Tạp chí Sông Hương - Số 178 (tháng 12)
Trò chuyện với nhà văn Tô Nhuận Vỹ
20:17 | 19/06/2009
PV: Là một nhà văn nổi tiếng với những tập truyện ngắn Người sông Hương, Làng thức... và các tiểu thuyết Ngoại ô, Dòng sông phẳng lặng (3 tập), Phía ấy là chân trời... những đứa con tinh thần của anh ra đời gần như tập trung liên tục trong khoảng hơn mười năm (trước và sau 1975). Trừ một số bài viết ngắn đăng ở báo và tạp chí, nếu tôi không nhầm thì, tác phẩm gần đây nhất của anh, tiểu thuyết Phía ấy là chân trời, hình như xuất bản từ năm 1988? Tại sao anh "dừng lại" đột ngột và lâu như vậy?Tô Nhuận Vỹ (TNV): Với lý do gì đi nữa thì việc "tịt đẻ" lâu như vậy cũng là chuyện chẳng hay gì đối với một nhà văn. Trong thời gian tôi "tạm dừng" đó, nhiều tác giả bạn bè tôi đã lao động miệt mài, "đẻ" hàng chục "đứa con tinh thần" rồi đó.
Trò chuyện với nhà văn Tô Nhuận Vỹ
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

PV: "Hàng chục" tác phẩm văn học?
TNV: Thậm chí đến hơn hai chục cuốn; vừa tiểu thuyết, vừa truyện ngắn, vừa tạp văn, lại vừa cả thơ nữa. Tuy vậy, chuyện "tụt hậu" này của tôi cũng có lý do. Trước hết là chính tôi muốn kìm lại tốc độ viết của mình. Sau một chặng đường chạy nước rút do dồn nén nhu cầu phản ánh những phẩm chất anh hùng của nhân dân, đồng đội... trong chiến tranh mà tôi trực tiếp chứng kiến, trực tiếp tham gia, đặc biệt được phản ánh trong bộ tiểu thuyết 3 tập Dòng sông phẳng lặng (đã được tái bản 3 lần), tôi chủ động "thả lòng" đoạn đường tiếp sau để có thời gian, khoảng trống... mà suy nhĩ và chiêm nghiệm về những vấn đề căn cốt của con người, của xã hội, của văn học. Cho dù, có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không thể nào viết lại được, tạo dựng lại được những trang viết về vùng sâu Phú Vang quật cường với những con người như chị Hanh, Ba-hô răng, Thẻo...; những trang viết về những chiến sĩ đặc công kiêu hùng như Trung, Mùi, Xuân...; những trang viết về phong trào đô thị với bà Tịnh Nhơn, Cúc, Diệu, Linh, Thục Nguyên...; những trang viết về những con người từ "phía bên kia" trở về với đội ngũ kháng chiến như Nguyễn Khoa Bảo, Phi Hùng... Sự chiêm nghiệm đó phần nào thể hiện tiếp theo ở 2 tập tiểu - thuyết - luận - đề: Ngoại ô, Phía ấy là chân trời. Tiếp đó tôi viết tiểu thuyết Mưa rơi trên cầu. Nhưng chính vào thời điểm này tôi nhận ra rằng: những nhân vật mà tôi viết, trong thực tế cuộc sống nó sâu sắc, phức tạp, dữ dội gấp bội phần. Tôi quyết định "dừng lại" cuốn tiểu thuyết mà tôi đã viết được hai phần ba đó.

PV: Dừng lại cho đến nay?
TNV: Vâng, đúng thế. Một lý do nữa, chắc anh cũng biết, tôi có "kẹt" vào chuyện điều hành một vài công việc chung, trong đó thời gian 4 năm làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương không ít lúc trần ai, vật vã. Rồi chuyện riêng của gia đình tôi khi tai nạn đến với cháu gái đầu lòng... Mấy chuyện đó kéo dài cả gần chục năm chứ ít đâu anh. Tôi lại rất kém trong chuyện có thể vừa làm nhiều việc mà vẫn sáng tác được. Tôi chịu. Đã viết (nhất là những tác phẩm tâm huyết) thì không làm việc khác, mà đã làm việc khác thì dừng viết lại, chỉ có thể coi như một cuộc "đi thực tế" dài ngày. Vậy thôi.

