Tạp chí Sông Hương - Số 185 (tháng 7)
Miếu làng Đông
15:13 | 27/08/2009
MINH CHÂU TRẦN             Truyện ngắnTôi sinh ra và lớn lên ở làng Tây Hồ, ngôi làng được ngăn cách với chung quanh bằng mấy luỹ tre rậm rạp và cánh đồng quê bát ngát. Làng chúng tôi cách làng Đông một cái gò và cánh đồng ấy. Trên gò là một ngôi miếu nhỏ nhưng cổ kính. Nghe bà tôi kể lại thì nó đã rất lâu đời rồi và linh thiêng vô cùng.

Chuyện một nàng thiếu phụ đã tun tiết ngay chính trên cái gò giữa cánh đồng ấy vì không chịu được sự nhục nhã và cảm thấy có lỗi với người chồng đi lính xa. Người làng Đông thì đồn rằng chính ba gã đàn ông chết bất đắc kì tử trong ngày giỗ bốn chín ngày của cô ấy chính là thủ phạm. Còn người làng tôi thì nói đó là người em chồng của cô ta. Sau cái chết của nàng thiếu phụ, gã ta cũng bỏ quê đi mất tích luôn. Mặc cho chuyện của người lớn như thế nào, mặc cho những lời răn đe của bố mẹ chúng tôi, bọn trẻ hai làng vẫn chăn trâu chung trên cánh đồng ấy. Lấy ngôi miếu làm nơi giàn quân đánh trận giả,  chơi trốn tìm...

Dân làng Đông
thương cảm thân phận của cô gái đã lập nên miếu thờ chính nơi cô tun tiết và lấy ngày chết của cô làm ngày lễ cho cả làng. Vì câu chuyện ấy mà trai gái hai làng đến nay vẫn không hề được lấy nhau.

Trong số đám trẻ làng Đông, thì con bé Phương là thân tôi nhất, không phải vì tôi hay bảo vệ nó khi bọn con Hà, con Lam, con Thuỷ... không cho chơi chung hay bọn thằng Hoà, thằng Triều bắt nạt. Thằng Hân lém l
nh nhất bọn cứ gán cặp tôi với bé Phương khi chơi trò chồng vợ. Tôi chỉ biết nhăn mặt và giơ nắm đấm lên doạ bọn chúng. Còn cô bé thì thích thú và đỏ mặt lên nhìn trộm tôi.

Chúng tôi chơi bên ngôi miếu nhưng v
n ám ảnh về sự linh thiêng của nó, nên không đứa nào dám phá phách. Một phần đứa nào cũng sợ người lớn đánh. Hôm đó, không hiểu sao mà thằng Tiến dám mò vào miếu, nằm ngủ cả buổi chiều ở trong ấy. Mặc cho chúng tôi đi tìm khắp nơi vì trời đã sẩm tối phải dắt trâu về. Chúng tôi định ra về vì cứ nghĩ rằng nó đã li trốn về trước, thì hắn với bộ mặt ngơ ngác từ trong miếu đi ra. Sau đó hắn đã ốm li bì suốt hai ngày. Khổ thân ông nó phải mang đồ ra miếu cúng xin nó mới khỏi bệnh. Từ đó chúng tôi đứa nào cũng sợ không dám chơi gần ngôi miếu đó na.

Năm tôi học lớp tám, được mẹ phân công cho một buổi đi học, còn một buổi đi chăn trâu. Nói là chăn trâu chứ thực ra, cả bọn lùa trâu đến b
ãi tha ma cho nó ăn và bắt bọn con gái ở lại trông, còn bọn con trai thì chạy đi chơi. Một hôm thằng Hân ngồi lại kể cho chúng tôi về chuyện hắn đã thấy hai bóng đen ở trong miếu đi ra, khi tối hôm qua nó đi soi ếch ở gần đó. Thằng Hân đã chạy hết hồn và đánh rơi cả chiếc giỏ đi soi, ngồi kể cho bọn tôi nghe mà nó vẫn còn run. Tối về kể chuyện đó cho cả nhà nghe, mẹ tôi được thể lại dạy tôi một lần nữa và cấm không cho tôi chăn trâu ngoài miếu.

Mấy ngày sau, dân chúng cả hai làng đều xì xào bàn tán chuyện hai bóng đen thường xuyên xuất hiện trong miếu làng Đông. Họ cũng đã khám phá được, thì ra đó chẳng phải ma quỉ gì cả mà là anh Nam với chị Nhân yêu nhau và lấy ngôi miếu làm nơi hẹn hò. Anh Nam là con trai làng Đông, còn chị Nhân là con bác cả trong họ tôi. Chuyện anh chị yêu nhau thì tôi không lạ gì vì tôi được anh Nam giao nhiệm vụ liên lạc cho hai người. Chỉ có điều tôi không ngờ là họ lại lấy ngôi miếu để tránh sự xoi mói của mọi người. Sau chuyện đó, chị Nhân tôi
thì bị bác cả giam lỏng trong phòng suốt cả ngày. Còn anh Nam thì gia đình chuẩn bị cưới cho anh một cô con gái thuộc dạng môn đăng hộ đối. Bởi dù sao anh Nam cũng là con trai trưởng của dòng họ Nguyễn Hữu.

Thế rồi chập tối hôm ấy, tôi đang đứng ngoài đường làng thì anh Nam đến tìm tôi với dáng vẻ gấp gáp. Anh đưa cho tôi một tờ giấy gấp tư và bảo:

- Về đưa cho chị Nhân sớm dùm anh và đừng nói cho ai biết nhé!

Vậy là chờ trời tối hẳn, tôi giả vờ sang rủ thằng Hân đi chơi, nhưng thực ra là để lẻn vào trong phòng chị Nhân bị nhốt để đưa cho chị lá thư của anh Nam.

Sáng hôm sau, khi tôi vừa ngủ dậy thì đã nghe mẹ nói chuyện anh Nam và chị Nhân hẹn nhau đi trốn. Tôi choáng váng cả người, hèn gì hồi hôm khi tôi trao thư cho chị xong, thấy chị ươn ướt nước mắt. Cả hai gia đình anh Nam và gia đình bác cả tôi hết trách móc nhau rồi thì cũng ngồi lại để bàn chuyện đi tìm anh chị về.

Một năm sau, sự tìm kiếm vẫn không thành, cả hai gia đình tạm yên tâm khi nghĩ rằng anh chị đã đến một nơi nào đó xây dựng cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. Dân làng chúng tôi cũng không nhắc tới nữa. Từ đó ngôi miếu càng trở nên hoang vắng và bí ẩn với bọn trẻ, khi nghe người lớn thêu dệt lên những chuyện chung quanh nó.

Vài năm sau, tôi lên huyện học cấp ba, ít khi mới về nhà. Nhưng mỗi lần về ngang qua đó, tôi vẫn thường ngồi lại như để tìm kiếm một thứ gì rất đỗi yêu thương của tuổi thơ mình. Rồi tôi đỗ đại học. Cuộc sống thành phố ồn ào, sôi nổi, những lo toan của đời sinh viên đã cuốn hút tôi. Tôi hầu như quên bẵng đi ngôi làng của mình, quên đi ngôi miếu trên gò hoang ấy.

Trong đám bạn chăn trâu thuở nhỏ, chỉ có Phương là vẫn liên lạc với tôi. Em đã sắp học xong cao đẳng ở tỉnh nhà. Dù có rất nhiều vệ tinh theo đuổi nhưng em vẫn như cố ý chờ đợi tôi khi em thường nói về những ép buộc của cha mẹ.

Học xong ra trường, mất một thời gian khá dài long đong bám trụ lại thành phố. Với chuyên môn của mình, tôi chưa thể về quê lúc này. Tôi làm việc cho một cơ quan nhà nước; và tiếp tục những ngày tháng ăn ngủ tập thể. Cho đến một hôm cơ quan cho đi nghỉ phép. Tôi quá mệt mỏi nên mới quyết định về quê, về thăm lại ngôi miếu cổ tích của tôi suốt tuổi thơ và thăm cả em Phương nữa.

Về đến đầu làng Đông, tôi ngỡ ngàng đến ngạc nhiên khi thấy ngôi miếu bây giờ không hoang phế nữa mà đã được chăm sóc chu đáo. Bọn trẻ vẫn chăn trâu, vẫn chơi đùa như chúng tôi ngày xưa. Gặp một đứa trẻ đen nhẻm tôi ngờ ngợ khuôn mặt ấy nhưng không nhớ ra, đang chạy trốn tìm tôi hỏi: -Bé con của ai?

Nó trả lời là con của bố Nam và mẹ Nhân. Tôi à lên một cách thú vị. Thì ra anh chị đã trở về.

Chiều hôm đó, tôi ra thăm anh chị và được anh giữ lại uống vài chén rượu và nghe anh kể chuyện của hai người sau khi trốn khỏi làng. Tôi cảm phục đến rơi nước mắt với sự chịu đựng của hai người vì tình yêu của mình..

Đến tối, nghe bà tôi kể lại rằng, bây giờ hai làng đã thôi hận thù nhau sau khi anh Nam và chị Nhân trở về. Ngôi miếu được tu bổ và xem như di tích văn hoá của hai làng và giao cho anh chị Nam trông coi luôn. Cũng từ đó trai gái hai làng không bị cấm đoán nữa.

Mẹ tôi thì vẫn như mọi lần hỏi tôi, mày có ý định với con nhà người ta không thì bảo tao một tiếng sang thưa chuyện với gia đình họ. Sao bắt nó chờ hoài vậy?

Tôi hỏi lại mẹ đang nói tới ai thì mẹ sừng sộ lên cái tính vô tâm của tôi. Con làm như thế ế vợ cho coi, hai mấy tuổi đầu rồi mà cứ như là... con Phương chứ ai nữa. Ngày nào mà nó chả sang đây giúp tao những việc vặt vãnh. Rõ khổ cho con bé, bị bố mẹ mắng hoài vì không biết đã từ chối biết bao đám hỏi rồi. Tôi dạ với mẹ mà trong lòng cứ bâng khuâng. Không ngờ Phương lại khổ sở vì tôi đến vậy.

Mối hận thù hai làng đã xoá bỏ, sao tôi không thể sang nhà em. Nhất định sáng mai tôi sẽ đến thăm em, nhất định tôi sẽ đưa em đi ra ngôi miếu ấy. Tôi và em vốn vẫn tin vào sự linh thiêng của nó lắm mà. Chưa bao giờ mà tôi thấy đêm dài đến như vậy.

M.C.T
(185/07-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sonny không buồn (26/08/2009)