Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Rome: Dòng truyền thống trong chuyển động đương thời
09:05 | 08/07/2009
TRẦN THỊ TRƯỜNG                     Ghi chép Truyền thống trong hội nhập...Rời xe bus số 64 chúng tôi rảo bộ trên con đường lát đá tảng của phố Della Concilia Zionli giữa hai hàng cột đá trông như những ngọn nến khổng lồ để đến với nơi mà bất kỳ người dân công giáo nào cũng hằng mơ ước.
Rome: Dòng truyền thống trong chuyển động đương thời
Đền thờ Thánh Phê-rô (Ảnh: catholic.org.tw)

Piazza San Pietro (đền thờ thánh Phê rô) trong tiểu thuyết “Quo vadit’s”- nhưng kỳ vĩ hơn- đang ở trước mắt chúng tôi. Những bức tượng trên các tầng thượng in bóng trên nền trời màu hoàng hôn. Những hàng cột La Mã sừng sững luôn cuốn hút mắt người bằng khối hoa văn chạm trổ ở đầu cột. Một quần thể kiến trúc uy nghi và tráng lệ, khác với quần thể cung điện ở Paris- nơi xe bus có thể đi qua- ở đây du khách chỉ đi bộ. Dù không phải là ngày thứ tư ban phước lành của Đức Giáo hoàng (ĐGH) nhưng quảng trường cũng đông người qua lại. Thấp thoáng bóng những sắc phục xanh sẫm ủng đen. Nghe nói cảnh sát ở đây được tuyển chọn theo cả hai tiêu chí "nội dung và hình thức". Cả nam lẫn nữ, người nào cũng đẹp. Gương mặt tươi rói, không thấy nét ám ảnh bởi những khái niệm khủng bố hay ám sát. Mặc dù 22 năm trước chính ĐGH đã từng bị một kẻ quá khích ám sát hụt. Sự ân cần của họ khiến chúng tôi không ngần ngại hỏi thăm tỉ mỉ về tuần kỷ niệm này. “Mai, như thường lệ 10 giờ 30. Song không phải ở trên cửa sổ thứ ba kia mà ngay ở đây”. Họ chỉ cho chúng tôi cái khán đài giản dị trên thảm đỏ trải dưới đất ở phía trước hàng cột và nói bằng tiếng Anh. Khác với người dân Rome dù thế nào cũng chỉ bằng tiếng Ý. Phải chăng đó là 2 cách bảo tồn ngôn ngữ và bản sắc của người Italia trong xu thế hội nhập hôm nay?.

Ngày mai sẽ là lễ Ngân khánh, chúng tôi sẽ còn quay lại vậy mà không muốn rời khỏi nơi này bởi hoàng hôn, bởi sự quyến rũ của đường nét kiến trúc và đàn chim câu đang nô đùa bên bồn nước quảng trường.

Vĩ đại bởi xét lại, sám hối và canh tân

Rome cũng như Paris, 8 giờ thành phố vẫn ẩn hiện trong sương mờ, chưa mấy ai ra khỏi nhà. Háo hức được gặp lại quảng trường được nhìn thấy nhân vật huyền thoại của cả 2 thế kỷ - ĐGH Jean Paul 2, vị chủ nhân thứ 264 của Đền thờ Thánh Phêrô này, người đúc kết những kinh nghiệm và vượt khỏi những thành kiến, người giải quyết ổn thỏa những tương phản giữa "bảo thủ" và "tiến bộ" một cách có nền tảng và đưa ra những ý kiến đầy tính nhân bản để làm hài hoà một thế giới vẫn luôn nhiều xung đột; và là người cập nhật thời đại bằng canh tân, xét lại và sám hối. J. Paul 2 đã có chín mươi tư lần xin lỗi công khai, về những lỗi lầm của Giáo hội Công giáo trong quá khứ có liên quan đến các vấn đề: đạo quân thánh giá, các nền độc tài, sự chia rẽ các Giáo hội, phụ nữ, người Do thái, ông Galilê, chiến tranh và hòa bình, chiến tranh tôn giáo, ba nhà cải cách tin lành: Jean Hus, Calvin, Zwingli, những người da đỏ Mỹ Châu, Các tòa án dị giáo, Đạo Hồi, ông Luther... Tất cả những vấn nạn đó đã được soi rọi lại dưới ánh sáng Tin mừng*. Điều đó hầu như đã làm thay đổi những thành kiến lớn nhất đối với ngài đồng thời đã tác động sâu sắc đến tinh thần của một bộ phận không nhỏ của thế giới bởi không phải các vị tiền nhiệm của ngài trong quá khứ đã không nhìn nhận mọi sự dưới ánh sáng Tin mừng* đã không hết mình cho một thế giới tốt đẹp hơn nhưng cái nhìn của từng con người cụ thể ấy đã bị hạn chế. Sự hạn chế đẻ ra những thành kiến và tăm tối nên sai lầm và sai lầm lớn vẫn xảy ra. Việc xét lại sám hối và canh tân giáo hội của Ngài là một bước đầy thử thách không phải không gặp những rào cản với những lời tuyên bố khổng lồ: "Giáo hội dứt khoát không có lỗi lầm nào...Giáo hội là tinh tuyền thánh vẹn..."

Ngài là Giovani Paolo II gọi theo tiếng Italia, là Gioan Phao lô 2 theo phiên âm tiếng Việt hay Jean Paul 2 theo tiếng Pháp có tên thật là Karol Wojtyla người Ba Lan, thụ phong linh mục lúc 21 tuổi, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1948, được phong Hồng y năm 1967, được bầu làm Giáo hoàng 16/10/1978. Ngày mai tròn 25 năm Ngài ở ngôi vị Giáo hoàng...

Gia tài lớn bởi biết tin ở kẻ khác


Quảng trường Thánh Phê-rô (Ảnh: catholic.org.tw)


9 giờ đúng chúng tôi đã ở trong những hàng ghế gần với lễ đài, sát đường xe của ĐGH sẽ đi ra từ trong khu Toà Thánh (cũng huyền thoại không kém). Trăng đêm vẫn chưa khuất hẳn trong mây, đang lơ lửng trên cao và dừng lại đúng giữa đỉnh đầu bức tượng Giê su (ở giữa trong 13 bức của đền chính). Trời vẫn hơi lành lạnh. Lúc này quảng trường có chừng 1 vạn người, cho đến 10g30 thì không đếm xuể. Hôm nay là lễ mừng Ngân khánh. Khác với bản tin đã đưa trước đó mấy ngày rằng: ĐGH không được khoẻ, tiếp những người đến chúc mừng ngài còn không nói được v.v. Thực tế hoàn toàn khác, ĐGH không những dự từ đầu đến cuối buổi lễ (hơn 2 tiếng) mà còn đáp lại những lời chúc của đại khách đến từ mỗi nước bằng những thứ tiếng khác nhau và đều đặn đưa tay ra đón những nụ hôn của từng người trong một đoàn dài dằng dặc đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Chỉ riêng nghi thức hôn tay cũng kéo dài khoảng một giờ. Những hãng truyền hình lớn nhất thế giới đều có mặt: CNN, SNG, NHK...Qua báo chí ở Roma người ta biết được rằng Tổng thống Nga Putin cũng gửi điện mừng và bày tỏ một hy vọng về quan hệ Nga- Vatican sẽ được cải thiện một bước trong cuộc gặp gỡ của họ sắp tới (và Putin đã đến Italia vào tháng 11 vừa rồi- NV). Cũng như của tổng thống Bush đã viết trong bức điện mừng: “... Đức Thánh Cha (ĐTC) đã dành cả cuộc đời để chia sẻ với người nghèo đói, bệnh tật. Ngài đã dẫn dắt cuộc sống thế giới đi theo ngả đường văn hoá. Ngài đã mang tình thương đến cho kẻ yếu đuối và đơn độc. Ngài là sức mạnh của chân lý. Nước Mỹ và thế giới tốt hơn nhờ nỗ lực của ngài...”. Cựu tổng thống Ba Lan thì lấy làm tiếc về việc ĐTC J. Paul 2 không được trao giải Nobel về hòa bình trong năm nay. Theo ông ấy ĐTC không chỉ là người có đóng góp to lớn đối với thế giới mà còn là người nỗ lực chống chiến tranh ở Afgnixtan, Irac...

Nói đến tiềm năng của Italia của Rome người ta nhắc đến ĐGH đồng thời lưu truyền những huyền thoại về sức mạnh Vatican. Sức mạnh ấy có được không chỉ bởi nền tảng văn hoá và chân lý được gìn giữ và xây đắp từ các triều đại Giáo hoàng mà còn ở cách tổ chức đời sống. Với hệ thống ngân hàng và bưu chính riêng biệt, với những công xưởng sản xuất đồ lưu niệm và hệ thống dịch vụ du lịch Vatican- khu "đất thánh" ấy là chủ những gia tài hùng mạnh tầm cỡ thế giới. Vậy mà ở nơi hùng mạnh ấy trừ những ngày lễ lớn có truyền hình tại chỗ với âm thanh của màn hình cực đại quảng trường này rất yên tĩnh cho dù hàng ngàn du khách vẫn lại qua. Chỉ có tiếng gió và tiếng bánh xe hơi lăn nhẹ nhàng trên những con đường lát đá cổ điển, tiếng chuông ngân sớm mai hay lúc chiều chạng vạng và mùi hương trầm.

Sức mạnh của Vatican khiến người ta cứ phân vân: Làm thế nào để hòa hợp và tồn tại một thế giới tinh thần cao chót vót với mặt đất trần gian cùng tất cả những hệ lụy của nó? Xin hãy mua vé vào cửa các bảo tàng: Vatincan, Sistine, Antiquities... hãy mua các món quà lưu niệm vô cùng đẹp đẽ mang đậm tính văn hóa tôn giáo được sản xuất bởi những nhà công nghiệp vài trăm tuổi. Sau đó nhân euro với hàng trăm triệu du khách mỗi năm ta sẽ có câu trả lời.

Hôm sau. 18 giờ ngày 16/10 là lễ chính thức mừng 25 năm ĐGH. Mùa thu rồi mà 20 giờ Rome vẫn còn ánh mặt trời. Hôm nay đông hơn hôm qua. Theo con số của các hãng thông tấn, có hơn 300.000 người đã tới quảng trường. Vậy mà lúc dâng Thánh lễ cái không gian khổng lồ chật người ấy hoàn toàn im phắc, nghe rõ cả tiếng vỗ của chim câu.

Trước khi vào chỗ trong quảng trường, chúng tôi rẽ vào một quầy lưu niệm. Quầy chứa khoảng vài ba trăm khách mua nhưng chỉ có ba người trông coi việc bán hàng. Thực ra họ chỉ ngồi thu tiền bằng máy tính. Hàng ngàn loại tranh, ảnh, tượng, dây chuyền, dây đeo chìa khóa, đồ pha lê, chạm khảm, đúc, khắc... từ to tới nhỏ để trên giá không có thứ nào cần đính kèm những thẻ từ. Ai mua tự nhặt cho vào giỏ mang ra máy, tính xong trả tiền. Nếu có ai lấy cũng không ai biết vì đông quá. Nhưng chắc chắn không có ai lấy vì ai cũng coi đó là vật thiêng và tự thấy trả tiền thì lòng mới thỏa. Doanh số một ngày có thể lên tới hàng triệu Euro trong khi giá rẻ bằng một phần năm so với cùng loại đó mua ở các con phố khác trong Rome hay ở Italia. Chẳng thế mà người ta vẫn nói được bảo hiểm bằng lòng tin thì kinh doanh bao giờ cũng đạt hiệu quả nhất.     

Tồn tại bằng văn hóa & nghệ thuật

Vẫn bằng đôi mắt nhìn ĐGH chúng tôi rời quảng trường đi xem các tác phẩm nghệ thuật trên các con phố, đại lộ, quảng trường... Phố xá là tác phẩm quy hoạch của Kiến trúc sư đô thị. Đền thờ, tượng đài, vòi phun nước, lâu đài... là tác phẩm của họa sĩ và nhà điêu khắc... Cái nào ra cái nấy, cái nào cũng vượt thời gian và không gian tồn tại cùng đương thời, sau thời và vĩnh cửu. Xem và chìm đắm trong suy tư về những khả năng sáng tạo của con người. Bất giác nhớ đến câu nói của một người hóm hỉnh: “Văn hoá là cái được tích tụ dần dần”.   

Sau khi đi một vòng châu Âu không ít người đến đây đã thêm một lần xác tín, rằng: “Mọi con đường đều dẫn về Rome” và “Rome- nơi bắt đầu của mọi con đường”. Chỉ khi nào viếng thăm hý trường Colosero (Cô-li-dơ), liên tưởng đến những cuộc đấu đẫm máu giữa những nô lệ và thú dữ, đến sự nổi dậy của nô lệ Spartacus... mới tự bảo rằng để có được hoàn hảo cái giá trả cho nó chẳng nhỏ chút nào...

Sự giầu có của các đế chế hiện diện rõ nhất trong các đền thờ và các bảo tàng. Mỗi đền thờ là một bảo tàng về hội họa điêu khắc và kiến trúc. Hầu hết các bảo tàng châu Âu đều có nhưng những tác phẩm lớn và chính gốc của các nghệ sĩ bậc thầy Raphael, Michelangielo, Titien, Botticelli, Dossi... thì ở Rome nhiều hơn cả. Có cả những bức sơn dầu khổng lồ ở trên trần Sistine mà Michenlangiơ đã ngửa cổ vẽ trong suốt ba năm ròng, và bức Maria bế chúa Giê su lúc lâm thì ("Đức Mẹ sầu bi") bằng đá trắng nguyên khối của ông...

Người ta bảo văn hóa được thành tựu và cao dần lên bằng những di sản. Ở đâu biết gìn giữ di sản ở đó có một nền văn hóa đáng khâm phục. Những di tích kiến trúc thời cổ đại La Mã trên dưới 2000 năm tuổi đan xen với các tác phẩm thời Phục hưng và các tác phẩm thời kế cận. Mỗi con đường ở Rome ít nhất có một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Mỗi nhà thờ là một kiệt tác kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Mỗi điểm giao nhau của các đại lộ là một quảng trường với những tượng đài, cột trụ, vòi phun nước. Bao quanh mỗi cây cột lớn là một câu chuyện lịch sử bằng phù điêu chạm nổi. Mỗi mặt ngoài bức tường nhà là một dãy tranh tượng, và mỗi mặt trong của nó là những bức bích họa sơn dầu hay gốm ghép... Nguy nga tráng lệ được tôn vinh. Thành quách đổ nát cũng được bảo vệ nguyên vẹn (nó luôn luôn được coi là đề tài, là gợi ý và thách đố khả năng phục chế của nghệ sĩ đương thời). Có lẽ vì thế Rome xưa và Rome hôm nay luôn luôn là mơ ước của muôn vàn du khách.   

Không phá đi để phủ nhận lẫn nhau

Trước khi sang Rome chúng tôi đã tới một Pathéon kỳ diệu của Paris xây dựng năm 1759 hôm nay Panthéon Rome (xây dựng từ 27 năm trước CN) sự kỳ diệu còn hơn thế nữa lại hiện ra trước mắt. Sảnh phía trước điện hình chữ nhật có 14 cột trong bằng đá phải 3 người ôm mới xuể. Nóc vòm cao 22 mét, giữa nóc vòm là một ô tròn trống có đường kính khoảng 5 mét. ánh sáng như tràn từ thiên giới xuống. Không hiểu đã được làm thế nào mà đứng dưới người ta có thể nhìn thấy cả những đám mây vàng xanh đi qua mà mưa lại không bao giờ rơi vào. Khả năng tuyệt vời của các kiến trúc sư Italia đã chinh phục cả châu Âu hay châu Âu đã đẻ ra các kiến trúc sư cho mỗi nước của mình nhưng có một mối liên hệ ruột thịt nào đó mà kiến trúc của họ tương đối giống nhau với một giá trị thẩm mỹ không thể gì so sánh? Mỗi khối nhà làm nên một mặt phố. 4 khối quay lưng vào nhau làm nên 4 mặt tiền làm nên phố và những dãy phố như thế làm nên đại lộ. Cứ như thể bản giao hưởng kiến trúc toàn châu Âu được trình tấu dưới cây đũa của một nhạc trưởng ngàn tuổi. Nhìn thành phố mà nghĩ rằng nhân cách của mỗi nghệ sĩ nơi này là cống hiến hết mình cho sự đẹp. Người sau tôn vinh và giữ gìn những gì chuẩn mực và đẹp của người trước để lịch sử được nối tiếp bằng những vẻ đẹp của văn hóa nghệ thuật. Không như ở nhiều nơi trên thế giới (và cả ở ta) người đời sau thích phá hủy những gì làm nên từ người đi trước cho dù nó là cái đẹp vì cho rằng để nó tồn tại thì khó lòng ngóc đầu lên được. Phải chăng những người chọn cách hủy phá không cho rằng văn hóa là cái được tích tụ dần dần.    

Hà Nội và nhiều thành phố của chúng ta không phải không từng có và đang có thêm những kiến trúc đẹp nhưng cũng không ít những cái đẹp ấy chỉ còn lại dấu tích trên tấm ảnh ngày xưa. Có cả những dãy phố với những ngôi nhà giầu thầm mỹ giờ đây lởm chởm với những lồng vẩy, mái vẩy, những nhô ra thụt vào lởm khởm chẳng khác nào những miếng mụn trên trán trên đầu một cô gái đẹp. Lại có cả nhiều ngôi nhà mới vừa xây nhưng nào thì chóp nón, củ hành nào thì cửa hoa cửa cuốn... xanh xanh đỏ đỏ cái làm sau cố cao hơn, khác đi so với cái làm trước nhưng vẻ đẹp thì... chẳng có gì để bàn. Nhìn thế mà chạnh lòng mà bất giác nhớ rằng văn hóa phải là cái tích tụ dần dần, là sự cộng minh của cả sau và trước. Đeo ca vát mặc quần đùi nhảy một phát lên Honda lạng lách đánh võng trên đường phố chỉ là một anh chàng huếnh mà thôi.

T.T.T
(179-180/01&02-04)

-------------    
*
Tin mừng: Phúc Âm, Kinh Thánh.

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng
Miền cỏ thơm (07/07/2009)
Linh hồn Huế (06/07/2009)
Lhasa vẫy gọi (06/07/2009)