Tạp chí Sông Hương - Số 245 (tháng 7)
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam (tt)
16:37 | 28/08/2009
NGUYỄN ĐỨC TÙNG(Tiếp theo Sông Hương số 244 tháng 6-2009)Mến tặng các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Khánh Phương, Trần Thị Trường, cháuDiệu Linh, và những người bạn khác,lớn lên trong những hoàn cảnh khác.
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam (tt)
Nhà thơ - Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng - Ảnh: maivanphan.com

Đối với người viết truyện ngắn và tiểu thuyết, giới thiệu nhân vật là việc quan trọng. Các truyện cổ điển mô tả nhân vật bằng các hình thức bên ngoài như vẻ mặt, dáng đi, quần áo, và tiểu sử, thân thế, hoàn cảnh. Các truyện mới hơn nhấn mạnh đến cốt cách, hành động, hành vi của nhân vật. Các truyện mới hơn nữa thậm chí bỏ qua cả những hành động bên ngoài, đọc họ thì biết là họ ăn nhưng không biết ăn gì, biết họ làm tình nhưng không biết làm tình như thế nào, biết một nhân vật chết nhưng không biết người ấy chết ra sao. Như thế, tiểu thuyết ngày càng đi sâu vào nội tâm hay ngày càng đi xa ra khỏi đời sống?.Thành công hay thất bại?

Mặc dù phong trào giải phóng phụ nữ và chủ nghĩa nữ quyền có vẻ không phát triển ồn ào vào thời ấy, sự xuất hiện đồng loạt các cây bút nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng, Trần Thị Ngh. khoảng từ giữa những năm 1960 có một ý nghĩa đặc biệt. Tác phẩm của các nhà văn này vừa là tiếng nói phản ứng với những hoàn cảnh cá nhân, vừa là sự lên tiếng về các vấn đề xã hội và chiến tranh. Với tài năng tinh tế, bằng ngôn ngữ giàu có riêng của phụ nữ, họ cực tả trong những trang tiểu thuyết nóng hổi các khúc quanh tâm lý của cá nhân trong thời binh lửa. Chiến tranh là sự mất mát lớn nhất: người mẹ mất con, người vợ mất chồng tìm thấy khuôn mặt của họ dưới ngòi bút của các nhà văn nữ.

Những người vừa kể thuộc một thế hệ xuất hiện trễ hơn những nhà văn như Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan lớp trước, có thể gọi là thế hệ thứ hai, mang tâm trạng bất an của thời đại chiến tranh rõ rệt.

Dương Nghiễm Mậu đã từng làm tôi mê mẩn với truyện “Từ Hải Và Cuộc Phiêu Lưu Của Đời Chàng” đăng hai kỳ trên nguyệt san Văn. Tôi thuộc một phần Truyện Kiều, nhờ giọng ngâm rất hay của ba tôi, trước khi được học chính thức trong nhà trường, năm lớp chín. Nhưng trước Dương Nghiễm Mậu không ai chỉ cho tôi biết rằng Từ Hải chưa bao giờ chết cả, rằng bi kịch Từ Hải có thể được viết lại, rằng giấc mơ hồi hương của Thúy Kiều là giấc mơ đời này qua đời khác, và câu thơ ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng có thể có ý nghĩa hình ảnh như thế nào.

Sau đó tìm đọc thêm tác giả này, tôi lại nhận ra nỗi bi phẫn đen tối, cùng đường bế tắc:

Những ngày tháng thốt vây lấy tôi trong trống không vô nghĩa. Tôi lang thang ở ngoài đường nhiều hơn thời gian ở trong  nhà, sách vở không còn làm tôi say mê, tôi không có vui chơi để khuây khỏa, tất cả mọi điều thành dửng dưng buồn tẻ… Một ngày xuống Trương, chúng tôi đi ăn thịt chó, tôi uống rượu say, sức rượu của tôi không bao nhiêu, trong đêm khi trở về nhà tôi thấy tay chân tôi biến mất, trước mắt thì vô vàn những ánh sao đủ màu nhảy múa, thân thể tôi có lúc bay nhảy trong khoảng không.(1)

Đó là sự cùng đường của đời sống cá nhân hay sự cùng đường của xã hội miền đứng trên bờ vực thẳm? Đọc Dương Nghiễm Mậu, cũng như đọc Duyên Anh,Viên Linh, Túy Hồng, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thụy Long, tôi có phần bâng khuâng giữa khuynh hướng lý tưởng và khuynh hướng đen tối. Cho đến khi bắt gặp một đoạn văn trong “Đêm tóc rối”, đăng từng kỳ trên báo Văn mà tôi còn nhớ mãi những chi tiết chính.

- Vậy cậu biết con vợ tôi nó mèo mỡ với ai không?...
- Tao tha chết cho, tao giao con đĩ rạc lại cho mày, về mà sống với nhau. Mai tao đi rồi…(2)

Tôi chưa từng đọc một truyện nào như thế cả: một nhân vật xưng tôi tự mổ xẻ chính mình như người võ sĩ Nhật tự cầm dao mổ bụng, một nhân vật tôi vừa đáng khinh bỉ vừa đáng thương hại, vừa đáng cảm thông vừa đáng phàn nàn, ngủ với vợ của người quen, một kẻ trí thức sa đọa tự ý thức về sự sa đọa của mình. Một ý thức sáng chói, rướm máu của trí thức Việt . Thời đó đối với tôi, những nhà văn như Dương Nghiễm Mậu là những kẻ dũng cảm, tấm gương của người trẻ tuổi, bất an, nhầm lẫn, nhưng từ bên trong là trong sạch, mặc dù những điều ông viết ra thường buồn bã, tối tăm, đáng ghét, đáng căm phẫn.

Tôi cho rằng những ai muốn hiểu lịch sử tinh thần của miền Nam, sự cùng khổ của nó, giữa các cuộc đảo chánh và các tin tức chiến sự, sự khốn cùng của trí thức như một khuôn mẫu có tính phổ biến cho sự khốn cùng của trí thức Việt Nam, không thể không đọc các tác giả như Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Nhật Nam, cũng như trước đó đã đọc Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn. Đó là một nền văn học của nạn nhân. Tôi gọi văn học miền Nam là một nền văn học nạn nhân, vì ở đó tôi tìm thấy những cuộc đời không làm chủ được số phận mình, tiểu sử của những người tài hoa, trung thực, đầy lòng hi sinh và đã từng hi sinh cho đất nước, trở thành những kẻ thất bại, bỗng nhiên thấy mình là kẻ có lỗi trước lịch sử. Tôi gọi đó là nền văn học nạn nhân vì bản chất trí thức của cuộc chiến đấu của họ, trong đó, những nhân vật văn học bị đẩy tới cuộc chiến đấu không ngang sức và sự chiến thắng của ngòi bút với lưỡi gươm là huyền thoại.

Cũng nên nói thêm rằng, xa lạ với tính chất trong sáng, cô đọng, thường có ở các nhà văn lớp trước, một số nhà văn sau này lại viết câu dài, rậm rạp, phức hợp, ví dụ trường hợp Nguyễn Thị Hoàng. Cuốn “Vòng Tay Học Trò” của bà được viết bằng một nghệ thuật thành công, mặc dù sự nổi tiếng của nó thời ấy có thể do những yếu tố ngoài nghệ thuật và mặc dù trong các câu văn đầy rẫy các tĩnh từ và trạng từ, những cái bẫy nguy hiểm. Sở dĩ truyện thành công được như thế là vì câu văn Nguyễn Thị Hoàng thể hiện trung thành lề lối cảm xúc và suy tư của người viết, của nhân vật, rậm rạp dài dòng, nhưng không rối.

Ngược lại với trường hợp Doãn Quốc Sỹ, Mặc Đỗ, Võ Hồng… tôi đọc Võ Phiến rất trễ, đầu năm 1975, ở nhà người anh rể của tôi, một sĩ quan Đà Lạt vừa bị thương ở mặt trận về, thời kỳ hoang mang nhất. Tủ sách của anh có Mưa Đêm Cuối Năm, Chữ Tình, Đêm Xuân Trăng Sáng, Thương Hoài Ngàn Năm… Thời ấy có lẽ Võ Phiến không có nhiều độc giả, nên tôi ngạc nhiên là anh tôi đọc sách của nhà văn này nhiều đến thế. Sách của ông không dành cho trẻ con, thời nhỏ hơn tôi chưa đọc ông, nếu đọc chắc đã sớm bạc đầu.

