Tạp chí Sông Hương - Số 188 (tháng 10)
Vài lời về phòng tranh “Về quê”
09:16 | 01/10/2009
ĐẶNG MẬU TỰU... Về quê, về quê, ai cũng có ít ra một lần về quê.Về cái nơi chôn nhau cắt rốn ấy, dù giàu nghèo đến đâu thì mảnh đất ấy cũng rất thiêng và rất riêng với mình.

Xa quê, có khi thường là nỗi đau, nhưng xa quê để thực hiện hoài bão của mình cũng là lẽ thường, bao giờ cũng đau đáu có một ngày về tận quê nhà.

Ai cũng mất ngủ trằn trọc trước lúc về quê, không hiểu là chuyện gì sẽ đến, ai còn ai mất, những người năm cũ và bầu trời ấy có còn như thuở ấy không?!

Mỗi người đều có những riêng tư, hoài niệm ngày xưa về nơi chốn ấy cứ chồng lên nhau, nó không còn dáng vẻ nguyên sơ mà qua nhiều tầng, thành ra một ký ức vừa lạ vừa quen.

Ba chúng tôi, xa nhà đã lâu, người ít nhất cũng 10 năm - chúng tôi gặp nhau và hẹn một ngày về quê, nguyện có một cái gì đó để nói rằng mình vẫn còn có mặt với bạn bè.

Phòng tranh “Về quê”  là từ ý ấy.

Ba phong cách khác nhau, ba ý tưởng khác nhau, những kỷ niệm một thuở quê nhà cũng khác nhau.

Họa sĩ Lâm Triết với cái nhìn của không gian và thời gian, mọi thứ cứ ùa về trong ký ức, những khoảng trời, dòng sông dáng núi như bàng bạc trong tranh, và cả con người như choán cả không gian trong tranh, và từng lúc, từng tâm trạng, người ta có thể nhìn thấy nó khác nhau, nhưng với anh cái thời gian với không gian của anh chỉ là một, có thể một thoáng nhưng cũng có thể cả đời - anh chiêm nghiệm suốt quãng dài và giờ nhận ra mọi sự đều thanh thản nhẹ nhàng có thế thôi.

Với Phạm Trinh cái cảm và cái nghĩ về cuộc đời còn nóng hổi tươi rói, háo hức rạo rực muốn thực hiện được những gì anh đã nghĩ, những khát vọng, ray rứt trong ý tưởng được nén vào tranh để người xem đồng cảm với mình, với những hoài vọng về cuộc đời - xa quê với anh chỉ là xa nhà bởi thời của anh, những phương tiện đã giúp anh gần được, nên chi trong tranh của anh cái nghĩ của anh ở đâu cũng hoài vọng, dẫu rằng ở đó hay đây đều vậy, đều mong quê mình đẹp hơn sống động hơn.

Với tôi (Đặng Mậu Tựu) tròn 40 năm xa nhà, có một thời biệt tăm không tin tức người thân, những hình bóng cũ, những mảnh ký ức rời cứ chất chồng lên nhau, những hố bom, những viên bi xanh, những con chuồn chuồn ớt đỏ, những trò chơi tinh nghịch, những kỷ niệm cứ ùa về, nên trong tranh của tôi cứ lúng liếng hoài niệm, có buồn, có vui, có cái tưởng đá núi Chóp Chài là người, mà cũng có thể lắm (vọng phu hoá đá), của cỏ cây như được cất lên lời nói rằng tất cả đi qua chỉ có cái tình ở lại, nên chi cái gì cũng nhớ, cái đáng ghét cũng nhớ, nhớ mà thương một thuở xa nhà.

Chúng tôi là vậy, cái tình cứ lớn hơn mọi thứ, phòng tranh “Về quê” như là một chút quà ít ỏi với quê nhà.

Cái dở cái hay, có ngon có dở nhưng mong sao không làm phật lòng bà con quê nhà là điều đại hạnh cho chúng tôi - và xin đại xá cho những gì chưa phải.

Đ.M.T
(188/10-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng