Tạp chí Sông Hương - Số 183 (tháng 5)
Hải Triều (1908- 1954)
16:08 | 07/08/2009
NGUYỄN NGỌC THIỆNHải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh năm 1908 trong một gia đình Nho học, khoa bảng. Năm 20 tuổi, trở thành đảng viên trẻ của Tân Việt cách mạng Đảng, Nguyễn Khoa Văn bắt đầu cầm bút viết báo với bút danh Nam Xích Tử (Chàng trai đỏ). Điều này đã khiến trong lần gặp gỡ đầu tiên, người trai có "thân hình bé nhỏ và cử chỉ nhanh nhẹn theo kiểu chim chích" (1) ấy đã gây được cảm tình nồng hậu của Trần Huy Liệu- chủ nhiệm Nam Cường thư xã, người bạn cùng trang lứa tuy vừa mới quen biết, nhưng đã chung chí hướng tìm đường giải phóng cho dân tộc, tự do cho đất nước.
Hải Triều (1908- 1954)
(Ảnh: Internet)

Sau này, dõi theo hoạt động thực tiễn, viết báo của Nam Xích Tử, Trần Huy Liệu cảm phục nhận ra sự chín chắn trong tư duy của người bạn mình ở chỗ sớm "biết dựa trên lập trường giai cấp công nhân", hoạt động trước sau nhằm vào "cái hướng xã hội chủ nghĩa", từ đó mà có được vị trí "tiến lên hàng đầu về kiến giải cũng như lý luận" (2).

Sau khi Đảng Tân Việt tan rã, bị chính quyền thực dân giam giữ, khi được ra tù năm 1933, Nguyễn Khoa Văn trở lại với vũ khí quen thuộc của mình là cây bút. Ông viết báo với bút hiệu mới: Hải Triều.

Trên lập trường mác xít được rèn luyện trong nhà tù đế quốc, Hải Triều hăm hở, tự nguyện gánh vác một sứ mệnh mới: làm người chiến sĩ tiên phong, viên kiện tướng tả xung hữu đột đấu tranh với những quan điểm duy tâm về triết học, quan điểm tư sản về văn học nghệ thuật, rồi thừa kế truyền bá quan điểm cách mạng và cắm được ngọn cờ chiến thắng của tư duy lý luận mác xít trên lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật đương thời "đang bị một mớ cặn bã học thuyết và văn chương lấp đặc mạch máu" (3).

Ngay trong năm 1933, tuy lúc đầu còn đơn thương độc mã (vì nhiều đồng chí của ông vẫn phải ngồi tù), Hải Triều đã đăng trên báo Đông Phương và báo Tiếng Dân cả thảy 24 bài, trong đó ông vận dụng triệt để học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để biện giải một số vấn đề về kinh tế, chính trị trên thế giới và ở ta. Qua loạt bài viết này, độc giả của báo chí công khai ở ta lần đầu tiên làm quen với một ngòi bút sôi nổi, đầy nhiệt huyết, nhập cuộc vào các sự kiện và vấn đề bức xúc của thế giới cũng như ở Việt Nam, không ngần ngại phát biểu rõ chính kiến của mình và gợi lên những khía cạnh cần tranh luận nhằm sáng tỏ vấn đề. Sở trường của Hải Triều đã hình thành và bước đầu đã biểu hiện rõ nét khi ông đặt các vấn đề sát và trúng, lôi kéo sự quan tâm của người đọc và nhân đấy phát dương quan điểm của học thuyết duy vật. Đồng thời ông chủ trương tranh luận với những ý kiến khác, giúp bạn đọc có cơ sở để so sánh và đánh giá nó, tự rút ra kết luận về bản chất của hiện tượng, sự kiện, từ đó chọn cho mình một thái độ cần thiết.

Là người còn trẻ tuổi, trong khi tranh luận với các ý kiến còn có những điểm khác biệt mấu chốt về quan điểm, Hải Triều vừa thể hiện sự thẳng thắn, rạch ròi và đề cao chân lý học thuật, mặt khác ông luôn luôn tôn trọng sự bình đẳng, dân chủ, giữ được biểu hiện của tính văn hoá khi đối thoại với người khác. Qua các bài báo về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, Hải Triều chủ động đứng trên lập trường mác xít để đấu tranh bảo vệ quyền độc lập chính đáng của mỗi quốc gia, quyền dân sinh dân chủ của người lao động lương thiện, phê phán thói ích kỷ tham tàn của các nhà cầm quyền khi họ đặt lợi ích của giai cấp hữu sản, của tầng lớp mình lên trên quyền lợi của đông đảo quần chúng. Đặc biệt trong số những bài báo này ông có một bài bàn về triết học (Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật) và hai bài bàn về văn học (Sự tiến hoá của văn học, sự tiến hoá của nhân sinh; Cụ Sào Nam giải thích chữ văn học thế là sai lắm) thể hiện được bản lĩnh vững vàng, sắc sảo của nhà lý luận- phê bình mác- xít trẻ tuổi. Các bài này có thể xem là những tín hiệu báo trước về sự chủ động mở ra hai cuộc tranh luận liền đó: cuộc tranh luận về Duy tâm hay Duy vật (từ 1933 đến 1939) và cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh (từ 1935 đến 1939). Và từ đó ông trở nên nổi tiếng, thu hút được cảm tình của người đọc, gây thanh thế cho Đảng Cộng sản sau thời gian bị chính quyền thực dân kìm kẹp, khủng bố. Với bản lĩnh của một người vững tin đi theo con đường của chủ nghĩa duy vật mác xít, với một nền tảng trí thức sở cậy có căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, Hải Triều đã thổi một luồng sinh khí mới làm thay đổi tư duy về khoa học và nghệ thuật lúc bấy giờ. Sự thẳng thắn, rạch ròi giữa đâu là những nguyên lý cơ bản thuộc học thuật cần làm sáng tỏ đúng sai với đâu là phương diện nhân cách cần được bảo trọng của người trí thức đang tranh luận với mình, bất kể vị thế, tuổi tác của họ như thế nào, mà ông biểu hiện đã nêu một tấm gương về việc trong tranh luận học thuật phải vừa đảm bảo việc tìm kiếm chân lý khoa học đích thực, vừa thể hiện sự tôn trọng người khác, dù cho họ còn có ý kiến khác mình. Chẳng hạn ai cũng rõ Phan Bội Châu là một bậc chí sĩ đáng kính hết lòng vì dân, không quản thân mình để tìm tòi con đường giải phóng dân tộc. Song về mặt học thuật khi thấy nhà chí sĩ này đã dừng lại ở những quan điểm duy tâm của Nho học mà giải thích hai chữ văn học, Hải Triều không thể không lên tiếng. Ông không e ngại làm vậy người ta sẽ hiểu lầm mình là tự đắc, thiếu tôn kính, thậm chí báng bổ bậc bề trên. Hải Triều đã hóm hỉnh ghi lại cuộc trò chuyện giữa mình với thân mẫu để người đọc thấy được bản tâm chính đáng của ông: "Tôi viết bài này, mẹ tôi ngồi một bên xem, cười mà mắng rằng: "Mày là đứa thư sanh, sao lại đi phê bình một bậc lão thành". Tôi cũng cười mà nói rằng; "Tôi không bao giờ mất tấm lòng cung kính với bậc trưởng thượng, nhưng cụ nói sai cũng cho tôi cãi với chớ" (4).

Cũng như vậy, khi tranh luận về điều gì đã dẫn tới sự khác biệt giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây với Phan Khôi, một cây bút kỳ cựu trong làng báo 3 kỳ, bậc tú tài túc trí của làng Nho mà lại biết tiếp thu cái mới do Tây học đưa lại, Hải Triều đã dành những dòng cuối của bài viết như điều tâm sự từ đáy lòng với học giả họ Phan: "Ông Phan nên xem bài của tôi như lời của một người bạn trẻ- trẻ hơn ông chừng ba mươi tuổi, nói chuyện về một cái sai lầm nguyên lý (erreur du principe) với một ông già, ông già còn có chút tiến hoá, tiến hoá hơn những cụ già khác" (5).

Qua đó, người đọc có dịp nhận ra Hải Triều ý thức rõ rệt một cách hành xử có văn hoá trong tranh luận, tôn trọng sự bình đẳng trong đối thoại giữa các kiến giải, chính kiến khác nhau mà vẫn đề cao được nguyên tắc và chân lý học thuật.

HẢI TRIỀU VỚI CUỘC TRANH LUẬN DUY TÂM HAY DUY VẬT (1933- 1939)

Trong cuộc tranh luận tư tưởng, triết học giữ vị trí quan trọng có ý nghĩa đặt nền móng, thiết lập cơ sở quan điểm triết học mác xít trong cuộc đấu tranh tư tưởng- văn hoá, văn nghệ mà Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương, nhà mác xít trẻ tuổi Hải Triều đã đi đầu thực hiện, giành thắng lợi vang dội ngay từ hiệp đầu.

Tháng 8 năm 1933, sau cơn khủng bố trắng đàn áp các lực lượng yêu nước và cách mạng, tư tưởng tư sản cải lương, văn chương lãng mạn thoát ly, phong trào "vui vẻ, trẻ trung" ở thành thị được thực dân khuyến khích, Phan Khôi, một cây bút có tiếng trong làng báo, viết bài Văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Trong bài này, họ Phan bộc lộ nhận thức duy tâm, sai trái, chứa đựng hồn nhiên mặc cảm tự ty, yếu đuối, tâm lý bất khả kháng về hiện tình đất nước, bi quan về trí tuệ Việt Nam, về tương lai ít sáng sủa của số phận dân tộc.

Hải Triều, với sự nhạy cảm của người làm báo cách mạng, đã nắm lấy cơ hội đó, lợi dụng diễn đàn báo chí công khai, tự tin và đầy nhiệt huyết, chủ động nhảy vào cuộc. Ông viết một loạt bài bám sát động thái tư tưởng của Phan Khôi, phê phán đích đáng thực chất duy tâm, phản tiến bộ và ảnh hưởng xã hội tiêu cực trong quan điểm của họ Phan, làm chấn động dư luận bạn đọc đương thời. Hải Triều, với một kiến văn chắc chắn về học thuật, đi kèm lối viết sinh động, hóm hỉnh đã khéo léo thực hiện mục đích chính là giới thiệu những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật (biện chứng và lịch sử) theo quan điểm cách mạng trên lập trường mác xít. Ông hướng cuộc tranh luận không dừng ở tranh cãi lời lẽ, học thuật sách vở mà đi tới ý nghĩa chính trị thực tiễn: vạch trần tư tưởng yếm thế, bi quan, lầm lạc, thức tỉnh sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội yêu nước và tiến bộ vào cuộc đấu tranh trên mọi lĩnh vực chống lại sự nô dịch của chính quyền thực dân- phong kiến, kiên quyết giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Sát cánh cùng Hải Triều, qua các năm sau đó, cho đến năm 1939 thì cuộc tranh luận chấm dứt, còn có các chiến hữu khác thuộc các lực lượng phái tả: Thành Lâm, Hoàng Tân Dân, Phan Văn Hùm, Hồ Xanh, Hải Vân, Sơn Trà, Bùi Công Trừng.

Về phía Phan Khôi, chỉ một mình ông không có ai trợ thủ, sau 3 bài viết trong các năm 1933, 1934 bị Hải Triều phê phán dồn dập, khó đáp lại về lý luận, cây bút này giở sách ngụy biện, xoay xở chống đỡ mà cũng không xong, đành phải im tiếng thúc thủ. Song, Hải Triều và những người phái tả, vẫn không chịu thôi. Họ vẫn tiếp tục lên tiếng, khuếch trương quan điểm duy vật mác xít, gây thanh thế cho Đảng Cộng sản, thanh toán tận gốc những luận điểm sai trái, đối lập. Tổng kết, tóm lược những nội dung cơ bản của triết học mác xít, năm 1938 Hải Triều cho xuất bản cuốn sách biên soạn về Chủ nghĩa mác xít phổ thông (do Bùi Công Trừng viết Lời tựa năm 1933). Đây là một cái mốc khởi đầu, một công trình nhập môn, trình bày súc tích và dễ hiểu về triết học mác xít như một thành tựu của tư tưởng loài người, được nhiều người tìm đọc như một cẩm nang.

Đúng như nhận định của Bùi Công Trừng, sách tuy thuộc loại phổ cập, nhưng "nó vẫn có một giá trị đặc biệt, chẳng những vì hợp với sự nhu yếu của thời gian, mà nó lại là một tác phẩm có tài liệu rất dồi dào, sắp đặt một cách mạch lạc, nó là một quyển sách mác xít nhập môn đầu tiên có giá trị trong tủ sách xã hội xứ này" (7).

Hải Triều bỏ ra hơn một năm để biên soạn cuốn sách quan trọng trên. Thư mục tham khảo của ông rất phong phú. Hải Triều có công đặt một số thuật ngữ bằng tiếng Việt, giúp cho sự tiếp thu được dễ dàng những nguyên lý và lôgic biện chứng của chủ nghĩa Mác. Cuốn sách này là rất cần cho các loại độc giả từ thợ thuyền đến trí thức. Qua sách, người đọc "sẽ nắm được cái đại cương và thấy rõ mục đích cao thượng của chủ nghĩa ấy" (8), từ đó, họ sẽ tránh được những ngộ nhận về nó, do sự xuyên tạc ác ý của các học giả tư sản.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách thuộc loại gối đầu giường abc về chủ nghĩa Mác này, liền sau Cách mạng tháng Tám, lại được tái bản dưới nhan đề Chủ nghĩa Các Mác do Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành.

Có thể nhận thấy cuộc tranh luận Duy tâm hay Duy vật là hồi trận khai cuộc, đem lại thắng lợi quyết định cho tư tưởng mác xít về thế giới quan và về nhân sinh quan. Quan điểm duy tâm, lạc hậu bị đẩy lùi, những bế tắc, cản trở về nhận thức lịch sử- xã hội được giải thoát, mở đường cho những tư tưởng tiến bộ, những lực lượng tích cực tham gia kịp thời vào cuộc đấu tranh giải phóng độc lập dân tộc, xây dựng nền văn hoá, nghệ thuật tiên tiến, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thắng lợi của cuộc tranh luận then chốt này sẽ là tiền đề chắc chắn để Hải Triều tiếp tục tiến hành đấu tranh mạnh mẽ với những quan điểm nghệ thuật tư sản lỗi thời, chủ trương "nghệ thuật vị nghệ thuật", ông đề cao một nền nghệ thuật gắn bó với cuộc sống, phục vụ nhân dân lao động, tất cả đều vì cuộc sống con người.

HẢI TRIỀU VỚI CUỘC TRANH LUẬN NGHÊ THUẬT VỊ NGHÊ THUẬT HAY NGHÊ THUẬT VỊ NHÂN SINH (1935- 1939)

Đây là cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật lớn nhất, diễn ra trên báo chí công khai ở nước ta trong thời kỳ 1935- 1939, có quy mô rộng rãi, tầm vóc đặc biệt và ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Cuộc tranh luận dường như là tất yếu phải xảy ra, tiếp liền sau cuộc đụng độ giữa Hải Triều và Phan Khôi xung quanh vấn đề Duy tâm hay Duy vật. Nó dường như là được báo trước. Thiếu Sơn người vô hình trung mở màn, khơi mào tranh luận với bài Hai cái quan niệm về văn học (9) và các chủ tướng cầm đầu hai phái (Hải Triều và Hoài Thanh), các ông trước đó đều đã bộc lộ cốt lõi tư tưởng nghệ thuật của mình, của phe mình qua các bài báo được công bố. Cuộc tranh luận, do đấy là xung đột tất yếu không tránh khỏi của những quan điểm nghệ thuật khác biệt như nước với lửa, thực sự đã nảy nở trên văn đàn công khai từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước trên con đường thúc đẩy quá trình hiện đại hoá nền văn nghệ dân tộc.

"Chiến tuyến hợp nhất" của phái Nghệ thuật vị nhân sinh do Hải Triều dẫn đầu, lấy tư tưởng duy vật mác xít về triết học và về lịch sử xã hội làm gốc, chủ trương nuôi trồng và chăm sóc cái cây nghệ thuật trên mảnh đất tươi tốt của hiện thực mà hoa quả của nó là dành cho những người lao động, bình dân. Các nhà mác xít đề cao một nền văn chương tả thực xã hội, xem trọng phương diện chủ yếu để đánh giá tác phẩm nghệ thuật thuộc về tư tưởng tiến bộ và nội dung phản ánh, văn học trở thành vũ khí tư tưởng, văn hoá sắc bén như gươm dao trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột giành lấy độc lập, tự do cho nhân dân đông đảo.

Về phần mình, Hải Triều cho đăng các bài tranh luận rất kịp thời với Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lưu, Lan Khai, Lê Tràng Kiều... trong các năm từ 1935 đến 1939. Ông lần lượt triển khai và hoàn thiện các quan điểm nghệ thuật của mình. Và cùng với các bạn bè chung chiến tuyến như Hải Vân, Hải Khách, Bùi Công Trừng, Hồ Xanh, Lâm Mậu Quang... Hải Triều người dẫn đầu và trở thành linh hồn của phái Nghệ thuật vị nhân sinh đã không chỉ bó hẹp văn hoc nghệ thuật trong phạm vi đấu tranh giai cấp, trong một quốc gia. Các ông còn bàn rộng tới văn hoá, tính dân tộc độc đáo và tính quốc tế tiến bộ cùng sự cần thiết của giao lưu văn hoá. Các ông cũng không hề xem nhẹ mặt hình thức và các phương tiện biểu hiện nội dung tác phẩm.

Trong hai bài viết kết tinh sự chín muồi của tư duy lý luận Hải Triều: Văn học và Chủ nghĩa duy vật (1937) và Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: Những khuynh hướng trong tiểu thuyết (1939), nhà lý luận mác xít đã đi tới cùng quan điểm mà ông cổ xuý. Trên tầm khái quát vĩ mô, trong bài viết năm 1937, ông khẳng định một quy luật: Giai cấp tiến bộ đang lên, khi đấu tranh chống lại giai cấp thống trị phản động, lỗi thời, đều có ý thức sử dụng thứ văn học "khuynh về tả thực", để phơi trần những xấu xa, mục nát, xuyên tạc sự thật, lừa mị dân chúng của thế lực thống trị đã mất hết vai trò đối với tiến bộ xã hội. Văn học, đó cũng là nơi gửi gắm sự bất bình khôn nguôi của quần chúng, là trợ thủ đắc lực cho họ trong cuộc đấu tranh bằng vũ khí, lật đổ chế độ cũ, xây dựng cuộc đời mới bình đẳng, tự do và nhân đạo.

Hải Triều kết luận: "Văn chương cách mệnh cốt ở sự tả thực là vì thế".

Từ đó, ông kêu gọi ở ta cần xây dựng nền văn học mới, mà giai cấp vô sản làm nòng cốt, nền văn học có khuynh hướng tả thực xã hội. Ông gọi đó là thứ "văn chương tả thực xã hội" (sau này, khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, chính quyền nhân dân được thiết lập, trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam đọc tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai năm 1948, đồng chí Trường Chinh gọi đó là "sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc").

Ở bài viết năm 1939, Hải Triều vẫn tiếp tục khẳng định tính khuynh hướng của văn học thể hiện trong nội dung tư tưởng và nội dung hiện thực của tác phẩm. Nhưng phần trọng tâm của bài viết được Hải Triều dành cho "hình thức của tác phẩm", "cái cách trình bày" để nội dung bộc lộ kín đáo tư tưởng của tác phẩm, qua đó thể hiện văn tài và giá trị của tác phẩm. Hải Triều cho rằng, nền văn học theo chủ nghĩa tả thực xã hội, tức là nền văn học tôn trọng sự thật, song nó cũng không từ chối nhằm đạt tới cái hay của văn phẩm, trong nghệ thuật bố cục, xây dựng nhân vật và cách thể hiện sao cho tự nhiên, kín đáo, đẹp đẽ mà không sa vào lộ liễu, sống sượng, vụng về. 

Sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng và phương tiện thể hiện nghệ thuật được Hải Triều ví như "điệu đàn đã thoát tiếng tơ" và đó là cái đích lý tưởng mà nghệ thuật hiện thực phải ra sức phấn đấu đạt tới để được công chúng đón nhận. Hải Triều viết bằng cách so sánh với những hình ảnh Việt Nam, để diễn dịch luận điểm nổi tiếng của F. Ăngghen, mà bây giờ chúng ta rất quen biết, như sau: "Một tác phẩm hay không những vì nó đã đi đúng với các thị hiếu đương thời của độc giả, mà nó còn hay ở nơi xếp cảnh, xếp tình của tác giả nhẹ nhàng, kín đáo, đẹp đẽ. Quan niệm của tác giả tự bộc lộ ra trong sự hoạt động của các vai chính và vai phụ cùng sự bố trí và kết thúc của tác phẩm chớ tác giả không cần phải tuyên bố ra... Tôi nghĩ, một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu đàn đã thoát tiếng tơ, mà nhà văn sĩ biết trọng nghệ thuật chắc không bao giờ lại đi bắt chước thằng cha nhắc tuồng, vọt ra ngồi chõm ngõm giữa sân khấu".

Những bài phê bình văn học từ cuối những năm 30 thế kỷ XX của Hải Triều cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn tiếp nối và phát triển cái mạch tư duy sáng rõ nghệ thuật gắn bó với đời sống, nghệ thuật vị nhân sinh ấy.

Ông nêu cao sự nghiệp của các văn hào H. Bacbuytx, M. Gorky, R. Roland (Văn sĩ và xã hội, 1937), khen ngợi Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Hai Ngả của Từ Ngọc (Nguyễn Lân), Lầm than  của Lan Khai... vì các tác phẩm và sự nghiệp văn chương của các nhà văn đó gắn bó với cuộc sống hiện thực, hướng con người tới cái Tốt, điều Thiện, nhân phẩm và lẽ phải.

Điều đáng chú ý là, với tư cách của nhà tư duy biện chứng, Hải Triều không bao giờ có ý định gò gẫm lý luận văn chương theo những cái khuôn định sẵn, chỉ chăm chăm đến việc thực hiện mục đích bằng con đường ngắn nhất, mà quên lãng sự phong phú của các phương tiện, phương thức biểu hiện, sự độc đáo của bản lĩnh sáng tạo, đảm bảo cho văn học có thể đến với người đọc bằng nhiều lối, nhiều cách. Vì vậy, tự đáy lòng, Hải Triều tán thành tự do sáng tác, vì nó là điều kiện thiết yếu cho sự ra đời những sáng tạo nghệ thuật đích thực. Theo ông "bao giờ hay ở đâu cũng thế nên để cho nhà văn được tự do, không nên buộc họ phải uốn nắn theo những khuôn khổ... nhà văn cần có tự do thì mới sáng tạo ra được những công trình bất hủ" (10)

Nhận thức tự do là điều kiện sống còn cho nghệ thuật phát triển, nhưng dứt khoát Hải Triều không chấp nhận thứ tự do mang màu sắc cá nhân, bản vị, cục bộ, lông bông, thiếu trách nhiệm trước nhân dân, vô tình hay hữu ý tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ, thù địch với lợi ích nhân loại. Ông cho rằng "nhà văn cần  phải tránh, tránh như tránh dịch, là cái tự do tán dương những tội ác, tán dương những sự bất công, tán dương những cái phản động hiện thời" (11)

Hải Triều hết lòng trân trọng, nâng đỡ những dòng, những phong cách văn học lành mạnh hướng tới cái Đẹp, cái Thiện đích thực, thứ văn học không ích kỷ mà vị tha, thể hiện lòng nhân đạo cao cả của con người, kêu gọi niềm vui và ý nghĩa cuộc sống khi "mưu cầu hạnh phúc cho kẻ xung quanh". Chính là với tinh thần như vậy mà tuy thấy trong tiểu thuyết Hai ngả của Từ Ngọc không ít những hạt sạn từ thiện ý chủ quan hoặc lối miêu tả xếp đặt, Hải Triều vẫn khuyến khích nhà văn trẻ, ủng hộ sự ra đời của tác phẩm này.

Nói chung, do đi vào những vấn đề thiết thực nảy sinh từ thực tiễn của đời sống văn học mà cuộc tranh luận nghệ thuật do Hải Triều chủ động tiến hành và duy trì đã có tiếng vang rộng rãi, có ảnh hưởng tới các xu hướng của sự phát triển văn học. Một số nhà văn thuộc trào lưu lãng mạn và trào lưu hiện thực đã tìm cách gắn bó và thể hiện cuộc sống của những người lao động nghèo khổ, bị chà đạp nhân phẩm. Những tác phẩm xuất sắc trong số đó đã đề cập và lý giải một số vấn đề bức xúc của các tầng lớp xã hội, gây được sự đồng cảm của người đọc. Bên cạnh đó, việc tìm tòi các hình thức biểu hiện mới và ngôn ngữ nghệ thuật riêng cho từng tác giả nhằm hấp dẫn công chúng... cũng không bị xem nhẹ.

Cuộc tranh luận dừng lại vào giữa năm 1939, khi bóng đen và nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới đã xuất hiện, đe doạ sự sống còn của loài người. Nhìn tổng quát, lý lẽ của phái Nghệ thuật vị nhân sinh do Hải Triều dẫn dắt đã tỏ ra là có sức thuyết phục, phù hợp với diễn tiến khách quan của thực tế xã hội và đời sống văn học, hoà nhịp vào xu thế tiến hoá của thời cuộc, đón bắt những triển vọng cho sự phát triển đúng hướng của nền văn nghệ dân tộc, hiện đại.

Cần ghi nhận tính chất khơi mào, đặt nền tảng của tư duy lý luận mác xít khi Hải Triều hăng say tham gia giải quyết các vấn đề cơ bản của tư tưởng và nghệ thuật từ hồi đó, đồng thời cũng là tạo những tiền đề đúng đắn, để khi có điều kiện trở lại bàn bạc tiếp, đào sâu và mở rộng hơn nữa cho ngã ngũ và có thể tiếp cận tối đa chân lý nghệ thuật.

Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) và các chủ trương về đường lối, chính sách của Đảng ta sau này, là tiếp tục phát huy và hoàn chỉnh các quan điểm mác xít mà những người cộng sản (trong đó có vai trò dẫn đầu của Hải Triều) đã đấu tranh và khẳng định trong các cuộc tranh luận về triết học và về nghệ thuật thời kỳ 1935-1939.

Sự nghiệp và trước tác của Hải Triều, phần đặc sắc nhất là trên phương diện truyền bá nồng nhiệt các quan điểm đúng đắn, kịp thời (nhưng không độc tôn, áp đặt mà tranh luận, thuyết phục) của tư duy lý luận văn nghệ mác xít. Song le, nói đến ông, người ta cũng không thể không nhắc đến một cây bút sắc sảo trong làng báo với những bài bình luận thời sự, xã hội, chính trị trong nước và quốc tế ngắn gọn, chặt chẽ, dí dỏm và sinh động. Ông có lối viết như hút người đọc, từ cách đặt đầu đề, triển khai lý lẽ, lựa chọn dẫn chứng gần gũi với đời thường mà không nhàm tục. Ông tạo cho người đọc một tâm thế để bình đẳng suy nghĩ, tự tìm sâu vào vấn đề đi tới sự giải đáp, hoặc tiếp tục tranh luận, bàn bạc thêm cùng nhau.

Với 26 năm hoạt động trên lĩnh vực báo chí và lý luận, phê bình văn học, Hải Triều đã thuộc về những nhà báo nổi tiếng, nhà lý luận, phê bình văn học mác xít đi tiên khu trong xây dựng và phát triển nên báo chí cách mạng, nền văn học, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, hiện đại.

Ngày nay, đọc lại những trang lý luận và phê bình văn học nghệ thuật của Hải Triều, trên mặt bằng mới của tư duy lý luận hiện thời, dễ nhận ra rằng có những điểm mà Hải Triều và các chiến hữu của ông, trong khi trung thành với lập trường duy vật, cách mạng, đã không tránh được sơ lược, giản đơn (như quá thiên về xem xét giá trị của văn chương trong hệ quy chiếu với đời sống hiện thực và lợi ích - dù là cao cả - của một vài giai cấp, tầng lớp xã hội mà còn ít chú ý đúng mức đến phương diện bản thể luận của văn chương, đến người làm văn chương và công chúng của văn chương, cấu trúc nội tại và ngôn ngữ văn học của tác phẩm, thế giới tinh thần của chủ đề sáng tạo, những thị hiếu muôn mặt, muôn màu của người đọc, người xem...)

Mặc dù vậy, những gì mà Hải Triều đã làm được, về cốt lõi là đúng đắn và có giá trị. Ông, nói như Hồ Xanh, đã đắp những "viên đá" xây dựng nền móng cho tư duy lý luận văn học hiện đại Việt Nam đi theo quỹ đạo phát huy bản sắc dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa, để hoà nhập vào trào lưu tư duy hiện đại và khoa học của thời đại mới - một kiểu tư duy đối thoại, rộng mở, bao dung, không hạn chế biên độ hướng ngoại hay hướng nội, nhằm đạt tới sự hoà hợp cộng đồng các giá trị phục vụ cho duy trì và tiếp tục phát triển văn minh trên phạm vi toàn cầu.

N.N.T
(183/05-04)


------------------------------
(1), (2) Trần Huy Liệu- Nhớ Hải Triều!
Trong: Hải Triều, Về văn học, nghệ thuật, Nxb. Văn học, H; 1983.
(3)
Hồ Xanh- Cuốn sách Duy tâm hay là Duy vật với nhà duy vật Hải Triều, Tiến bộ, số 3, 23/ 2/ 1936.
(4) Hải Triều - Cụ Sào Nam giải thích chữ văn học thế là sai lầm. Đông Phương, H, số 892. 28/ 10/ 1933
(5) Hải Triều - Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật - Đông Phương, H, số 891. 21/ 10/ 1933
(6) Phan Khôi - Văn minh vật chất và văn minh tinh thần - Phụ nữ thời đàm, số 4, 8/ 8/ 1933
(7), (8) Bùi Công Trừng - Lời tựa trong Chủ nghĩa mác xít phổ thông của Hải Triều - Tư tưởng mới xb, Huế, 1938.
(9) Thiếu Sơn - Hai cái quan niệm về văn học. Tiểu thuyết thứ bảy , số 38. 16/ 2/ 1935
(10), (11)
Hải Triều - Bức thư thay Tựa (cho tiểu thuyết Hai ngả của Từ Ngọc), 1938.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Trà Mi (06/08/2009)