Tạp chí Sông Hương - Số 182 (tháng 4)
Ma chim
17:11 | 20/07/2009
PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.
Ma chim
(Ảnh: Internet)

Nhưng, cái buổi trưa tràm chim ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được tới nơi, đã thành ký ức lung linh trong tôi đó, từ tầng bốn của một Trạm Quan sát Tràm chim vừa xây xong đó, tôi ngẩn ra trong một nỗi hẫng hụt nghẹn ngào: trên suốt cả vùng cây cối và cánh đồng bao la kia chỉ lèo tèo mươi con cò trắng, dăm bảy con vịt trời mà hễ có người đến gần là chúng đã hốt hoảng bay vù đi. Tôi sực nhớ tới hơn 2 năm trước, trong dịp sang thăm gia đình con gái tôi ở Boston - Mỹ, khi cả nhà bày bữa ăn trưa ra bãi cỏ công viên gần trường Đại học Harvard, những con sóc với cái đuôi dài ngúng nguẩy từ trên các cành cây chuyền lẹ xuống, đến ngay bên cạnh chúng tôi, vui vẻ chờ chúng tôi “chia phần”, thậm chí chúng ăn cả những mẩu bánh ngọt trong lòng bàn tay chúng tôi chìa ra nữa. Con người đã làm gì để muông thú sợ hãi hoặc thân tình với con người như thế?

Trong nỗi bần thần của “Buổi trưa tràm chim”, tôi lại nhớ đến chuyện chim muông ở làng quê tôi.

Nhiều năm về trước, ngày nào cũng như ngày nào, từ những ngày mùa đông với những ngọn gió mùa Đông-Bắc thổi hù hù, lọt qua phên liếp khiến tôi lạnh thấu xương vì thiếu chăn, phải đắp bằng chiếu hở cả đầu và hai chân... cho đến những ngày hè trời nắng như đổ lửa, đi ngoài đường mặt mày cứ nóng ran như có những lưỡi lửa liếm vào hai má, lội xuống con hói đầu làng thì “nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoai lên bờ...”. Mặc cho thời tiết thế nào, ông Châu Chóc, như trong người ông có gắn sẵn một cái đồng hồ ở đâu đó, hễ nghe gà gáy lượt đầu, trời còn tối đen như mực, đã lồm cồm bò dậy, ra đầu chái nhà, nơi ông đã để sẵn một tấm lưới to rộng, ông buộc vào hai cây sào dài đến hơn 3 mét. Rồi ông dò dẫm trong đêm, đi về phía cánh đồng làng.

Khi ban mai hiện lên trên cánh đồng bao la của làng tôi, sau giấc ngủ yên bình, đàn chim mỏ nhát, đông dễ đến mấy trăm con, thức dậy kiếm ăn. Chúng sà xuống cánh đồng lúa xanh mơn mởn để bắt côn trùng, sâu bọ, cào cào, châu chấu... Vào những ngày mùa, khi cả cánh đồng lúa đã chín vàng, với những bông lúa nặng trĩu, những ruộng lúa nếp, lúa nàng hương chín rộ, toả hương thơm ngào ngạt cả không gian... là lúc đàn chim kéo về đông như trẩy hội. Những sâu bọ, côn trùng... mê mẩn trước mùi thơm lúa mới cũng kéo đến hàng lũ, hàng đàn phá hoại mùa màng. Bởi thế, đàn chim mỏ nhát là người bạn thân thiết, là “vệ sĩ” đắc lực của nhà nông. Đàn chim cứ lích rích, lích rích vừa ăn vừa vui đùa với cha mẹ anh chị em, bạn bè, người yêu chúng, có ngờ đâu cái chết đang treo lơ lửng trên đầu.

Và than ôi! Tấm lưới rộng có kẹp hai con sào dài đã ập xuống và ít nhất cũng vài chục con mỏ nhát mắc lưới! Mà đâu chỉ có một mình ông Châu Chóc làm nghề này!

Cứ khoảng mười giờ sáng ông Châu Chóc về, tay nặng trĩu một xách chim mỏ nhát. Đến nhà, ông quăng xoạch xách chim xuống tấm đoanh đúc bằng xi măng đã dùng lâu ngày nên láng bóng, gọi vợ:

- Mẹ thằng Sẻ mô rồi, ra mà làm chim!

Vợ ông đã đun sẵn một nồi nước sôi to tướng, chỉ việc lấy cái gáo dừa múc nước sôi đổ vào cái chậu nhựa lớn rồi nhúng cả xâu chim vào. Trụng qua trụng về vài lượt, bà lẹ tay như múa nhổ sạch lông mấy chục con chim để đi bán kịp phiên chợ mai.

Thật ra, cả chục năm như vậy, là gần ba ngàn sáu trăm ngày, chỉ trừ những ngày bão lụt hoặc thi thoảng đau ốm, còn thì ngày nào cũng sát sinh như vậy, nhiều khi trong lòng ông cũng thấy ray rứt không yên. Nhưng cả nhà năm miệng ăn mà chỉ có mình ông là lao động chính, không bẫy chim thì ông biết làm gì ra tiền, vì ông không biết một nghề nào khác, kể cả nghề nông. Nói cho đúng thì ông cũng có biết nghề bắt tôm, bắt cá, đặt lươn. Những con lươn to tròn, béo múp, da vàng rộm, nấu với miến thì còn ngon gấp mấy lần nấu với thịt gà. Đồ nghề bắt lươn của ông là một cái móc sắt, một thanh sắt nhỏ cỡ chiếc đũa, phần đầu đập nhọn, rồi uốn cong thành hình dấu hỏi; thanh sắt gắn vào cái án nhỏ, vừa tay cầm, dài khoảng hơn 1 mét, gọi là cái khoèo lươn, cái móc đó móc vào cổ con lươn, giật mạnh, đầu con lươn sẽ mắc vào móc sắt. Bắt lươn kiểu này rất dễ, cứ mỗi sáng đi chiều về, ông Châu Chóc bắt được cả thúng rái lươn! Còn bắt cá bắt tôm thì ông đặt chẹp, lờ, cât rớ, làm sáo, bỏ chuôm... Con gì ông bắt cũng giỏi, cũng nhiều hơn người khác trong làng. Nghề tôm cá ông làm khoảng bảy năm. Sau đó “người khôn của khó”, bắt con dưới nước không đủ nuôi sống gia đình, ông quay sang bắt con bay liệng trên trời.

Rồi tai họa, như quy luật “có vay có trả”, đã đến với ông. Buồng ngủ của vợ chồng ông cửa sổ hướng ra bể nước, nơi hàng ngày vợ ông nhổ lông hàng trăm con chim để đem đi chợ bán. Đột nhiên, vào một ngày, cứ hễ ông nằm xuống giường là nghe thấy tiếng rích, li..lí..ich... ri rí... ich của hàng ngàn con chim từ bể nước vọng vào. Rồi ông nghe to như thể đang đứng ngoài cánh đồng, giữa hàng ngàn con chim mỏ nhát. Ban đầu ông chỉ nghe tiếng lích rích ban đêm, sau đó ông nghe tiếng chim cả ban ngày, không chỉ nghe khi nằm ở buồng ngủ mà nghe bất cứ ở đâu, trong nhà, ngoài vườn..., bất kể ngày đêm. Cái tiếng lích rích đó cứ khuấy đảo, làm cho đầu óc ông như muốn vỡ tung ra! Sau ông ít lâu, bà vợ ông cũng bị bọn “ma chim” khuấy đảo không ngơi nghỉ, làm cho hai vợ chồng ông như người mất hồn, đôi khi không còn nhớ ra điều gì nữa.

