Tạp chí Sông Hương - Số 189 (tháng 11)
Tương tri
16:08 | 05/10/2009
Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ
Tương tri
Ảnh minh họa - ttol.com.vn



L
âu không rảnh đi hớt tóc; đầu tôi bờm lên, ngứa không chịu được. Tạm xếp công việc, leo lên chiếc xe tàng bò ra quán “Hair cut” (ấy, bây giờ đồ Tây, nhạc Tây, tiếng Tây - thậm chí cả... dân tây - theo luôn về tận làng; chẳng cần mất công đi lùng ngoài phố!) đầu chợ. Chú thợ trẻ - sau một lúc vất vả dùng lược truy lùng hộ tôi cái đường ngôi nguyên thuỷ - bắt đầu lôi ra một vật dài dài, vuông vuông, dây nhợ lòng thòng. Cái gì thế nhỉ? Nhìn qua, nó giống... bàn ủi mà không phải bàn ủi. Bàn ủi gì nhỏ xíu; lại toàn nhựa? Dòm trước mũi, trông hơi giống chiếc tông đơ bởi cũng có ngàm, có răng. Nhưng... tông đơ sao đằng sau trụi thui lủi; chẳng lò xo, chẳng ngoe càng? Nghe tôi thắc mắc, chú thợ toét miệng: Cái tông đơ í mà! Tông đơ gì quái vậy? Mắt chú thợ nhìn tôi - con mắt của người văn minh bỗng một hôm thấy lù lù xuất hiện trước mình một thằng cha thời tiền sử: Thì... cái tông đơ điện! Chú chưa thấy sao? Điện đóm gì! Dòm chán ngắt! Cái “tông” cũ mạ kền sáng choang! Càng ngoe đường bệ! Chưa hớt thấy đã ưa... Ôi trời, bộ chú mới trên... cung trăng xuống sao? Thời buổi này, ai còn xài ba thứ đồ bảo tàng kiếp trước? “Cơ giới hoá” mà. Cắm điện vào, ấn nút vài phát; vậy là roẹt roẹt, roẹt roẹt... xong ngay. Tiện lợi hết biết!

Mà thật! Chú thợ chẳng nói điêu. Sau vài phút “roẹt roẹt, cái tổ quạ trên đầu tôi đã không cánh mà bay. Thêm vài phút cạo mặt, ngoáy tai nhoáng nhoàng; chú thợ dựng ghế, vẩy mạnh khăn, đường bệ hô to: Người kế! Ấy là tín hiệu... đuổi khách. Tôi bước xuống ghế mà nẫu cả ruột. Cứ tưởng ít ra cũng được nửa tiếng lim dim mà hưởng cái thú cắt, cạo, ngoáy quen thuộc lâu nay. Đằng này... Tôi lẩm bẩm rủa thằng cha thợ “cà chớn”; rủa luôn cả cái tông đơ “hại điện” kia. Tội lỗi là do nơi mày; không sai trật!

Chẳng phải riêng tôi bực mình với cái tông đơ đáng ghét; ông bạn tôi còn cực đoan hơn. Mỗi lần đi “hair cut” về, ông lại chưởi vung: Đồ mắc dịch! Cắt tóc ngày xưa là dịp... sung sướng. Gì thì gì, cũng được nửa tiếng tạm gác chuyện đời ô trọc, ngửa người lim dim nghe tiếng kéo, tiếng “tông” tanh tách, êm êm. Giờ thì... đừng có mơ! Cái giống trời đánh kia cứ roèn roẹt, xè xè như máy gạo bên tai. Nghe mà sốt cả ruột! Tợp một ngụm nước, ông dõi mắt nhìn ra xa. Hình như ông đang cố kiếm một điều gì. Điều ấy - xem ra - không thuộc về thế giới của cái “giống trời đánh” mà ông vừa nghiến răng nghiến lợi lôi ra chưởi. Nó ở xa hơn. Xa như... chiều dài tâm tưởng; như các giấc mơ thỉnh thoảng vẫn vụt ra từ tiềm thức của mỗi kiếp người! Kiếm chán, bạn tôi thở ra, lẩm bẩm - như độc thoại với chính mình: Giá mà có một ông hớt tóc dạo...

Ừ nhỉ; tôi cũng nghĩ: giá mà có một ông hớt tóc dạo. Nhưng... Biết tìm đâu ra ông hớt tóc dạo? Chuyện ấy cũng xa vời như chuyện con người thời đại công nghiệp lại cứ mong chứng kiến cảnh... một ông nghè bằng thịt bằng xương đang bái tổ vinh qui! Ông nghè đã đi vào cổ tích. Ông hớt tóc dạo cũng đã từ lâu đi vào cổ tích. Cổ tích dễ thương; nhưng cổ tích không là thực tại (mà - biết đâu - nó dễ thương bởi nó không là thực tại?). Con người phải chấp nhận thực tại. Thực tại là chiếc tông đơ điện, là chú thợ trẻ thực dụng muốn “giải quyết” thật nhanh cho khách hàng để có nhiều tiền bỏ túi, là tấm biển “hair cut” kẻ sơn cẩn thận thay cho cái mẹt loằng ngoằng hai chữ “cúp tóc” viết vội bằng than. Thời gian không chờ đợi ai. Nó vun vút lao nhanh - chẳng đủ kiên gan với con người vốn dĩ trời sinh quá ư chậm lụt. Mới đó, tôi và bạn tôi đã thành người lớp cũ.Chẳng trách, mỗi lần gặp nhau cứ khoái tâm tình lỉ kỉ, chuyện hồi xưa... Khi con người cứ thích chuyện xưa thì rõ ràng con người đã bắt đầu xưa. Hèn chi chú thợ hớt tóc chẳng nhìn tôi như... người tiền sử! Chuyện bạn tôi ước mong người hớt tóc dạo làm tôi chợt nhớ đến một chuyện cũ (lại chuyện cũ!). Câu chuyện cũ này có liên quan tới cha tôi. Ngày còn sống, hầu như cha tôi chẳng bầu bạn với ai. Nói “hầu như không” nghĩa là chưa phải “tuyệt đối không”. Chính xác, cha tôi có quen một người. Bảo là bạn cũng được; là khách cũng được; mà bảo... người làm thuê cũng không sai trật! Cha tôi vốn thuộc “tuýp” người lập dị, khó tính. Ông sống lặng thầm, cô độc - không muốn gần ai mà cũng chẳng ai muốn gần. Ấy vậy nhưng, cái người - tạm cho là bạn - kia lại khiến ông quan tâm; lâu lâu không thấy ghé là nhắc. Còn người ấy? Hình như tính khí thất thường của cha tôi ông có biết; nhưng chẳng thèm để ý. Mười bữa nửa tháng, ông lại tồng tộc cái xe đạp trành lao bổ vào sân, cười ngoác đến mang tai. Người ấy là một ông thợ hớt tóc dạo - một mẫu người xa lạ với hiện tại nhưng vô cùng thân thuộc với ngày xưa. Đúng kiểu người bạn tôi vừa ước...


Ông thợ hớt ấy vào trạc tuổi cha - nghĩa là cũng thuộc hàng đại diện tiêu biểu cho những con người lớp cũ. Nom ông cao gầy, trắng trẻo; cái màu da hiếm thấy ở những người làm nghề lang bạt - dang nắng chạy rong từ sáng đến chiều! Chẳng hiểu sao ông chọn nghề này. Bộ dạng ông - nếu đóng áo khăn, kèm thêm cây thước bảng và vài cuốn tập học trò - hẳn sẽ là một ông giáo làng đích thị! Trưa tháng 5, đất trời đổ lửa, ông thợ ghé nhà xin nước uống (tiện thể hỏi thăm nhà xem ai có... nhu cầu!). Cha tôi vốn chẳng ưa gì đám hàng dạo, hàng rong. Biết có người vào, nhưng ông vẫn tỉnh bơ nằm đưa võng, ngâm nga:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu...

Chưa dứt lời, ông đã nghe tiếng người ngâm nối; giọng ngâm bi hùng, sang sáng âm vang:

... Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt!

Cha tôi sững người! Cái võng đang đung đưa lập tức thắng gấp. Ông ngồi dậy. Ông nhìn chằm chằm vị khách không mời mà đến. Rồi - không nói năng, ông lẳng lặng vào nhà, bê ra hai chiếc ghế. Gốc mận trước sân lập tức biến thành... “trung tâm hair cut” cho bầy nhóc. Cả cha tôi cũng hớt; mặc dù - nếu tôi nhớ không lầm - ông vừa mới hớt tóc cách đâu chỉ mươi ngày...

Ông thợ hớt ấy cũng thật lạ kì. Cha tôi đã ít lời; ông còn ít lời hơn. Sau “cái thuở ban đầu” đáng ghi vào... biên niên sử ấy, cứ mươi bữa, nửa tháng hoặc một tháng ông lại ghé nhà. Có hớt ghé đã đành - mà không hớt cũng ghé. Vẻ như không phải ông ghé nhà tôi vì chuyện hớt tóc. Công bình mà nói, những lần ông ghé bất thường bao giờ cũng có một cái cớ. Nhưng - có trời mới biết những cái cớ ấy thật bao nhiêu phần trăm. Chỉ duy nhất một cái cớ mà ông không bao giờ dùng; ấy là... ghé thăm cha! Chẳng hiểu sao, ông cố tránh điều ấy. Mà không phải riêng ông; cha tôi cũng vậy. Mỗi lần ngong ngóng chờ ông thợ, cha tôi lại vò vò cái đầu cụt lủn, thốt bâng quơ: Đầu ngứa quá! Sao... không thấy lão thợ ghé lại cà???

Thường gốc mận trước sân, sau khi “tác nghiệp” xong, trở thành nơi đàm đạo của hai ông già. Một bình trà; hai cái cốc; bịch thuốc rê và... hết. Bàn ư? Thì một tấm gỗ mộc. Nó khiến cha tôi mất non buổi hè hụi đục, gõ, đóng đinh. Cái bàn ấy chỉ xuất hiện từ sau cuộc hội ngộ có một không hai kia. Vừa làm, cha tôi vừa lẩm bẩm - như muốn thanh minh: Trời nóng quá! Đóng bậy cái bàn bỏ ngồi hóng mát, ăn cơm... Mẹ tôi tủm tỉm cười. Vẻ bà như muốn nói: Biết rồi, khổ lắm... Bàn ấy đóng để làm gì mẹ tôi biết tỏng. Rõ ràng, ông khách kì dị kia làm cha vui. Cha vui thì mẹ cũng vui. Người mẹ phúc hậu, chân chất của tôi vốn chẳng sung sướng gì khi suốt ngày phải chứng kiến vẻ khó đăm đăm của một ông chồng lỡ vận thất thời; phải đem giấc mộng hải hồ nhốt sau bốn bức tường; quanh năm mang tâm trạng của kẻ sĩ thưa buồn, bất đắc chí!

