Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Nhạc sĩ Trần Hoàn về chốn Đào Nguyên
14:28 | 18/06/2009
NGUYỄN TRỌNG TẠOTôi biết nhạc sĩ Trần Hoàn vĩnh biệt cõi trần vào lúc 5 giờ 6 phút ngày 23 tháng 11 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, nhờ cú điện thoại của một nhà báo gọi đến đặt bài. Đã mấy hôm nay biết ông hôn mê sâu, khó qua khỏi mệnh trời, nhưng khi nghe tin ông qua đời, tôi vẫn chưa tin là ông đã mất.

Ông là một người sức vóc dẻo dai, yêu đời và say việc. Đã 75 tuổi, ông vẫn giữ trọng trách trong công tác quản lý (Chủ tịch UBTQLHVHNTVN), và những bài ca vẫn còn ủ lửa trong trái tim giàu sáng tạo của ông. Thật hiếm có một nghệ sĩ như thế, dù ở chiến trường chống Pháp hay chống Mỹ, dù lúc còn trẻ hay khi đã cao niên, dù làm Bộ trưởng hay Trưởng ban... ông đều say sưa sáng tác âm nhạc và sẵn sàng ôm cây đàn ghi ta hát theo yêu cầu của công chúng. Hát trong những đêm nhạc của riêng ông và hát ngay trong những cuộc gặp gỡ không định trước. Nhiều bài hát của ông đã ăn sâu vào trái tim của hàng triệu người yêu nhạc. Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương (lời thơ Nguyễn Khoa Điềm), Một mùa xuân nho nhỏ (lời thơ Thanh Hải), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (lời thơ Đỗ Quý Doãn), Lời Bác dặn trước lúc đi xa,v.v... là những bài hát vượt qua năm tháng, đưa ông tới vinh dự lớn: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Ông tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928 tại Hải Lăng, Quảng Trị. Tham gia Cách mạng từ năm 1945. Một lần cùng đi viếng mộ nhạc sĩ Văn Cao ở nghĩa trang Mai Dịch, ông kể với tôi rằng: Ông lấy bút danh Trần Hoàn vì thời trẻ rất thích hát bài Thiên Thai của Văn Cao có câu: “Đào Nguyên xưa, Lưu Nguyễn quên trần hoàn”, cũng có nghĩa nhắc nhở mình không viển vông mà phải luôn gắn bó với đời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng là đội viên đội tuyên truyền văn nghệ, dưới sự lãnh đạo của nhà lý luận cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Sau hoà bình 1954, ông ra Bắc làm Trưởng ty Văn hoá Hải Phòng, nổi tiếng với bài hát Kể chuyện người cộng sản. Gắn bó suốt 10 năm với đất Cảng, ông vừa làm quản lý vừa sáng tác nhiều bài hát về chốn này, và khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ ra cả nước, ông được cử vào chiến trường Trị Thiên vừa làm tuyên huấn Khu Uỷ vừa sáng tác với bút danh Hồ Thuận An. Bài Tiếng hát trên Gio Cam giải phóng của ông làm nức lòng quân dân Quảng Trị một thời. Đất nước thống nhất, Trần Hoàn kinh qua khá nhiều chức vụ quan trọng: Giám đốc sở Văn hoá, Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên, Trưởng ban Tuyên huấn thành uỷ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, Phó ban Tư tưởng Văn hoá TW, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBTQLHVHNTVN. Vì vậy ông rất giàu kinh nghiệm lãnh đạo văn nghệ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhiều biến động lớn trong văn nghệ tưởng rất khó nắm bắt, nhưng ông luôn kiên trì với quan điểm văn nghệ của Đảng: Tiên tiến - đậm đà bản sắc dân tộc để đưa văn nghệ đi đúng hướng. Ông cũng khá thận trọng khi ký các quyết định cho hát lại những bài hát Tiền chiến, bài hát trong vùng tạm chiếm cũ và bài hát hải ngoại.

Tôi may mắn có mấy năm làm việc cùng “sân 51” (trụ sở UBTQLHVHNTVN, 51 Trần Hưng Đạo) với ông. Lần nào gặp nhau, ông cũng hỏi về tạp chí Âm Nhạc của tôi, và dặn dò chỉ bảo quá cặn kẽ, cứ như là không dặn dò như vậy thì chúng tôi sẽ sa đà vào việc ca ngợi thứ âm nhạc rẻ tiền, chạy theo thương mại hoá nghệ thuật. Có lần tôi hỏi ông có bài tình ca nào mới không, ông trả lời ngay rằng: “Mình không nghĩ tình ca chỉ dành cho phạm trù đôi lứa. Tình ca là những khúc ca về tình người, trong đó có tình yêu đôi lứa. Tình ca phải hiểu rộng ra là tình yêu con người, tình yêu đất nước, tình yêu nhân loại... Nếu hiểu như thế thì tất cả các bản nhạc của mình đều là tình ca đấy chứ.” Rồi ông cười, nói thêm: “Lớp trẻ bây giờ càng ngày càng có nhiều tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tác. Cái hay là lớp trẻ không muốn đi theo lối mòn cũ. Nhưng suốt ngày cứ hát mãi về tình yêu đôi lứa lại hoá ra nhàm ra nhảm, thừa cá nhân mà thiếu công dân. Vấn đề là đổi mới thế nào mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc của mình, đó là điều rất quan trọng”. Những lần tâm sự như vậy, khiến tôi càng hiểu thêm về ông, một con người kiên định, nhưng cũng rất nhạy cảm trước những biến động của cuộc sống hiện tại. Và có lẽ vì thế mà tâm hồn ông vẫn luôn dạt dào những giai điệu yêu đời, yêu người.

Khi tôi viết những dòng này thì chiếc loa đầu phố vọng lại tiếng hát Nhã Phương với bài Sơn nữ ca của Trần Hoàn. “Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây...” Bài hát đầu tay ông viết cách đây đã 55 năm rồi, giờ như đang nói về ông, về thời gian chớp mắt đã đời người. Vâng, nhạc sĩ Trần Hoàn đã khép lại thời gian của mình trên cõi trần để về chốn Đào Nguyên, nhưng những bài hát của ông vẫn còn lưu lại trong trái tim của hàng triệu người yêu nhạc. Và có lẽ vì vậy mà tôi cứ tin là ông vẫn còn ở bên ta.

Hà Nội, 23.11.2003
N.T.T                    
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng