Tạp chí Sông Hương - Số 183 (tháng 5)
Duyên nợ trăm năm
08:45 | 06/08/2009
NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.
Duyên nợ trăm năm
Minh họa: Võ Xuân Huy

Ngân bạn tôi lại bảo: "Dung không đẹp nhưng dễ thương nhờ nước da trắng, mắt to, tính lại hiền". I...i, tôi hiền ư? Tại Ngân không thấy tôi vật thằng Khai té chỏng gọng trước sân nhà khi cùng chơi ù mọi. Mẹ tôi ngao ngán: "Con gái kiểu đó mai mốt ai dám rước". Tôi xụ mặt: "Thì thôi! Mẹ tưởng con thèm lấy...". Khai lồm cồm đứng lên phủi bụi cướp lời nói tiếp: "chồng lắm mẹ ơi!", rồi loe cái miệng loa ra sằng sặc cười và bỏ chạy tán vào xóm. Vừa lúc ấy, tôi gặp ánh mắt mẹ âu yếm nhìn tôi, tôi liền chạy vào định sà vào lòng mẹ nhưng khựng lại vì thấy đôi mắt lém lỉnh của tụi con trai còn đứng đấy, tôi sợ mai đi học tụi nó loan truyền và chọc quê tôi đã lớn rồi còn nũng nịu với mẹ.

Tết đó ba mẹ tôi vừa xây nhà xong. Ba mẹ tôi vất vả làm lụng suốt gần hai mươi năm mới xây được ngôi nhà tường, mái ngói. Cũng có công chị em tôi nhặt đá vụn trong vườn trong những ngày nghỉ học, dồn đống cho ba tôi đúc táp-bờ-lô. Đất nhà tôi toàn sỏi, đá vụn, chúng tôi nhặt bớt  giúp ba tôi đỡ công cào gom khi đánh vồng trồng trọt. Đất vườn nhà tôi sát đồn lính. Đồn mấy lần lấn đất nhà tôi bằng ba hàng rào thép gai khum khum hình mái nhà và gài đầy lựu đạn, mìn! Dải đất dọc hàng rào ba tôi phải bỏ hoang cho lau lách mọc đầy, chớ ra đó vỡ đất có ngày vướng mìn, toi mạng. Tết ấy, cả nhà tôi được ở nhà mới. Tôi thích nằm ngửa trên nền xi măng láng nhìn lớp lớp ngói đỏ thứ tự, lớp lang và băng, kèo, rui, mèn toàn bằng gỗ kiền nâu ngù mà lòng tràn trề sung sướng. Cây lá quanh vườn nhà tôi cũng rỡ ràng hơn mọi năm. Cội mai già trước sân đã sớm điểm mấy bông hoa vàng tươi mơn mởn, suốt ngày khẽ rung theo ngọn gió đông như muốn cùng gia đình tôi mừng nhà mới, xuân mới.

Tết sầm sập tới. Mẹ tôi búi đầu trong đống hàng áo quần bà con lối xóm xa gần đặt may. Mẹ tôi, ba tôi, anh thợ và hai chị học may phải thức khuya may cho kịp. Tôi cũng thức để làm khuy, nút giúp mẹ và lo chè, cháo giữa đêm cho thầy, thợ. Tiếng máy chạy : "Xè... xè..." và ánh đèn măng- sông sáng suốt đêm, thật vui. Mẹ tôi muốn ăn một cái Tết trong ngôi nhà mới đàng hoàng, đầy đủ hơn mọi năm nên nhờ bà ngoại tôi dưới làng lên gói bánh tét và làm giúp vài loại mứt, bánh. Tôi tưởng gói bánh tét dễ. Ai ngờ tôi gói trầy trật mãi mới được một đòn bánh vừa đầu to đầu nhỏ và lỏng lẻo chứ không đều rí múi lạt và chặt chịa như những đòn bà ngoại gói. Thế mới biết người xưa dạy, học ăn, học nói và còn học gói nữa... Củi nấu, ba tôi đã chuẩn bị mấy tháng trước khối củi gộc khô đượm chất sau chái bếp từ đầu tháng chạp. Chiều hai chín Tết thợ thầy đã nghỉ. Ba tôi nhúm bếp ngoài sân, che bên một tấm bạt cũ phòng mưa, sợ nấu trong nhà khói ám tường mới. Xong, bắc nồi đồng to đùng lên, chất bánh vào, đổ nước lút bánh và nấu sôi sùng sục suốt ngày đêm. Ba tôi thức coi chừng lửa và châm nước cho bánh chín đều. Tôi cũng háo hức ngồi chầu rìa chờ vớt bánh nhúng vào thau nước lạnh rồi mở ra thử xem đòn bánh đầu đời của tôi gói hương vị thế nào.


Đêm ba mươi thăm thẳm, cảnh vật, sinh linh chìm trong yên tĩnh. Hình như nàng Xuân đã tha thướt ngự về vén màn sương khuya tỉ tê, tâm sự với vạn vật sau bao tháng xa cách. Tôi thức dậy, co ro lên nhà trên để chờ ba tôi sai bảo và phụ mẹ cúng giao thừa. Pháo đì... đùng nổ rộ, khắp nơi đón giờ phút thiêng liêng mới mẻ của một năm. Hương cháy một hồi rồi mà pháo vẫn còn nổ. Ồ không, tiếng súng!?. Tiếng súng  đùng... đoàng... nổ khắp đây đó, phía sau nhà tôi cũng nổ từng hồi rát rạt, veo veo... Ba tôi giục cả nhà xuống hầm. Ngồi trong hầm ba tôi thì thào với mẹ tôi: "Chắc Việt Cộng về rồi, mẹ mi nợ!!". Một lát sau tiếng súng hơi yên, ba tôi lên. Tôi cũng thè thẹ đi rón rén sau lưng ba. Nhìn qua khe cửa ra ngoài đường nhờ nhờ sương đêm, tôi thấy có bóng người chỉ mặc áo may ô, quần xà lỏn xách súng chạy. Sáng mồng một, vẫn còn tiếng súng nổ từng hồi dưới đồn Mang Cá, nơi đóng quân của lính Cộng hoà. Bà con xóm tôi đều ùa ra đường, tụ tập từng nhóm năm ba người đứng nhỏ to bàn tán, ai cũng lo lắng, sợ sệt. Sau đó tôi biết chính xác, Giải Phóng quân đã về. Chính cái đồn lính sát nhà tôi, các anh đã chiếm rồi bỏ trống để tiếp đi giải phóng nơi khác, nên hồi khuya mới có một số lính hoảng loạn chạy tản ra nhà dân trốn. Sáng nay đã nghe loa gọi ra trình diện cùng với lớp lính tráng đã trốn chui nhủi đâu đó, tử thủ. Tối mùng hai Tết nhiều Giải Phóng quân đến nhà tôi, nhưng số đông họ đứng lẫn ngoài vườn, chỉ hai anh đưa vào năm, sáu ruột tượng gạo nhờ mẹ con tôi nấu cơm rồi vắt từng cục cho họ. Ba tôi chất một giỏ tre bánh tét tặng các anh, nhưng các anh không nhận. Các anh khiêng hai thúng cơm đi mất vào bóng tối. Lần đầu tiên được gần gũi với các anh giải phóng. Tôi thấy các anh cũng hiền, thậm chí còn đẹp trai và sáng sủa, tuy hơi có vẻ bí ẩn một chút. Chứ không bặm trợn, nham nhở, chọc gái thô tục như những ông lính cộng hoà tôi từng gặp những lúc tôi mặc áo dài trắng đạp xe đến trường. Các anh ấy đi và không bao giờ trở lại nhưng đã gieo trong lòng tôi những tình cảm tốt về Giải Phóng quân.

Suốt buổi sáng ngày mùng ba Tết, đồn bắt loa phát lệnh buộc gia đình tôi đi tản đi nơi khác để đồn mở rộng phòng ngự và tầm xạ thủ! Ba tôi nấn ná vì lưu luyến ngôi nhà mới ở chưa đầy hai tháng. Bỗng bên đồn nã đại liên vào "khu đị" nhà tôi. Mẹ tôi hoảng réo ba tôi và kéo chị em tôi chạy đại ra đường. Qua bên Niệm Phật Đường xin tá túc, ba tôi mới sực nhớ chưa kịp đem theo áo quần thay và đồ gia dụng. Ba tôi trở lui xin vào nhà. Hai cha lính cầm súng lừ lừ, trợn trạo không cho. Ba tôi và tôi cùng năn nỉ họ mới kéo thép gai cho vào lấy được ít ký gạo. Trong lúc gấp gáp như vậy ba tôi cũng chôn được hai đầu máy Singer xuống hầm rác sau khi đã bọc vào tấm toa-đờ-tăng. Ba tôi chạy qua Niệm Phật Đường được một lát thì nghe; "ầm" ba tôi chạy lại. Ngôi nhà tôi đã bị lính giựt sập ngổn ngang gạch đá. Ba tôi nhặt được một miếng tường bể văng ra ngoài hàng rào còn mới nguyên màu vôi hồng, cầm đi lui đi tới khóc ràn rụa, tôi cũng thút thít khóc theo nhưng vẫn chưa thấm đâu được nỗi ở nhà thuê mướn sau này. Cũng chiều đấy có mấy anh giải phóng vào Niệm Phật Đường, leo lên bệ quan sát bên đồn. Hai anh mang súng AK, một anh mang cây súng như ống thổi lửa và mấy trái lựu đạn to như bắp chuối sứ. Ba tội gọi súng B40. Lòng tôi đang căm thù bọn lính đang tâm giựt sập nhà tôi. Tôi lân la đến bên các anh và ngõ ý dẫn các anh tiếp cận đồn vào một nơi kín đáo, dễ nhìn vào trong. Các anh hội ý riêng với nhau rồi đồng ý. Tôi dẫn các anh theo con hẻm ngoằn ngoèo luồn lách trong xóm đến một lớp học bỏ hoang gần cái lô cốt. Tôi thấy lớp bao cát chắn bên trên như bung ra bởi lớp bụi bốc lên. Tôi hả dạ nhảy cỡn lên vỗ tay. Một anh giơ ngón tay bảo im lặng rồi vẫy tôi rút lui.

Hôm sau tôi lại theo đám bạn xóm, toàn những cu cậu rắn mắt, nghịch ngợm nhất, chỉ tôi và cái Vy là gái, kéo thành đoàn chạy ra cồn, một anh du kích đứng gác dưới lùm cây chặn lại. Thằng Khai mau miệng: "Dạ tụi em ra cồn nhổ sắn ăn, nhà hết gạo rồi!". Tôi đoán anh ấy là du kích vì anh không mặc bộ đồ màu cỏ úa mà mặc áo đen, quần tây xanh. Chúng tôi ra cồn, nhảy từ ngôi mộ này đến ngôi mộ khác tìm đồ hộp do máy bay trực thăng thả cho lính trong đồn, vì du kích bắn rát quá nên đã quýnh quáng thả ra ngoài vòng đai đồn lính. Chúng tôi tìm được mấy thùng đạn và một thùng đồ hộp. Cả bọn khiêng vào nạp đạn cho các anh du kích. Đồ hộp các anh cho tụi tôi chia nhau đem về gia đình ăn tạm qua ngày. Hôm sau nữa, chúng tôi kéo ra cồn nhiều người hơn và cũng nhảy trên các ngôi mộ, mả Tàu tìm đồ hộp. Bất thần trong đồn bắn ra mấy loạt đạn. Đạn bay chiu chiu và veo véo trên đầu. Cái Vy nhảy choi choi trên nấm mộ đất, miệng nói. "Đạn chê! đạn chê!" thì bị một viên đạn bắn trúng ngực ngã vật chết không kịp kêu lên một tiếng. Cả bọn vừa chạy vừa ré om sòm. Tôi cũng la hớt hải, thì bị đạn xuyên thủng ruột. Anh du kích hôm trước tôi gặp đã bất chất nguy hiểm lao vào tầm đạn của lính trong đồn vác tôi chạy vào cho cô cứu thương băng bó, chích thuốc sơ cứu. Lát sau, ba và chú tôi làm cáng gánh tôi xuống bệnh viện. Giữa đường tôi thấy các anh Giải phóng đứng lấp ló trong các con hẻm ven đường. Biết tôi bị đạn các anh chỉ cho ba tôi những đoạn đường không bị xác những chiếc xe tăng cháy và cầu sập. Nằm viện tôi được các y bác sĩ Giải phóng tận tình cứu chữa cho dến khi họ rút qua bên kia sông.

Năm 1977 tôi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, được bổ dạy miền núi năm năm. Về dạy huyện đồng bằng hai năm nữa tôi được nhận nhiệm sở huyện ven đô. Cầm quyết định về trường phổ thông cơ sở, tôi ngạc nhiên khi thầy hiệu trưởng cười cười, nhìn tôi vẻ thân quen và hỏi:

- Dung đấy phải không?

- A... anh! Xin lỗi... sao thầy biết tên em?

Thầy hiệu tủm tỉm cười:

- Chính Dung đã giới thiệu cho tôi đấy thôi.

- I...i, em cho thầy biết tên bao giờ đâu

Thầy hiệu cười xoà.

- Hồi Mậu Thân.

Trong cái đầu mụ mị của tôi bỗng mường tượng ra anh du kích có nước da đen, thắt lưng đeo mấy trái lựu đạn chày và nhất là mỗi khi miệng anh cười cứ như một lời hẹn ước xa xôi. Tôi lắp bắp:

- Là... là anh du kích bồng em chạy băng qua cồn mồ?

Chúng tôi tìm hiểu nhau và quyết định lập gia đình với nhau. Trái đất quả tròn, ai ngờ Tết Mậu Thân năm ấy lại mở đầu duyên nợ trăm năm của chúng tôi. Và nay năm Giáp Thân, vợ chồng tôi tổ chức đám cưới bạc. Hôm nay, chồng tôi chở tôi về xóm xưa, nền cũ đã có người khác ở, tìm thăm ông Khai, bà Ngân và những bà, ông bạn năm nào rồng rắn một đoàn chạy ra cồn mồ nhặt đạn cho Giải Phóng quân. Và chúng tôi không quên đến thắp hương mộ Vy, cô bạn gái của tôi chết vào ngày mùng năm năm ấy.

N.V.V
(183/05-04)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Trà Mi (06/08/2009)
Các bài đã đăng