Tạp chí Sông Hương - Số 179-180 (tháng 1-2)
Hình thái không gian đô thị Huế
15:11 | 09/07/2009
PHAN THUẬN ANTrong quá trình hình thành và phát triển đô thị Huế gần 700 năm nay, đô thị này đã trải qua nhiều đợt qui hoạch. Trong đó, đợt qui hoạch vào đầu thế kỷ XIX khi triều Nguyễn xây dựng Kinh đô là đợt qui hoạch qui mô và có giá trị bền vững nhất.
Hình thái không gian đô thị Huế
Đô thị Huế (Ảnh: hueoi.com)

Vào cuối thế kỷ XIX, khi các sử quan ở Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết địa chí về đất "Thần kinh" (còn gọi là "Kinh sư", tức là Kinh đô Huế), họ đã đúc kết trong một đoạn văn rất ngắn gọn và súc tích về hình thái không gian kiến trúc đô thị bấy giờ như sau:

"Kinh sư là nơi miền núi miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn; sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi..., thật là thượng đô của nhà vua" ("Đại Nam Nhất thống chí", bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, 1969, tập I).

Một thế kỷ sau, vào năm 1981, khi đến thăm Huế, Ông Tổng Giám đốc UNESCO bấy giờ là Amadou- Mahtar- M Bow vẫn còn thấy rõ hình thái không gian đô thị ấy và đã nhận xét rằng:

“Cách cấu tạo tượng trưng của các khoảng không gian khác nhau làm cho Huế trở thành một thành phố của sự hài hòa tuyệt diệu. Huế thực hiện được sự tổng hợp đạo và đời trong kiến trúc, tổng hợp được cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ mới ngày nay.

“Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tược sum suê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc, thêu ren, thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị...

“Giữa lòng Huế, Thành nội lịch sử là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã sáng tạo ra nó. Phía nam, các lăng tẩm các vua nhà Nguyễn rải ra dọc hai bờ sông Hương...”.

Suy cho cùng, nguyên ủy của hình thái không gian đô thị Huế đã bắt nguồn từ nền văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng khi chúng được đem ra để áp dụng một cách thích hợp và khéo léo vào hình thế địa lý cụ thể tại chỗ.

Ngay từ thế kỷ XVII, Huế đã trở thành một trung tâm văn hóa của nước ta sau trung tâm văn hóa Thăng Long. Sự tiếp nhận ảnh hưởng từ các trung tâm văn hóa khác trong nước và trong khu vực, nhất là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Thăng Long là một điều tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên, đây là một sự tiếp thu có chọn lọc, biết gạn đục khơi trong, có sáng tạo và biết thích hợp hóa với bản địa. Do đó, bên cạnh những mẫu số chung thuộc về văn hóa phương Đông và văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa Phú Xuân- Huế còn có những đặc trưng riêng của mình mà giá trị nổi bật hơn hết là kiến trúc cảnh quan.

Theo dòng tư duy triết học truyền thống của phương Đông và của dân tộc, giữa thiên nhiên và con người có một mối tương quan hòa hợp. Cho nên, trong các giai đoạn xây dựng và phát triển đô thị của mình, nhất là trong đợt qui hoạch và mở rộng thành Kinh đô vào đầu thế kỷ XIX, con người ở đây đã không dùng những biện pháp thô bạo để chế ngự thiên nhiên, mà chỉ tổ chức lại thiên nhiên, biến thiên nhiên thành những giá trị văn hóa để tham dự vào cuộc sống nhân văn một cách thân thiết. Kiến trúc đô thị Huế, từ tổng thể đến từng công trình, thuộc loại kiến trúc mở. Không gian bên trong công trình hoặc nội thất đều được nới rộng thêm bằng cách nối liền với thiên nhiên ngoại cảnh. Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã nhận xét về tính kiến trúc mở ở Huế rằng: ”Không gian bên ngoài luồn vào không gian của kiến trúc, kéo kiến trúc về với thiên nhiên, góp phần tổ chức lại không gian chung”.

Cụ thể hơn, có thể nói rằng hình thái không gian chủ yếu của đô thị Huế được dựa vào những tiêu chí qui hoạch kiến trúc rút ra từ Dịch lý và thuật Phong thủy. Đây là những tư tưởng triết lý chủ đạo để thiết lập đô thị này.

Dịch lý cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do hai yếu tố Âm và Dương tác động với nhau mà sinh trưởng. Thuyết Âm dương còn được kết hợp với thuyết Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và thuyết Tam tài (thiên, địa, nhân) để lý giải luật tương sinh và tương khắc để vạn vật sinh sôi nảy nở.

Thuật Phong thủy tuy ra đời muộn hơn Dịch lý, nhưng đã cụ thể hóa các khái niệm trên để ứng dụng vào việc xây dựng và kiến trúc, nhất là trong bố cục kiến trúc cảnh quan.

Theo các nhà Phong thủy (còn gọi là thầy địa), cuộc đất tốt là nơi có các thực thể địa lý tự nhiên như núi, đồi, cồn, đảo, sông, suối, ao, hồ được dùng làm các yếu tố Phong thủy như tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ, minh đường, não thủy. Cốt yếu của hình thế địa cuộc ấy là chọn lựa làm sao cho có được chỗ “tụ khí tàng phong”.

Ngay từ cách đây gần 1000 năm, trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn đã nói về hình thế của thành Đại La mà sau đó đổi tên là thành Thăng Long như sau:

“Thành Đại La... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng..., muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thật là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở...”.

Hoặc là Điện Lam Kinh của nhà Lê ở Thanh Hóa cũng đã được người xưa mô tả dưới nhãn quan Phong thủy:

“Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm... Sau điện, lấy Tây Hồ làm não... Hồ rất rộng lớn. Nước ở các ngả chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy chạy vòng trước mặt... Lại có lạch nước nhỏ, cũng phát nguyên từ hồ ấy ở trong khu vực sông nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung” (Phan Huy Chú, "Lịch triều Hiến chương Loại chí", bản dịch của Viện Sử Học, Tập I).

Đến thời nhà Nguyễn, Dịch lý và thuật Phong thủy vẫn được tiếp tục tôn trọng khi xây dựng Thủ phủ Phú Xuân, rồi Kinh đô Huế.

Năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Thái chọn làng Phú Xuân để xây dựng Thủ phủ, các nhà kiến trúc bấy giờ đã áp dụng một số nguyên tắc nói trên. Sách ”Đại Nam Thực lục Tiền biên” cho biết rằng bấy giờ, các nhà kiến trúc đã ”lấy núi đằng trước (tức núi Ngự Bình) làm án, đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn...”.

Qua đầu thế kỷ XIX, khi xây dựng Kinh đô Huế, mặc dù địa bàn của Thủ phủ Phú Xuân được qui hoạch lại và mở rộng thêm, nhưng các nhà kiến trúc thời Gia Long vẫn giữ hướng nam truyền thống như tất cả mọi cố đô trước đó của Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, vì Dịch lý đã quy định rằng đó là hướng đặt ngai vàng của các bậc đế vương. Núi Ngự Bình vẫn được dùng làm tiền án như bức bình phong trấn giữ phía trước Kinh đô. Sông Hương là minh đường. Hai hòn đảo trên sông này là Cồn Hến và Cồn Dã Viên được giao đóng vai trò tả thanh long và hữu bạch hổ. Như vậy, nhiều thực thể địa lý trên địa bàn đã được hình tượng hóa, siêu nhiên hóa, nghĩa là các nhà kiến trúc bấy giờ đã gắn vào cho chúng những chức năng tâm linh, làm cho cảnh vật ở đây càng trở nên huyền bí và hấp dẫn. Đó là một số ngôn ngữ truyền thống ẩn tàng trong kiến trúc Kinh đô Huế ngày xưa và Thành phố Huế ngày nay.

Dù nội dung các tư tưởng mang tính triết lý trong xây dựng đô thị ấy được người đời đánh giá như thế nào (mê tín hay khoa học), chúng ta cũng có thể nhận ra được một hệ quả tốt đẹp của chúng là góp phần tạo dựng ở góc trời này một hệ thống kiến trúc cảnh quan vừa uy nghi vừa thơ mộng. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc với sự can thiệp khéo léo và có chừng mực của bàn tay con người, cổ nhân đã tạo ra ở đô thị Huế một môi trường sinh thái lý tưởng. Các nhà qui hoạch và kiến trúc ngày xưa đã không để công trình của mình đứng chơ vơ và khô cứng dưới ánh sáng mặt trời, mà bao giờ cũng lợi dụng thiên nhiên để thổi vào cho nó một cái hồn, tạo ra cho nó một thần thái.Kiến trúc đô thị Huế vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

Các loại hình kiến trúc cung đình và dân gian ở đây như thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa, nhà vườn... đều có cùng một phong cách như thế. Thiên nhiên và kiến trúc ấy đã làm cho Cố đô Huế trở thành vùng đất của thơ, bầu trời của nhạc, một thế giới của tâm hồn.

Dựa vào những tư tưởng chủ đạo nói trên trong qui hoạch, các nhà kiến trúc đầu thế kỷ XIX đã phân chia địa bàn Kinh đô ra từng khu vực, phân khu và tiểu khu tùy theo chức năng của từng loại công trình. Trong qui hoạch ấy, sông Hương trở thành tuyến chính, các chi lưu tự nhiên và nhân tạo của nó trở thành những tuyến phụ dùng để phân định các địa phận khác nhau.

Ở bờ bắc sông Hương là trọng địa số một của triều đình, nơi xây dựng thành quách (bao gồm Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành), nhiều cung điện và các quan thự dành cho triều đình và Hoàng gia ăn ở và làm việc. Ở xa xa bờ nam sông Hương là vùng gò đồi yên tĩnh rộng hơn 20.000ha dùng để xây dựng đền miếu, chùa chiền và nhất là lăng mộ, nơi các vua chúa nhà Nguyễn và thần dân của họ an giấc ngàn thu (Các kiến trúc sư ngày nay gọi hướng ấy là “trục tâm linh” của đô thị Huế).

Tư dinh của các quan lại, phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, nhà cửa của các thế gia vọng tộc, tao nhân mặc khách, văn nhân thi sĩ, phần lớn tập trung ở những phường xóm ven đô như Vĩ Dạ, Kim Long, Gia Hội, An Cựu, Phường Đúc,v.v... Suốt thế kỷ XIX, phương tiện giao thương ở Huế với các địa phương gần xa chủ yếu là dùng đường thủy, việc buôn bán trao đổi và vận chuyển hàng hóa phần lớn đều đi qua hai cửa khẩu Thuận An và Tư Hiền rồi xuôi ngược sông Hương và phá Tam Giang để cập bến giang cảng Bao Vinh, hậu thân của giang cảng Thanh Hà. Cho nên một khu thương mại được hình thành và phát triển một cách tự nhiên ở phía đông Kinh thành. Từ Thanh Hà, trung tâm thương mại này tiến dần lên Bao Vinh, chợ Dinh, chợ Được, chợ Đông Ba, nhưng tập trung nhất là khu vực Gia Hội. Bấy giờ, Gia Hội được các tư liệu của người Pháp ghi là Phố Thương mại (Ville Marchande).

Riêng phạm vi Thành Nội với diện tích 520 ha cũng đã được chia thành nhiều khu vực: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, Lục Bộ, Tam Tòa, Đàn Xã Tắc, Kinh Thương, Võ Khố, Tịch điền, Lầu Tàng Thơ, Quốc Sử Quán... với nhiều hoa viên và hàng chục ao hồ tự nhiên và nhân tạo mà nổi tiếng nhất là hồ Tịnh Tâm với một tổ hợp kiến trúc xinh xắn và phong cảnh tuyệt vời một thuở nằm ngay giữa lòng Thành Nội.

Trong Hoàng thành lại được chia ra nhiều tiểu khu khác nhau với các chức năng dị biệt: nơi ăn ở, nơi làm việc, nơi cử hành lễ đại triều, lễ thường triều, nơi thờ phụng (các miếu), nơi giải trí với nhà hát, các vườn ngự, hồ ao,v.v... Các tiểu khu đều có tường xây cao hoặc thấp để làm giới hạn.

Rải rác đó đây ở gần hai bờ sông Hương và không xa Kinh thành là một số công trình kiến trúc quân sự và văn hóa của triều đình, như Trấn Bình Đài, Trấn Hải Thành, Văn Miếu, Võ Miếu, Đàn Nam Giao, Hổ Quyền, Điện Hòn Chén,v.v... Hầu khắp các cụm công trình hoặc từng đơn nguyên kiến trúc, từ thành trì đến Hoàng cung, từ lăng tẩm đến đình chùa miếu mạo, đều có hồ ao, sông ngòi, khe suối, núi đồi, cây cối, hoa cỏ xanh tươi cả bốn mùa.

Nhìn chung, các tổ hợp và thành tố kiến trúc tạo nên diện mạo Cố đô Huế, đặc biệt là các kiến trúc cung đình, đã được phân bố, xếp đặt và cấy vào bối cảnh thiên nhiên một cách có hệ thống, mạch lạc, chặt chẽ và thích hợp. Ngay cả khi người Pháp xây dựng thêm Khu phố Tây (Quartier Européen) ở bờ nam sông Hương vào cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, họ cũng đã nhận ra và rất tôn trọng giá trị cổ kính và đầy chất triết lý ấy của Kinh đô triều Nguyễn. Tất cả các khu vực kiến trúc cổ và cũ này đã trở thành cái khung chính của đô thị Huế một thời. Đó cũng chính là hình thái không gian cơ bản của Thành phố Huế ngày nay.

P.T.A
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Lòng mẹ (13/07/2009)
Ông và cháu (13/07/2009)
Trở về (10/07/2009)
Các bài đã đăng
Miền cỏ thơm (07/07/2009)
Linh hồn Huế (06/07/2009)
Lhasa vẫy gọi (06/07/2009)