Tạp chí Sông Hương - Số 181 (tháng 3)
Người Mỹ muốn nói gì qua thông điệp văn chương?
16:04 | 13/07/2009
AN KHÁNHHai mươi tám năm kể từ ngày chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đủ để một thế hệ trưởng thành, một dòng thơ định vị. Tháng 3 vừa qua, Hội Văn nghệ Hà Nội và nhóm nhà thơ - nhà văn - cựu binh Mỹ có cuộc giao lưu thú vị, nhằm tìm ra tiếng nói "tương đồng", sự thân ái giữa các thế hệ Mỹ - Việt thông qua những thông điệp của văn chương.
Người Mỹ muốn nói gì qua thông điệp văn chương?
Giáo sư Larry Heinemann (Ảnh: Internet)

Giữa lúc bom Mỹ rền vang ở Irắc, nhóm nhà thơ Mỹ đi gieo thơ nơi đất Thăng Long văn hiến có điều gì trái ngược? Không ai trong số những nhà thơ, nhà văn, dịch giả... ngồi đây nhắc đến điều đó, song mỗi người đều cảm nhận được rõ nét: thơ đang phải đương đầu với bom đạn, thơ không còn là thứ "kinh kệ", "thần chú" chốn xalông... "Đánh Irắc, tổng thống của chúng tôi là một thằng đần" - nhà nghiên cứu văn học Mỹ, giáo sư Larry C. Heinemann tung một "câu thơ chính luận" giữa bàn bầu dục, như một minh chứng cho thiện chí hoà bình của đoàn nhà văn Mỹ. Mọi người cười vang sảng khoái, trở về với "bàn thơ". "Thơ của chúng tôi hôm nay không đưa ra một "giáo lý" nào, chỉ giãi bầy, chỉ kể lại như những câu chuyện dân gian của các bạn đời này nối tiếp đời kia. Qua đó, thế hệ sau chúng tôi sẽ hiểu rằng, không chỉ có Việt Nam trong chiến tranh mà còn có một Việt Nam văn hiến với những con người thông thái", - ông nói tiếp. "Chính tông" và thận trọng, nhà văn Trần Thị Trường giới thiệu cho nhóm nhà thơ Mỹ 3 cuốn sách: "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Chim én bay" của Nguyễn Trí Huân, "Lạc rừng" của Trung Trung Đỉnh và bài thơ "Cởi" của Nguyễn Thụy Kha, mà theo bà, đó là những tác phẩm chứa đựng những thông điệp vô giá về chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, cuốn "Lạc rừng" của Trung Trung Đỉnh, còn được bà cho là "có sự giao thoa của nhiều nền văn hoá", mà những người nước ngoài nói chung, người Mỹ nói riêng, muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, về con người, đất nước Việt Nam sẽ có thể hài lòng. Xong, bà nhã ý đề nghị nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tự tấu tự diễn bài "Cởi" của mình:

"Thế là tôi đã cởi áo lính, một thanh xuân vô tư...
Tôi cởi năm 72,...
Tôi cởi năm 75,...
Tôi cởi năm 79,..."

Từ "Cởi" làm mấy thông dịch sừng sỏ nao núng, nhưng tiết tấu, ngữ điệu, con số và nhất là giọng đọc trầm ấm của nhà thơ đã giúp những hồn thơ xích lại gần nhau hơn. Đến lượt Bảo Chân đọc bài thơ của mình bằng tiếng Anh mà chị đã từng "trình" ở hội nghị thơ Malina (Philippin) hồi cuối năm 2002. Chị ngâm nhỏ như chỉ ngâm cho chính mình và người bên cạnh. Bất đồng ngôn ngữ không còn chỗ, bàn bầu dục như hoá tròn lại bởi hai văn sĩ người Mỹ ngồi hai đầu dài của bàn luôn vươn mình ra phía trước để tung hô những thiên kiến của mình. Rồi những ý tưởng đã gần nhau hơn trong vấn đề thơ thời hậu chiến và số phận của con người lớn lên sau chiến tranh, thơ hậu hiện đại là gì... Nhà thơ Mỹ Paul Honover đưa ra khái niệm: "Thơ hậu hiện đại là thơ của hiện tại ngày hôm nay". Thế là đã rõ. Vậy nó quan tâm đến cái gì? Trả lời: hiện thực. Thế còn thơ hậu hiện đại của Việt Nam? Thì cũng "the same"... "Thơ của chúng tôi bây giờ có hai dòng, là thơ ngôn ngữ, thơ trình diễn"; hay dòng này thường xung đột nhau nhưng có một điểm chung là cùng hướng tới hiện thực", - nhà thơ Mỹ tiếp tục giọng hùng hồn, và như để "tuyên ngôn", ông đọc bài thơ của hoạ sĩ Đức với câu kết đại ý: "Tư duy đi theo con đường zích zắc và luôn luôn vấp ngã. Nghệ thuật đẹp nhất là làm cho vạn vật biến mất"...

Thật ra, thơ hậu hiện đại, với mục đích chỉ quan tâm đến ngôn ngữ biểu đạt, đã le lói trong văn đàn ở nước ta, nhưng buổi sơ khai ấy đã biết ai người thông tỏ? Cách đây hơn nửa thập kỷ, Lê Đạt một mình một "manh" chiếu với những câu thơ đứt khúc "tự nó", cho "nó" và vì "nó". Tất nhiên, với bối cảnh lúc đó, công chúng ít nhiều dè dặt đón nhận. Phải chăng giờ đây nhóm nhà thơ Mỹ đã đưa ra cái "đơn vị" định giá chuẩn... Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tỏ ra sốt ruột: "Vậy hiện thực mà nó quan tâm là những vấn đề gì? "Thơ trình diễn, thơ ngôn ngữ có vẻ như đối nghịch, đối lập trong từng câu một, song thật ra đều phản ánh sự thật, đó là chủ nghĩa hiện đại mới. Thơ muốn tìm cái mới và tự làm mới nó, nhưng đó hoàn toàn không phải tìm cách thay tên đổi họ, mà tự thân nó biểu đạt được suy nghĩ của lớp trẻ sau chiến tranh, là muốn biết cha ông họ đã làm gì trong chiến tranh" - nhà thơ Paul Honover trả lời - một cách cụ thể hoá hơn vấn đề vừa bày tỏ. Dịch giả Dương Tường dường như phấn khích: "Đặng Đình Hưng của chúng tôi, có lẽ, đã làm những điều như các bạn nói với tập "Bến lạ", và lớp trẻ của chúng tôi cũng vậy. Có lúc rồi người ta sẽ bàn thêm về chuyện này một cách nghiêm cẩn hơn".

Lặng lẽ từ đầu chí cuối, song dịch giả Đoàn Tử Huyến, "một người Việt trầm lặng", đã chiêm nghiệm từ lâu cái gọi là "thơ hậu chiến", hay "văn học hậu hiện đại" của các nhà thơ Mỹ, cách nói của ông là... bằng sách: “Truyện ngắn hậu hiện đại” (tập truyện của nhiều tác giả) và "Chủ nghĩa hậu hiện đại" (tác phẩm lý luận văn học) do Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Sách sắp ra, một cuộc hội thảo đang tới gần, đó là điều mọi người mong đợi, để biết rằng, khái niệm văn học hậu hiện đại rồi cũng sẽ trở nên gần gũi với tất cả mọi người... Nó sẽ minh chứng cho tất cả những gì mà các nhà thơ cựu binh Mỹ và các nhà thơ, nhà văn Việt Nam vừa đề cập tới...

... Ngoài kia, bên lề cuộc giao lưu, tiếng ai đó nhỏ nhẹ, hóm hỉnh bên góc khuất bàn ăn "Xưa SAM, nay SAME"

Cuộc giao lưu đã khép lại, khoảng cách ngôn ngữ còn vơi đầy, song ý tưởng của nó thật rõ rệt. Thơ hậu hiện đại Mỹ còn mở ngỏ cho tất cả mọi người yêu thơ. Nó thực sự là đường nối kết tâm hồn của các thế hệ Mỹ - Việt trên hai đất nước ít nhiều còn dấu ấn của một thời khói lửa. Sự vắng mặt của rất nhiều người Mỹ quan tâm tìm hiểu về Việt Nam trong buổi giao lưu, không hẳn đã làm mất đi ý nghĩa này, bởi con đường thơ đang tới. Và bởi như các nhà thơ, nhà văn Mỹ đã nói rằng: Chiến tranh, chúng tôi không thể quên, nhưng giờ đây, đến với Việt Nam, chúng tôi không chỉ muốn tìm hiểu về chiến tranh, mà coi cuộc chiến Mỹ-Việt là cái cớ, để chúng tôi có thể hiểu, có thể nói với con cháu chúng tôi rằng, đất nước Việt Nam, văn hoá Việt Nam, sự thông thái của con người Việt Nam là như thế đó...

A.K
(181/03-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bão cát (10/07/2009)