Ông Châu Chóc có hai người anh sinh đôi Châu Kền và Châu Quạ. Ông Quạ cũng làm nghề bắt chim, nhưng lại bắt loại chim to hơn là loại chim bồ nông. Khi còn học cấp 1 trường làng, ngày nào tôi cũng thấy ông Quạ chèo chiếc troòng (là chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ) ra cánh đồng làng. Đứng trên đầu chiếc troòng là những con bồ nông to tướng, với cái mỏ màu vàng dài đến cả tấc rưỡi, lông trên lưng màu xám đen, dưới bụng màu xám trắng, hai cái chân cao lêu đêu. Trong số đó chỉ có 1 con bồ nông thật, nó bị khâu mắt lại thành “bồ nông mù”, nó đứng yên 1 chỗ. Còn nhũng con khác được làm bằng gỗ, phết sơn vào trông y như con bồ nông thật. Hồi đó tôi mới lên 10 tuổi, cứ thắc mắc tự hỏi “không biết ông Quạ làm chi mà ngày mô cũng chở đi chở về mấy con bồ nông rứa hè?” (Những con bồ nông bẫy được, ông để khuất bên trong chiếc troòng nên tôi không nhìn thấy. Hỏi ra mới biết, cứ sáng ra ông chèo chiếc troòng theo con hói ra cánh đồng, đem theo những con “chim mồi” đặt đứng ở những chỗ đất cao giữa những ruộng lúa. Bên cạnh các con chim mồi đã đặt sẵn những cái bẫy. Và ông Quạ ngồi rình ở một chỗ khuất. Những con bồ nông đang bay trên trời, thấy những con đồng loại đứng dưới đông đúc vui vẻ, tưởng đã gặp được bạn, bèn sà xuống... thế là hết đời, ôi thôi!.

Nhiều năm làm nghề sát bồ nông như vậy, mỗi ngày chí ít ông Quạ cũng giết cả chục con...

Quái lạ thay, khi ông Châu Chóc bị “Ma Chim mỏ nhát” ám thì ở làng bên, ông Châu Quạ cũng bị “Ma Bồ nông” hành hạ, còn khổ sở hơn ông em nhiều lần. Bất kỳ ngày nào, giờ nào, hễ ông Quạ nằm xuống, nhắm mắt lại là ông lập tức nhìn thấy hàng đàn chim bồ nông, với những cái mỏ nhọn hoắt và to dài như chiếc đũa cả, tất cả chúng xúm lại và mổ vào hai con mắt của ông. Những con đến sau không chen vào được để mổ vào hai mắt ông thì chúng mổ vào đầu, vào tai, vào mũi, vào miệng, rồi trán xuống cổ, xuống vai! Cứ hàng đàn, hàng lũ bồ nông “xúm đen xúm đỏ” vào người ông như cả tỷ con kiến đen xúm vào mang con gián về tổ vậy. Ông cố la lên, kêu cứu thật to, nhưng miệng không thể há ra được, cổ họng bị tắc nghẹn. Ông ráng hết sức để kêu cứu nhưng cũng chỉ nghe được tiếng ú ú ớ ớ. Còn người ông phải né tránh những con bồ nông nên cứ lăn lộn vật vã trên giường. Nhiều ngày nhiều đêm bị “Ma Bồ nông” ám, ông gầy rạc hẳn đi, nhìn cứ như kẻ nghiện ma tuý.

Ông Châu Quạ chợt nhận ra rằng, bao năm trời nay ông đã triền miên không ngơi nghỉ làm cái nghề giết hại sinh linh, phá hại môi trường của chính làng xóm ông, cái nghề độc ác quá dễ sợ! Học theo ông em Châu Chóc mới bỏ nghề bẫy chim mỏ nhát nên hai vợ chồng đã khoẻ mạnh trở lại, dần quen với nghề cày cấy dù có vất vả hơn nhưng lòng dạ tâm hồn bình yên thanh thản hơn, Châu Quạ sai vợ ra chợ mua hương đèn hoa quả về. Rồi với khăn đóng áo dài nghiêm chỉnh ông đi ra cánh đồng, nơi ông đã sát hại vô số bồ nông trước đây. Ông thắp hẳn cả bó hương to, hai tay kính cẩn nâng lên ngang trán rồi quỳ xuống giữa đám ruộng lúa đầy nước, giọng rền rền ông khấn:

- Hỡi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu Bồ nông! Tôi đã mang tội lớn với các ngài. Tôi xin cúi đầu lạy tạ và xin thề từ rày “tiệt” cái nghề dễ sợ ni. Tôi xin dập đầu thành tâm khấn vái...

Ông vừa khấn vừa vái lia lịa, đến nỗi bộ khăn đóng áo dài của ông bết đầy bùn đất.
Sau lần khấn vái chân thành đó, “Ma Bồ nông” không còn hành hạ vợ chồng ông nữa.

Cầu Ngói Thanh Toàn
xuân Giáp Thân
.
P.T.C
(182/04-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Mai Linh (20/07/2009)