Không phải vì Võ Phiến viết văn trịnh trọng, nghiêm nghị, khó khăn. Ngược lại mới đúng. Ông viết khơi khơi, nhẹ nhõm, dễ dàng, vừa kể chuyện vừa tủm tỉm cười, tưởng như đang giữa chừng câu chuyện ông bỗng vỗ đùi đánh đét. Người mê viết văn đọc ông sẽ mê như điếu đổ, nhưng bắt chước không được. Khác vì cái tạng. Văn Mai Thảo hay Nguyễn Khải thì người ta có thể “bắt chước” được. Nếu nhiều người viết làm mới ồn ào, người thì đảo câu đảo chữ trong tiểu thuyết, người thì siêu thực trong thơ, Võ Phiến lại lặng lẽ một mình đi suốt con đường của ông bắt đầu từ Chữ Tình, 1956 đến Chúng ta, qua cách viết, 1973. Nếu Mai Thảo là người khai phá dòng tiểu thuyết tự truyện thì Võ Phiến là người mở đường cho cái mà ta có thể gọi là phi tiểu thuyết (non fiction), gồm tùy bút, tạp bút, tiểu luận, truyện ngắn, tạp luận của ông.

Đặc điểm của tiểu thuyết là kể chuyện, đặc điểm của thơ là liên tưởng, đặc điểm của tùy bút và phi tiểu thuyết là phát hiện. Văn chương Võ Phiến là văn chương phát hiện. Đó là nói về nghệ thuật, còn về nội dung và đề tài? Ông viết rất nhiều đề tài nhưng tôi cho rằng xuyên suốt các tác phẩm nung nấu một tâm sự về đất nước và chiến tranh, cái ưu thời mẫn thế, nỗi tiếc thương bàng hoàng.

Ờ! Chiếc phản lực cơ tối tân ấy của Hoa Kỳ, nó đã gầm thét dữ dằn, rồi nó đã rơi xuống chỗ nào vậy? Nó rơi xuống cái bờ ao, nơi chị vợ bé của anh Bốn Thôi đêm khuya về chợ gặp người câu ếch nham nhở đó chăng? Xuống cái bìa rừng nơi Năm Cán Vá vẫn lén lút hẹn hò đó chăng? Xuống gốc cây mù u, nơi chị Bốn Chìa Vôi đã bắt trọn ổ bốn con sáo sậu năm nào đó chăng? Nó rơi xuống chỗ cây bồ kết sau nhà Bái Công, nơi chiều chiều ông lão gầy đét như que canh giữ ngọn lửa chập chờn nấu nồi cháo nuôi mấy con heo đó chăng? Ai mà nghĩ được rằng những chỗ như thế lại có dịp đón một chiếc phản lực đến từ nước Hoa Kỳ! (3)

Mỗi khi nghĩ về nạn binh đao, về nỗi mất mát của gia đình mình, của quê cũ thân yêu, bao giờ tôi cũng nhớ những đoạn văn Võ Phiến. Nghĩ đến chúng, tôi thấy lòng bình tĩnh lại, bớt đau khổ, bớt giận dữ, ấm lại, như đứng trước một người tri âm. Tôi nghĩ, văn học là sự an ủi.

Trời! Én nó thức làm gì mà đêm hôm khuya khoắt, và gió mưa dầm dề nó vẫn không ngừng kêu, mà tiếng chim luôn luôn lẽo đẽo quanh quẩn bên mối ưu tư của khách vậy? Mà nó thành ra một thứ bạn tâm tình cố thiết không rời nhau suốt năm canh dằng dặc của những khách lữ thứ bồn chồn thấp thỏm vậy? Việc kiếm sống của nó khó khăn đến thế sao? Một tinh thần nại khổ như vậy đáng được tưởng thưởng, ít ra bằng cái chất nhựa trầm hương thơm tho hiếm hoi của ông giáo sĩ Đắc Lộ mới được. (4)

Trong các tác phẩm cổ điển, câu chuyện được mô tả theo một chiều của thời gian. Thật ra, nhiều tác giả cũng sử dụng phong cách hồi tưởng thường gặp trong các trường ca Hy Lạp, nghĩa là bắt đầu câu chuyện ở giữa, đi ngược về quá khứ, đi xuôi về tương lai, nhưng nhìn chung mũi tên thời gian vẫn chỉ một chiều. Chúng ta thấy một sự thay đổi rất lớn trên hệ quy chiếu trong tiểu thuyết miền , nhất là ở thế hệ những người viết sau này. Có một ảnh hưởng lớn từ văn học Pháp. Các  nhà văn miền Nam thời đó hầu hết đều đọc được tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh, một số thuộc thế hệ trước còn tắm mình trong nền văn hóa châu Âu, mặt khác nhiều tác phẩm của Andre Gide, Andre Maurois, Jean P. Sartre, Albert Camus… được dịch ra tiếng Việt. Sự đảo lộn thời gian không phải là một phong trào thời thượng mà là một phương pháp nghệ thuật. Nhờ thủ pháp dịch chuyển thời gian, người đọc tiếp cận nhân vật từ các góc độ khác nhau, các sự kiện xảy ra không theo kiểu hàng lớp như xếp cá vào hộp, mà chúng tương tác với nhau trong quan hệ nhân quả. Kỹ thuật này được sử dụng trong các tác giả tiểu thuyết dòng ý thức và các tác giả phi tiểu thuyết như Võ Phiến. Nếu được sử dụng hiệu quả, chúng cũng gây ra hiệu ứng phim ảnh.

Nói về ảnh hưởng, tôi cho rằng văn học miền chịu ảnh hưởng của bảy thứ sau đây: văn học tiền chiến, chủ nghĩa hiện sinh, phong trào tiểu thuyết mới, chủ nghĩa siêu thực, phân tâm học, thiền và triết học Đông phương. Các khuynh hướng ấy có khi bộc lộ rõ ràng, có khi kín đáo, các tác giả có khi ý thức, có khi không ý thức về chúng. Nhiều người xem ảnh hưởng của văn học tiền chiến lãng mạn như Thơ Mới hay Tự Lực Văn Đoàn lên các thế hệ sau là quá trình tự nhiên. Nhưng thật ra ở ngoài Bắc trong cùng thời gian đó, các tác phẩm này không được lưu hành trong xã hội và không được giảng dạy trong nhà trường, vì vậy khó có thể nói là hầu hết các nhà văn miền Bắc sau này, mà người ta gọi là thế hệ chống Mỹ, đã chịu tác động mạnh mẽ của chúng. Những tác giả này chịu ảnh hưởng của dòng văn học cách mạng và kháng chiến, như tôi có đề cập ở trên. Xin nêu một ví dụ. Về hình thức thơ ca, miền Bắc sử dụng rất nhiều và rất tài hoa thể thơ tự do, trong khi cùng thời gian, bất chấp những thành tựu lớn, và trừ một vài ngoại lệ, miền Nam chủ yếu vẫn đứng lại ở các thể thơ truyền thống. Điều này cần được xem xét dưới góc độ tác động của các nền thơ đi trước nó. Miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ văn lãng mạn tiền chiến, đặc biệt là Thơ mới, trong khi miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ văn kháng chiến chống Pháp và dòng văn học cách mạng. Sự giới thiệu và phát triển của các khuynh hướng vừa nói trên đều do công lao to lớn của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, hay dịch giả, ví dụ Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Trung, Tam Ích, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nhất Hạnh, Kim Định, Trần Văn Toàn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Nguyễn Tấn Long, Lê Huy Oanh, Đặng Tiến, Cao Huy Khanh, Đặng Phùng Quân, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Thiện Đạo, Huỳnh Phan Anh và nhiều người khác. Đặc biệt những cuốn như Thơ Đường của Trần Trọng Kim, Đại Cương Văn Học Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, Thiền Luận của Suzuki, Tuệ Sỹ và Trúc Thiên dịch, Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện… thời ấy đã ảnh hưởng đến một đứa học sinh trung học là tôi rất nhiều. Báo chí văn học cũng đóng vai trò lớn trong việc phổ biến các tác phẩm mới và các trường phái, quan điểm nghệ thuật. Những tập san tôi đã đọc, hoặc mới, hoặc cũ của các ông anh họ tôi để lại, mà đến nay tôi còn nhớ: Văn Hóa Ngày Nay, Văn, Sáng Tạo, Phổ Thông, Bách Khoa, Giữ Thơm Quê Mẹ, Hương Quê, Văn Học, Khởi Hành, Đối Diện, Trình Bày, Thái Độ, Thời Tập, Tư Tưởng, Tuổi Ngọc. Và những tờ báo của địa phương như Lập Trường ở Huế. Còn gì nữa không? Chắc là còn, nhưng tôi không thể nào nhớ hết. Văn, Bách Khoa, Văn Học, Khởi Hành, Tuổi Ngọc là những món ăn tinh thần hàng ngày. Tôi biết đến những bài thơ thời kỳ kháng chiến nhờ tạp chí Văn Học:

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Trời ơi, mười bốn tuổi, nhờ đọc Quang Dũng mà tôi yêu cuộc kháng chiến trường kỳ biết bao, yêu Hà Nội biết bao. Tôi nhớ dễ dàng thơ Phùng Quán trích trong một truyện dài đăng báo của Trùng Dương.

Sét đánh trên đầu không xô tôi ngã

Tôi thần tượng Andre Maurois, Thomas Mann, Albert Camus, Lâm Ngữ Đường trên Văn, mến Cao Huy Khanh bay bổng trên Khởi Hành, thích Những Luống Hoa Cải Vàng của Cung Tích Biền trên Đời, khoái tiểu luận văn học của Đặng Tiến trên Văn, yêu tình tự dân tộc của Nhất Hạnh nhờ Giữ Thơm Quê Mẹ, mê thơ Xuân Diệu nhờ đọc Duyên Anh của Tuổi Ngọc, bàng hoàng với Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng đi dọc tờ Văn trang nhã từ tháng Giêng đến tháng Chạp mỗi số một bài.

Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…(5)

Vũ Bằng đã làm cho bao nhiêu thanh niên phải thầm thương trộm nhớ miền Bắc, như một người phụ nữ dịu dàng không quen biết, người chị, người mẹ, người yêu, những món ăn chỉ nghe tên mà không biết là món gì, ngọn đèn dầu, hoa xoan, mưa bụi liêu riêu mà chẳng bao giờ thấy chúng ra sao. Như vậy có một khuynh hướng văn chương hoài niệm tiêu biểu là Vũ Bằng trong văn học miền , và những người khác nữa như Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Võ Hồng. Khuynh hướng này tiếp tục được nuôi giữ sau này trong văn học hải ngoại. Cũng phải thôi. Xa quê, dù là từ Bắc vào hay từ bên này qua bên kia biển Đông, người ta cũng thương nhớ khôn nguôi.

Nguyễn Đình Toàn viết trong “Áo Mơ Phai” (1972:

“Hà Nội 1954, tháng sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều im trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chánh, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm”. (6)

Tuy nhiên, hoài niệm không phải là dòng chủ lưu. Tôi nhận thấy một số tác giả trước đây viết về văn học miền hoặc hiện nay viết về văn học hải ngoại nhấn mạnh có phần quá đáng đến tính chất hoài hương, thậm chí cho đó là nội dung duy nhất đáng được khen ngợi hoặc nhắc tới. Cuộc sống bao giờ cũng mới, mỗi ngày, nên ngoài những tình cảm hoài niệm, vốn hết sức đáng trân trọng, người xa quê hương, xa nước, kẻ lưu vong, kẻ di dân, người xuất khẩu lao động, còn biết bao tình cảm và suy tư khác trong cuộc sống mới, dằn vặt, sâu sắc, phong phú, bâng khuâng. Và chưa chắc đã vui ít buồn nhiều.

Như Vũ Bằng, nhớ mà không chịu về, không chịu về mà vẫn nhớ, là tại sao?

Tôi vào Sài Gòn lúc đầu
Thật là bỡ ngỡ mối sầu Thừa Thiên
Rồi sau đó thật tuy nhiên
Quen vui với chị thuộc phiền với em.
(Bùi Giáng)

Thật ra, thơ đến với tôi chậm hơn. Mùa hè cuối năm lớp tám tôi mới biết mê thơ. Hết niên khóa, thi cử xong, chuẩn bị viết lưu bút ngày xanh, mỗi năm đến hè lòng mang mác buồn, chín mươi ngày qua… thì giáo sư dạy văn của tôi, thầy Hồ Thế Vĩnh, nổi hứng mang vào lớp một máy ghi âm cát-sét mở cho cả lớp nghe nhiều giờ đồng hồ những bài thơ của Đinh Hùng, giọng ngâm Hồ Điệp, tiếng sáo Tô Kiều Ngân. Các nhóc tì lặng im thổn thức. Thơ Đinh Hùng không có trong chương trình học, và hồi đó máy quay đĩa hay băng cát-sét hãy còn hiếm lắm, nhất là ở những thị trấn nghèo như quê tôi.

Cùng lúc, Hoàng Cầm và Trần Dần ở miền Bắc, có khuynh hướng tượng trưng, vẫn đang viết nhưng dĩ nhiên không mấy ai có dịp đọc. Sau năm 1940, chủ nghĩa tượng trưng ở nước ta mới khởi đầu thì phôi pha vì ngọn lửa chiến tranh. Đinh Hùng là một trường hợp khác, ông vẫn còn tiếp tục sáng tác ở miền sau khi hòa bình lập lại. Đối với tôi, thơ ông vừa xa lạ vừa gần gũi, kêu gọi con người trở về với thiên nhiên nguyên thuỷ.

Khi miếu đường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi

Ám ảnh về cái chết, cõi âm, nhưng ông yêu sự sống. Không yêu cuộc đời, không thể yêu những người đã qua, đã mất, đã chết. Tài năng ngôn ngữ của Đinh Hùng làm cho các thế giới gần lại với nhau, người ở cùng ma, quỷ ở với người, nhưng ma quỷ của ông hiền lành, có cảm xúc và suy nghĩ, đầy rẫy một sự sống khác. Một thứ vật chất tối (dark matter).

Đinh Hùng thường làm thơ lục bát và bảy chữ. Một số bài thơ bảy chữ hay nhất của ông có âm điệu lạ (7):

Đọc thử Xuân Diệu:
Mau với chứ / vội vàng lên với chứ
Trong khi Đinh Hùng viết:
Nước cũ rưng rưng/ màu ngọc trắng,
Mây ngày xưa tỏ,/ nguyệt xưa trong.

Hay

Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu

So sánh với các nhà thơ tượng trưng khác: Hàn Mặc Tử táo bạo, cuồng điên, sáng tạo vô thức, Chế Lan Viên nổi loạn, kinh dị, Bích Khê huyền hoặc, cực kì phân huỷ, thì ở Đinh Hùng, ý thức phương Đông, ý thức trở về rất rõ rệt.

Làm đôi người cô độc thuở sơ khai
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài

Đinh Hùng là người mở cánh cửa cuối cùng của Thơ Mới, giai đoạn phát triển sau và phần nào chuẩn bị không khí cho chủ nghĩa siêu thực bắt đầu. Nhưng có khi ông cũng gần gũi với chúng tôi:

Ta ném bút, dẫm lên sầu một buổi,
Xa vở bài, mở rộng Sách Ham Mê.
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về,
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.
Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn,
Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương.
Ta ra đi, tìm lớp học thiên đường,
Và khi đó mẹ yêu ngồi khóc…

Mặc dù thuộc lòng những câu thơ này, ngâm ư ử trong hành lang lớp học giờ ra chơi, tôi nhớ không đứa nào trong đám bạn tôi dám bỏ học như tác giả vì thầy dạy văn mang kính trắng, tuy mê Đinh Hùng nhưng sẵn sàng phạt nặng học sinh bắt chước thi sĩ!  Tôi yêu Đinh Hùng hơn nữa khi đọc Bùi Giáng chất ngất trong “Đi Vào Cõi Thơ”:

Nhưng thằng thi sỹ có tội lỗi gì đâu. Nó chỉ ghi lại một đường trăng tê dại, vẽ lại một màu tuyết lạnh ngát, một chùm bông ở trên núi chiêm bao đem về làm tặng vật cho con người được rồ dại chịu chơi giữa phù vân hoặc bụi hồng lông lốc. Mở ra những cuộc tình yêu rờn rợn vô thuỷ vô chung, o bế những cơn mơ tuyệt vọng, thì kể cũng hơn o bồng hôn hít mãi những con vợ già cục mịch cằn nhằn. Đêm tân hôn chỉ có một lần, buổi ly dị cũng chỉ ra toà một bận, uống rượu ly bì cũng tới lúc tỉnh ra, chém giết nhau mất công đào huyệt. (8)

Có hai cuốn sách dẫn tôi vào thơ ca, Thi Nhân Việt của Hoài Thanh và Đi Vào Cõi Thơ, hai tập, của Bùi Giáng. Cuốn thứ nhất phê bình, cuốn thứ hai không ra phê bình, không ra tiểu luận, chẳng biết xếp vào loại gì. Có khi tôi đọc vài trang rồi chán, bực mình nhét vào đáy tủ, có khi đọc miên man cả ngày. Nhưng hình như con nít lớn lên, ai không từng đọc Đi Vào Cõi Thơ coi bộ không xong.

Tôi nghiệm thấy trong đời có những người không cần làm gì cả mà sự hiện hữu của họ lại cần thiết. Một trong những người đó là Bùi Giáng. Ông là tâm hồn Đông Phương lớn lao, là ý thức Việt vượt thoát phân ly và chiến tranh, là cội nguồn. Nhưng nói ông không làm gì cả thì oan: Bùi Giáng có sức làm việc kinh người, ai cũng biết, như được ghi lại trong các hồi ký bởi nhiều nhà văn. Thời chiến tranh chưa lan rộng, không khí thanh bình còn bao phủ một phần lớn thôn quê miền Nam, nghỉ hè, nằm trên cánh võng mắc giữa hai cành ổi la đà, tôi lai rai đọc ông.  

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời

Ba chữ ‘về’, chữ ‘ở’, chữ ‘dưới’ đi bên nhau có vẻ thừa thãi. Tôi cố sửa thơ ông mà không sửa được. Thơ Bùi Giáng có nhiều câu như thế, thừa mà lại không thừa, nhẩn nha, líu ríu, nói nhiều mà không nói gì cả, câu này xiêu đổ vào câu kia. Ông khai phá một dòng thơ lạ lùng, dòng thơ ngôn ngữ đầu tiên ở Việt , loại thơ không thể dịch được ra tiếng nước ngoài vì tính chất của nó là ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ sâu thẳm Việt tính.

Bí ẩn của Bùi Giáng cũng nằm ở giọng điệu. Biểu hiện dễ thấy của nó là lối xưng hô ít gặp, có tính tâm sự.

Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ
Và yêu thương như lá ở bên hoa

Hay:

Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi. Cho ta nắm tay em.

Trong thơ Việt , có hai người thường sử dụng lối xưng hô này. Một là Bùi Giáng ở trong , hai là Tố Hữu ở ngoài Bắc.

Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
(Tố Hữu)

Nhưng giọng điệu không phải chỉ ở lối xưng hô, nó là một hiện tượng lớn hơn.

Giọng của Thơ Mới là buồn man mác, giọng của thơ ca cách mạng miền Bắc là hào hùng, thắm thiết, giọng của thơ tượng trưng là u sầu, mê hoặc. Bùi Giáng có chất giọng khác: giọng tâm tình, có nét thanh đạm. Giọng tâm tình của ông được giản lược xuống mức chất phác, pha hài hước, không phải tiếng cười mà mỉm cười.

Nhìn bề ngoài, Bùi Giáng không đóng góp nhiều trong việc cách tân ngôn ngữ, ông dùng hầu hết các thể thơ lục bát, bảy chữ, năm chữ. Tôi để ý những người có thói quen làm thơ nhẩm trong đầu như Bùi Giáng hay sau này Thanh Tâm Tuyền do điều kiện lúc đó, có khuynh hướng làm thơ có vần hơn những người làm thơ trực tiếp trên giấy. Cũng dễ hiểu, vì đó là các thể thơ dễ nhớ. Cái mà Bùi Giáng mang lại cho thơ Việt Nam không phải là sự cách tân các thể thơ, mà trước hết là phong cách ngôn ngữ (style) của ông, sự tiếp cận từ ngoại biên, sự đảo lộn tính đối xứng và các trật tự của giá trị thẩm mỹ, không phải bằng các bài nghiên cứu lý luận dịch thuật, mặc dù ông làm việc rất nhiều trong lĩnh vực này, mà bằng sự kết hợp tài tình trong thơ giữa một tâm hồn Á Đông nguyên thủy, lão thực và một trí tuệ triết học sáng láng thể hiện thành dòng chảy riêng biệt, bao gồm nhiều gỗ trầm hương và củi mục. Đọc thơ ông phải đọc cả những bài hay và những câu dở viết thừa ra trong những cơn hưng cảm ngất trời. Đọc ông là uống nước suối đầu nguồn, không phải là uống nước chưng cất. Ôi, bàn về Bùi Giáng biết bao giờ cho hết.

Trong Thi Nhân Việt của Hoài Thanh, hình như không có một bài thơ tự do nào. Thanh Tâm Tuyền là người khởi đầu dòng thơ tự do ở miền . Cùng với nhóm Sáng Tạo, ông kêu gọi ý thức sáng tạo và nỗ lực đổi mới trong văn chương. Thực ra ở Việt , Thanh Tâm Tuyền không phải là người làm thơ tự do đầu tiên. Ông tiếp theo truyền thống thơ tự do của các nhà thơ kháng chiến, như Hữu Loan với Đèo Cả, Màu Tím Hoa Sim, Hoàng Cầm với Bên Kia Sông Đuống.

Chủ nghĩa hiện đại vẫn còn ảnh hưởng lớn ở châu Mỹ, chủ nghĩa hiện sinh về mặt triết học, và chủ nghĩa siêu thực trong văn chương, vẫn đang còn đà phát triển ở Pháp và châu Âu, vì vậy ảnh hưởng của chúng đối với Thanh Tâm Tuyền và các nhà thơ miền Nam là điều rõ ràng và dễ hiểu. Nhưng Thanh Tâm Tuyền mặc dù Tây học cũng cắm rất sâu nguồn cội thơ ông xuống mảnh đất Việt . Chủ nghĩa siêu thực được thành lập bởi một nhóm các nhà thơ, nghệ sĩ ở Pháp những năm 1920, mà ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục, chống lại sự thuần lý, sử dụng các giấc mơ và tiềm thức như nguồn sáng tạo. Thơ họ có những hình ảnh huyền ảo, sự nối kết lỏng lẻo, gồm nhiều bước nhảy (leaps), khó cắt nghĩa và diễn dịch. Thơ siêu thực không chỉ chống lại khuynh hướng thẩm mĩ cổ điển, mà còn tìm cách giải phóng tinh thần khỏi các ràng buộc lý tính. Chủ nghĩa siêu thực như vậy xét về lịch sử và về lý thuyết là bắt nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng. Đọc kĩ thơ Thanh Tâm Tuyền, ta sẽ thấy ông không phải hoàn toàn là nhà thơ siêu thực, và chỉ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa này mà thôi.

Tôi cũng chỉ được đọc tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc của ông nhưng thuở ấy còn nhỏ quá, chưa có ấn tượng rõ ràng. Sau này ông không làm thơ nữa mà viết tiểu thuyết và văn xuôi. Tôi đọc Bếp Lửa, và say mê Ung Thư đăng từng kì trên Văn viết về Hà Nội, một Hà Nội thời chiến tranh u uất, buồn rầu mà vẫn đẹp, say đắm lòng người. Tiểu thuyết của ông mới, nhưng thơ ông còn mới hơn. Nó lạ quá vào thời đó, nhiều người không chịu nổi. Thơ Thanh Tâm Tuyền là sự kết hợp của ba thứ: tài hoa ngôn ngữ, tinh thần triết học trong bối cảnh của chủ nghĩa hiện đại và chất suy tư chính trị xã hội.   

Ông kêu gọi:

Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhất
Trên trái đất này biết yêu nhau
Lời kêu gọi ấy tôi nghiệm ra bao giờ cũng đúng.

Ông làm mới trước hết bằng cách tân ngôn ngữ. Thơ tự do Thanh Tâm Tuyền dùng nhiều chữ lạ, ít nhất là vào thời ấy:
Mùa này gió biển thổi điên liên lục địa

Những hình ảnh và liên tưởng mới:
Tiếng máy nổ bỗng thành tiếng cười dài

Thanh Tâm Tuyền chú ý rất nhiều đến âm nhạc trong thơ, gây hiệu quả nhạc tính mạnh:

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khua thức nhiều nhớ thương

Mặc dù ông sử dụng nhiều câu có tính văn xuôi:

Tôi bám chặt cửa xe
Xin một chân đứng
Nhớ đến chúng bạn
Một người bên xóm Cỏ
Một người ngoài Phú Thọ

Đọc lướt qua, như văn xuôi. Nhưng thật ra, tác giả sắp xếp chữ rất có ý thức, xâu chuỗi chúng vào nhau, ba chữ một đi liền trong một đoạn thơ ngắn gây cảm giác cô đơn lạc lõng, chữ xe đi với chữ xin, chữ đứng đi với chữ chúng, chữ Cỏ đi với chữ Thọ, tạo ra một thứ âm nhạc rất riêng. Thơ ông là thơ của thời chiến tranh, thất tán, mất niềm tin, con người bay đi mịt mù như chiếc lá.

(Còn nữa)

N.Đ.T
(245/07-09)

------------------
(1) Tuổi nước độc, trích theo Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay của Tạ Tỵ, bản điện tử do Talawas thực hiện
(2) Trích lại trong cuốn sách kể trên của Tạ Tỵ
(3) Nhớ làng, Tuyển tập Võ Phiến, NXB Văn Mới, 2001
(4) Mùa xuân con én,Tuyển tập Võ Phiến, NXB Văn Mới, 2001
(5) Tháng giêng, Mơ về trăng non rét ngọt, Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng, NXB Văn Học in lại, 1989
(6) Trích theo Nguyễn Vy Khanh, thế kỷ tiểu thuyết, Hợp Lưu số 73, tháng 10&11, 2003, trang 29
(7) Theo một nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh, không nhớ đã đăng ở đâu.
(8) Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ, cuốn 2, NXB An Tiêm, tái bản 1998

Các bài mới
Con Gái (31/08/2009)
Các bài đã đăng
Đám cưới giả (14/08/2009)