Tạp chí Sông Hương - Số 245 (tháng 7)
Thơ văn xuôi của Chế Lan Viên
10:29 | 31/08/2009
LÝ TOÀN THẮNG“Văn xuôi về một vùng thơ” là một thể nghiệm thành công của Chế Lan Viên trong “Ánh sáng và phù sa”, về lối thơ tự do, mở rộng từ thấp lên cao - từ đơn vị cấu thành nhỏ nhất là Bước thơ, đến Câu thơ, rồi Đoạn thơ, và cuối cùng là cả Bài thơ.
Thơ văn xuôi của Chế Lan Viên
Nhà thơ Chế Lan Viên - Ảnh: baoquangtri.vn

Đặc biệt là nghệ thuật thơ của bài “Cành phong lan bể”. Ta ngỡ ngàng khi đọc những câu thơ theo lối tự do này của ông: chúng đẹp cả về ngôn từ và tình ý, chúng khiến ta phải nghĩ khác đi về cái ta quen gọi là “Thơ Văn xuôi” - vốn thường hay bị coi như một thứ thơ “không vần” (và không hiếm khi được thực hiện bởi một bản lĩnh thơ xoàng nhưng lại nhân danh một tư duy nghệ thuật mới).

Thơ, cho dù là dưới bất kỳ hình thức nào - thơ cách luật, thơ tự do, thơ không vần - nó vẫn khác văn xuôi ở chỗ: bao giờ nó cũng phải có “nhạc điệu/nhạc tính” là cái vốn có được trước hết do sự hòa hợp khéo léo về thanh âm, sự lặp lại một cách tuần hoàn các âm thanh mạnh nhẹ hay cao thấp (mà ta quen gọi là “âm điệu”, “nhịp điệu”/ “tiết tấu”), gây khiến được ở nơi người đọc những ấn tượng, những cảm giác cần có.

Thơ không thể hay, nếu nhà thơ không giữ được cho câu thơ, đoạn thơ, bài thơ một nhịp thơ, bước thơ thích hợp.
Hãy thử xem một đoạn thơ sau, trong bài “Cành phong lan bể”, rất nổi tiếng của Chế Lan Viên, thường được trích dẫn như tiêu biểu cho phong cách thơ văn xuôi của ông. Đoạn thơ này nguyên văn trong bản in năm 1960 như sau:
Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại
Sóng như nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời
Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái
Mỗi đêm hè da thịt sóng sinh sôi

Thoạt nhìn đoạn thơ trích dẫn trên, với những câu thơ dài suýt soát 20 chữ, rõ ràng không phải là lối thơ cách luật truyền thống. Nó khiến ta tưởng như Chế Lan Viên đang làm một thứ thơ rất tự do, rất mới, rất khác. Có vẻ như đây không phải là thơ đích thực, mà là một cái gì đó từa tựa như cái ông đã đặt tên cho nó: văn xuôi về một vùng thơ!

Cả đoạn thơ, bề ngoài, Chế Lan Viên chỉ xuống dòng và nối dòng thành có 04 câu thơ tự do khá dài: ngoại trừ câu cuối ngắn nhất là 08 chữ, ba câu còn lại có độ dài tăng tiến dần lên - câu thơ thứ nhất dài 18 chữ, câu thứ hai dài 19 chữ, và câu thơ thứ ba dài nhất 20 chữ. Dường như nó cũng y chang những bài thơ văn xuôi tầm tầm khác, với nhiều sự phá cách, xuống dòng khá tự do, nhiều khi không còn theo luật lệ ngữ pháp thông thường.

Nhưng xem ra thì không phải, và càng ngẫm kỹ thì càng thấy là không phải.
Đằng sau cái vẻ ngoài phóng túng ấy, ẩn sâu trong nó, hóa ra vẫn là thơ đích thực. Chế Lan Viên đã rất khéo léo tài hoa, vượt qua cái căn bệnh trầm kha mà ta thường hay mắc phải ở những câu thơ văn xuôi kiểu đó - ấy là cái bệnh nhịp thơ nặng nề, các bước thơ không hòa hợp, nó giống như một trái tim bị bệnh, không thể xướng họa theo dòng cảm xúc lúc buồn lúc vui của thi nhân, khi bừng lên, khi chậm xuống.

Để dễ thấy sự tinh diệu này của Chế Lan Viên, bây giờ, dựa theo các mạch lạc ngữ nghĩa và liên kết ngữ pháp của đoạn thơ, ta hãy thử sắp xếp lại các câu thơ với những bước thơ như sau:
Xanh biếc màu xanh//
Biển như hàng nghìn mùa thu qua /
Còn để tâm hồn nằm đọng lại //

Sóng như nghìn trưa xanh //
trời đã tan xanh ra thành bể /
và thôi không trở lại làm trời //

Nếu núi là con trai/
thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương /
đã biến thành con gái //

Mỗi đêm hè /
da thịt sóng sinh sôi //

Tách hợp đoạn thơ lại theo cách như ở trên, khôi phục lại cấu trúc, câu cú của nó, giống như khi ta vẫn làm khi thưởng thức một đoạn văn xuôi tài hoa vậy, ngay lập tức cái diện mạo thực của đoạn thơ hiển lộ ra trước mắt ta. Hóa ra rằng, kỳ thực, trong nội bộ mỗi dòng thơ, Chế Lan Viên đều có tính toán phân nhịp, chia cắt thành những bước thơ.

Đoạn thơ tuy có 04 câu nhưng có tới 11 bước thơ, mỗi bước đều được ông hạn định về số lượng tiếng (chữ), chủ đạo là nhịp 05 và 07 tiếng (như thể ngũ ngôn và thất ngôn điển hình một thời Thơ Mới). Thêm nữa, cả ba câu thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều gồm 03 nhịp như nhau, chỉ riêng câu cuối là 02 nhịp. Cụ thể như sau:

+ Câu thứ nhất: 03 nhịp
            - bước 1: 04 tiếng: Xanh biếc màu xanh
            - bước 2: 07 tiếng: biển như hàng nghìn mùa thu qua
            - bước 3: 07 tiếng: còn để tâm hồn nằm đọng lại
+ Câu thứ hai: 03 nhịp
            - bước 4: 05 tiếng: Sóng như nghìn trưa xanh
            - bước 5: 07 tiếng: trời đã tan xanh ra thành bể
            - bước 6: 07 tiếng: và thôi không trở lại làm trời
+ Câu thứ ba: 03 nhịp
            - bước 7: 05 tiếng: Nếu núi là con trai
            - bước 8: 10 tiếng: thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương
            - bước 9: 05 tiếng: đã biến thành con gái
+ Câu thứ tư: 02 nhịp
            - bước 10: 03 tiếng: Mỗi đêm hè
            - bước 11: 05 tiếng: da thịt sóng sinh sôi

Tất cả những điều ấy làm cho đoạn thơ văn xuôi dường như quay trở về với lối thơ cách luật truyền thống, đọc lên đích thực có tiết tấu, nghe uyển chuyển và du dương.
Nhưng tài hoa Chế Lan Viên trong đoạn thơ đang dẫn không chỉ hiện hữu ở cái nghệ thuật tạo ra tiết điệu của thơ, mà còn ở những dụng công khác, ở những thủ pháp khác của ông.

Bên cạnh nhịp điệu, trước hết, phải nói tới vần điệu, một yếu tố quan trọng khác, làm nên nhạc tính của thơ.
Thơ văn xuôi thường được xếp cùng một ô, thậm chí đánh đồng với thơ không vần - trong nhiều nghiên cứu về thơ người ta vẫn hay viết vậy.
Nhưng điều này không hẳn đúng với Chế Lan Viên, ông là một trường hợp ngoại lệ, bởi thơ văn xuôi của ông có vần, và có vần rất khéo léo, tài hoa. Hãy trở lại đoạn thơ đã trích của ông (mà ta đã sắp xếp lại ở trên):

Xanh biếc màu xanh
bể như hàng nghìn mùa thu qua
còn để tâm hồn nằm đọng lại

Sóng như nghìn trưa xanh
trời đã tan xanh ra thành bể
và thôi không trở lại làm trời

Nếu núi là con trai
thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương
đã biến thành con gái

Mỗi đêm hè
da thịt sóng sinh sôi


Một cách hiển thị, ta có thể dễ dàng nhận ra 04 cặp vần của ông, lần lượt từ câu thơ đầu đến câu thơ cuối như sau: lại/ trời/ gái/ sôi. Nếu đi xuống một nấc cấu trúc nữa, đến các bước thơ, thì số các vần này sẽ tăng lên tới ở 07 vị trí: xanh/ lại/ xanh/ trời/ trai/ gái/ sôi.

Tất cả đoạn có 11 bước thơ mà có tới 07 bước có vần như thế, khi bắt vần xa khi bắt vần gần, được khéo léo ngụy trang trong những câu thơ văn xuôi dài 20 chữ, tưởng như thơ không vần, thực là tài hoa vậy thay!

Bảy bước vần ấy lại được âm vang thêm nhờ vào cách Chế Lan Viên sử dụng phép lặp từ trong nội bộ mỗi bước thơ và giữa các dòng thơ. Phép này làm cho nhịp thơ dễ được tạo ra hơn và làm cho nhạc tính của đoạn thơ được tăng thêm nhờ vào sự cộng hưởng âm thanh: cứ mỗi lần ta nghe một từ được lặp lại trong câu thơ thì cũng giống như mỗi lần ta hú trong rừng vắng và nghe tiếng vọng của ta hồi âm lại từ vách núi cao. Những âm thanh nối nhau, nương tựa vào nhau, hô ứng cho nhau, như những làn sóng gợn, đuổi nhau trên mặt hồ thu.

Hãy xem những dòng thơ có chứa các từ được Chế Lan Viên lặp lại (in đậm), chúng chỉ gồm 07 tiếng nhưng xuất hiện dày đặc trong mỗi dòng, tới 17 lần trong tổng số 57 tiếng (chữ) của cả đoạn. Cụ thể là: “xanh” - 04 lần, “bể” - 03 lần, “nghìn” - 02 lần, “trời” - 02 lần, “con” - 02 lần, “là” - 02 lần, “đã” - 02 lần:

Xanh biếc màu xanh
bể như hàng nghìn mùa thu qua
còn để tâm hồn nằm đọng lại
Sóng như nghìn trưa xanh
trời đã tan xanh ra thành bể
và thôi không trở lại làm trời
Nếu núi là con trai
thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương
đã biến thành con gái


Một yếu tố quan trọng khác, cùng với nhịp điệu và vần điệu, làm nên nhạc tính của thơ, đó là thanh điệu. Cần chú ý rằng: tất cả những khái niệm như “nhạc điệu”, “âm điệu” của một câu thơ, một đoạn thơ, hay cả bài thơ, đều là dựa trên ý niệm cơ bản về sự trầm bổng, cao thấp của các âm thanh, mà điều này thì gắn kết chặt chẽ với thanh điệu vốn là sự lên giọng hay xuống giọng trong lời.

Khác với tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Chăm v.v…, tiếng Việt là một ngôn ngữ có thanh điệu; bởi vậy đi tìm nhạc tính của thơ tiếng Việt không thể không đặc biệt chú trọng tới 06 thanh điệu của nó, bao gồm: thanh Ngang (không được ghi dấu trên chữ viết), thanh Huyền, thanh Sắc, thanh Nặng, thanh Hỏi, thanh Ngã.

Một trong những quy luật hòa phối thanh điệu của thơ tiếng Việt là phải có sự đăng đối, đắp đổi về thanh: hoặc giữa các thanh Bằng (Ngang, Huyền) với các thanh Trắc (Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã), hoặc giữa thanh Bằng Cao (thanh Ngang) với thanh Bằng Thấp (thanh Huyền), ở các tiếng (chữ) đứng cuối mỗi bước thơ.

Những câu thơ hay thường có sự “đổi thanh” như vậy. Hãy nhớ lại Xuân Diệu (chú ý những chỗ in đậm) thời Thơ Mới:

Mây biếc về đâu/ bay gấp gấp
Con cò trên ruộng/ cánh phân vân

và Hàn Mạc Tử:
Khách xa/ gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng/ chợt nhớ làng
và Huy Cận:
Gió về/ lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt/ bốn bề tâm
và bản thân Chế Lan Viên thời ấy:
Ai đâu/ trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi/ những lá vàng


Nhưng, hãy trở lại với đoạn thơ đang xét của Chế Lan Viên. Ta cũng thấy ở đây, trong mỗi câu thơ, cuối mỗi bước thơ, các tiếng (in đậm) thường có sự đổi thanh Bằng - Trắc, Cao - Thấp với nhau:
Xanh biếc màu xanh// bể như hàng nghìn mùa thu qua /
còn để tâm hồn nằm đọng lại
Sóng như nghìn trưa xanh // trời đã tan xanh ra thành bể /
và thôi không trở lại làm trời
Nếu núi là con trai/ thi bể là phần yểu điệu nhất của quê hương/
đã biến thành con gái
Mỗi đêm hè / da thịt sóng sinh sôi

Và cũng như một số nhà thơ tài danh khác, Chế Lan Viên rất chú ý tới sự phân bổ và hòa phối thanh điệu giữa các tiếng trong mỗi dòng thơ. Trong trường hợp này, có thể thấy ông đã sử dụng phép đổi thanh giữa hai tiếng bắt đầu và kết thúc một bước thơ (những chữ in đậm):

Xanh biếc màu xanh //
bể như hàng nghìn mùa thu qua /
còn để tâm hồn nằm đọng lại //

Sóng như nghìn trưa xanh //
trời đã tan xanh ra thành bể /
thôi không trở lại làm trời //

Nếu núi là con trai/
thì
bể là phần yểu điệu nhất của quê hương /
đã biến thành con gái //

Mỗi đêm hè /
da thịt sóng sinh sôi//

Đoạn thơ gồm 11 bước nhưng có tới 07 bước tuân thủ quy luật đổi thanh Bằng - Trắc, cụ thể là như sau:
- bước 2: bể … qua
- bước 3: còn … lại
- bước 4: Sóng … xanh
- bước 5: trời … bể
- bước 7: Nếu … trai
- bước 8: thì … hương
- bước 10: Mỗi … hè
chỉ có 04 bước là có sự trùng thanh:
- bước 1: Xanh … xanh
- bước 6: và … trời
- bước 9: đã … gái
- bước 11: da … sôi

Nhưng cần thấy rằng đó là do tình ý của câu thơ buộc Chế Lan Viên phải chọn dùng những từ có thanh như vậy; và hơn nữa, ông đã rất dụng công xếp những bước thơ có sự trùng thanh này không đi sát cạnh nhau liên tiếp, nhờ vậy chúng không làm hỏng cái âm hưởng chung của câu thơ và cả đoạn thơ.

Để thấy rõ hơn tài thơ Chế Lan Viên ở đây, ta hãy thử mạo muội thay đổi thanh điệu và câu chữ ở một vài chỗ trong đoạn thơ và ta sẽ thấy ngay nhãn tiền cái hậu quả âm điệu tồi tệ của nó:
+ Nguyên văn:
Sóng như nghìn trưa xanh
trời đã tan xanh ra thành bể
và thôi không trở lại làm trời
+ Cải biên:
Mây như nghìn trưa xanh
mây đã tan xanh ra thành trời
và thôi không trở lại làm mây

Đổi thanh để đạt đến sự khác biệt, không trùng lặp về thanh điệu, làm cho câu thơ lên bổng xuống trầm, là một sự dụng công bậc thầy của Chế Lan Viên trong lối thơ văn xuôi ở “Ánh sáng và phù sa”. Hãy xem thêm điều này trong một trích đoạn khác, cũng rất nổi tiếng của ông:

Một mùi hương/ của rừng hồng hoang cổ đại/ khi rừng chết đi/ thì ánh nắng/ mùi hoa/ lời chim/ chất nhựa/ cũng vùi theo

Mùa xuân không biết/ không hay/ sáng ấy / vẫn lấy máu mình/ nuôi mạch lá



Với “Ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên đã làm một cuộc hành trình “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
Hơn thế nữa, có thể nói, ông đã thực hiện một chuyến bay thể nghiệm, từ khung trời thơ cách luật ra khoảng trời thơ tự do, và xa hơn, sang nẻo trời của thơ văn xuôi, rất thành công.
Nhưng… trời rất cao, rất xa và rất rộng.
Thơ ông vẫn không khỏi có chỗ vấn vương trong vòng truyền thống, với những khuôn thước thi luật ngàn năm.

Cho dù vậy, thì mấy ai đã có được những câu “văn xuôi về một vùng thơ” hay như của ông, đẹp như của ông, khéo léo và tài hoa như của ông, làm cho ông trở thành một trong số đôi ba nhà thơ ít ỏi đã có công dựng nên nền thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Còn gì quý hơn điều ấy với một nhà thơ!

Hà Nội, tháng Chạp 2007
L.T.T
(245/07-09)

Các bài đã đăng
Con Gái (31/08/2009)
Đám cưới giả (14/08/2009)