Tạp chí Sông Hương - Số 246 (tháng 8)
Nghệ thuật của Andy Warhol - một lời cảnh báo
10:24 | 11/09/2009
ĐIỀN THANHAndy Warhol nổi tiếng là người đùa rỡn với chuyện danh tiếng, nhưng niềm say mê của ông với sinh hoạt hiện đại có hàm chứa một không gian tối xám hơn nhiều. Đó là việc ông bị ám ảnh bởi cái chết, điểm này cho mỗi chúng ta biết nhiều nhất về tinh thần của thời đại ngày nay…
Nghệ thuật của Andy Warhol - một lời cảnh báo
Andy Warhol - Ảnh: gallerywarhol.com

Một người đang rơi từ trên cao xuống đất. Trông anh ta chỉ là một hình bóng đen ngòm nổi bật trên nền không gian trống không, hai tay dang rộng, hai chân duỗi thẳng, thật chẳng khác gì một vận động viên rơi tự do từ trên máy bay xuống, như thể chỉ cần một tư thế mạnh mẽ cũng đủ để cứu sống anh ta được. Khoảng cách gần với bề mặt con đường trông nhạt nhoà, không rõ nét, bên dưới những con đường đan chéo nhau cho ta thấy hình ảnh anh ta đã được chớp vào phút cuối của động tác rơi tự do ấy, có thể do một người nào đó đứng bên cửa sổ chụp, hoặc trên nóc một ngôi nhà cao tầng nào đó: chắc chắn anh ta sắp bị tan xác trên đường. Tuy vậy, anh ta vẫn không thể hoàn toàn tin rằng hành động của mình, tư thế của mình, nhân cách của mình không khác nhau nhiều lắm.

Bức tranh “Tự sát” của Andy Warhol (Người Phi thân ánh Bạc - Silver Jumping Man) cho ta thấy một lý do rõ ràng tại sao một nghệ sĩ lỗi lạc trong suốt cuộc đời mình chuyên vẽ chân dung những nhân vật nổi tiếng lại bị biết bao nhà phê bình rẻ rúng coi ông như một thần báo oán đối với nền mỹ thuật nghiêm túc ở nước Mỹ, và đã qua đời được hai thập kỷ, giờ đây lại là một trong những nghệ sĩ có sức thôi thúc mạnh mẽ nhất của thời đại chúng ta. Ông đã nhìn thấy mọi thứ về thế giới chúng ta khi nó mới chỉ là mầm mống, còn trong trứng nước. Thậm chí ông đã thấy được bầu trời New York đầy những xác người còn vấy máu rơi lả tả xuống thành phố. Phải chăng con người đã từng vẽ nên cảnh này lại là một con người chỉ biết quan tâm đến chuyện danh lợi mà thôi? Liệu ta có thể công nhận cách cá tính hoá nổi tiếng hằn học đối với ông như là “… hoạ sĩ nông cạn… mà toàn bộ ý thức thực tiễn của ông đều bị định hình… bởi ống kính vô tuyến truyền hình” được không?


(Bức tranh “Tự sát” - Silver Jumping Man -Ảnh: artnet.com)


20 năm đã trôi qua kể từ khi Andy Warhol qua đời trong một ca giải phẫu túi mật mà mọi người hy vọng chỉ là một ca bình thường. Lúc đó ông 58 tuổi, và sự ra đi đột ngột của ông chẳng phải là cái gì đó như tiếng sét đánh ngang tai hoặc lời than vãn đau buồn, mà chỉ là hoàn toàn vô nghĩa. Từ bấy đến nay hàng năm, nghệ thuật của ông cứ ngày càng trở nên sống động hơn. Cách đây 20 năm, có lẽ nhiều người hình dung ra ngay lon xúp Campbell (do ông thiết kế nhãn hiệu - ND) khi họ hay tin ông mất. Một thước đo xem cách thưởng thức của chúng ta đối với các sáng tác của Warhol đã trở nên phong phú tới mức nào là trong thực tế, Viện Bảo tàng Quốc gia Scotland sắp khai trương một cuộc triển lãm hoài niệm đầy hoài bão về ông, và không trưng bày một chiếc lon xúp nào trong số những chiếc áo gối óng ánh tung bay, những ảnh chụp lấy ngay được khâu vào nhau, những chiếc xương sọ, những đồ chơi, những bộ phim – và cả những bức tranh điện nữa. Đây quả là một cuộc triển lãm đồ sộ, hoành tráng được tổ chức tại một địa điểm tuyệt vời: đó là một sảnh đường kiến trúc tân cổ điển, rộng mênh mông trên đồi “The Mound” (một ngọn đồi nhân tạo tại trung tâm Edinburgh, thủ phủ của Scotland - ND), ở đây các sáng tác mỹ thuật của Andy Warhol chắc chắn sẽ có đủ không khí và ánh sáng. Mỹ thuật Hoa Kỳ thời kỳ ông còn sống đòi hỏi không gian nhỏ và trình bày nó trong một căn phòng không hơn gì một bài tiểu luận về lý do tại sao Andy Warhol lại là một nghệ sĩ vĩ đại.

Warhol của mọi người chính là ở đây (kể cả các hộp Brillo thay vì những lon xúp Campbell), bắt đầu bằng những từ ngữ kêu nhất, nghệ sĩ lừng danh, với cách trưng bày hiệu quả đến bất ngờ, những chân dung ông vẽ trên phim nhựa, ngoài xã hội, trong những năm 1970 và 1980: nào là chân dung của Liza Minnelli với cặp môi son có thể làm cho bạn loá mắt, nào là Grace Jones với khuôn mặt như mặt nạ áo giáp của hiệp sĩ xưa kia… Còn có cả những đoạn phim quay, những chân dung đưa lên phim, trong đó có hầu như tất cả những ai đã từng đến xưởng vẽ “Nhà máy” (The Factory) của ông ở Manhattan vẫn thường được yêu cầu ngồi trong 3 phút trước ống kính quay phim chĩa thẳng vào mắt… Những bức chân dung này là một số trong những thứ dữ dội nhất mà Warhol đã từng làm trong sự khám phá tính cách của từng người không hề thương xót đến tàn nhẫn. Cứ xem Dennis Hopper trình diễn trong vai Warhol khiến mọi người phải vô cùng bối rối thì sẽ rõ.

Một cách nhìn quả là yếm thế về bước tiến của Warhol có thể muốn nói nó phản ánh một sự thay đổi trong tất cả chúng ta đây – những nhân vật nổi tiếng thâm nhập vào nền văn hoá của chúng ta. Warhol thường khơi gợi một loại hình tò mò rất thú vị, say mê, bởi vì ông vẽ nên một thế giới trong đó “các ngôi sao” thực hơn những con người thực – hồi đó những con người nghiêm túc đã không suy nghĩ như thế. Còn giờ đây, mọi người lại đều suy nghĩ như vậy. Sự tôn thờ vẻ đẹp quyến rũ có sức mê hoặc của Warhol giờ đây không còn bị coi là kỳ quặc nữa. Thực tế, điểm nổi bật trong những bức chân dung vẽ những năm 1970 của ông về những nhân vật nổi tiếng là trông chúng mới thơ ngây làm sao - hầu như đức độ biết nhường nào. Chúng không phải là chân dung của “những nhân vật nổi tiếng” vì lợi ích tự thân của chúng, mà là về những con người có tài về một mặt nào đó. Hồi đó, Liza Minnelli được coi là một người có tài. Debbie Harry và Joseph Beuys minh chứng được sự quan tâm của mọi người. Nói một cách khác, Warhol không chia sẻ, không đồng tình với ý tưởng nhờ nó mà ông nổi tiếng, rằng bất cứ ai cũng có thể trở nên nổi danh được. Ông cho đó là sự trào phúng với ý đồ đen tối vì những người mà ông thần tượng hoá đều là những người đã có việc làm gì đó làm rạng rỡ thanh danh của họ cả. Bức “Elvis Kép” (Double Elvis) vẽ năm 1963, sự tôn vinh này không những không mất đi tính thức thời của nó mà nó còn giải thích cho các thế hệ trẻ sau này thấy mọi người nhìn nhận những gì ở Elvis. Warhol, hoàng tử của Pop Art, là nghệ sĩ pop duy nhất của những năm 1960 mà nghệ thuật của ông làm cho những điều cũ rích tưởng như mới mẻ. Còn tất cả những tác phẩm của các nghệ sĩ khác đều chỉ là những hiện vật để trưng bày trong bảo tàng mà thôi.


(Double Elvis - Ảnh: art.com)


Vậy thì điều gì đã khiến Andy Warhol khác người như vậy? Điều đó ẩn chứa trong tác phẩm của ông về Elvis: đó là sự cải biến đầy cá tính chủ quan, không đứng ngoài văn hoá pop, cũng không mỉa mai hoặc phân tích, mà tôn thờ Elvis về hình thể của anh, trong khoảng trống lung linh ánh bạc của hoạ phẩm. Tình yêu và trạng thái bối rối. Elvis đã làm rung động trái tim Warhol và Warhol cũng đã làm rung động trái tim Elvis. Siêu sao có thể bỗng trở nên vô danh, lập tức trở thành một gangster, một tên côn đồ hung dữ - bất cứ hạng người gì mà Warhol muốn.

Chỉ cần xét qua cũng thấy việc Warhol thích thú các nhân vật nổi tiếng hoàn toàn khác với các cách nhìn truyền thống đối với ông nhìn nhận như thế nào. Thực tế, mặc dù đã tránh được việc thuật tiểu sử dài dòng đến chán ngắt được mọi người hoan nghênh, cuộc trưng bày này đưa ra một cách nhìn có sức thuyết phục về bước tiến con người của ông là một nghệ sĩ. Nó trưng cả những bức vẽ khi ông làm nhà minh hoạ thời trang trong những năm 1950 trông rực rỡ hơn rất nhiều so với những tác phẩm sau này của ông. Rất có thể Warhol đã không thể nào nổi danh nhờ những bức hoạ này vào hồi đó. Chúng là hình ảnh thu nhỏ của một nền tiểu văn hoá. Ngược lại, ông đã nhận ra rằng ông có thể sáng tác về những thứ rất thân thương, gần gũi đối với mọi người ở nước Mỹ, nhưng điều đó cũng không làm cho các hoạ phẩm pop của ông không có cá tính. Chỉ có nhân chứng nào có thói hằn học mới có thể bỏ qua những hoán vị bất tận của phương pháp in lưới của ông, bằng phương pháp này ông đã chuyển các bức ảnh qua một màng lụa có châm lổ rồi ép sơn qua màng lụa đó. Trong tranh bộ đôi về Marilyn Monroe, trong số 50 bức hình vẽ siêu sao màn bạc này, không hề có hai bức nào giống hệt nhau bao giờ. Trong lúc hình Marilyn chuyển dần thành màu đen rồi gần như không có màu gì, ký ức về siêu sao này lại càng mang phong cách riêng độc đáo hơn.


(Marilyn - Ảnh: artnet.com)


Và chính ở đây, cuối cùng chúng ta đã chọc thủng tấm màn mỏng của tiếng tăm. Cuộc triển lãm này là một biểu hiện kính trọng đầy thông cảm đối với người nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong nửa cuối thế kỷ 20 và tán thành với cái có thể được gọi là quan điểm nhân văn của Andy Warhol: nó cho tất cả mọi người (trừ người nào mắc bệnh giáo điều tệ hại nhất) thấy một trái tim nồng nàn với một nhịp đập hối hả như thế nào ẩn dưới bề ngoài có vẻ lạnh lùng ấy của Warhol. Mãi 20 năm sau kể từ ngày ông qua đời, hay nói cho đúng kể từ lần lễ tưởng niệm dành cho ông, John Richardson, người bạn thân tín của ông, mới tiết lộ cho biết cả đời ông là người Thiên Chúa giáo, rằng ông đã từng lặng lẽ tham gia nấu cháo phát không cho người nghèo. Có một cuốn sách do một nữ tu sĩ viết giải thích Warhol là một nghệ sĩ sùng đạo, còn một cuốn khác thì lại cho thấy rằng thi ca quan trọng như thế nào trong môi trường của Xưởng vẽ “Nhà máy” của Warhol…

Tầng dưới nhà của khu trưng bày này là kho lưu trữ về các tác phẩm do chính Warhol tiến hành và cần mẫn ghi rõ ngày tháng – “những bộ nhớ đóng trong hộp” - được xếp cùng với bản thảo những bài thơ được đánh máy của các bạn bè, cùng các giấy tờ và các bài báo được cắt ra. Nhưng cuộc trưng bày này đã nêu được nét cao cả hơn của một Warhol nhân văn chủ nghĩa. Nó đã tiến xa trong việc miêu tả ông như một con người luôn nâng niu, trìu mến trẻ thơ khi nó dựng lại được một cuộc triển lãm mà ông đã thực hiện cho trẻ em, với những tác phẩm ông vẽ các đồ chơi được treo đúng độ cao để các em 6 tuổi có thể ngắm nhìn và thưởng thức được. Thử xem liệu việc làm này có tác dụng gì đối với trẻ em hay không thì thật là thú vị, nhưng thực chất thành tựu của ông còn cao cả hơn việc đó nhiều...

Cuối cùng một người nào đó đã nhận ra rằng Warhol là một hoạ sĩ trừu tượng biểu hiện chủ nghĩa (abstract expressionist painter), nghe ra có vẻ hơi quá đáng. Toàn bộ tư tưởng của nghệ thuật pop New York trong những năm 1960 là sự bác bỏ phong trào đa cảm của các hoạ sĩ trừu tượng những năm 1950, như Rothko và Newman chẳng hạn. Tuy vậy sức mạnh của các tác phẩm của Warhol lại toát lên từ sự khai thác triệt để một tông màu đậm chất điển hình hội họa của mỹ thuật New York: tất cả những gì ông bổ sung thêm chính là hình ảnh.

Trong bức “Tự sát” (Suicide), hình ảnh (một khi ta đã nhận ra được) hoà vào những bóng trừu tượng. Với bức “Chân và Bánh xe” (Foot and Tire), sáng tác năm 1963-64 in đậm câu chuyện rùng rợn của giới báo chí. Một con người bị nghiến nát dưới bánh một chiếc xe tải khổng lồ và may thay tất cả những gì ta có thể thấy về xác nạn nhân là chiếc đế giầy. Và cũng giống như người tự sát, đây là một hình ảnh về những lực lượng bao trùm, bất nhân, mất tính người, dã man, tàn bạo nghiền chết một cá nhân. Nạn nhân là một con người bé bỏng bị nghiền nát dưới bánh xe xã hội kếch xù thô thiển, và đây lại là một sự vụ thực tế, vô cùng khủng khiếp, tới mức người ta tưởng như đó là tranh vẽ khôi hài kỳ cục vậy - thật không thể tin là có được. Nhưng chính trong cái thô thiển nhất của những hình ảnh thô bạo của Warhol ấy, vẻ đẹp của nghệ thuật của ông đã khẳng định được vị trí của nó: những bức tranh in lưới lụa được lặp đi lặp lại nhiều lần về cảnh tượng khủng khiếp nhoà dần thành một khoảng trống không đầy bí ẩn của khung cảnh trừu tượng, một panel dài 3.5m, phần lớn không gian trong tranh là vải bố trống không. Bức này dường như để treo ở chính loại không gian trang nhã mà cuộc triển lãm này dành cho nó, và làm tăng thêm cái tính thanh cao mà nó tạo cho cái chết đầy thương tâm ấy. Hiệu ứng tương tự như vậy cũng xảy ra đối với tác phẩm “Đám tang tướng cướp” (Gangster Funeral - 1963): nhắc lại 5 lần theo chồng thẳng đứng, trong một khoảng không acrylic màu hồng sống động, một hình ảnh về lễ tiến đưa của một gia đình tội phạm trở thành một hoạt cảnh về sự thất bại. Ta sẽ đứng dán mắt nhìn chăm chú, quan sát những khuôn mặt bé nhỏ, nhạt nhoà ấy, để cố nhận ra xem họ cảm nhận những gì.

Có một điều gì đó khác thường về những bức tranh này, phải chăng đó là chất thương cảm? Thực ra, ta cũng không khó nhận ra ý nghĩa tôn giáo trong nhiều tác phẩm của Warhol nếu ta muốn tìm kiếm khía cạnh đó. Trong bức “Bệnh viện” (Hospital) (1963), bà xơ đeo một cây thánh giá to bự, còn cháu bé mà bác sĩ đang nắm hai chân giơ lên, hai tay dang rộng, đúng là hình ảnh một cây thánh giá lộn ngược - một hình ảnh khiến ta nhớ đến Lễ Thánh đản thời Phục Hưng phảng phất hình ảnh Chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá. Trong bức tranh về tai nạn xe tải, tất cả những gì còn nhận ra được, những gì mà nạn nhân phải cam chịu là hình ảnh một chiếc đế giầy: liệu đây có phải là một tiểu xảo kỳ cục đánh mạnh vào “tâm hồn” người xem không? Thậm chí một hình ảnh nhắc lại tương tự về một người bị tai nạn xe hơi hất tung, thân hình bị đâm xiên, treo lơ lửng trên cành cây, dễ dàng được nhận ra, trông rất giống hình người bị đóng đinh trên cây thánh giá. Vậy mà chúng ta như khách bộ hành qua đường, dửng dưng trước cảnh gây ấn tượng sâu sắc đến choáng váng ấy - coi bạo lực là nghệ thuật!


(Các bức vẽ Jackie Kennedy - Ảnh: cultandpaste.com)


Nếu ta muốn biết vì sao Warhol lại là một nghệ sĩ gan góc đến như vây, xin hãy nhìn vào những hình ảnh trang nghiêm sẫm màu trong sáng tác của ông. Hãy nhìn các bức chân dung xanh-đen vẽ Jackie Kennedy trước và sau vụ ám sát tại Dallas: trong lúc Jackie đứng tưởng niệm tại đám tang JFK, cái không khí bạo lực của thời Warhol đã bị át hẳn trong phút bi thương đối với một thiếu phụ mà ông coi là vẫn giữ được phẩm cách, chân giá trị của con người trong một thế giới đã hoá điên. Trong phòng trưng bày lớn nhất, tác phẩm duy nhất nổi bật át hẳn các bức khác là bức khổng lồ vẽ khẩu súng ngắn, sáng tác năm 1961. Thời đó Warhol đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên bất trắc, bạo lực đến lạnh lùng - bản thân ông cũng bị bắn suýt chết năm 1968! Bạo lực theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của cuộc sống hiện đại, càng mãnh liệt hơn vào thập kỷ đó. Các nghệ sĩ hồi đầu thế kỷ 20 gia nhập đảng cộng sản, ủng hộ cách mạng thế giới và cho rằng xã hội không tưởng đang tới gần. Andy Warhol cho rằng thực tế tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn, nước Mỹ đang trở nên bệnh hoạn, mà nước Mỹ lại là nơi duy nhất quan trọng trên thế giới này đối với ông (chẳng là ông mang nặng chất Mỹ trong con người ông!). Ông miêu tả thế giới chúng ta khi nó đang trong thời kỳ phôi thai, mới hình thành được một nửa. Ông đã nhìn thấy nó đang tới. Andy Warhol chính là nhà tiên tri về cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta ngày nay.

Đ.T
(246/08-09)


 

Các bài mới
Hoa gạo đỏ (18/09/2009)
Các bài đã đăng
Kẻ khùng (11/09/2009)
Kẻ hèn nhát (04/09/2009)