Có điều lạ khiến tôi thắc mắc; tại sao cha không mời khách vào nhà? Nhà sẵn ghế sẵn bàn; lại đàng hoàng, trang trọng... Lạ hơn nữa, ông khách chẳng hề lấy làm buồn khi phải ngồi... gốc mận. Chính xác, hình như ông khoái trá khi được ngồi góc mận. Có lần, phải ngồi lâu lâu đợi gọi cha tôi từ hàng xóm, mẹ mở cửa, mời ông vào nhà. Ông nhất mực từ chối. Hỏi, ông bảo: ngoài này thơ hơn(?). Cái từ “thơ” cứ lặp đi, lặp lại trong những câu chuyện nhát gừng, không đầu không đũa giữa ông và cha tôi. Từ ấy nghĩa gì, chắc chỉ có hai người hiểu! (Nói thế thì hơi... tự ái cho tôi. Nhưng “Thơ” - theo cách hiểu của tôi - hoàn toàn khác. “Thơ” là... bài thơ; nghĩa là có chữ có câu, có vần có điệu. Còn bảo gốc mận thơ thì tôi thua đứt! Tôi đã khổ công đi hàng chục vòng quanh gốc mận xem có bài thơ nào được chép, khắc trên đó không. Uổng công! Xem ra, họ đang nói chuyện thơ gì khác kia, chứ thơ gì cái gốc mận? Chuyện gì dính dáng đến thơ  đều khiến họ đắc ý. Những lúc đắc ý, cha tôi như biến thành người khác. Ông nói vô tư. Ông cười sang sảng. Những nếp nhăn trên mặt, như có phép thần, tuần tự dãn ra! Còn ông khách? Ông đã “khác” ngay từ khi đong sập cái nắp thùng đồ nghề hớt tóc. Vẻ như nắp thùng chính là cánh cửa ngăn đôi thế giới của người thợ ngày ngày xuôi ngươc kiếm cơm với cái thế giới mà ông đang nhàn tản cùng với cha tôi. Và - cả với ông, cả với cha tôi - cái thế giới thứ hai kia mới cực kì quan trọng! Mỗi khi xong việc, ông đập nắp đánh “rầm” với một niềm khoái trá không cần dấu diếm. Nắp thùng đóng lại, phong thái ông lập tức thay đổi - trở nên đường bệ, ung dung. Có bữa, ông còn cao hứng ngâm nga:

Cực nhân gian chi phẩm giá - phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu - giang hồ khí cốt...

Cha tôi tán thưởng, vỗ đùi đánh “bách”. Còn tôi, tôi cứ tròn cả mắt ra mà thán phục cái ông thợ hớt tóc hình như không - phải - trời - sinh - để - hớt - tóc. Hớt tóc sao lại thuộc nhiều, nhớ lắm - cả tuồng tích, cả thơ ca tự cổ chí kim? Hiếm hói đôi bận, ông và cha cãi nhau. Cãi để mà có cãi; chứ mới bắt đầu đã thấy cha tôi... thua chắc! Không chỉ rành thơ ca, tuồng tích; chuyện lạ về ông còn nhiều hơn. Chẳng hạn như: tay ông không những biết cầm tông đơ mà còn “cầm” được cả đàn, cả sáo. Chẳng biết tìm đâu, có hôm ông mang đến nhà tôi cây sáo trúc; hôm khác lại chiếc đàn kìm. Nhìn ông thổi sáo, chơi đàn, hẳn sẽ không ai còn đủ can đảm nghĩ đến việc kêu ông... hớt tóc! Ấy vậy; nhưng khi dừng thơ ca đàn sáo, nắp thùng bật mở; ông lại lập tức biến thành ông thợ hớt siêng năng, nhẫn nại, hiền lành...

Sau này, tôi tấp tểnh rước nghiệp văn chương chắc có sự can dự của con người kì lạ ấy một phần. Ngày ấy, không riêng cha, cả tôi cũng ngong ngóng chờ ông. Vắng ông lâu, tự nhiên tôi cũng thấy đầu mình ngưa ngứa...

Cái tông đơ của ông thợ hớt cũ lắm. Nước mạ chỗ còn chỗ tróc; thành ra như chó vá - nơi trắng bóng, nơi lại đen xì xì! Ấy vậy, nhưng đừng tưởng ông coi thường. Bao giờ xong việc ông cũng cẩn thận lau chùi, dùng bàn chải răng đánh sạch đám tóc con còn mắc nơi ngàm, nơi tay cầm, lò xo, hang hốc. Như chưa tin hẳn, ông còn đưa lên nghiêng ngó, nhấp nhấp, kê miệng thổi phù vài hơi trước khi trân trọng đặt vào cái bao da sờn cũ. Thùng dụng cụ của ông, tôi được phép sờ bất cứ thứ gì ngoại trừ... chiếc tông đơ! Thời ấy, tông đơ là hàng nhập từ Pháp; nghe đâu rất đắt. Gia sản của người thợ hớt - nếu không tính những thứ “phần mềm” râu ria như lược, kéo...; thì “phần cứng” sinh tử gói gọn chỉ gồm... con dao cạo (không phải thứ dao cạo “ngừa sida” hai trăm một lưỡi cạo rách cả mặt như bây giờ. Dao cạo “siêu hạng” của Đức, Pháp; có cán gập, lưỡi dài hàng 2 tấc; liếc bằng nịt da kêu xoèn xoẹt; cạo vào mát lạnh, êm ru!) và chiếc tông đơ. Nhưng dao cạo vẫn chưa đắt bằng tông đơ. Chiếc tông đơ là tài sản lớn, là “cần câu cơm” chủ lực, vật bất li thân; ông thợ quí nó hoàn toàn dễ hiểu. Cái khó hiểu ở đây chính là: thái độ quí hoá ấy hình như... vượt mức cho phép! Điều này, đặc biệt, không phù hợp với tính cách nhà - thông - thái - hớt - tóc - dạo của tôi. Bản năng trẻ con nhiều khi không thể lí giải tại sao; nhưng tôi cứ cảm thấy rằng: đã là ông thì không phải thế; mà đã là thế - tức thị không phải là ông! Cái người quí trọng quá mức chiếc tông đơ kia - tôi đoán chắc không phải là ông. Oái oăm thay, thực tại - đó vẫn là ông; và cái thực tại kia làm tôi cay đắng, khó chịu vô cùng...

Thực tình, cảm nhận trẻ con của tôi không hẳn sai. Mỗi lúc cầm chiếc tông đơ lên tay, người thợ ấy - tuy vẫn là ông; nhưng hình như không phải là ông. Ông đang biến thành người khác. Ông trở nên âm thầm, kín đáo. Đôi mắt buồn, u uẩn cứ nhìn mông nơi nào đó thật xa xăm. Cả khi đang hành nghề với chiếc tông đơ, điệu bộ ông cũng trang trọng khác thường. Ông hớt tóc mà như đang hành lễ. Một thứ lễ nghi không tốn điện thờ, không cần hương khói. Tiếng vọng âm thầm của lễ nghi ấy đang xuất phát từ Tâm, ánh lên từ mắt, hiển hiện từ từng bộ điệu, cử chỉ trang nghiêm. Tưởng chừng ông không nhìn thấy ai, không nghe thấy gì. Mà không phải chỉ không thấy, không nghe; hình như cả ông cũng không còn tồn tại trong thế giới thực tại! Những lúc ấy, tôi mon men lại gần thế nào cũng bị cha xua tay, trừng mắt. Cha tôn trọng những khoảnh khắc lạ lùng của con người lạ lùng ấy. Không bao giờ cha tò mò hỏi han, hay sờ mó chiếc tông đơ. Hình như cha kính nể luôn cả chiếc tông đơ - cái vật cũng bí ẩn, lạ lùng như lai lịch của người chủ nó! Không nói ra; nhưng giữa họ như có sự ngầm giao ước. Cha không hỏi - mà khách cũng không bao giờ hé răng về chuyện ấy. Chỉ duy nhất một lần vui vui, ông vuốt vuốt chiếc tông đơ, buột miệng với cha: Ngày nào chiếc “tông” này không còn nữa, tôi sẽ bỏ nghề.


Mấy năm sau, tình hình làm ăn của những người hớt tóc dạo ngày càng khó khăn. Quán hớt tóc mọc nườm nượp đầu làng, cuối xóm. Người ta đua nhau cạnh tranh - từ dao mới, “tông” mới - đến bảng hiệu, tranh ảnh, xà bông cạo mặt, nước hoa xịt đầu! Có anh chơi bạo, còn bỏ tiền tậu thêm cái máy đấm lưng, hầu các “Thượng Đế” thư giãn bằng môn tẩm quất sương sương - hay sang hơn thì “chơi” cái cassette, suốt ngày ỉ eo bên tai khách nhạc vàng nhạc tím. Người lớn rủ nhau ra quán. Khách hàng của đám hớt dạo họa chăng chỉ còn lũ trẻ con. Hớt cho trẻ con tiền chẳng được bao nhiêu. Thêm nỗi, chúng chẳng chịu ngồi yên. Chúng ngọ nguậy; chúng quay đầu; chúng khóc ré. Lơ mơ là chảy máu, đứt tai. Chỉ vì chiều khách; thực tình, chẳng anh thợ nào khoái hớt tóc cho trẻ con. Sôi cả ruột, bực cả mình!

