" kiệt tác nghệ thuật tạo dựng cảnh trí này đã được soạn thảo. Liệu phục dựng xong, Tịnh Tâm sẽ giống một công viên Á đông chung chung hay một nơi thư giãn tầm tầm nào đó chăng?

Các lăng tẩm ở Huế đặc trưng không chỉ bởi chúng còn lại khá nguyên vẹn, ngoại trừ các lăng vua Gia Long và vua Thiệu Trị đang phế tích hoá. Chắc chắn vay mượn cấu trúc cơ bản của lăng tẩm Trung Hoa, song chúng thật sự là những sản phẩm kiến trúc Việt, mà nổi bật hơn cả là nghệ thuật tạo cảnh. Lăng vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị và vua Tự Đức, khác nhau về bố cục và thủ pháp tạo cảnh, song đều là những tuyệt tác của cha ông chúng ta trong sự biến nơi mai táng thành nơi mà cái đẹp tinh tuý ngự trị, nơi sự hoà đồng giữa tạo hoá và con người tìm thấy ngôn ngữ biểu hiện duy nhất phù hợp. Nếu ai hỏi: Có truyền thống, có nghệ thuật tạo cảnh Việt không? Tôi không ngần ngại mà trả lời: Hãy đến Huế, thăm lăng vua Minh Mạng. Nó chẳng những là tuyệt tác của nghệ thuật tạo cảnh Việt, nó còn là tuyệt tác của nền kiến trúc Việt. Nếu ai hỏi: Có thể chăng kết hợp thuộc tính trật tự và quy củ của kiến trúc với thiên nhiên vốn có, suy tôn tính nghiêm nghị trong kiến trúc lăng mà vẫn tạo nên áng thơ kiến trúc, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: Hãy tìm thấy những cái đó ở lăng vua Minh Mạng. Và, cuối cùng, trong một công trình kiến trúc, khẳng định uy quyền thiên tử, mà lại không làm cho nó đè bẹp con người, vẫn gần gũi với mọi kiếp người, thì lăng vua Minh Mạng đã làm được những điều đó. Minh Lâu trên bệ tam cấp, được dẫn tới bởi ba chiếc cầu gạch bắc qua dòng nước và mở ra phối cảnh gò tẩm vua Minh Mạng, là tuyệt tác đích thực của kiến trúc thời Nguyễn. Và, nếu gán cho một công trình kiến trúc nào đó ở ta cái tên Parthénon, tôi sẽ không ngần ngại mà mệnh danh Minh Lâu chính là nó. Một Parthénon không phải bằng đá, mà bằng gỗ và bằng ngói. Một Parthénon thở nhẹ và ấm áp.

Trong một số tài liệu nghiên cứu về Huế, những công trình không thuộc kiến trúc cung đình được mệnh danh là dân gian. Tuy nhiên, trong quỹ kiến trúc của Huế hiện hữu một số lượng lớn những nhà cửa, những phủ đệ thuộc sở hữu của các tầng lớp trên trong xã hội phong kiến, không thể quy nạp về phạm vi kiến trúc dân gian. Do đó chúng tôi gọi chung là kiến trúc dân dụng truyền thống. Tính từ "truyền thống" một phần dùng để phân biệt với kiến trúc dân dụng thời Pháp thuộc.

Có hai thành phần nổi trội trong kiến trúc truyền thống ở Huế:

Thứ nhất, các cấu trúc cư dân đô thị hoặc bán đô thị. Dạng ô phố ở trong thành nội. Dạng phố thị và dãy phố buôn bán như Bao Vinh và Hàng Bè (nay là Huỳnh Thúc Kháng), dạng xóm phố như Gia Hội, dạng làng kề đô thị như Kim Long và Vỹ Dạ. Ngoại trừ các cấu trúc phố thị và dãy phố, ở hầu hết các thành phần cư dân đô thị khác, đơn vị - không gian ở là nhà vườn. Chính hình thái cư dân nhà vườn đã tạo nên đặc trưng nổi trội cho Huế, làm cho Huế khác biệt các đô thị ở nước ta. Và, nếu mô hình nhà vườn tan rã, nếu các dãy phố bị lèn khít chặt bởi nhà kiểu chia lô, liệu Huế có còn là Huế nữa hay không?

Thứ hai, căn nhà rường, một kiểu kiến trúc dân dụng phổ biến và phát triển đến đỉnh cao ở Huế. Tác giả Chu Sơn trong bài viết "Nhà rường xứ Huế" khẳng định gọn ghẽ: "Vua chúa ở nhà rường. Hoàng thân quốc thích ở nhà rường. Quan lại ở nhà rường, người giầu ở nhà rường. Phật và thánh ở nhà rường. Ma quỷ cũng ở nhà rường. Ông bà tổ tiên ở nhà rường. Con cháu cũng ở nhà rường. Nhà rường vẫn là đặc trưng của kiến trúc, văn hoá Huế một thời xưa cũ".

