Tạp chí Sông Hương - Số 246 (tháng 8)
Thơ đổi mới, một khởi đầu mới (tt)
15:59 | 04/09/2009
INRASARA (Tiếp theo Sông Hương số 245 tháng 7-2009)
Thơ đổi mới, một khởi đầu mới (tt)
Nhà thơ Inrasara - Ảnh: thethaovanhoa.vn



6.
Tiếng thơ đổi mới tái khám phá cá nhân và là tiếng thơ kêu đòi tự do cho cá thể bị đánh cắp. “Một cuộc đời không là gì cả, một cuộc đời là tất cả” (Albert Camus). Mặt người bị đánh cắp. “Phó thường dân” hay “công dân hạng hai”,… là các hạn từ được đẻ ra để chỉ những sinh phận bị gạt ra ngoài lề. Ở đó phận người nữ cũng trở thành giới tính hạng hai le deuxième sexe, như lối nói của Simone de Beauvoir. Nhà thơ đổi mới nhìn thấy nó và họ quyết định đặt lại vấn đề lâu nay xã hội mặc nhiên xem như không là vấn đề. Từ Lối nhỏ bước sang những Bài mẫu giáo sáng thế (1993), Dư Thị Hoàn là nhà thơ đầu tiên kêu lên tiếng kêu bức bối, tù túng của người nữ trong nỗi quẫn bách của định phận. Một tiếng kêu đòi giải phóng tình dục, lớn hơn - giải phóng thân phận. Tiếng kêu nhỏ, sắc, đầy âm vang.
                       
                        Cô giáo sĩ truyền đạo đang nhẩy múa
                        Đám tín đồ hài nhi theo nhịp bi bô
                        Lời đọc kinh loang như lá cỏ
                        Bay xa hơn tiếng chuông nhà thờ
                        Em có...
                        Em có đôi bàn tay...
                        Em có đôi bàn tay trắng tinh...
 
                        Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội
                        Cầu nguyện cho bàn tay đừng lầm lỗi...
                             (Dư Thị Hoàn, Bài mẫu giáo sáng thế, 1993)

Âm vang dội vào miền Nam, Thảo Phương đã có lời đáp vọng lại:
                        Rừng
                        Và núi
                        Và bầu trời
                        Đầy âu lo
                        Trái tim ta chợt rời thành phố

                        Ta lần về dòng suối hoang sơ
                        Đầm mình giữa bầy hà mã hóa đá

                        Những thiếu nữ mơn mởn ngó sen
                        Tung lên trời những chuỗi cười như ngọc
                        Đây là nước hay thời gian róc rách?
                        Vỗ về con hà mã lạc bầy…
                        Nơi đây sau tiếng ngáp dài khoái cảm
                        Không có căn hộ hình hộp với ô cửa rộng
                        Đã vạn năm
                        Ta - con hà mã thức giữa bầy…
                        (Thảo Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX - Thơ trữ tình, 2004).

Con hà mã thức giữa bầy biểu hiện sự cô đơn và kiêu hãnh, nỗi khát khao tự do vượt thoát khỏi không gian chật hẹp, tù túng. Dư Thị Hoàn và Thảo Phương là hai khuôn mặt tiêu biểu khởi động dòng thơ nữ quyền luận nở rộ sau này.

7. Nhưng giọng chủ lưu của thơ đổi mới là giọng đòi vượt thoát khỏi thân phận của mặc cảm tòng thuộc - như đứa con lâu nay phụ thuộc vào bầu vú, hay xa hơn, vào cuống rốn bà mẹ - bước ra khỏi nỗi bao che yên ấm để tự khẳng định trước thế giới bao la. “Bất chấp rủi ro rình rập, những cánh diều vẫn vút lên thăm thẳm bầu trời”. Dương Kiều Minh nói thế.
                        Ta - cư dân nỗi đau
                        Ta - cư dân miền khát vọng...
                        Hiến thân ta - cuộc thử nghiệm này
                        Kí thác đời ta - bản giao hưởng này
                        Bản hòa âm kẻ khốn cùng
                        Kẻ quỷ ám
                        Kẻ đêm đêm ngước bầu trời yên tĩnh
                        Hú gọi yêu thương về với con người.
                         (Dương Kiều Minh, Những thời đại thanh xuân, 1991)

Hú, hét, réo gào,… kêu gọi con người quay lại với bản thể con người. Khẳng định và dự cảm. Nó dự cảm về một tương lai sáng nhưng đầy bất trắc. Sự dự cảm có mặt tràn khắp trang thơ thế hệ đổi mới. Nguyễn Quang Thiều dự báo về những tai họa thiên nhiên trước sự vô tâm của con người và Nguyễn Quang Thiều dự cảm ánh sáng mới. Dự cảm và hát lên bài ca đầu tiên của ánh sáng tìm thấy đó.
                        Đêm rền vang tiếng thở hơi của những cây kèn
                        Tôi là nhạc công sót lại cuối cùng bước dần ra phía sáng
                        Trong nghi lễ của đất đai, của bầu trời, tôi nâng kèn, ngước mắt
                        Tất cả những cánh đồng loa kèn bùng nổ - Bình Minh.
                                    (Nguyễn Quang Thiều, Bài ca những con chim đêm, 1999)

Mai Văn Phấn có dự cảm khác, thể hiện qua cách nói khác:
                        Vọng trong cơn mơ thành tiếng sét
                        trên giường cũ
                        mặt đất rộng lại về
                        mùi ruộng ải dâng mưa mù mịt
                        quyện vào mồ hôi chiếu chăn…
                        tiếng sét đi không còn vọng
                        thông với vực sâu lối hẹp
                        tiếng kẹt cửa réo vang
                        mở con đường.
                                    (Mai Văn Phấn, Vách nước, 2003).
Con đường tư tưởng và con đường thơ ca.

8. Một thế hệ thơ miệt mài đi tìm khai phá cách biểu hiện mới, thi pháp mới cho thơ.  Mai Văn Phấn, sau trường ca Người cùng thời (1999) nhiều thể nghiệm mới mẻ, đã dấn sâu hơn trên con đường tìm tòi ở tập thơ Vách nước (2003). Có thể nói, hiếm kẻ trên hành trình thơ ca, đã trải nghiệm lắm gập ghềnh, nhọc nhằn như Mai Văn Phấn. Thay đổi, luôn luôn thay đổi. Từ cổ điển sang hậu lãng mạn đến siêu thực hậu kì và cả hậu hiện đại nữa. Khai phá, ngộ nhận hay sa lầy, nhưng anh biết đứng dậy và làm lại. Từ mù mịt cuộc thơ và hun hút của con đường thơ. Âu đó cũng là định mệnh của thơ Việt. Anh buộc phải bước lên con đường đó.
Sau tiếng - kẹt - cửa, Mai Văn Phấn bất chợt bắt gặp hơi thơ - hơi thở của mình. “Biến tấu con quạ” và các bài thơ mới nhất của anh đã đổi giọng toàn triệt. Không mảy may dấu vết cử chỉ và dáng điệu. Nhịp thơ đi nhanh, gấp, dứt khoát. Hơi thơ khoẻ khoắn. Biến tấu giúp nhà thơ quyết toán phận hành khất: anh vừa tìm được bản lai diện mục - thơ của/ cho mình.

Trong lúc đó, Nguyễn Quang Thiều với Bài ca những con chim đêm (1999), tiếp tục mở rộng và làm trương nở tối đa giọng điệu đặc thù. Hiện thực và huyền ảo, trữ tình mới đầy chất trí tuệ. Âm hưởng và sức lan tỏa của nó đến thơ thế hệ sau đó là không chối cãi.

Lặng lẽ hơn, và khác với một Nguyễn Quang Thiều hay Mai Văn Phấn mang màu sắc phương Tây, Dương Kiều Minh tìm hướng đi khác. Phong thái phương Đông bao trùm và trải dài từ Thời đại thanh xuân (1991), qua Ngày xuống núi (1995) sang Tựa cửa (2000). Một phương Đông hiện đại nhưng không thiếu quyết liệt.
Đặng Huy Giang, riêng năm 2000, cho ra mắt liên tục ba tập thơ: Hai bàn tay sao, Qua cửaTrên mặt đất, tiếp đó là Đời sống (2002) vừa trữ tình vừa “nói lí” rất khác người. Trần Quang Quý, sau thành công của Giấc mơ hình chiếc thớt (2003) là Siêu thị mặt (2006) có những ám ảnh khác và giấc mơ khác nữa. Ám ảnh về “Lời”: “Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác/ chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng/ chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi âm thanh, trên thác ghềnh cú pháp/ chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn”.

Cùng năm này, Inrasara thể nghiệm tân hình thức qua tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức. Đây là dấu mốc ghi nhận sự có mặt đầy “chính thống” của tân hình thức với tư cách một trào lưu văn chương. Trước đó, các tác giả và tác phẩm của trào lưu thơ này như thể đứa con hoang lưu trú bên lề dòng văn chương chủ lưu qua hình thức in photocopy hay đăng trên các Website văn học tiếng Việt mở ra hàng loạt từ trong nước đến hải ngoại.

Ở một chân trời khác, Nguyễn Bình Phương Từ chết sang trời biếc (2001) qua Thơ Nguyễn Bình Phương (2004) vẫn miệt mài với cuộc tìm tòi độc đạo, độc đáo. Anh đưa thơ đi vào cái tinh tế ở chiều sâu, bề sau cuộc sống xô bồ hiện đại. Vẫn ngôn từ chắt lọc ấy, cấu tứ chắc nịch ấy, sức gợi đầy ám ảnh ấy, Nguyễn Bình Phương ngày càng gần đời thực hơn, âm hưởng câu thơ rung động ta ở bề thẳm sâu hơn.
                        Buồn phóng xe áo phông trắng ngang trời
                        Đeo kính khác nhìn sang cuộc đời khác
                        Buồn nghĩ miên man nhưng chẳng bao giờ lạc
                        Một cái tên lanh lảnh giữa trưa hè
                        Buồn có đôi tai thật tinh
                        Bước chân thật nhẹ
                        Ngón thon gầy mát mượt như tơ

                        Nấp trong bóng sách đổ trên ngực hững hờ
                        Buồn tắt công tắc điện
                        Ra đi...
                
                                    (Thơ Nguyễn Bình Phương, 2004)

Nơi phương Nam, thật bất ngờ, sau hai lần dừng lại ngưỡng hậu siêu thực ở Khối động Hiện (2000), năm 2003, Trần Tiến Dũng đột ngột cho in tập thơ Bầu trời lông gà lông vịt tận trên mạng. Là điều mới mẻ. Mới mẻ ở lối xuất bản và quan niệm về xuất bản lẫn cách viết. Thơ anh bề bộn bụi bặm cuộc sống thực Sài Gòn, với sức mang chứa hiện thực và đậm tinh thần phản kháng. Nhịp thơ gẫy gập, gấp gáp hơn. Và nhất là, anh đã biết chối bỏ mọi ẩn dụ bí bức hay nỗi nhàm cũ của hình ảnh và ngôn ngữ thơ như ta từng biết.
            Rốt cuộc
            Người đàn ông luôn bị chính cái đầu mình lừa dối
                        Không gì ngăn cản không gì thôi thúc
                        Người đàn ông bước theo sau dòng chảy cần mẫn thu lượm bóng cái đầu của chính mình và trả lời thay cho cái đầu về những điều chưa bao giờ cái đầu tự hỏi
                        Trong khoảnh khắc ấy.
                                    (Trần Tiến Dũng, Hiện, 2000).

9. Và còn bao nhiêu khuôn mặt khác, bao nhiêu thi phẩm khác với bao thử nghiệm khác nữa?!
Một thế hệ thơ lặng lẽ và bền bỉ, khiêm cung nhưng đầy tự tin trong tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo. Cho dù có thể phần nào đó nó chưa cắt đứt hẳn với hơi thở sử thi từ thế hệ trước, nhưng nó có cái nhìn mới, mềm và đầy chất nhân văn về chiến tranh và phận người trong chiến tranh (Trần Anh Thái); còn lại, tất cả đã biết dấn mình hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của những cá thể bé nhỏ trong cộng đồng mênh mông với bao ưu tư vừa vụn vặt vừa phức tạp, vỡ ra bao vong thân mới của con người trong cuộc sống hiện đại (Dư Thị Hoàn, Nguyễn Bình Phương) nên nó có những ưu tư khác, cưu mang niềm tin khác và hi vọng khác (Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều). Một thế hệ dẫu còn giữ mối liên hệ mờ với truyền thống gần, nhưng đã biết dũng mãnh đi tìm thi pháp sáng tạo mới (Nguyễn Quang Thiều), vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mới (Mai Văn Phấn); trong đó có không ít người dấn vào nền mĩ học hãy còn khá xa lạ với văn chương tiếng Việt: tân hình thức và hậu hiện đại (Trần Tiến Dũng, Inrasara).

Một thế hệ thơ thủ đắc tư duy nghệ thuật ở tầm vóc khác.
Thế nhưng, nó vẫn cứ là một thế hệ thơ hẫng! Không phải hẫng ở tài năng mà, ở nối kết “truyền thống và hiện đại”, như lối nói quen thuộc dễ dãi. Hẫng hơn cả là trong tương quan với người đọc. Nếu trước đó, mỗi tập thơ được in gần như trở thành một sự kiện văn học, hay ít ra cũng được báo chí [bao cấp] đặt hàng giới thiệu thì, các tập thơ của thế hệ thơ đổi mới chịu phận hẩm hiu, như là bị bỏ quên. Cũng có giải thưởng, tuổi tên cũng xuất hiện trên mặt báo, nhưng họ không được cơ chế thông tin bao cấp ưu ái, họ càng chưa thể giỏi xoay sở, sành tiếp thị như các nhà thơ thế hệ sau đó.

Một thế hệ không tuyên ngôn. Không [được] tuyên ngôn mang tính vĩ mô như các nhà thơ thế hệ chống Mỹ; tuyên bố ồn ào, tủn mủn đến nhảm nhí như thế hệ thơ sau đó, càng không. Họ truyên ngôn bằng/ qua thơ.
Nguyễn Quang Thiều:
                        Tôi phải chơi thay những nhạc công đã chết
                        Và những cây kèn bị lãng quên trong bóng tối cánh đồng.

Dương Kiều Minh:
                        Mùa vàng, mùa vàng
                        những kí ức không bao giờ nhắc lại
                        những kí ức không bao giờ lặp lại
                        ta còn nguyên hơi thở tự do
                        Mở cửa, thế hệ thơ đổi mới có mặt.
Một thế hệ thơ làm việc và sáng tạo sòng phẳng. Khi - sau tiếng kẹt cửa - một cánh cửa vừa khép lại và cánh cửa mới hé mở ra. Trước sương mù của không gian tự do sáng tạo, họ hoang mang nhưng không sợ hãi, có đôi chút lưỡng lự mà vẫn quyết dấn tới. Họ đã làm nên các tác phẩm trong thời đại họ sống. Và đặt được những viên đá đầu tiên trên con đường cách tân thơ. Hôm nay, cùng với vài khuôn mặt sáng giá của thế hệ trẻ, họ đang sung sức cho những dự án kế tiếp. Không ý nghĩa gì cả, vài nhận định sai lệch đây đó. Họ có đó, đang là tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, ngày mai?

I.R.S.R
(246/08-09)

Các bài mới
Hoa gạo đỏ (18/09/2009)
Các bài đã đăng
Kẻ hèn nhát (04/09/2009)