Bóng những người hớt tóc dạo với tiếng rao “Tóc đê..ê...” vẳng qua làng ngày một thưa vắng. Cùng với tuổi thơ của tôi, họ cứ lùi dần, chìm dần vào quá khứ. Chỉ duy nhất ông thợ hớt của cha (và của tôi) là vẫn còn. Có điều - dạo này ông ghé thưa hơn; đôi khi vài ba tháng mới thấy ông lọc cọc chiếc xe chở đồ nghề vào sân. Chở để mà chở - xem ra ông chẳng còn tha thiết mấy với chuyện tóc tai. Bằng chứng, có hôm ông cũng say chuyện từ sáng đến chiều với cha, quên cả đi làm! Duy chỉ một điều, cái tông đơ thì ông vẫn quí như xưa. Cái “tông”, bây giờ, nếu đem bán giá “hàng lạc xon” chưa chắc đám thợ mới đã mua. Nhưng mỗi lần lôi ra cắt tóc cho cha hoặc cho tôi, vẻ ông vẫn trang trọng, tôn nghiêm như đang cầm một linh vật trên tay; không phải là chiếc “tông” xọc xạch, cũ mèm...

Cha tôi mất.

Tôi đi học xa; bận rộn giữa kì thi vào ngày cha tôi mất. Nhà không dám báo tin; sợ tôi bỏ học hành, thi cử giữa chừng. Lúc về, cha đã mả mồ yên. Việc tuần tự cùng nỗi đau tang tóc làm tôi quên khuấy; không hỏi han gì đến người bạn kì lạ của cha. Nhưng đến một chiều, khi đang đăm đăm nhìn bàn thờ cha nghi ngút khói hương, mẹ tôi chợt “à” lên như có điều gì sực nhớ. Bà lập cập vào buồng, mang ra cái gói. Gì vậy Mẹ? Mẹ không biết. Của người ta gửi... Gửi cho ai? Cho con. Ai gửi? Thì ông thợ hớt... Tôi suýt nhảy dựng. Ông thợ hớt? Ông ấy đến đây lúc nào? Sau khi cha con mất. Độ 5 hôm... Ông ấy có nói gì không? Không! Ông ấy chỉ lẳng lặng vào nhà, thắp hương, vái 3 vái, dặn đưa cái gói cho con rồi đi ngay. Hình như ông sắp đi xa... Đi xa? Đi đâu? Điều ấy chắc chỉ có con người bí ẩn kia mới biết! Tôi run run mở gói. Trong lớp giấy, trong lớp vải, trong chiếc bao da sờn rách, cũ mèm là... cái tông đơ! Lần đầu tiên tôi được cầm cái tông đơ ấy trên tay. Kì lạ; cái tông đơ ấm nóng như vừa có người cầm xong. Tưởng như chủ nhân vừa tự tay trao nó cho tôi; và ông đang ở đâu đó - rất gần...

... Tôi thảng thốt nhìn quanh. Dường như tôi nghe đâu đây có tiếng người sang sảng đọc thơ. Tôi còn nghe cả tiếng sáo, tiếng đàn kìm... Bất giác, hai tay tôi nâng chiếc tông đơ, kính cẩn tiến vào, đặt lên bàn thờ cha. Ngước nhìn tấm ảnh bán thân của cha trong ánh chiều chạng vạng, lung linh, tôi thấy - điều này bạn có tin không - cha tôi trong ảnh đang cười...

Tháng 7/2004
Y.N
(189/11-04)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng