Tạp chí Sông Hương - Số 246 (tháng 8)
Nhà chồ, quê quán của thơ
10:49 | 14/09/2009
NGÔ MINHTrong đợt đi Trại viết ở Khu du lịch nước nóng Thanh Tân, anh em văn nghệ chúng tôi được huyện Phong Điền cho đi dạo phá Tam Giang một ngày. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế là người dẫn đường. Anh dân sở tại, thuộc lòng từng tấc đất cổ xưa của huyện.
Nhà chồ, quê quán của thơ
Nhà thơ Phan Trung Thành, đứa con của Phá Tam Giang - Ảnh: ngominh.vnweblogs.com

Xe chở về Điền Hải rồi xuống đò ra phá Tam Giang. Mọi người ngồi trong khoang trò chuyện phiếm. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch thì xếp bằng ngồi thiền mặc cho máy nổ inh tai. Tôi là dân biển, nên lúc nào cũng thích đứng ở lái ngắm đất trời sông nước. Ông lái thuyền da đen như người Phi chốc chốc cúi người thò cái que chọc rong bám vào chân vịt máy nổ, nói với tôi: “Ở phá Tam Giang này có trăm nghề sinh nhai. Như tụi tui thì chạy đò dọc, đò ngang chở khách đi chợ Cầu Hai, Đông Ba; còn những người đang vớt rong lên lại hất rong xuống kia là người làm nghề cào lươn. Lươn ở đầm phá nhiều lắm, nó thường ăn dưới lớp mùn rong. Trước kia muốn bắt lươn người ta làm cái lưỡi móc mỗi nhát chỉ móc được một con, nay người ta “sáng chế” loại móc nhiều lưỡi dùng máy nổ “cày” trên phá có khi bắt được từng chùm bất kể lớn bé. Còn rất nhiều người làm nghề nò, sáo. Chú thấy không, mênh mông phá Tam Giang người ta chia ô cắm nò, đóng sáo hết, không còn một chỗ trống… Rồi ông bất ngờ hỏi: “Chú làm nghề gì mà thấy cứ ngắm cảnh ngẩn tò te rứa?”. - “Tôi làm thơ. Bác có thuộc câu thơ nào không?”. Anh lái chợt hiểu ra: “Ừ ừ… thơ hử… Phá Tam Giang em sang không đặng. Ngoắt vói ơi chàng… Ngoắt vói ơi chàng… hay Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang… Làm thơ là làm những câu để hát như vầy phải không? “- Gần như thế?”. “- Thế thu nhập có khá không?” “- Chắc chắn là thua nghề cào lươn ở phá…”. Ông lái đò cười vang… Ông lái không biết ở trong khoang đò còn có hơn chục người làm thơ, viết văn, làm nhạc, viết kịch đến mức tóc trắng da mồi. Họ là những người mà tên tuổi nổi tiếng ở Huế và cả nước. Đó là các nhà văn Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, nhạc sĩ Lê Anh, nhà viết kịch Hồ Ngọc Ánh…

Do ít thời gian quá nên chúng tôi chỉ có mấy tiếng đồng hồ trên phá, “cưỡi ngựa xem hoa”, thật tiếc. Giá mà được xem “khu rừng dưới nước” hay “sân chim” vùng cửa sông Ô Lâu Ngũ Điền thì thú vị biết bao. Như để bù lại, Nguyễn Thế bảo bác lái ghé thuyền vào bên kia phá, thuộc xã Quảng Ngạn để tham quan một nhà chồ còn sót lại. Thế giảng giải: mười năm trước, nhà chồ là đặc trưng nhà ở của cư dân vạn đò trên Phá. Là loại nhà dựng trên nước. Sau trận lụt kinh hoàng năm 1999, tất cả nhà chồ đều bị bão lũ cuốn tơi bời. Nên chính quyền không cho dựng nhà chồ nữa, phân đất cho bà con lên định cư trên bờ. Chỉ còn lại một ngôi nhà chồ duy nhất của ông Phan Trai trụ vững qua bão, gia đình nhất quyết không chuyển lên bờ. Và chính quyền cũng đồng ý để cái nhà chồ “làm chứng tích văn hóa nhà ở vùng đầm phá”. Thế là ngôi nhà thành “đặc sản nhà chồ”, một nét văn hóa của của dân vạn đò còn lưu dấu…

Chúng tôi dò từng bước trên chiếc cầu ván gập ghềnh bắc qua bờ nước lên nhà chồ. Ngôi nhà bốn bề lợp tôn tuềnh toàng, dựng ở mép nước trên những cột bê tông, nhưng bên trong thì cột gõ, bàn ghế, ti vi, tủ sách, bếp núc bày biện ấm cúng lắm. Chủ nhà vồn vã bắt tay mọi người. Bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm ảnh tươi cười của nhà thơ trẻ Phan Trung Thành đang rất được đọc giả yêu thơ hâm mộ ở thành phố Hồ Chí Minh, treo ở cột giữa. Tôi kêu lên: “Phan Trung Thành kìa!”. Mọi người nhìn theo tay tôi chỉ và đều cũng “ồ” lên ngạc nhiên. Rồi lại có cả tấm bằng chứng nhận Phan Trung Thành được giải thưởng thơ Tạp chí Sông Hương treo phía trên với chữ ký của Tổng biên tập Nguyễn Khắc Thạch. Thì đúng là Phan Trung Thành rồi, nhưng sao nó lại có ảnh ở đây? Hay là có người mê thơ, xin ảnh về treo? Hỏi ra mới biết đây là căn nhà của gia đình Thành. Ông bà Phan Trai ba mạ Thành trước là dân Điền Hải, sinh Thành ở bên kia phá. Từ khi mua được căn nhà này của ông bác thì chuyển về đây sinh sống. Bà con họ hàng vẫn ở bên làng Thế Chí, Điền Hải cả. Đây là nơi Thành đã lớn lên và đi học. Thế là cuộc gặp gỡ trở nên ấm cúng, xúc động. Ba mạ Thành rối rít pha trà, kéo ghế mời mọi người ngồi. Ông Phan Trai nhận ra nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, người đã từng trao giải thưởng thơ cho con mình năm nào. Tôi thấy hình như ông Trai bối rối vì những ông khách “quý hóa” của con trai ập vào nhà đột ngột quá, không có gì để tiếp. Còn tôi thì quá ấn tượng vì sự gặp gỡ bất ngờ vô cùng thú vị này: Gặp Phan Trung Thành ở nhà chồ trên Phá Tam Giang! Ngồi nhâm nhi chén trà, ngắm ông bà Trai, tôi cứ nghĩ đến câu chuyện cổ tích ở trong sách nào đó tôi đọc được từ thuở nhỏ: Có một chàng hoàng tử thấy con chim lạ đậu trên cành cây ngoài dinh thự hót hay quá. Khi chiều xuống, chim bay về núi, chàng quyết định cưỡi ngựa đuổi theo để xem nơi chim sinh ra. Hoàng tử đinh ninh rằng, nơi ở của “ca sĩ” hót say lòng người đến mức ấy chắc phải là lâu đài nguy nga tráng lệ lắm. Đi mãi, đi mãi đến cuối chiều tắt nắng, mới hay chú chim ca sĩ chui vào một cái tổ với những cành lá khô đan lại trong bụi mận gai bên rìa rừng... Nó giống cái nhà chồ cô đơn giữa mênh mang trời nước này lại là nơi trú ngụ của một nhà thơ! Ôi, cuộc sống thật bất ngờ và kỳ diệu…


(Bố mẹ Phan Trung THành và Nhà văn Hồng Nhu, nhà thơ Hồ Thế Hà chụp ảnh kỷ niệm - Ảnh: ngominh.vnweblogs.com)


Khi tôi hỏi về tuổi thơ Phan Trung Thành, ông Trai tâm sự: “Suốt miệt phá Tam Giang từ Điền Hải đến Điền Hòa, thằng Thành là người vào Đại học đầu tiên sau giải phóng, trước đó không có ai học hết cấp 3 và không có ai làm thơ văn bao giờ…”. Chàng trai trẻ ấy năm nay mới 36 tuổi mà đã in 4 tập thơ được dư luận chú ý; 3 lần giành được giải thưởng thơ Tác phẩm tuổi xanh ở báo Tiền Phong 1998; giải thưởng cuộc thi thơ của Tạp chí Sông Hương; tặng thưởng Huỳnh Văn Nghệ - Bình Dương 2005. Còn năm 2008, nhà thơ Inrasara đã xếp tập thơ Đồng hồ một kim của Phan Trung Thành là một trong 5 tập thơ trẻ chất lượng nhất. Giải thưởng là sự xếp đặt, cân đong của cộng đồng. Quả lao động thơ của Phan Trung Thành thật đáng nể. Nhưng trong tôi bây giờ, những giải thưởng ấy chẳng nói lên điều gì nhiều, mà chính cái mùi vị rong rêu sông nước Tam Giang trong thơ Thành mới thật lay động. Lớn lên từ sông úp mặt từ sông/ Nước khát khao tìm về biển cả. Sông bồng bế nâng niu tuổi thơ mình, sông chảy mãi theo mình trong cuộc hành trình dâu bể. Chúng ta ai cũng sinh ra bên một dòng sông. Còn Thành thì sinh ra nơi ba dòng sông gặp gỡ, nên khao khát đầy ứ hơn chăng? Lưỡi câu cha thắp nến từng hạt cát/ Sóng Tam Giang nuôi mấy thân cò/ Con cò cả xa đồng hanh vắng Mẹ/ Chao phương nào cũng ướt - Bóng quê xa… Đọc thơ nghe dậy mùi gió mặn.

Ông Phan Trai kể, ông là một thợ câu lão luyện từng luồng lạch Tam Giang ba bốn chục năm nay. Đời ông chỉ với chiếc cần câu mà nuôi cả đàn con mười đứa học hành nên người. Có lần Thành tỉ tê: “Ba em là một người câu giỏi nhất Tam Giang, và em là đệ tử ruột của Ba, không ai qua được. Nếu câu cá hanh nước ngọt, em cam đoan ba em câu giỏi nhất nước!”. Suốt 12 năm học phổ thông Thành cũng là một lao động chính cùng ba, rất vất vả, vì nhà nghèo đông anh em. Thành là con thứ hai, đã nhiều lần xém chết trên Phá vì mưa bão và vì đói. Cái hình tượng lưỡi câu thắp nến ấy không phải con trai một ngư dân lăn lộn sóng gió như Thành thì không thể phát hiện ra. Nó là triết lý tâm linh cháy lên từ thẳm sâu tiềm thức. Ngồi trên nhà chồ gió đập cửa liếp mà đọc thơ Phan Trung Thành viết về Tam Giang mới thấm thía. Nướng thêm/ con cá/ chỉ vàng/ Chiều ông/ về nhắm/ hai hàng/ khói cay… Đó là mấy câu thơ trong tập thơ thiếu nhi Gửi thiên thần Thành viết tặng con trai. Đó hẳn cũng là ký ức tuổi thơ của anh. Nướng cá chỉ vàng chờ ông về nhắm rượu. Một hình ảnh đời thường mà chất chứa tình đời, tình người. Người ông xúc động hai hàng khói cay trước sự săn sóc của cháu nội, còn người đọc thì rưng rưng thích thú khi phát hiện ra cái đẹp thơ ca lại rất gần gũi, đời thường.

Vùng đầm phá phá Tam Giang - Cầu Hai, bắt đầu từ Điền Hải - Quảng Ngạn nơi Phan Trung Thành sinh ra, đi vào, rộng mênh mông trên gần 25.000 ha, chạy dài 70 cây số từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh là một kho vàng trời cho. Vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, được gọi là “biển cạn” này là nơi trú đông của những loài chim phương Bắc, có hệ cỏ đầm lầy (rừng dưới nước) thích hợp cho chim nước, sinh vật biển quần tụ. Theo điều tra, vùng đầm phá này có nguồn gen cao nhất so với các đầm phá ở Việt Nam. Gồm 921 loài thuộc 444 chi, giống và 237 họ. Trong đó chim có 73 loài, có 30 loài di cư. Những loài chim di cư có số lượng cá thể lớn là vịt trời, sâm cầm, ngỗng trời, cò, chắt chân đỏ... Vào mùa di cư về Tam Giang, chim tập trung thành các đàn với hàng ngàn, hàng vạn con. Ở khu vực cửa sông Ô Lâu (Phong Điền), vào mùa đông có lúc số lượng chim có thể lên tới hai vạn con. Dân chài từng gặp đàn ngỗng trời, đàn vịt trời, sâm cầm... bơi kín mặt nước! Thành điện thoại kể với tôi: “Ngày xưa, đời ông đời cố, nghe nói cá tôm chật sông, thò xuống là bị cua kẹp, mùa nước về, cá tôm phải đổ bớt đi chứ không thuyền bè nào chở hết, mà chợ búa cũng không mấy người mua. Cá chình (một loại cá gọi là đặc sản đầm phá đầu bảng trong các nhà hàng sang trọng ở Huế, một đĩa cả trăm nghìn đồng) xưa nhiều vô kể, dân chài đánh được phải thả bớt chứ thấy nhiều quá đâm... sợ. Chưa có loài nào hiền như cá chình, cả đời đố ai thấy nó cắn bao giờ!... Từ đáy sông trôi về con chép cỏ/ Vẩy đuôi vàng phố giao thương… Nghe mà thèm ngồi đò cụng ly quá!

Thiên nhiên Tam Giang giàu có như thế nhưng cuộc đời người dân vạn đò quê Thành thì khốn khó, nghèo kiết xác vì chiến tranh, vì sự vô trách nhiệm của người đời, và vì đông con, lênh đênh kiếm ăn từng bữa. Cua sông cá bể chim đầm/ Mà nghèo vẫn cứ bám thân sóng dài… Đi là tung mẻ chài ra/ Có khi bội quả mà ta vẫn buồn. Đó chính là cuộc sống của vạn đò Tam Giang mà đứa con của họ là Phan Trung Thành đã rút ruột thành thơ. Để rồi kết cục: Vạn chài giỗ tổ trên sông/ Khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi. Những câu lục bát như hai hàng nước mắt phận người. Con cháu dạt trôi nên tổ tiên cũng lênh đênh sông nước. Cúng giỗ tổ phải bày biện trên khoang đò. Vạn chài là dân không đất. Là con của vạn chài nên Phan Trung Thành rất đồng cảm với với chị em bán cá ở chợ Bà Hoa, Sài Gòn: …cực khổ tần tảo/ các chị vui ra trò/ được vẩy cá làm nền san hô tung toé/ không ai biết các chị sợ cá ươn hơn chồng bỏ/ chồng thương chồng hờn/ cá phải lên kịp chợ Bà Hoa”...

Không chỉ rơi nước mắt vì nỗi cay cực quê nhà, thơ Phan Trung Thành còn báo động một nguy cơ khác đang đe dọa sự tồn vong của phá Tam giang. Đó là sự tận diệt của con người đối với môi trường… Sợi cước giật mình con cá/ Nước trong nép trong mình vây/ Mùa gió ngang tàng... Cuộc sống người dân Tam Giang đầy hiểm nguy rình rập như số phận con cá dưới nước kia. Thành tâm sự: “Quê em nghèo quá, nghèo nên đâm ra làm ăn bừa bộn, xuyệt điện, đánh lừ chưa kể là ô nhiễm sông ngòi do chất thải của hàng ngàn ao tôm thiếu quy hoạch. Mỗi lần về quê, thấy cảnh này là buồn không tả nổi”. Trong tập thơ Đồng hồ một kim với những câu thơ rắn rỏi, trụi trần, Thành kêu lên, báo động về những dòng sông đang chết, về “mùa tuyệt chủng của dòng sông” xứ sở, cả con sông Hương như cô gái đẹp của quê anh. Tam Giang là nơi hội tụ của ba con sông: sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu (Mặt Trường Sơn lưng biển Đông/ Chị em ba nhánh hợp dòng Tam Giang). Sông chết thì Tam Giang sẽ chết. Nên mưa về Thành nhớ sông: …Mắt Huế cay nghìn cơn mưa trước.

Ở đầu nguồn, người ta đánh mìn, thả cây lá độc tận diệt. Người lái đò kể với tôi rằng, nhiều tháng nay, có những con đò không biết từ đâu tới vùng phá này, xuyệt điện cá lớn cá bé chết nổi trắng đầm. Dân vạn chài Điền Hải, Quảng Ngạn, Quảng Công nhìn mà nổi da gà. Rồi loại lừ đơm cá do Trung Quốc chế tạo, 40 ngàn đồng một chiếc, họ thả một dây hàng trăm cái lừ xuống đáy phá Tam Giang. Tất cả tôm cá cua ốc nhỏ to chui vào là không ra được. Bắt hết. Diệt hết. Môi trường đã chết thì người sống ở đâu? Nên thơ Thành đã phải vung nắm tay trước những oái oăm thế sự. Đó là chất “ăn sóng nói gió” của trái tim dân chài. Viết về tục phóng sinh theo lối nhà Phật ở Huế, Phan Trung Thành coi đó là một lần “phóng sinh tiếng khóc của mình”: Những mẩu bánh mì vụn trong lồng rỗng mây trời bay qua…/ Bầy sẻ ngô bay cùng tiếng vỗ/ Phóng sinh tiếng khóc của mình. “Phóng sinh tiếng khóc” - đọc mà lạnh cả người. Làm sao để Tam Giang hồi sinh? Đó là trăn trở đêm đêm của đứa con xa xứ Phan Trung Thành. Theo lời một bô lão: chỉ cần hai tháng cấm đánh bắt, thì Tam Giang lại phong phú như xưa, vì sức sống của Tam Giang là rất mãnh liệt. Nhưng ai là người đứng ra chỉ huy việc “cấm đánh bắt hai tháng ấy??? Có lẽ do những trăn trở nhân sinh đó mà năm ngoái Thành bị đau tim suýt chết, phải mổ ở bệnh viện Chợ Rẫy làm anh em bạn bè từ Sài Gòn đến Huế một phen hồi hộp lo lắng. Từ trước đó trong thơ Thành đã từng dự cảm: Tôi thường chọn sân bay hoặc bệnh viện Chợ Rẫy làm nơi xả stress/ tụt huyết áp/ loạn nhịp…

Ngồi ngẫm thơ Phan Trung Thành trong nhà chồ của gia đình anh như một con đò neo trên phá Tam Giang bốn bề sông nước tôi cứ nghĩ hoài về quê quán của thơ? Thơ sinh ra từ đâu? Thơ là nước mắt của trái tim biết đập nhịp cùng buồn vui xứ sở. Nơi nhà chồ Tam Giang Thành đã viết những câu thơ đầu tiên và dẫu anh có lang bạt đến chân trời nào, nguồn Tam Giang mãi mãi vẫn là người Mẹ của Thơ Phan Trung Thành…

Thanh Tân - Huế, tháng 6 - 2009
N.M
(246/08-09)

-----------
(Những câu thơ in nghiêng là thơ Phan Trung Thành trong các tập Vọng sông quê, Mang, Gửi Thiên thần, Đồng hồ một kim)


 

 

Các bài mới
Hoa gạo đỏ (18/09/2009)
Các bài đã đăng
Kẻ khùng (11/09/2009)
Kẻ hèn nhát (04/09/2009)