PV: Dừng lại để chiêm nghiệm, điều đó cũng đồng nghĩa với sự chín hơn, sâu hơn trong một con người. Anh sẽ viết gì khi đã có thời gian và sự chiêm nghiệm đó?
TNV: Anh và độc giả cho tôi trả lời câu hỏi này khi cuốn sách tôi đang viết được xuất bản.

PV: E ngại, dè dặt, kín đáo... là những đức tính thường thấy ở người phụ nữ Huế. Trái với điều đó nhân vật nữ của anh, trong nhiều tác phẩm, lại cương quyết, mạnh mẽ. Có một lời giải thích nào ở đây không?
TNV: Dè dặt, kín đáo... Đó là "bề nổi" thôi anh. Khi buộc phải chọn một thái độ bảo vệ phẩm chất của mình, bảo vệ hạnh phúc của mình và của người thân, bảo vệ giá trị thiêng liêng của con người và của tổ tiên ông bà, của đất nước... thì họ lập tức rõ ràng, mãnh liệt. Như học trò Huế, hiền ngoan vậy đó, nhưng luôn là ngòi nổ, là nơi khởi phát nhiều cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai ở các đô thị miền Nam trước đây. Như dòng sông Hương hiền hoà vậy thôi, nhưng đã bao lần là "Trường giang như kiếm lập thanh thiên". Cho nên tôi mới có những nhân vật như chị Hạnh, người phụ nữ nông thôn tần tảo nuôi con, chờ chồng tập kết ngoài Bắc, đã dâng cả tuổi trẻ cho cách mạng, trong những giờ phút ngặt nghèo nhất của cuộc chiến, đã dũng cảm giành lấy vị trí nguy hiểm nhất của cuộc đấu tranh trực diện với lũ khát máu của Trung đoàn Tân lập và cả khi tình thế thúc bách, đã tự đứng lên nhận lấy trách nhiệm Bí thư Chi bộ Đảng của làng quê chị. Hoặc như Diệu Linh, cô nữ sinh Đồng Khánh yểu điệu, đoan trang ngày nào, vào đêm đoàn quân Giải phóng phải rút lui khỏi thành phố, đã nhận giữ lại và gìn giữ những lá cờ với lời hẹn ngày gặp lại từ tay Mùi như một lời tỏ tình thiêng liêng với cách mạng, với chính người chiến sĩ đặc công anh hùng.

PV: Điều gì đã khiến anh viết và trở thành một nhà văn?
TNV: Làng quê tôi là Mai Vĩnh - Vinh Xuân dưới Phú Vang, nhưng đời ông bà nội tôi đã lên ở Huế, bên vạt Thanh Long. Bên ngoại tôi lại ở Vỹ Dạ. Ba tôi, bác và các cô tôi tham gia cách mạng và thoát ly từ rất sớm nên mẹ tôi đưa anh em tôi về ở bên ngoại từ nhỏ. Rồi anh em tôi theo ba mẹ ra Bắc sau hiệp định Genève. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi về dạy được hơn 1 năm ở trường cấp 3 Hậu Lộc - Thanh Hoá. Sau đó tôi trở về quê hương, làm phóng viên cho báo Cờ Giải Phóng Thừa Thiên Huế, phụ trách một bộ phận cơ sở nội thành của Báo và Ban tuyên huấn. Thời gian này tôi đi nhiều với bộ đội, với các đội công tác nội thành và cùng sống cùng hoạt động ở vùng sâu Phú Vang, Hương Thuỷ một thời gian dài trong kháng chiến chống Mỹ. Chính cuộc sống và chiến đấu cực kỳ gian nan, quyết liệt và lòng quả cảm lạ kỳ, tất cả đều vì Độc lập tự do cho Tổ quốc của bà con, của đồng chí đồng đội đã khiến những bài báo tôi viết, cho dù đã có đến hàng trăm bài, vẫn trở nên nhỏ bé, không đủ. Và tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Rồi truyện ngắn cũng không đủ cho tôi "chuyển tải" tâm huyết của mình với những điều vĩ đại nêu trên, tôi viết tiểu thuyết.

PV: Nhớ lại những kỷ niệm đó, người anh muốn nói đến trước tiên là ai?
TNV: Nhân dân. Nói rõ hơn là các bà mẹ và các cô gái vùng sâu Phú Vang. Đặc biệt là các bà mẹ. Không có các mẹ và các cô gái vùng sâu yêu thương, đùm bọc cán bộ, bộ đội với tình thương yêu cao cả trong những ngày da diết đó thì tôi cũng chết mười mươi rồi. Nhất là những lần nằm hầm bí mật bị địch xăm hầm, lần bị thương nặng sau Mậu Thân. Có lần tôi nói chuyện với những sinh viên dự lớp sáng tác mùa hè tại Đại học Masachuettes (Mỹ) về chủ đề này. Cuộc nói chuyện ấy được ghi lại và lưu giữ như một tài liệu thường xuyên cho các lớp sáng tác hè về sau, có tên là the Women in War and My Writing (Người phụ nữ trong chiến tranh và trang viết của tôi).

PV: Đã kinh qua một số việc với vai trò người lãnh đạo, có lúc nào anh bị áp lực buộc phải làm trái với điều anh tâm đắc không?
TNV: Nếu trong hoạt động mà có sự phối hợp với người này người kia, tổ chức này tổ chức kia thì sự ĐIỀU CHỈNH là cần thiết, sự điều chỉnh đó không gọi là bị áp lực. Cha ông mình không chỉ nói "lý", mà nói "hợp lý". Cái lý có hợp thì mới là hợp lý. Vitamine B1 là thuốc bổ, nhưng uống một lúc 300 viên, nhất là sau khi ăn cơm no, thì anh có thể chết đấy. Ngoài chuyện đó ra, tôi chưa bao giờ để bất cứ một áp lực tiêu cực nào gây tác dụng xấu đến tôi, trong công việc cũng như sáng tác.

PV: Không phải nhà văn nào cũng có điều kiện đi đến nhiều nước như anh. Trong những chuyến đi ấy, đề tài nào anh thường xuyên giao lưu với bạn bè quốc tế?
TNV: Có 2 dạng đi khác nhau: đi với tư cách cán bộ đối ngoại và đi với tư cách nhà văn. Đi với tư cách cán bộ đối ngoại thì gấp gáp (nhiều nhất là 1 tuần, mươi ngày, có lúc chỉ vài ba ngày), luôn bù đầu vào những việc sự vụ về lễ tân, bàn bạc và ký kết hợp tác kinh tế, văn hoá, lắm lúc không có thời gian để thưởng ngoạn trời đất sông núi tươi đẹp của nước bạn nữa. Còn đi với tư cách nhà văn thì thoải mái hơn nhiều. Thời gian thì ít ra cũng vài chục ngày, có lúc cả tháng, vài ba tháng, tha hồ mà tạt ngang tạt dọc, thăm thú, quan sát, tìm hiểu. Nhưng đi với tư cách nhà văn cũng không thể có chung một cách thức. Ví dụ thời đi Liên Xô và Trung Quốc trước đây thì chỉ có đi chơi vui vẻ, đi học hỏi anh em là chính. Còn đi Mỹ, Pháp sau này thì lại là chuyện khác. Nhiều lúc phải trao đổi, tranh luận. Nếu gặp phải người đối thoại thuộc "Trường phái Căng - gu - ru" thì nẩy lửa. Trong những lần đi như thế này, gần như trong các cuộc chuyện trò, tiếp xúc trao đổi... tôi luôn tranh thủ lấy thực tế của chính mình, của chính gia đình mình, của quê hương mình mà mình trực tiếp, trực diện để nói cho bạn bè và người đối thoại hiểu đúng hơn về Việt Nam, một đất nước, một dân tộc văn hiến khát khao một cuộc sống hoà bình, độc lập và sự hiếu hoà; mà để có nó đã buộc phải cầm súng hết thế hệ này đến thế hệ khác.

PV: Anh cũng là người có duyên với điện ảnh. Tôi nhớ, trước đây tiểu thuyết Ngoại ô của anh đã được Hãng phim Giải phóng dựng thành phim nhựa. Hình như do Ngụy Ngữ chuyển thể?
TNV: Vâng, Ngụy Ngữ chuyển thể, Lê Văn Duy Đạo diễn. Thanh Lan, Lê Cung Bắc, Đơn Dương... tham gia đóng phim này.

PV: Hãng phim Giải phóng lần này cũng phối hợp với Đài PTTH Thừa Thiên Huế làm phim Dòng sông phẳng lặng. Công việc đến đâu rồi anh?
TNV: Mới xong khâu kịch bản. Lưu Nghiệp Quỳnh viết 13 tập và tôi viết 2 tập.

PV: Sao anh không viết tất cả mà phải...
TNV: Khởi đầu thì anh Phạm Ngọc Tiến - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cũng có đề nghị tôi trực tiếp viết kịch bản, nhưng tôi thưa thiệt là tôi không có kinh nghiệm về vụ này. Hơn nữa, anh Lưu Nghiệp Quỳnh và tôi cũng có mối thân tình và anh ấy có kinh nghiệm hơn tôi, lại có thời anh ấy đã bắt tay vào chuyển thể để làm phim nhựa mà không thành vì kinh phí sao đó...

PV: Thế lần này, vì là phim chào mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng Huế và toàn Miền Nam, nên tỉnh Thừa Thiên Huế bỏ kinh phí lớn để đầu tư nên chắc kinh phí sẽ thuận lợi hơn?
TNV: Theo kế hoạch giữa Hãng phim Giải phóng và tỉnh Thừa Thiên Huế thì gần cuối năm nay phim đã khởi quay, nhưng chuyện tiền bạc hình như cũng chưa đâu vào đâu cả. Vậy đã là quá chậm rồi thì phải. Thường thì ai cũng hoan nghênh chuyện làm phim về truyền thống, về kháng chiến; với Thừa Thiên Huế thì đây lại là lần đầu có kế hoạch làm phim từ một tác phẩm văn học, nên lãnh đạo Tỉnh, các ngành, anh em văn nghệ sĩ... càng hoan nghênh. Nhưng đến much "đầu tiên" thì chưa bao giờ tôi thấy không trục trặc cả. Nhất là với Thừa Thiên Huế, một tỉnh còn nghèo mà phải chi phí nhiều thứ quá... Nhưng văn hoá văn nghệ ở đây càng ngày càng được đề cao và tôn trọng, nên tôi hy vọng kế hoạch sẽ được thực hiện có chất lượng.

PV: Rất quan tâm đến bạn bè, đồng nghiệp, người thân..., đó là tính cách anh tôn trọng và từng sống. Anh quan niệm thế nào về cách sống này?
TNV: Tôi đã cho một nhân vật chiến sĩ trong tiểu thuyết DSPL của tôi nói rằng, từ áo quần, dày dép, gạo cơm, viên thuốc, nhà cửa cho đến súng đạn, xe cộ,... cái chi ta cũng thua xa kẻ thù. Chúng ta chỉ có thứ hơn duy nhất là tình thương yêu đồng đội, anh em đồng chí và lý tưởng càng khiến cho tình thương yêu ấy nóng bỏng gấp bội để chúng ta có sức mà sống và chiến đấu. Đến cả tình yêu ấy mà cũng không có nữa thì chúng ta sẽ lấy gì để chống chọi lại với bọn Mỹ? Ý tưởng đó, đối với tôi, không chỉ là ứng xử trong chiến tranh mà là mãi mãi, trong mọi mặt của cuộc đời tôi.
PV: Xin cám ơn Anh!

NGUYỄN THANH TÚ thực hiện
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng