Tạp chí Sông Hương - Số 183 (tháng 5)
Lâm thâm nước mắt ngày vui
09:57 | 05/08/2009
CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.
Lâm thâm nước mắt ngày vui
Nhà văn Châu Diên - Ảnh: vnmedia

Thời đó, không có chuyện nghỉ là nằm ườn ra đâu. Nghỉ là thay đổi hoạt động. Không có một tẹo tèo teo thời giờ nào đủ cho ai đó ngồi một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn đâu. Nhưng cũng chẳng có gì nhiều nhặn để thay đổi, vì vậy cứ nói đến nghỉ là nghĩ ngay đến chuyện liên hoan. Mệt thì cũng liên hoan cái đã. Mà đã liên hoan thì thế nào cũng có tiết mục diễn kịch lửa trại. Và hễ đã diễn kịch thì thế nào tôi cũng phải đóng vai nữ. Cái ông chính trị viên đại đội của tôi là một ông thích kịch. Và chẳng rõ vì sao, ông bao giờ cũng chủ trương kịch là phải vừa cảm động vừa vui. Mà muốn vui thì tốt nhất là cố nhét vào một vai nữ. Nhất hạng khi vai nữ lại do một anh lính đóng thì vui càng thêm vui. Nguyên cái việc người ta vừa xem diễn vừa bàn tán xem  "ai đóng nữ đấy nhỉ" là đã đủ vui rồi, chả cần cốt truyện hấp dẫn lẫn diễn viên tài ba. Ấy vì thế mà tôi chẳng được nghỉ ngơi gì đã được chính trị viên lôi ngay vào cuộc tập kịch.

Tôi bảo anh:
- Xin phép thủ trưởng cho em sang bản bên kia, em có người nhà trong đại đội dân công nhắn sang lấy thư gia đình.
- Thôi đi ông tướng, đừng có bịa chuyện, lại lần mò sang cô dân công nào bên đó chứ gì?
- Thật sự là em có thư mà...
- Sao khi gặp người ta không đưa thư ngay, lại vẽ vời bắt qua bên đó lấy?
- Nào ai ngờ là anh em gặp nhau trên đường chiến dịch?
- Anh em thật hay anh em kết nghĩa đấy?
- Báo cáo thủ trưởng, không phải anh em ruột, nhưng gọi là người làng thôi thì cũng đúng mà gọi là anh em họ cũng được, ở làng chúng em nhà nào mà chẳng có tí họ hàng với nhau... Em không biết nói sai đâu thủ trưởng ạ. Ở quê, em đã có người hứa hẹn rồi.
- Cậu này, lính mà dài dòng. Tôi chọn cậu đóng vai con gái quả là tinh đời. Được rồi, tôi tin cậu. Nhưng tập ba lần cho nó thuộc vở hòm hòm rồi cho cậu đi.

Vở kịch đúng là cảm động và vui. Lạy giời đất, chính trị viên của tôi giá mà sau đó anh không giẫm phải mìn, thì sau này chắc là phải có chân trong giới kịch. Cầu cho anh yên nghỉ! Cầu cho mọi người không bao giờ quên anh!

Chính trị viên bữa đó đã bịa ra câu chuyện kịch như thế này. Cô gái tên là Lụa, chính trị viên giảng cho chúng tôi, tên cô gái này trùng tên cô Lụa trong vở kịch  "Anh Sơ đầu quân" của ông Nguyễn Huy Tưởng, nhưng trong vở này cô Lụa đi dân công và bị thương. Một anh bộ đội trẻ đi ngang, liền dắt trộm một con trâu của đồng bào để cô ngồi lên cho đỡ mệt và tự anh dắt trâu đưa cô về trạm quân y. Đó là tội vi phạm kỷ luật rất lớn, vì theo đúng lời thề quân đội nhân dân, không ai được tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, thế mà đây lại tơ hào hẳn một cái to đùng bằng cả một con trâu. Nhưng anh bộ đội trẻ trót thương và yêu cô Lụa, anh tìm cách cho cô cưỡi lên lưng trâu, đưa cô trót lọt về quân y. Người dân mất trâu đi mách cấp chỉ huy. Mọi người chắc mẩm khi anh bộ đội kia về thì thế nào cũng bị thi hành kỷ luật. Trên đường trở về đơn vị, anh đã trúng bom địch và hy sinh. Còn con trâu thì quen đường đã chạy về với chủ. Người chủ đến gặp cấp chỉ huy xin tha kỷ luật anh bộ đội trẻ, và cũng là lúc nhận được tin anh bộ đội mới hy sinh...

Đúng là điềm gỡ hay sao ấy, chính trị viên nhất định đòi đặt tên cho vở kịch là "Lâm thâm nước mắt ngày vui". Anh xếp đặt cho câu chuyện xảy ra vào ngày chiến thắng, và đúng ngày chiến thắng thì có người bị thương và có người trúng mìn. Thủ trưởng quân sự không cho vở kịch được đứng cái tên đó. Bảo là đặt tên thế nó sái. Sái là gì? Sái là sái, thế thôi, không đặt tên như vậy, chả ai đặt tên kịch như vậy hết. Sau đành thoả hiệp đặt cái tên vui vui, "Con trâu bị thương ở đít". Vì trong vở kịch có chi tiết anh bộ đội trẻ tán cô dân công, "con trâu bị thương ở đít nhưng anh bảo đảm nó đủ sức chở em về trạm quân y, em đừng lo..."

Nhưng trong câu chuyện này, đúng vào cái ngày sắp diễn kịch ấy, chính tôi mới thực sự là kẻ lâm thâm nước mắt ngày vui.
Tập kịch xong, đã thấy cô em từ bản bên kia sang. Cô sốt ruột chẳng hiểu vì sao chờ mãi mà không thấy tôi qua. Vừa gặp nhau, cô nói Mự nhớ eng lắm và mấy tiếng quê đó làm cho người tôi như tan ra. Ờ, thế mà đã ba năm rồi đó. Ba năm rồi kể từ ngày tôi cầm tấm giấy chứng nhận đặc cách tốt nghiệp phổ thông 9 năm, rồi đi tòng quân. Giờ đây, cái gương mặt tròn căng da ngăm đen kia đang làm tôi nhìn lại và thấy hết, cái bến sông với những cô gái có gương mặt căng tròn thế kia, những chuyến chở củi với những tay chèo có gương mặt căng tròn thế kia, những câu hát vui ghẹo loang đi trên mặt sóng từ khoé miệng những cô gái giặt lụa có những gương mặt căng tròn thế kia...

Tôi ngây người không biết vì mải nhìn em hay chỉ là vì chờ em đưa thư cho. Nhưng cô chỉ im lặng dắt tay tôi lôi ra phía đồi sim, rồi kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Hương vị người con gái kề sát bên mình khiến tôi chợt nhớ tới điều cần nhớ:
- Thư đâu, cho anh xem nào.
- Gì mà vội thế?
- Thư ai viết cho anh?
- Thì cứ đôi hồi đã, em khắc nói... Mà anh phải bình tĩnh kia... Không được đùng đùng lên đâu đấy... Em nói thật nhé... Ba bốn năm anh đi, anh có đoái hoài về nghỉ phép lần nào đâu... Từ bữa đó biết bao nhiêu đổi thay, anh có ở nhà cũng chẳng hiểu hết, phương chi là xa nhà xa làng nước...
Tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì không ổn trong những lời rào đón của cô em họ.
- Chuyện cái Cảnh với anh hử?
- Còn cảnh vẻ gì nữa, chị ấy cắt đứt anh rồi...
- Sao kia?
- Tuyên bố rồi, tuyên bố giữa cuộc họp xóm là cắt đứt, tuyên bố trước các bà con bần cố là không dây dưa gì hết nữa...
- Chuyện gì vậy, em?
- Thì đã bảo là anh phải bình tĩnh mà!...

Tôi nhìn cô em, mơ hồ mong là em đang đùa trêu mình đây. Nó mới chưa đủ mười tám. Nó mới nhớn. trên nét mặt tơ căng tròn, vẫn tưởng như nó đang cùng tốp thiếu nhi hát múa ở sân đình. Tôi vẫn thấy như nó còn rất trẻ con. Tôi vẫn nghĩ là nó đang trêu đùa. Nhanh thật! Mới đủ lông đủ cánh thế mà đã xung phong xa nhà đi dân công chiến dịch.

- Thôi, anh van em đấy, có chuyện gì ở nhà thì nói cho anh nghe đi. Đừng làm anh sốt ruột nữa. Tốt nhất là đưa thư đây cho anh coi.
Cô em không nói gì, quay mặt sang nhìn tôi, mắt ngân ngấn nước. Rồi em ôm mặt khóc nức nở. Tôi đứng vụt dậy. Em ngừng khóc và lấy tay khẽ kéo tôi ngồi xuống.
- Nhiều điều lạ lắm anh ạ... Để em nói, anh đừng hỏi gì hết... Ôi, em thương anh quá... tội thân anh quá... Anh chẳng được ở nhà mà xem, mọi thứ hoàn toàn không giống như hôm anh ra đi đâu... Mà anh không biết cũng phải, thư từ chẳng ai gửi được... Có ai được đi khỏi nhà đâu?... Là nói bên phía nhà anh ấy... Nhà em may còn là trung nông nên cũng có tự do không bị bao vây, nhưng cũng chẳng dám chạy qua chạy lại, vì sợ bị quy là liên quan...

Tôi chẳng hiểu gì hết về một loạt những điều mới lạ cô em gái vừa nói ra. Nào bao vây, nào liên quan, nào trung nông, nào tuyên bố, nào cắt đứt, nào dây dưa...
Tôi ngắt lời cô:
- Mẹ anh thế nào hả em?
- Mự ốm nặng... Ốm đói...
- Thế còn chị dâu cả nhà anh đâu?
- Chị cả đã bỏ ra ở riêng. Anh cả ở bộ đội mãi đẩu đâu chắc là cũng chưa biết tin tức gì... Chị cả tuyên bố cắt đứt rồi. Cũng như cái cô Cảnh của anh ấy. Cũng cắt đứt rồi... Em chỉ thương ông nội... Ông nội đói lắm... Người nho nhã thế mà chiều tối phải đứng bên rào gọi sang nhà cháu dâu... Con lạy bà, bà thương con, bà cho con xin nắm sắn khô... Cả làng im phăng phắc, nghe rõ tiếng ông nói hừ hừ như người rên...
- Vậy là đã xảy ra chuyện gì ở làng?
- Em cũng chẳng hiểu hết nữa. Bố anh thì bị bắt..
- Thế là nghĩa gì?
- Em cũng chẳng biết nữa. Hôm nào chiến thắng giặc Pháp anh về anh khắc biết. Bây giờ, em chỉ biết báo tin cho anh đến vậy thôi.
- Vậy là em không mang theo thư từ gì hết?

Em ngước mắt nhìn tôi, cặp mắt trong veo như thể muốn nêu câu hỏi: hoá ra em nói với anh từ nãy giờ anh vẫn chưa hiểu gì cả sao? Cô đờ đẫn ngồi im một lát. Như thể cô chẳng còn biết cách kể nhiều hơn nữa sao cho tôi hiểu nhiều hơn nữa. Rồi cô nói, chẳng ra nói với tôi, chẳng ra nói với ai hết:
- Giời ơi là đất ơi, giá mà lúc nào cũng cứ vui như cái ngày tiễn anh đi tòng quân, làng nước sung sướng biết bao nhiêu!
Những ngày vui như cô em mới nhắc đến tôi đã quên rồi. Hay nói cho đúng, lúc vui thì chẳng để ý, bây giờ có người nhắc lại, bỗng thấy ngỡ ngàng. Ba năm trước, nó nhảy múa sòn la đố để tiễn đưa các anh trai lên đường. Chia tay mà vui như ngày hội. Vậy là đã từng có những ngày vui. Bây giờ đã là những ngày vui xưa, liệu có còn những ngày vui khác? Tôi không rõ. Tôi chỉ biết một điều, cô em đây, mười tám tuổi, nhớn nhao rồi, không còn nhảy múa như xưa, em sống giữa những biến cố, mà chỉ biết kể lể, ngoài ra thì không biết vì sao lại có những điều này nọ đã xảy ra. Sau này về già, tôi còn biết thêm một điều nữa, rằng cũng chẳng nên trách ai, vì chính tôi đây nào cũng có biết gì nhiều...

Buổi tối, vỡ diễn "Lâm thâm nước mắt ngày vui" vẫn phải ra mắt mọi người.
Tôi không biết nói với chính trị viên như thế nào để được thủ trưởng cho phép nghỉ diễn. Mà làm sao nghỉ được? Tôi như người chiến sĩ bị thương. Bị thương mà có điều kiện thì vẫn phải làm nhiệm vụ chứ? Tôi không thể vì việc riêng mà làm hỏng cuộc liên hoan của tất cả mọi người. Lửa trại hồng rực một góc rừng. Trên trời máy bay địch không bay đêm nữa. Vẫn cử người canh gác máy bay, nhưng chưa một lần nào tiếng kẻng phải gõ lên và nước phải giội vào đống lửa khuya bập bùng như mọi khi.

Tiếng nói yếu ớt của tôi trong vai cô Lụa khiến cho ai ai cũng cảm thấy tôi sắm vai nữ giỏi, đúng là cái chất giọng khoẻ nhưng bị hụt hơi của một cô gái đi dân công bị thương... Hết buổi diễn, có mấy người còn đến gần đưa tay sờ sờ vào vai tôi xem có đúng là con gái không...

Câu chuyện vừa kể có một chi tiết trong cuộc đời nhà nghiên cứu văn hoá họ Mai. Tết Giáp Thân, ông tặng tôi những bài thơ ông viết cách đây nửa thế kỷ. Tôi xin phép từ cuộc đời ông viết ra một câu chuyện khác, thì ông bảo:
- Cũng được, nhưng văn chương sao nói hết?
- Sau chiến dịch, ông về nhà chứ?
- Vẫn chưa về được. Xuất ngũ. Rồi công nhân thủy lợi. Sửa sai mới về. Cả gia đình đoàn tụ hết, có người chiến đấu ở Nam Bộ ra tập kết cũng về, cả chị dâu nữa, cùng đi bốc mộ ông nội. Mẹ thì già rồi, nhưng đi nhanh con cón...
- Thế còn cô Cảnh?
- Cảnh vẻ gì nữa...
- Quên, còn bố?
- Bố bị án tù chung thân, sửa sai thì được tha ngay, rồi đi tham quan Liên Xô, rồi được ra làm việc trở lại, cụ là một trong những đồng chí sáng lập Đảng hồi ba mươi ba mốt mà...
- Sao rồi anh thành nhà nghiên cứu văn hoá?
- Cũng như mọi người thôi. Làm công nhân một hồi thì nhờ bố được sửa sai thì con cũng được cho đi đại học. Mình chọn đi học Sử. Học cái mệnh lâm thâm nước mắt ngày vui ấy mà...

Biệt thự Nha Trang,
giữa tháng 2-2004
C.D
(183/05-04)

Các bài mới
Chùm thơ Trà Mi (06/08/2009)
Các bài đã đăng