Ở trong thành nội, ở Vĩ Dạ, ở Kim Long, ở Gia Hội, ở Long Thọ v.v... còn lại bao nhiêu nhà rường? Chưa có một cuộc khảo sát, kiểm kê nào được tiến hành để trả lời câu hỏi đó! Ấy vậy, có hàng chục căn nhà rường giữ nguyên vẹn không chỉ kiến trúc, mà cả bài trí, đồ vật, bầu không khí.Tưởng như cái chuỗi các cuộc đời vẫn đang chảy không gián đoạn dưới những mái nhà đó. Không quá lời khi ví những căn nhà rường đó là những bảo tàng cuộc sống. Huế quý hiếm cả từ trong quý ra.

Điều hết sức có giá trị là ở chỗ hầu hết các thành phần xã hội thời phong kiến còn hiện diện cho đến nay bởi các kiểu nhà ở. Không nơi nào ở ta lại có một di sản độc hiếm như vậy.

Ở Huế đang tồn tại và đang trở thành một di sản: Đó là các công trình tôn giáo và tín ngưỡng. Xem xét thành phần này trong quỹ kiến trúc của Huế, thêm một lần nữa ta phải thốt lên: đây quả thực là một phức hợp kiến trúc - di sản cực kỳ phong phú và có một không hai. Cả một triều đại, cả một thời đại lưu truyền mình, chuyển hoá mình vào các thiết chế kiến trúc tín ngưỡng. Đàn miếu bao gồm đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, liệt miếu. Liệt miếu lại bao gồm Ân Tự đàn, đàn Âm hồn, miếu Âm hồn. Quần từ thờ các thân vương và công chúa, các quan lại của nhà Nguyễn, các vị thần theo truyền thuyết. Hàng trăm nhà thờ họ. Vài chục ngôi đình làng, khác biệt với đình Bắc Bộ và Nam Bộ. Trên 100 ngôi chùa với 4 quốc tự, 20 chùa sắc tứ và 12 nhà thờ công giáo.

Đền miếu là bộ nhớ của xứ Huế.

Chưa có một tổng điều tra và tổng kiểm kê các thiết chế kiến trúc tín ngưỡng - tôn giáo của Huế. Trong sự phân chia ranh giới quản lý di sản giữa Sở Văn hoá Thông tin và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, liệu cái mảng kiến trúc hết sức đặc sắc này có tìm thấy sự để tâm đáng có không?

Tôi thường tự vấn: Ở chốn đô thị này cái gì ngự trị, kiến trúc hay thiên nhiên? Có những đô thị mà kiến trúc chiếm đoạt và vắt chanh hầu hết quỹ đất, chỉ để lại mỗi bầu trời. Có những đô thị mà giữa kiến trúc và thiên nhiên, có thể đặt dấu ngang bằng. Còn Huế, là đô thị thiên nhiên ngự trị. Những gì tạo nên bởi con người chỉ là sự khảm nạm vào thiên nhiên. Còn thiên nhiên trong đô thị là một góc trời đất nhận thức được, và chi phối được, không bị gò ép, bị cưỡng bức. Bởi thế Huế là một đô thị thơ, đô thị phong cảnh, đô thị tột độ hoà đồng với thiên nhiên.

Nói về diện mặt nước ở Huế, người ta thường nhắc tới sông Hương. Như thế chưa đủ, còn phải nói tới một hệ sông - kênh - hào - ao hồ- đầm - phá - cửa biển. Có lẽ ta vẫn chưa nhận thức đủ tính ưu việt và tiềm năng hệ đặc trưng đó. Chỉ riêng trong thành nội trên diện tích 520 ha có gần 50 ao và hồ. Đáng tiếc là hầu hết những ao hồ này đều đang bị hoang phế, ô nhiễm, lấn chiếm và san lấp dần. Lâu nay người ta hay nói Hà Nội là thành phố của những cái hồ. Huế đang sở hữu, trong cơ thể tinh tế đến lạ lùng của mình, một hệ đan kết sông ngòi, kênh đào, ao hồ nhân tạo và tự nhiên.

Đi qua vài chục nước, tôi chưa hề thấy một chốn đô thị nào, một cố đô nào, có một con sông chảy qua như sông Hương, mà không bị đai, bị gông bởi kè đá, không bị biến thành đại lộ nước. Con sông cứ chảy thong dong giữa hai triền đất thoai thoải, cây cối mọc tưởng như tự chúng.

Lâu nay mải chăm sóc quần thể kiến trúc cung đình được thế giới công nhận là di sản, hình như ta chưa nhận ra và do đó ít chăm sóc, một di sản không kém phần kiệt xuất: Đó là đô thị Huế với tư cách một di sản.

Di sản kiến trúc đô thị Huế có 3 đặc trưng nổi trội, đó là:

- Sự chuyển hoá mềm mại về phương diện hình thái học đô thị của các cấu trúc đô thị thuộc các thời: Từ kinh thành thông qua các dải chuyển tiếp lý tưởng là sông Hương và đôi bờ rộng mở, sang khu kiến trúc thời Pháp thuộc và khu xây dựng sau này, trong sự bao bọc khắng khít của các phố, các làng cổ như Gia Hội, Kim Long, Vĩ Dạ, Dương Nổ, v.v...

- Sự chuyển hoá, đúng hơn, sự đan quện hữu cơ giữa kiến trúc đô thị và các khung cảnh nhân văn hoá, trong đó có vai trò chủ đạo của sông Hương, cùng các con kênh, Cồn Hến và Giả Viên, đồi Thiên An, của vùng đất Tây-Nam, núi Ngự Bình...

- Sự ngự trị lâu bền đặc tính phát triển đô thị theo phương vị ngang.

Ba đặc trưng đó đóng vai trò quyết định trong sự thống nhất, sự không bị chia lìa của cơ thể đô thị Huế cho đến tận hôm nay.

Huế đang làm chủ một quỹ kiến trúc đô thị có một không hai, bao gồm:

- Kiến trúc thành luỹ và kiến trúc cung đình.
- Kiến trúc dân dụng truyền thống.
- Kiến trúc tín ngưỡng và tôn giáo.
- Kiến trúc thời Pháp thuộc trước 1945.
- Kiến trúc cảnh quan đô thị.

Đã đến lúc nhìn nhận đây là một gia tài, một tài nguyên mà tổ tiên và cha ông để lại. Gia tài đó không chỉ nên coi là di sản để tự hào, và để bảo tồn, còn cần được coi là cái gốc cho sự phát triển lâu bền cả về vật chất lẫn tinh thần, chỗ dựa để đi lên tới hiện đại mà vẫn còn là mình. Sự "còn là mình" quan trọng đối với mỗi dân tộc, mỗi đô thị. Đối với Huế cái sự ấy lại càng mang tính sống còn hơn.

Giữ gìn di tích, đơn chiếc, đã khó. Huống hồ giữ gìn một đô thị là di sản.

Mỗi quỹ kiến trúc cấu thành đô thị Huế đòi hỏi cách ứng xử riêng:

Đối với kiến trúc thành luỹ và kiến trúc cung đinh: bảo tồn đầy đủ các thể loại, trùng tu và tôn tạo theo các đòi hỏi duy trì các đặc điểm và giá trị vốn có, không làm cho di tích trẻ ra bình dân hoá đi, tìm cho chúng công dụng theo cách hiểu văn hoá trong cuộc sống đương đại.

Đối với kiến trúc dân dụng truyền thống: bảo tồn đầy đủ các thể loại, bảo tồn trong cấu trúc đô thị đã hình thành, bảo tồn nguyên vẹn các cấu trúc đô thị là đặc trưng, vừa duy trì vừa cải tạo cho phù hợp với cuộc sống đương đại.

Đối với kiến trúc tín ngưỡng và tôn giáo: bảo tồn và duy trì trong sự đa dạng về thể loại, giữ gìn và cải tạo trong khuôn viên và môi trường đô thị vốn có.

Đối với kiến trúc thời Pháp thuộc: phải coi đây là một nhân tố cấu thành quan trọng của quỹ kiến trúc đô thị Huế, cần được bảo tồn, duy trì và cải tạo theo điểm - diện và mảng, trong sự chuyển tiếp không gian hợp lý.

Đối với kiến trúc cảnh quan: cần đặt vấn đề bảo tồn và phát huy trong một bài toán đô thị vĩ mô và tổng hoà, kết hợp việc duy trì với việc tôn cao giá trị từng nhân tố cấu thành, ngăn chặn sự lấn át của kiến trúc mới và sự ô nhiễm theo nghĩa rộng.

Đối với đô thị - di sản, trong mọi kế hoạch mở rộng và hiện đại hoá, sự ưu tiên của mọi ưu tiên phải dành cho việc duy trì cho được giá trị nổi trội nhất của Huế, đó là sự hài hoà, sự cân bằng kiệt xuất của cơ thể đô thị. Điều đó ám chỉ mối liên quan dễ bề bị phá vỡ giữa thiên nhiên và đô thị, sự cân bằng giữa các thành phần đô thị, sự chuyển hoá mềm mại giữa các không gian và hình khối, mối liên quan giữa con người và đô thị, sự giữ gìn và tô đậm diện mạo không lặp lại của từng đường phố và của cả đô thị.

Bảo tồn - cải tạo - nâng cấp - chỉnh trang - hiện đại hoá, đó có thể là cách ứng xử phù hợp cho một đô thị mà ta không tài nào tách khỏi hai chữ "duy nhất".

Nghe nói, đang chuẩn bị xây mấy cái nhà chọc trời trên bờ Nam sông Hương để Huế làm du lịch và có thêm cơ hội giàu lên. Đó là sự làm nghèo đi cái vốn vô giá mà Huế đang sở hữu.

Hy vọng chính người Huế, vốn dĩ thâm thuý trong chữ nghĩa và trong sự tôn kính đặc biệt quá khứ, người Huế với thái độ ôn hoà và cẩn trọng đặc trưng, sẽ tìm ra cách ứng xử phù hợp nhất với cái gia tài - vốn liếng của mình.

Con đường riêng trong phát triển đô thị Việt Nam, biết đâu đấy, sẽ có thể tìm thấy ở Huế một tấm gương.

Hà Nội, tháng 7/2003
H.Đ.K
(177/11-03)

Các bài đã đăng
Cảm hứng (18/06/2009)